Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Chuẩn bị kịch bản tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ phòng, chống dịch nCoV

Thứ Năm 06/02/2020 | 00:58 GMT+7

VHO- Ngày 5.2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1.2020. 

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, dù thế giới công bố dịch nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên, chưa có tiền lệ, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công bố dịch sau khi có thông báo về tình trạng khẩn cấp toàn cầu về dịch bệnh của Tổ chức Y tế thế giới và sau khi Việt Nam có 3 địa phương có trường hợp nhiễm nCoV.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao các Bộ, ngành, địa phương trong thời gian ngắn đã chủ động, tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn dịch nCoV. Nhiều biện pháp đang áp dụng hiện nay mạnh hơn phòng, chống dịch SARS năm 2003, thậm chí cao hơn so với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị. Tinh thần là chúng ta chấp nhận thiệt thòi một phần lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng và cuộc sống bình yên của nhân dân.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp báo

Việt Nam đã thực hiện quyết liệt các giải pháp đồng bộ trong phòng chống dịch. Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp có các văn bản chỉ đạo việc phòng chống dịch cả về vĩ mô, vi mô. Việc lây lan dịch theo đánh giá của Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ, Việt Nam là nước dễ lây lan nhất, vì có trên 1.400 km đường biên, nhiều lối mở, đường mòn, lao động Việt Nam ở Trung Quốc và lao động Trung Quốc ở Việt Nam, khách du lịch… Nếu chúng ta khinh suất sẽ lĩnh hậu quả khôn lường.

Hiện nay cả nước có 10 trường hợp nhiễm nCoV, trong đó đã có 3 trường hợp ra viện và không có trường hợp tử vong. Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh diễn biến dịch còn phức phạp, tác động mạnh mẽ đến tình hình KT-XH như đầu tư, du lịch, thương mại… Do đó, yêu cầu các địa phương không được chủ quan, lơ là, nhưng cũng không được giao động, hoang mang; quyết tâm không để dịch bệnh lây lan, phải coi việc phòng, chống dịch như "chống giặc". Công văn 79-CV/TW của Ban Bí thư yêu cầu cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để phòng, chống dịch. Các Bộ trưởng, Trưởng ngành nhận diện đúng các khó khăn, thách thức, dự báo các tình huống có thể xảy ra; đề xuất và kiến nghị các giải pháp vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế với mục tiêu phấn đấu hoàn thành toàn diện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2020.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chính phủ đã chuẩn bị kịch bản tăng trưởng trong giai đoạn phòng, chống dịch. Cụ thể, nếu dịch corona được khống chế trong quí I/2020, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,27% so với năm trước (thấp hơn 0,53 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra). Nếu dịch corona kéo dài sang quý II/2020 dẫn tới ước tính GDP năm 2020 là 6,09% (thấp hơn 0,71 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra). Như vậy, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2020 là thách thức rất lớn. Thủ tướng cũng chỉ đạo các địa phương phải có giải đáp để bù đắp những thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, việc chống dịch nCoV là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay nhưng tuyệt đối không được lơ là việc thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển KT-XH đã đề ra. Đồng thời, sau khi kiểm soát, dập dịch thành công phải tập trung để khôi phục sản xuất, bảo đảm cung cầu, giá cả hàng hóa, đời sống nhân dân và thực hiện linh hoạt các chính sách, giải pháp để kích thích sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Chính phủ tiếp tục khẳng định nhất quán tinh thần bàn tiến không bàn lùi, không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng mà phấn đấu ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm; mục tiêu trọng tâm là ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho phát triển bền vững. Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương phải điều hành, vận dụng linh hoạt các chính sách kinh tế vĩ mô để ứng phó kịp thời với những diễn biến bất lợi từ dịch nCoV. Đồng thời, phải kiểm soát chặt chẽ lạm phát theo kịch bản đã đề ra từ đầu năm; trong đó tập trung giảm giá thịt lợn về mức bình thường; xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, nâng giá; yêu cầu giảm giá xăng dầu theo giá thị trường; không tăng giá điện và các dịch vụ công trong thời gian tới.  Bên cạnh đó cần đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ…

P.V

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top