Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Bạn nghĩ gì về hạnh phúc?

Thứ Tư 18/03/2020 | 09:10 GMT+7

VHO- Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20.3 năm nay sẽ không được trọn vẹn theo đúng ý nghĩa của nó bởi nhiều quốc gia trên thế giới đang phải gồng mình chống chọi với đại dịch Covid-19. Trong suy nghĩ của mỗi người, hạnh phúc là phải thế này, phải thế kia… nhưng tại bối cảnh này, chúng ta có lẽ đều mong mỏi: Hạnh phúc là được sống trong môi trường không còn dịch bệnh quái ác. 

 

Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm nay, mỗi chúng ta cần đoàn kết, giữ sự an toàn và chia sẻ tấm lòng nhân ái để vượt qua cơn đại dịch Covid - 19. Trong ảnh: Những du khách nước ngoài bày tỏ hạnh phúc khi đã thực hiện xong việc cách ly theo quy định và chụp ảnh với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế vào chiều qua 17.3 để trở về nước Ảnh: SƠN THÙY

 Có lẽ chưa bao giờ như vào thởi điểm này, mọi người dân Việt Nam lại cùng có chung một mong ước và coi đó là niềm hạnh phúc thực sự, làm sao đất nước ta nói riêng, thế giới nói chung vượt qua được đại dịch. Chính vì vậy, từ những người làm công chức cho tới văn nghệ sĩ và cả những người đang ở diện cách ly đều cảm thấy hạnh phúc khi được chia sẻ, được đón nhận tình cảm của cộng đồng xã hội với một tinh thần “Chống dịch như chống giặc”. 
Ngày Quốc tế Hạnh phúc thật đặc biệt 
Chia sẻ với Văn Hóa, NSƯT Xuân Bắc, Phó giám đốc phụ trách Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết, khái niệm hạnh phúc đối với mỗi con người đều có cách nhìn nhận khác nhau, “nhưng với tôi hạnh phúc là được sẻ chia”. Theo NSƯT Xuân Bắc, Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm nay lại “đen đủi” khi mà cả Chính phủ và người dân Việt Nam đang vào cuộc quyết liệt để áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. “Bạn đang sống trong một quốc gia giàu có, bạn làm ăn phát đạt nhưng chưa chắc bạn có được cái cảm giác an toàn, hạnh phúc như nhiều người dân Việt lúc này. Vì sao ư, đơn giản là người dân chúng tôi đang được sống trong một đất nước yên bình. Khi đại dịch đang lan rộng trên nhiều quốc gia thì ở Việt Nam, Chính phủ và các Bộ, ngành cũng các cấp chính quyền vô cùng quan tâm, chung tay với người dân vào cuộc áp dụng các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh đầy hiệu quả”, NSƯT Xuân Bắc nhấn mạnh. 
Ở một góc nhìn khác, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái lại cho rằng, Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm nay vô cùng đặc biệt khi nhìn vào mặt tích cực hơn là từ đại dịch đang diễn biến nguy hiểm. PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái nhìn nhận, “mỗi người dân Việt Nam đều cảm thấy yên tâm, tự hào và hạnh phúc ở thời điểm này, bởi lẽ Chính phủ đã có một thái độ ứng xử bình tĩnh, đúng mực và nhanh chóng, và quan trọng hơn là đặt lợi ích sức khỏe của người dân lên hàng đầu. Chưa bao giờ người Việt lại có những khẩu hiệu và quan điểm hạnh phúc giản dị nhưng đầy tinh thần trách nhiệm như: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. Đang ở chỗ nào thì yên chỗ ấy”; “Hãy đứng yên khi Tổ quốc cần”. Theo tôi, hạnh phúc không hề xa vời mà tại thời điểm này thể hiện rất rõ chính ở sự đồng lòng giữa Chính phủ và người dân đối với đại dịch, khi những biện pháp ngăn chặn dịch bệnh của Chính phủ luôn được toàn dân đồng lòng ủng hộ thực hiện nghiêm túc như việc cho học sinh nghỉ học, đeo khẩu trang ở nơi đông người...”. 
Cũng theo nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái, vì dịch bệnh nên các thành viên trong các gia đình trở nên gắn bó với nhau hơn, gặp mặt nhau nhiều hơn. Thậm chí bây giờ có rất nhiều bữa cơm trưa, bữa cơm chiều có đầy đủ các thành viên. Những ông bố không còn lang thang ở các quán nhậu để về với vợ con, biết quan tâm hơn tới gia đình mình. Không ai muốn cho trẻ em nghỉ học nhưng ngay lập tức các bậc cha mẹ đã có những hình thức, hoạt động thay đổi để con cái mình thích nghi hơn với hoàn cảnh như việc cho con học online, học tiếng Anh tại nhà. Và đặc biệt là ý thức bảo vệ mình, bảo vệ môi trường, cộng đồng xã hội được từng thành viên trong gia đình đề cao hơn trước rất nhiều.   

