Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Tăng cường phòng chống, kiểm soát và không để bùng phát dịch cúm gia cầm

Thứ Sáu 21/02/2020 | 11:59 GMT+7

VHO- Với tổng số gia cầm trên địa bàn Hà Nội khoảng 33 triệu con, điều kiện thời tiết thay đổi thường xuyên cùng với nhu cầu tiêu thụ đầu năm lớn dẫn tới dịch bệnh cúm gia cầm xuất hiện. Cúm gia cầm H5N6 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh làm chết hàng loạt gia cầm ở nhiều loài khác nhau như gà, vịt, ngan, chim cút…

Chốt kiểm dịch cổng chợ Hà Vỹ không có người trực

  Từ đầu năm đến nay, cúm gia cầm đã xảy ra tại 5 tỉnh, thành trong cả nước: Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Trà Vinh với diễn biến phức tạp, buộc phải tiêu hủy gần 60.000 con, ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi, an toàn thực phẩm, sức khỏe cộng đồng…Để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, Bộ nông nghiệp phát triển nông thôn đề nghị các địa phương đang có dịch bệnh cũng như chưa có dịch hoặc có nguy cơ cao cần tập trung mọi nguồn lực, kết hợp nhiều biện pháp để kiểm soát, xử lý các ổ dịch cũng như áp dụng các phương pháp kỹ thuật chăn nuôi an toàn, vệ sinh sát trùng phòng bệnh… Trước tình hình đó, ngày 20.2, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành công văn số 553/UBND-KT về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm. Bên cạnh việc yêu cầu các địa phương cùng các ngành liên quan tổ chức ngăn chặn kịp thời, phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm trong địa bàn quản lý và đặc biệt là từ nước ngoài vào Việt Nam, việc tổ chức tiêm vắc xin cúm gia cầm phòng bệnh phải bảo đảm đạt tỷ lệ tối thiểu hơn 80% trên tổng số đàn gia cầm có nguy cơ và nằm trong nhóm đối tượng tiêm phòng, thường xuyên tổ chức tổng vệ sinh khử trùng tiêu độc môi trường tại các vùng nguy cơ cao để tiêu diệt các loại mầm bệnh. Cũng trong ngày 20.2, Phó chủ tịch thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã trực tiếp kiểm tra nơi phát sinh ổ dịch cúm A/H5N6 tại xã Phú Nghĩa huyện Chương Mỹ. Theo báo cáo của địa phương, ngay sau khi phát hiện ổ dịch, các cơ quan chức năng đã tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm bị nhiễm bệnh cũng như triển khai nhanh các biện pháp khác như tiêm phòng vắc xin, vệ sinh tiêu độc khử trùng trong toàn địa phương, đặc biệt ký cam kết yêu cầu các hộ chăn nuôi chấp hành nghiêm chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Ghi nhận những cố gắng, quyết liệt trong phòng chống dịch cúm gia cầm của địa phương trong thời gian qua để không có sự xuất hiện những ổ dịch mới trong xã cũng như trên đại bàn toàn huyện Chương Mỹ, phó chủ tịch thường trực Nguyễn Văn Sửu cũng yêu cầu huyện tiếp tục kết hợp công tác phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm với tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân, đặc biệt là các hộ chăn nuôi, buôn bán gia cầm thực hiện tốt các biện pháp do cơ quan chức năng hướng dẫn và chỉ đạo để từ đó phát triển chăn nuôi bền vững và có hiệu quả.

