Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

“Bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam”

Thứ Hai 30/03/2020 | 08:30 GMT+7

VHO- Ngày 1.4 năm nay vừa đúng 20 năm nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn trở về với cát bụi, nhưng tên tuổi và những ca khúc của ông vẫn sống mãi trong lòng người mộ điệu. Cuộc đời của ông là những bản tình ca, để rồi sau khi ông ra đi, triệu triệu con tim Việt vẫn thổn thức mỗi khi nghe “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi”...

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh ra tại làng Minh Hương, huyện Hương Trà (Thừa Thiên Huế). Là một trong những nhạc sĩ lớn trong làng âm nhạc Việt Nam, những tác phẩm ông để lại cho đời ngoài giá trị về văn hóa thẩm mỹ, còn có giá trị định hướng tư tưởng, hướng con người tới chân, thiện, mỹ.

“Hãy yêu cuộc sống mình đang có”

Khác với những nhạc sĩ cùng thời, trước đó hoặc sau này, Trịnh Công Sơn có chất “lãng tử” đặc biệt, nói cách khác là chất “phiêu hiếm độc” mà ít ai có được. Đó là những ca khúc chất chứa niềm đau, là lời tự tình về những thăng trầm cuộc đời sau nhiều năm phiêu dạt, là những bay bổng hùng tráng như đoàn quân ra trận thời vệ quốc, và cả những day dứt thâm sâu vụn vỡ từ một trái tim chất chứa nhiều ẩn ức... Để rồi sau khi ông đi vào lòng đất mẹ, những ca khúc ấy vẫn lắng sâu trong lòng khán giả, dù ở nơi phồn hoa phố thị hay miền quê hẻo lánh nào đó.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã để lại một di sản âm nhạc đồ sộ với hơn 600 ca khúc, chủ yếu dòng nhạc nhẹ trữ tình lãng mạn. Có thể nói, hầu như những bài ca ông sáng tác đều xoáy sâu vào thân phận con người, thân phận một cuộc đời cụ thể, khiến ai nghe cũng tìm thấy bóng dáng của mình trong đó. Đó là những lời cất lên từ gan ruột, từ triết lý nhân sinh được chắt lọc trong tâm hồn nhạc sĩ. “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi/ Để một mai tôi vươn hình hài lớn dậy/ Ôi cát bụi tuyệt vời, mặt trời soi một kiếp rong chơi” (Cát bụi).

Có những bài ca với tiết tấu rộn ràng sôi động, như một lời hiệu triệu có sức lay động mạnh mẽ hàng triệu trái tim Việt, không phân biệt đẳng cấp, tôn giáo, nam nữ, giàu nghèo, hãy nắm tay nhau xây dựng đất nước phồn thịnh, hướng tới tương lai tươi sáng. Và ngay lúc này đây, khi dịch bệnh Covid-19 đang làm thế giới chao đảo, bài hát của ông vẫn còn nguyên tính thời sự, có thể kết nối được những con tim, khối óc trên mọi miền Tổ quốc và vượt xa hơn ra tận nước ngoài, để cùng chung tay góp sức đưa đất nước vượt qua khó khăn: “Rừng núi giang tay nối lại biển xa/ Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà/ Mặt đất bao la anh em ta về/ Gặp nhau mừng như bão táp, quay cuồng trời rộng/ Bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam”. (Nối vòng tay lớn)

Bằng tài năng âm nhạc, ông đã lôi cuốn cả cộng đồng thế giới xiết chặt tay vì quyền sống con người bằng những ca từ luôn nóng hổi và không bao giờ phôi pha theo dòng chảy thời gian. Đó thực sự là những ca khúc bất hủ đi cùng năm tháng.

Hai khoảng trời một tâm hồn đồng điệu

Sự nghiệp âm nhạc lẫy lừng của Trịnh Công Sơn là sự giao cảm giữa âm thanh và ngôn ngữ. Cuộn gói tất cả trong tâm hồn ông là thân phận của mỗi con người, mỗi cuộc đời với đầy ắp sự trải nghiệm. Ở góc cạnh riêng tư, ông có thể chạm đến ngõ ngách sâu nhất của trái tim đa cảm. “Nắng có hồng bằng đôi môi em/Mưa có buồn bằng đôi mắt em/Tóc em từng sợi nhỏ/Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh” (Như cánh vạc bay). Có những bài ca chỉ mới nghe đã muốn rưng rưng nước mắt: “Đêm chong đèn ngồi nhớ lại từng câu chuyện ngày xưa, mẹ về đứng dưới mưa/che từng căn hầm nhỏ/ngăn từng bước chân thù/mẹ là gió uốn quanh/ che đời con phiền muộn/mẹ chìm dưới gian nan” (Huyền thoại mẹ).

Người dân Thủ đô thầm cảm ơn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã sáng tác cho họ một bài “Hà Nội ca” cực kỳ tinh tế. Chỉ cần hát câu đầu tiên thôi ai cũng hiểu đó là kinh đô ngàn năm văn vật với mùa thu vàng lãng mạn, với con người lịch lãm kiêu sa, với những nét đẹp cổ kính, thâm trầm:“Hà Nội mùa thu/Cây cơm nguội vàng/ Cây bàng lá đỏ/Nằm kề bên nhau/ Phố xưa nhà cổ/Mái ngói thâm nâu…” (Nhớ mùa thu Hà Nội).

Ngoài viết nhạc, ông còn có hàng trăm bài thơ, trong đó có những bài còn đang viết dở trước khi rời cõi tạm. Có thể nói, ít ai làm thơ “độc lạ” với lối chữ gieo vần, thả chữ tự do, linh hoạt như ông. Trong bài thơ “Như cánh vạc bay” ông viết: “Gió sẽ mừng vì tóc em bay/Cho mây hờn ngủ quên trên vai/Vai em gầy guộc nhỏ/Như cánh vạc về chốn xa xôi”. Ông đã thổi nhạc vào những ca từ độc đáo ấy, để cho ra đời một bản tình ca nồng nàn, say đắm được nhiều người mến mộ.

Hơn 600 tác phẩm để lại cho đời, điều làm cho các thế hệ người Việt nhớ mãi về ông là “linh hồn” trong mỗi ca khúc. 

 Xuyên suốt trong hơn 600 ca khúc của Trịnh Công Sơn là thông điệp “nhân ái và hãy yêu cuộc sống mình đang có”. Những giai nhân đi qua cuộc đời ông đã trở thành huyền thoại trong lòng người mộ điệu, chính là chất xúc tác để cảm xúc của ông thăng hoa thành những bản tình ca hất hủ.

TRẦN MẠNH TUẤN

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top