 Người dân bị cách ly gọi sự trợ giúp, lập tức được lực lượng chức năng đáp ứng

Phát huy tinh thần tương thân, tương ái 
Trong những ngày qua, chính quyền phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng gặp khá nhiều khó khăn để ổn định tư tưởng cho người dân cũng như đảm bảo an toàn cho những người nước ngoài sinh sống trên địa bàn, nhất là vào thời điểm mà Hàn Quốc là một trong những quốc gia bùng phát dịch bệnh. Trước câu hỏi, “vào thời điểm này ông quan niệm thế nào là hạnh phúc”?, không chút suy nghĩ, Chủ tịch UBND phường Cầu Diễn Hồ Trọng Thắng tâm sự: “Hạnh phúc lớn nhất của tôi, người lãnh đạo của một chính quyền cấp cơ sở, chịu trách nhiệm chăm lo về mọi mặt của đời sống nhân dân của địa phương mình đó là làm sao đảm bảo cho người dân được an toàn. Ngày hạnh phúc năm nay thật không may lại diễn ra trong bối cảnh dịch Covid vì thế tôi nghĩ, “trong hoạn nạn mới hiểu lòng nhau”, cả cộng đồng cùng đồng thuận cùng với Chính phủ, chính quyền ra sức ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh vì một môi trường trong sạch. Hạnh phúc hơn nữa là mọi người đều được an toàn…”. 
Đọc những dòng chia sẻ một cư dân đang ở diện cách ly tại Chung cư C6, Mỹ Đình 1, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) sẽ cảm thấy rất rõ tình người và sự sẻ chia của chính quyền và cộng đồng xã hội vào lúc này. “Thưa đại gia đình C6! Tôi là F2. Tôi đang thực hiện cách ly tại nhà theo đúng quy định. Hiện nay, người đồng nghiệp mà tôi tiếp xúc là F1 đều cho kết quả âm tính với các xét nghiệm. Tôi xin thông báo đầy đủ thông tin chính xác, minh bạch như trên để toàn thể cư dân được biết và thông cảm cho tôi. Tôi đã nhận được sự chia sẻ và giúp đỡ nhiệt tình của cư dân cũng như sự giúp đỡ của các tổ chức, chính quyền địa phương. Tôi rất hạnh phúc!”. Thông tin về việc cách ly cũng được cư dân chia sẻ rất kỹ lưỡng từng ngày và điều mà người dân cảm thấy ấm lòng đó chính là sự quan tâm đầy ấm áp của chính quyền địa phương và cộng đồng. 
Quan niệm về hạnh phúc của mỗi người mỗi khác, mỗi thời kỳ, giai đoạn cũng khác nhau. Nhưng niềm hạnh phúc trong Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm nay của mỗi người dân Việt Nam đó là ai ai cũng cảm thấy hạnh phúc và tự hào khi được sống trong một đất nước yên bình và được Chính phủ quan tâm kịp thời về sức khỏe và sự an toàn cho mình, gia đình mình và toàn xã hội. Khi được hỏi một người dân đang phải cách ly theo quy định tại phố Trúc Bạch (Ba Đình) Hà Nội, một bác (xin được giấu tên) rằng, “vào thời điểm này suy nghĩ gì của bác về Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm nay?”, đầu dây bên kia, bác nói: “Tôi chỉ có một ước muốn là Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới đẩy lùi, ngăn chặn và chiến thắng dịch bệnh Covid-19. Hạnh phúc nữa là chúng ta cần phát huy truyền thống tương thân, tương ái, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau để chia sẻ khó khăn với Chính phủ nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn này. Trong những ngày bị cách ly, tôi thấy tình làng nghĩa xóm ngày càng được nhân lên…”.

