Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Chỉ cần chú Phấn gọi một tiếng...

Thứ Sáu 14/02/2020 | 11:55 GMT+7

VHO- “Mỗi khi xã cần huy động sức dân hoặc thanh niên ra đường làm các chiến dịch tình nguyện như dọn dẹp, phát quang cỏ, đào đắp đường, làm cầu,... thì chỉ cần chú Phấn gọi một tiếng, mọi người đều có mặt đông đủ, không cần xã phải ra văn bản hay giấy tờ để vận động bà con”, cán bộ trẻ Thạch Sóc Khum thông tin.

 Ông Lâm Văn Phấn tự hào với những bằng khen, danh hiệu được các cấp, ngành trao tặng

Xã Tham Đôn (huyện Mỹ Xuyên - Sóc Trăng) vẫn còn là địa phương nghèo nên trong suy nghĩ của chúng tôi, đây là một vùng quê heo hút, đường sá khúc khuỷu, khó đi. Và khi đặt chân tới đây trong chúng tôi không khỏi bất ngờ với những con đường nông thôn đẹp đến ngỡ ngàng… Tạm “không để ý” tới những cây hoa tím rực hai bên đường kia vì còn phải cậy nhờ chỉ đường tìm bác nông dân Lâm Văn Phấn, 62 tuổi, ngụ ở ấp Tắc Gồng.

Ông Phấn được người dân nơi đây biết đến không chỉ là gương nông dân sản xuất giỏi, mà còn là người uy tín trong cộng đồng, hết lòng vì công tác xã hội, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Trò chuyện trên cánh đồng

Người dẫn chúng tôi đến gặp ông Phấn là Thạch Sóc Khum, một cán bộ trẻ phụ trách công tác giao thông thủy lợi. Khi đến thì biết được ông Phấn không có ở nhà, ngay sau đó Sóc Khum quay ra nói, “em biết chú ấy đang ở đâu rồi, các anh chị đi theo em”. Cán bộ người Khmer còn rất trẻ dẫn chúng tôi len qua những đoạn đường đê với xung quanh là mênh mông ruộng lúa. Thật bất ngờ hơn khi hai bên đường đê dẫn vào cánh đồng cũng ngập đầy sắc hoa vì thế mà dù trời trưa nắng nhưng không hề có cảm giác mệt mỏi.

Đang còn mải miết ngắm khung cảnh làng quê thơ mộng thì Sóc Khum dừng xe ở một bãi đất rộng có mái che kiên cố và ghế ngồi. Nơi đây được đặt tên “Nhà mát”, xây dựng làm nơi trú mưa nắng, nghỉ trưa ăn uống cho nông dân đi làm đồng cũng như người đi đường nghỉ ngơi... Sóc Khum lên tiếng gọi to chú Phấn đang ngồi ngoài đồng cách đó hơn trăm mét, đang mần cỏ cho lúa và chăm những luống rẫy trồng rau.

Chú Lâm Văn Phấn cho biết, vợ chồng chú ra đồng từ lúc hừng sáng và thường làm tới trưa hoặc chiều về. Chú Phấn không xài điện thoại nhưng tìm chú không khó, bởi ai cũng biết nếu chú không có ở nhà thì ra đồng là gặp. Câu chuyện với chú Lâm Văn Phấn trên cánh đồng cùng với chúng tôi kéo dài từ trưa đến xế chiều. Trong bộ áo làm nông đã nâu sờn và vàng ố vì phèn, chú Phấn và vợ vừa làm việc vừa chia sẻ những câu chuyện chân chất, hóm hỉnh…

Chú Phấn cho biết từ nhỏ sinh ra và lớn lên tại xã Tham Đôn, chứng kiến sự khó khăn, vất vả của người dân nên bản thân luôn nỗ lực làm việc và hỗ trợ bà con xung quanh lao động sản xuất. Năm 1990, trong vai trò là Chủ tịch Hội Nông dân xã, chú luôn canh cánh trong lòng một nỗi niềm phải làm sao đưa xã phát triển, đời sống bà con khấm khá hơn trên chính mảnh đất này. “Tôi cho rằng để bà con cùng hưởng ứng thì trước hết bản thân mình phải làm gương, vừa làm cho mình khá giả vừa hỗ trợ người nghèo để họ có đời sống cải thiện hơn. Tôi đứng ra vận động đóng góp từ người thân trong gia đình và các nhà hảo tâm để thực hiện nhiều công trình ngay tại xã mình và những xã lân cận”, chú chia sẻ.

