Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Độc đáo nón ngựa Phú Gia

Thứ Năm 20/02/2020 | 07:00 GMT+7

VHO- Làng nón ngựa Phú Gia, Cát Tường có tuổi đời hơn 300 năm. Nón ngựa Phú Gia được xem là “kiệt tác” của nón lá. Gọi lànón ngựa bởi chiếc nón cóđược sự dẻo dai, bền bỉ thích hợp dùng đội khi cưỡi ngựa. Nó biểu tượng cho sự mạnh mẽ, uy nghiêm của con nhà võ, gắn với những đội quân Tây Sơn thần tốc.

 Nghệ nhân Đỗ Văn Lan đang hoàn tất công đoạn cuối nón ngựa

 Nón ngựa là một trong năm sản phẩm đặc trưng làng nghề của Bình Định, được “sản xuất” ở xã Cát Tường, huyện Phù Cát. Là sản phẩm đặc trưng của văn hóa trang phục, có giá trị mỹ thuật cao, chiếc nón ngựa đang được người dân làng nghề Cát Tường từng bước nâng cao giá trị sản phẩm, trên cơ sở giảm bớt những sản phẩm làm thô, giữ vững sản phẩm truyền thống, đồng thời tăng cường quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Sản phẩm văn hóa miền đất võ

Chính những nghệ nhân làm nên nón ngựa Phú Gia cũng thấy hứng khởi trước vẻ đẹp của chiếc nón họ làm ra. Toàn xã hiện có khoảng 320 hộ với trên 700 lao động làm nón. Theo bà con làng nghề, vài năm gần đây nón ngựa tiêu thụ khá mạnh, nhưng phần lớn làm theo đơn đặt hàng, chủ yếu là nón lật, bởi chiếc nón ngựa truyền thống đòi hỏi làm rất công phu, giá thành cao, giá bán lên đến 400 - 500 ngàn đồng/chiếc. Còn chiếc nón lật thì làm đơn giản hơn nên giá chỉ từ 80 đến 150 ngàn đồng/chiếc; nón ngựa du lịch giá khoảng 40 - 50 ngàn đồng/chiếc. Thu nhập từ nghề này sau khi trừ chi phí khoảng 60 - 80 ngàn đồng/ người/ngày công.

Bà Trần Thị Kéo, một nghệ nhân làm nón ngựa ở thôn Phú Gia, xã Cát Tường kể: Tôi làm nghề này cùng với cha mẹ từ hồi 15 tuổi tới bây giờ, hiện nay tôi đã 82 tuổi và tiếp tục truyền nghề cho con cháu. Tuy thu nhập không đáng là bao, nhưng phải gìn giữ nghề truyền thống của cha ông để lại, khỏi mai một sau này”.

Thời xưa, nón ngựa chỉ dành riêng cho giới thượng lưu, quyền quý. Với những mẫu hoa văn như long, lân, quy, phụng, thể hiện quyền uy trong thời đại phong kiến. Những người có chức sắc khác nhau, các mẫu họa tiết sẽ được thêu khác nhau. Trông vào đó mà ta có thể biết được phẩm hàm của vịquan trong địa phương. Từ xã trưởng trở lên mới có chụp bằng đồng hay bạc chạm trổ theo phẩm trật, trên đỉnh là núm hình quả trám nhọn hoắt. Đặc biệt, giới phong lưu thường chuộng mẫu hoa văn như mai, lan, cúc, trúc vì nó là biểu tượng của sự thanh tao, đài các, thể hiện được sự luân chuyển của thời tiết bốn mùa. Cũng chính nhờ có những mẫu họa tiết này mà khi đội trên đầu, nón ngựa Phú Gia vừa có nét cao sang quý phái, vừa gợi sự trang nhã, mềm mại, trở thành nét đặc trưng không lẫn vào đâu được.

Bây giờ, nón ngựa trở thành một sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo bởi sự cầu kỳ, tỉ mẩn và tài hoa trong từng đường nét. Để có được một chiếc nón thành phẩm, người thợ phải dụng công nhiều ngày. Tuy mức thu nhập từ làm nón ngựa so với các ngành nghề khác chưa phải là cao, nhưng so với thu nhập từ sản xuất nông nghiệp thì là nguồn thu không nhỏ, bởi nghề này tạo việc làm cho lao động lúc nông nhàn, tận dụng được lao động phụ, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân làng nghề.

Nghệ nhân Đỗ Văn Lan ở thôn Phú Gia đã ngoài bảy mươi nhưng ông đã có đến 58 năm gắn bó với nghề làm nón ngựa. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống 4 đời làm nón, rồi bén duyên với nghề này từ thời niên thiếu. Hồi đó, thấy ông nội, cha mẹ ngày ngày cần mẫn bên những chiếc nón, ông cũng bắt đầu theo học làm. Nhờ đôi bàn tay khéo léo tài hoa cùng với niềm đam mê, ông đã nhanh chóng trở thành nghệ nhân xuất sắc trong nghề làm nón ngựa Phú Gia. Ông Lan, tâm sự: “Cụtôi làm tri phủ nên mới được đội chiếc nón ngựa. Cho tới nay đã 170 năm qua, gia đình tôi đã gìn giữ vật gia bảo này. Tôi là đời thứ 4, tiếp tục bảo quản, đồng thời phát triển và truyền nghề cho thế hệ con cháu”.