 Năm nay thì không có bữa cơm này... 

Gia đình bác sĩ Tâm 

Gia đình tôi đều công tác trong ngành y. Công việc của một bác sĩ gắn liền với bệnh viện, người bệnh, với những ca trực khiến chúng tôi hiểu hơn ai hết sự quý giá của tình cảm gia đình. Rất ít khi gia đình tôi có bữa cơm đầy đủ các thành viên. Nhiều buổi tối, tôi trực bệnh viện, chồng cũng trực ở bệnh viện nơi anh ấy công tác. Con trai là bác sĩ làm việc cùng bệnh viện với mẹ nhưng cũng hiếm khi gặp nhau. Vì thế, hằng năm, vào ngày Quốc tế Hạnh phúc, dù bận rộn gia đình tôi cũng cố thu xếp để tổ chức một bữa liên hoan trong gia đình với mong muốn các thành viên trong gia đình gắn kết nhau hơn. Năm nay thì không có bữa cơm này vì cả ba người chúng tôi đều trong tư thế cùng các đồng nghiệp căng mình phòng chống dịch Covid-19. 
Ngoài công việc chuyên môn hằng ngày, chúng tôi còn tham gia tập huấn trong phân loại thu dung (phát hiện, phân loại bệnh nặng, nhẹ, nhận điều trị hay chuyển đi đúng tuyến theo chỉ định của Bộ Y tế), điều trị bệnh nhân nhiễm Covid -19, sẵn sàng tinh thần chi viện, hỗ trợ về chuyên môn, nhân lực, vật lực với các bệnh viện bạn khi cần. Công việc bận rộn, chúng tôi vẫn thường xuyên nhắn tin nhắc nhở người thân chú ý phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Tự chăm sóc sức khỏe bản thân và mọi người trong gia đình bằng việc tăng cường dinh dưỡng, ăn hoa quả tươi, hạn chế đi đến chỗ đông người. Chúng tôi đã có kế hoạch tổ chức lễ cưới cho con trai vào ngày 17.3 năm nay. Mọi việc đã chuẩn bị đâu vào đấy thì dịch Covid-19 bùng phát. Chúng tôi quyết định lùi lịch cưới của con trai cho đến khi hết dịch. Không dễ dàng để quyết định việc này khi mọi thứ đã chuẩn bị xong nhưng gia đình tôi cảm thấy thoải mái vì đã đã góp một chút công sức trong cuộc chiến chống dịch bệnh của toàn xã hội. 

(BS.TS TỐNG HIẾU TÂM, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương quân đội 108) 

 Hãy mang lại hạnh phúc cho mình và cho mọi người 


Tôi là một người bệnh đã từng chiến đấu cho bản thân mình. Nhưng giờ đây, tôi đang cùng với gia đình, với tòa nhà nơi mình sinh sống và toàn xã hội đấu tranh vì sự an toàn cho toàn bộ cộng đồng. Điều tôi muốn gửi gắm chính là mong muốn mọi người hãy giữ cho mình một cái đầu thật tỉnh táo. Hãy dùng lý trí để phân tích, tránh nghe theo những tin đồn nhảm trên mạng xã hội về dịch bệnh Covid-19. Khi ta định hướng được tư duy mới có thể có được những hành động cụ thể và mang lại hạnh phúc cho mình và mọi người. 

