Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

“Biến” bãi rác Phúc Tân thành không gian nghệ thuật

Thứ Sáu 21/02/2020 | 11:51 GMT+7

VHO- 16 tác phẩm sắp đặt đặc biệt được tạo nên từ nguyên vật liệu tái chế đã biến đoạn đường ven sông Hồng thuộc khu vực phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), vốn là nơi tập kết rác thải, phế liệu thành một không gian nghệ thuật đương đại bắt mắt, thú vị.

 Dự án nghệ thuật này không chỉ thay đổi bộ mặt khu dân cư mà thông qua mỗi tác phẩm, một luồng không khí mới đã được thổi vào cuộc sống cộng đồng, thay đổi nhận thức của người dân về môi trường và không gian sống.

Nghệ thuật “hô biến” không gian

Nơi thực hiện dự án chỉnh trang, nâng cấp, xây dựng các mô hình nghệ thuật được thực hiện ở con đường nhỏ tại phường Phúc Tân, từ lâu vốn là nơi tập kết rác thải, thường xuyên trong tình trạng ô nhiễm. Thực hiện những tác phẩm nghệ thuật tại đây là sự thử thách và kỳ công của một nhóm nghệ sĩ. Trước khi thực hiện tác phẩm, họ đã phải nghiên cứu kỹ lưỡng về từng chất liệu phù hợp với không gian ven sông, ảnh hưởng của sức gió, thời tiết nắng mưa thất thường... Bên cạnh các chất liệu có độ bền cao như sắt, thép, xi măng, các vật liệu tái chế được xử lý, sơn phủ để hạn chế bạc màu, bong tróc...

“Đề bài” biến khu bãi rác thành điểm đến nghệ thuật do UBND quận Hoàn Kiếm đặt ra đã được nhóm họa sĩ nhiều tâm huyết này giải đáp, với mục tiêu thay đổi hoàn toàn diện mạo và không gian sống cũ. Họ đã “phù phép” nơi tập kết rác thành con đường nghệ thuật, 16 mô hình sắp đặt đang dần hoàn thiện, với nhiều góc nhìn bắt mắt khiến chính những người dân nơi đây cũng không khỏi bất ngờ.

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, Giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam, thành viên Hội đồng giám tuyển của dự án chia sẻ, dự án nghệ thuật lần này không đơn thuần chỉ là vẽ những bức tranh lên tường như ở phố Phùng Hưng hay Phan Đình Phùng, mà qua việc thay đổi hoàn toàn diện mạo không gian sống, các nghệ sĩ hướng tới việc nâng cao nhận thức của cộng đồng trong vấn đề bảo vệ môi trường. Phần lớn nguyên liệu thực hiện các tác phẩm đều do các họa sĩ và người dân sinh sống xung quanh con đường thu gom.

Khởi động dự án từ một bức tường cũ bẩn, nhìn ra bãi sông là con đường rác ngập ngụa, bẩn thỉu, nhưng rồi bằng tâm huyết và tài năng, những trí tuệ sáng tạo đã nhanh chóng “hô biến” để không gian sống ở khu vực này được lột xác hoàn toàn.

Có nhiều điểm nổi bật trong 16 mô hình nghệ thuật ở đây. Khá ấn tượng là 4 chiếc thuyền buồm được nghệ sĩ Vũ Xuân Đông thực hiện từ hàng chục nghìn chiếc chai nhựa, lon nước, hộp dầu xe máy đã qua sử dụng. Nhìn từ xa, tác phẩm “Thuyền” của Vũ Xuân Đông như đang lượn sóng trên ngọn bức tường cũ với nhiều hình vẽ graffiti. Từ “Ký sự sông Tô” trong triển lãm cá nhân năm 2008 cho tới tác phẩm “Sông Tô” năm 2018, lần này nghệ sĩ Vũ Xuân Đông kể về sông Hồng, nối tiếp hành trình “nỗi niềm của những dòng sông bị bỏ quên”.

Cũng rất độc đáo là “Gánh hàng rong” của nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, với những hình phụ nữ mặc yếm, váy đụp, đội nón quai thao đang gánh hàng. Tác phẩm làm từ sắt phế thải và inox gương ánh vàng ánh bạc.

Từ những ô cửa tự phát do dân đục tường để đi qua cho thuận tiện, nghệ sĩ Trần Tuấn (Huế) đã tạo nên tác phẩm điêu khắc mềm mại ngay trên mảng tường cũ, mô tả một tấm rèm vén lên bằng một cái kẹp sắt.