          Khung cảnh bên trong chợ Hà Vỹ

Nhằm ghi nhận rõ hơn nữa tình hình buôn bán, phòng chống dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội,  ngày 21.2 khi mặt trời còn chưa lên chúng tôi đã có mặt tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ tại xã Lê Lợi, huyện Thanh Trì- Hà Nội. Dọc đường từ quốc lộ 1 A cũ vào chợ chúng tôi bắt gặp hàng chục xe ô tô, xe máy vận chuyển gia cầm ra vào khu chợ, tuy nhiên ngoài việc vận chuyển gia cầm trên ô tô có sự kín đáo thì việc vận chuyển trên xe máy rất sơ sài, gia cầm chỉ nhốt trong các lồng sắt mà không có sự che chắn nào dẫn đến việc mùi hôi cũng như lông của các loại gia cầm lan tỏa và rơi vãi trong quá trình vận chuyển gây ảnh hưởng tới cảnh quan cũng như môi trường sống của người dân nơi đây. Trên diện tích khoảng 1,7ha với 162 gian ki ốt, chưa kể hàng chục hộ kinh doanh ngoài khoảng không thì đây được coi là chợ đầu mối gia cầm thuộc loại lớn nhất miền Bắc. Khi chúng tôi có mặt ở chợ, mọi việc mua bán vẫn diễn ra bình thường, giá cân hơi các loại gia cầm ở đây vẫn được duy trì theo mức bình thường so với trước khi có dịch bệnh tại một số địa phương. Chị Nguyễn Thị Thảo thường xuyên chở số lượng lớn gia cầm từ thị xã Sơn Tây về đây kinh doanh trong nhiều năm cho biết: “dịch gia cầm ở vùng nào không biết chứ tất cả gia cầm được buôn bán ở khu chợ này được đưa về từ những hộ kinh doanh uy tín, gia cầm đều khỏe mạnh và không chỉ bán cho các đầu mối, nhà hàng ở Hà Nội mà chúng tôi còn xuất cho các tiểu thương ở tận Bắc Ninh, Bắc Giang. Hiện nay giá vịt ở mức 27.000/kg, gà khoảng từ 75 đến 85.000/kg… và cũng chỉ giảm so với trước Tết nguyên đán từ 5-10.000đ/kg nhưng cũng phải công nhận lượng hàng bán ra thời điểm này có ít hơn so với cùng kỳ năm ngoái”. Nói về việc giảm số lượng gia cầm được giao dịch ở chợ, ông Nguyễn Văn T- thành viên ban quản lý chợ đánh giá theo cá nhân ông thì nguyên nhân không phải xuất phát từ dịch cúm gia cầm mà là do dịch virus Corona kéo dài dẫn đến các hoạt động lễ hội hạn chế tổ chức cũng như quy mô nhỏ hơn, việc người dân tránh tụ tập nơi đông người nên mức tiêu thụ của các quán ăn nhà hàng cũng giảm sút dẫn đến nhu cầu đầu vào không cao. Nói về việc tổ chức phòng chống dịch bệnh ở chợ, ông T cho biết bên cạnh việc thông tin tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh đến từng hộ kinh doanh, cơ quan thú y của địa phương cũng tổ chức túc trực ngay cổng chợ 24/24 ( theo thời gian hoạt động của chợ) để tổ chức phun thuốc phòng dịch cho gia cầm cũng như xe chở gia cầm trước khi vào trong khuôn viên chợ. Tuy nhiên theo tìm hiểu trực tiếp, trong khoảng thời gian chúng tôi có mặt ở chợ từ hơn 6h sáng đến 7.25’ ngay tại chốt kiểm dịch cổng chợ không có một nhân viên thú y nào túc trực để thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh như người của ban quản lý chợ nói mà chỉ có một anh bảo vệ ngồi thu tiền xe ra vào chợ. Hơn nữa, khu chợ là nơi tập trung đông người, việc cơ quan y tế đang khuyến cáo người dân sử dụng khẩu trang nơi công cộng cũng không được các tiểu thương nơi đây chú trọng chứ chưa nói đến việc virus cúm A H5N6 lây nhiễm từ gia cầm cho người qua dịch tiết ở mũi, miệng gia cầm hoặc mắt gia cầm bị bệnh xong không lây từ người qua người. Theo chuyên gia đầu ngành của Viện vệ sinh dịch tễ trung ương, chủng H5N6 được xem là loại cúm gia cầm có khả năng gây bệnh thấp tuy nhiên nó có thể gây tử vong khi lây sang người. Và ngoài những yếu tố lây bệnh nêu trên,virus  cúm A H5N6 có thể xâm nhập cơ thể con người qua đường ăn uống, như ăn phải gia cầm và các sản phẩm gia cầm bị bệnh trong quá trình chế biến, nấu nướng không chín, ăn tiết canh…

Mặc dù dịch cúm A/H5N6 đã có những biện pháp khắc chế, một số vùng dịch đã được ngăn chặn nhưng chúng ta không nên thế mà chủ quan, các địa phương vẫn cần tăng cường giám sát, điều tra phát hiện sớm các ổ dịch, các hộ chăn nuôi cần tiêm phòng chống dịch… Đối với các cá nhân có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi nặng mà có tiền sử tiếp xúc với gia cầm ốm chết thì cần lấy mẫu bệnh phẩm để làm các xét nghiệm và khi phát hiện người nhiễm cúm A/H5N6 cần báo ngay cho ngành y tế để phối hợp giám sát…

                                                               HOÀNG LƯƠNG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top