Tìm hiểu về làng nghề truyền thống, làng nón ngựa thôn Phú Gia mới thấy những nét đặc trưng của nghề này không chỉ dừng lại ở bề dày về thời gian mà vượt lên trên tất cả. Chiếc nón ngựa sản phẩm của làng còn gắn với nét văn hóa độc đáo một thời. Chỉ ở góc độ lý giải vì sao nón ngựa ở thôn Phú Gia có tên là nón ngựa, cũng đủ hấp dẫn khách du lịch gần xa. Theo các nghệ nhân, trước đây nón này chỉ dành riêng cho các “quan lại” đội, mà quan thường đi ngựa nên có tên gọi là nón ngựa.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nón ngựa ở thôn Phú Gia không chỉ để đội đầu mà trở thành hàng thủ công mỹ nghệ rất độc đáo và thú vị. Làm nón ngựa rất lắm công phu phải trải qua 3 công đoạn. Đó là làm mê sườn, đan sườn mê và chằm nón. Mỗi công đoạn có một thôn, một xóm làm riêng theo hình thức chuyên môn hóa. Còn thôn Phú Gia, Xuân Quang chủ yếu là mua sườn mê về làm ra nón thành phẩm.

Mê sườn được chẻ nhỏ ra như những cây tăm và chuốt nhẵn đều, tiếp đến là đan mê. Bước tiếp theo là đặt mê sườn lên khung nón và cuối cùng là đặt lá cọ lên trên mê sườn, tiến hành chằm nón. Song điều lưu ý, là bên trong nón được trang trí nhiều hoa văn rất đẹp mắt như: rồng phụng, bông hoa. Việc này chỉ có người lớn tuổi mới làm được.

Nét độc đáo của nón ngựa Phú Gia

Định hướng phát triển cho làng nghề

Thời gian gần đây, những du khách đến tham quan làng nghề rất mê chiếc nón ngựa, nhất là khi UBND tỉnh tổ chức các sự kiện quan trọng; nhiều du khách nước ngoài tìm đến tham quan và đặt mua sản phẩm.

Tuy thu nhập không bằng những ngành nghề khác, nhưng nghề làm nón ngựa đã giải quyết được lao động lúc nông nhàn và tạo việc làm cho nhiều thế hệ: già, trẻ, phụ nữ v.v… Song quan trọng nhất là duy trì và phát triển làng nghề truyền thống này trở thành làng văn hóa du lịch theo đúng nghĩa của nó, thì cần có sự quan tâm đầu tư về nhiều mặt của các cấp - các ngành.

Ở Cát Tường, doanh thu mỗi năm từ các làng nghề chiếm 44% tổng thu nhập của địa phương. Có nhiều hộ làm các nghề truyền thống đã xây dựng được nhà cửa khang trang, nhiều hộ nghèo đã vươn lên ổn định cuộc sống. Làng nghề ở Cát Tường đã góp phần rất lớn trong giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Nhờ phát triển làng nghề truyền thống, nhiều hộ gia đình có thêm thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo. Song do sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, nên các làng nghề ở Cát Tường chưa tạo được thương hiệu nên chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh một số thuận lợi, các làng nghề cũng còn nhiều hạn chế như: Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu vốn để đầu tư đổi mới thiết bị dẫn đến năng suất, chất lượng sản phẩm thấp, mẫu mã đơn điệu, giá thành lại cao, nên không đủ sức cạnh tranh. Thêm vào đó, quy trình sản xuất thiếu đồng bộ, chưa có sản phẩm mũi nhọn, thị trường tiêu thụ hạn hẹp; số lao động có tay nghề cao còn quá ít. Với tập quán sản xuất cũ nên hoạt động của làng nghề chủ yếu ở quy mô hộ gia đình và mặt bằng sản xuất chật hẹp.

Ông Nguyễn Kế Sinh, Phó chủ tịch UBND xã Cát Tường cho biết định hướng phát triển làng nghề: “Để phát triển các làng nghề truyền thống ở địa phương, trong đó có làng nón ngựa, chúng tôi đã lập nhiều dự án vay vốn ưu đãi của Nhà nước để giúp cho bà con có thêm nguồn vốn mở rộng quy mô sản xuất; bước đầu bà con rất phấn khởi và nhận thấy rằng việc đầu tư phát triển, khuyến khích xây dựng các làng nghề truyền thống là một việc làm đúng hướng”.

Mỗi làng nghề, mỗi vùng quê đều có một sản phẩm, thế mạnh đặc trưng, nhưng cùng hướng tới là phục vụ thị trường vào dịp Tết. Với mỗi làng nghề, việc sản xuất sôi động, tiêu thụ sản phẩm nhanh chính là góp phần mang đến một cái tết sung túc, đầm ấm cho những hộ sản xuất, góp phần nâng cao đời sống người dân, tạo niềm phấn khởi để họ chuẩn bị cho vụ sản xuất mới. Một năm mới lại đến, mỗi người dân làng nghề truyền thống Cát Tường đều hy vọng những điều tốt đẹp sẽ tới với mọi nhà. 

 THẾ HÀ

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top