Tác phẩm “Nhà nổi” của nghệ sĩ Đăng Ninh kể lại lịch sử nhà ven sông bằng những chiếc thùng gỗ. Hơn 20 thùng phi sắt sơn màu, khoét cửa sổ, tạo thành những chồng nhà nổi. Cùng với đó là tác phẩm chiếc thuyền dài 7 mét được ghép từ 5.000 mảnh gương, nặng 400kg của nghệ sĩ Cấn Văn Ân phản chiếu hình ảnh cầu Long Biên.

Tác phẩm “Những Thánh Gióng đương đại” của nghệ sĩ người Mỹ gốc Việt Nguyễn Ưu Đàm là tác phẩm sắp đặt miêu tả trận chiến cho một cuộc sống xanh, với hình ảnh mỗi người lái xe máy như một Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt, chiến đấu với kẻ thù là ống đựng chất thải như một con mãng xà. Tác phẩm sử dụng nhiều vật liệu tái chế, kết hợp sắt tấm tái chế cắt CNC sơn màu.

Có hai nghệ sĩ nước ngoài cũng tham gia dự án vì yêu Hà Nội là nhà thiết kế Tây Ban Nha Diego Cortiza và họa sĩ Australia George Burchett. Họ đóng góp tác phẩm được tạo nên từ nguyên liệu sắt phế thải với những tạo hình ngộ nghĩnh. Nhà thiết kế Diego Cortiza đã thu gom những chiếc bu gà ở chợ Long Biên (Hà Nội) để sơn màu, biến thành những chiếc lồng đèn soi chiếu hình ảnh con rồng và cầu Long Biên được ghép từ những mảnh gương vỡ trên tường.

Từ bãi rác thành điểm hẹn nghệ thuật

Tiếp theo dự án nghệ thuật công cộng trên phố Phùng Hưng, nhằm mang lại không gian văn hóa giải trí mới cho cộng đồng, dự án tại khu vực phường Phúc Tân là nỗ lực rất đáng ghi nhận của chính quyền địa phương và nhóm nghệ sĩ tình nguyện.

Khó có thể hình dung đoạn đường ngập ngụa rác thải bỗng chốc trở nên sạch sẽ, khang trang với nhiều công trình nghệ thuật. Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho biết, khoảng 2-3 tuần nữa dự án sẽ có buổi ra mắt chính thức. Xa hơn, đất bãi sông trước mặt sẽ được qui hoạch thành vườn hoa. Quận Hoàn Kiếm kỳ vọng không gian mở và nghệ thuật đương đại sẽ biến Phúc Tân thành một điểm đến của nghệ thuật.

Đại diện nhóm nghệ sĩ chia sẻ, khu vực này trước đây vẫn bị coi như mặt tối của thành phố. Quyết tâm thay đổi môi trường sống bằng nghệ thuật công cộng đã thôi thúc các nghệ sĩ thực hiện dự án. Nhóm tác giả hy vọng đây sẽ là một điểm nhấn tiếp theo của Hà Nội, có khả năng thu hút cộng đồng cũng như mang lại lợi ích về văn hoá, môi trường và du lịch. Minh chứng là ngay trong những ngày này, đã có rất nhiều người tìm đến đây để check in với những tấm hình độc đáo, lạ mắt.

Dự án lấy cảm hứng từ chính địa thế đặc trưng là nơi giao thoa của nhiều yếu tố văn hóa, lịch sử đất Thăng Long - Kẻ Chợ, từng tấp nập trên bến dưới thuyền, cửa ngõ giao thương một thời của chốn kinh kỳ, cũng từng là nơi chứng kiến những cơn lũ mỗi mùa nước lên, gắn liền với ký ức của nhiều thế hệ dân cư. Theo họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, trước khi thực hiện dự án, các nghệ sĩ đã họp cùng người dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ của họ để có cách thể hiện phù hợp. Điều đặc biệt là ý tưởng của các nghệ sĩ đã được nhân dân khu vực hưởng ứng và nhiệt tình hỗ trợ. Chứng kiến sự thay đổi của con đường, nhiều người đã có ý tưởng để duy trì, phát triển cảnh quan nghệ thuật. Không ít cư dân bày tỏ, không gian sống thay đổi, có tiềm năng thu hút du lịch nên tất cả sẽ cùng chung tay vì một môi trường sống đẹp đẽ, văn minh. Chắc chắn, người dân cũng sẽ không ai mang rác ra đây đổ nữa.

Những họa sĩ tham gia dự án cũng bày tỏ hy vọng, con đường nghệ thuật sau khi hoàn thiện sẽ đón nhận được nhiều tình cảm cũng như nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của nhân dân. Thông qua đó sẽ tạo đà để nhân rộng mô hình những dự án nghệ thuật có tác dụng chỉnh trang, cải tạo môi trường ở nhiều nơi khác. 

TÂM AN

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top