Thạch Sóc Khum cũng tiết lộ: “Lúc nãy các anh chị trầm trồ hỏi vì sao đường nông thôn ở xã đẹp như vậy, đó là nhờ công cán của chú Phấn hết. Chú tự tay mình phát hoang cỏ dại để trồng bông hoa hai bên đường, xây dựng cột cờ, cổng chào... Việc nào làm không kịp, không xuể thì tự bỏ tiền ra thuê nhân công làm, nhờ vậy mà các tuyến đường ở đây khang trang, người dân đi lại thuận tiện, tạo không khí lạc quan, hăng say lao động cho bà con. Chú Phấn còn vận động và góp tiền xây nhiều cây cầu nông thôn, làm hàng trăm mét đường, dựng “Nhà mát” là chỗ để nông dân trú mưa nắng, đặc biệt là tự đào 3 cái ao nuôi cá để người nào khó khăn thì mang chài đến bắt cá về ăn; trồng cây bạch đàn để người nghèo có thể đến lấy gỗ làm nhà. Hằng tháng chú phát gạo cho bà con nghèo, mua 3 chiếc xe đẩy để bà con ai cần thì đến mượn chở lúa, chở đồ mà không phải tốn tiền mướn chỗ khác…”.

 Con đường đê đẹp như bức tranh quê là thành quả của ông Lâm Văn Phấn

Còn là “chuyên gia” của hòa giải…

Kể lại nguyên do về những phần việc đã làm, ông Lâm Văn Phấn cho hay, năm 2013, do thấy nhu cầu bức xúc của người dân trong ấp khi đi ruộng, đi rẫy không có phương tiện qua lại, phải lội nước qua con kênh thuộc ấp Tắc Gồng và đã có trường hợp tai nạn đáng tiếc xảy ra nên ông đã vận động đóng góp xây được một cây cầu cột bê tông cốt thép. Năm 2015 ông tiếp tục vận động gia đình và người dân trong ấp đóng góp xây dựng được thêm 2 cây cầu và 1 lộ giao thông nông thôn với tổng trị giá 90 triệu đồng. Từ đó đến nay, ông đã vận động để bê tông được 4 con đường và 5 cây cầu trong xã với tổng trị giá hàng trăm triệu đồng.

Trước đó, ông còn vận động kinh phí và ngày công lao động láng xi măng trước sân nhà văn hoá ấp. Từ chục năm nay, hằng tháng ông phát 370 kg gạo cho 26 hộ nghèo, bị khuyết tật, phát lúa cho bà con nghèo ở 6 ấp Cần Giờ 2, Vũng Đùng, Tắc Gồng, Trà Bết, Sô La 1 và Trà Mẹt. “Tôi nghĩ mình có điều kiện thì hỗ trợ người khó khăn, đó là việc nên làm, để cho bà con có điều kiện phát triển hơn”, ông Phấn chia sẻ và phấn khởi cho biết hiện gia đình ông có được 5 công rẫy (5.000m2) và 20 công đất ruộng, tự tay vợ chồng ông lao động để có chút ít của cải tích lũy và hỗ trợ cho bà con.

Chỉ tay hướng về những chiếc cầu kiên cố bắt ngang những kênh ruộng, ánh mắt ông tươi vui và cho biết cảm thấy an tâm vì giờ đây người dân đi làm đồng, trẻ con đến trường đã thuận lợi hơn rất nhiều. Người dân ở xã cho biết, ở tuổi này nhưng ông không nề hà việc khó, từ đào mương, đắp đường đến mần cỏ. Bản tính nông dân hay lam hay làm đã quen và cũng nhờ đó mà thanh niên trong vùng noi gương ông không ai dám trễ nải hay cờ bạc, rượu chè. Trong xã, ai có khó khăn gì cũng đến nhờ ông hỗ trợ, từ chuyện con cái học hành, đau bệnh, thiếu ăn, nếu bản thân không có khả năng giúp thì ông vận động bạn bè, người thân. Ông Phấn còn là “chuyên gia” hòa giải nhiều vụ tranh chấp trong xã, khuyên nhủ và giúp đỡ nhiều trường hợp học sinh bỏ học tiếp tục đến trường…

Câu chuyện giữa chúng tôi với ông Lâm Văn Phấn cứ kéo dài mãi tới lúc xế chiều. Chia tay ông, chúng tôi ai nấy đều thấy hân hoan, cảm mến người nông dân Khmer chân chất, luôn nỗ lực lao động và hết lòng chăm lo cho người dân, làm cho địa phương ngày càng tươi đẹp. 

 THÙY TRANG - THÁI HÒA

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top