(PGS.TS NGUYỄN THỊ MINH THÁI) 

 Chúng tôi thân nhau hơn 


Đã gần hai tháng phòng chống dịch Covid-19 trôi qua, gia đình tôi có nhiều thay đổi trong nề nếp sinh hoạt. Các con tôi không đi học, cả hai cháu học online theo kế hoạch của nhà trường. Tôi và chồng vì thế cũng phải điều chỉnh các công việc để có thể hướng dẫn, giúp đỡ và giám sát các con nhiều hơn. Sau tuần đầu tiên, chúng tôi đã họp nhau lại để cùng thảo luận xem nếu nghỉ học kéo dài thì chúng tôi cần phải có những thay đổi gì, ưu tiên gì trong cuộc sống. Chúng tôi đã thống nhất với nhau: Rèn luyện nề nếp là quan trọng nhất để tăng cường sức khỏe và tự chủ bản thân. Hai con tôi đã lên một danh sách những việc phải cải thiện, chẳng hạn, với bố và mẹ: Không xem điện thoại trong bóng tối, không bỏ giờ tập thể dục, không ăn muộn; còn với các con là: Dậy đúng giờ, tập thể dục, vệ sinh nhà cửa,… 
Cả nhà đều đặn súc miệng nước muối ấm vào lúc ngủ dậy, ngủ dậy buổi trưa và trước khi đi ngủ buổi tối. Ngoài giờ học trực tuyến với giáo viên, tôi đề nghị các con dành 2 tiếng mỗi ngày cho bản thân, tập trung vào các việc: Đọc cuốn sách con yêu thích, tập hát, tập đàn những bài con thích, tập nấu món ăn con thích; 1 tiếng cho trách nhiệm bản thân: tập thể dục, viết theo chủ đề bằng tiếng Việt, ngoại ngữ; 1 tiếng trách nhiệm với gia đình: Dọn nhà, rửa bát, nấu cơm… Hạnh phúc trong những ngày đại dịch là như thế đó. 

(PGS.TS CHU CẨM THƠ) 

 Bạn có cảm giác an toàn, hạnh phúc như chúng tôi? 

Yêu cầu giúp đỡ của người dân đang bị cách ly luôn được các cơ quan chức năng thực hiện

B ạ n đang sống trong một quốc gia giàu có, bạn làm ăn phát đạt nhưng chưa chắc bạn có được cái cảm giác an toàn, hạnh phúc như nhiều người dân Việt lúc này. Vì sao ư, đơn giản là người dân chúng tôi đang được sống trong một đất nước yên bình. Khi đại dịch đang lan rộng trên nhiều quốc gia thì ở Việt Nam, Chính phủ và các Bộ, ngành cũng các cấp chính quyền vô cùng quan tâm chung tay với người dân vào cuộc áp dụng các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh đầy hiệu quả. 

(NSƯT XUÂN BẮC) 

 Hạnh phúc nhất là sống không có dịch bệnh 


Với tôi, Ngày Quốc tế Hạnh phúc là ngày để yêu thương và chia sẻ nên trong ngày này tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn để ở bên gia đình và các đồng đội. Thực ra không chỉ có Ngày quốc tế hạnh phúc, với mỗi cầu thủ như chúng tôi, sau những giây phút tập luyện, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn cùng các đồng đội trên sân, chúng tôi đều trở về nhà, chăm sóc cho gia đình, người thân, để mỗi ngày đều có thể trở thành Ngày hạnh phúc. 
Năm nay ngày này diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp nên tôi nghĩ mọi người hãy cùng nâng cao ý thức, chung tay góp sức cùng Đảng, Nhà nước phòng tránh và bảo vệ bản thân và gia đình khỏi dịch bệnh. Nếu ai xuất hiện các biểu hiện của bệnh thì nên thành thật khai báo để tránh lây lan, vì sức khỏe của bản thân và cộng đồng. Theo cá nhân tôi, hạnh phúc trong thời điểm này là được sống trong một môi trường trong lành, không có dịch bệnh và mọi người hãy chung tay góp sức để phòng, chống Covid-19. 

(Tuyển thủ quốc gia ĐỖ DUY MẠNH) 

NHÓM PHÓNG VIÊN - THÚY HIỀN 

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top