Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Loạt phim khai thác góc nhìn khác về dịch bệnh giữa tâm bão corona

Thứ Tư 01/04/2020 | 13:13 GMT+7

VHO - Hàng loạt phim cũ từ nhiều năm trước ít được săn đón thì trong bối cảnh cả thế giới đang căng mình chiến đấu chống đại dịch Covid-19 những bộ phim này bỗng gây sốt trở lại. Các phim khai thác một góc nhìn khác về dịch bệnh giữa tâm bão corona. 

Flu (2013)
Nếu hình ảnh những siêu thị trống rỗng, người dân chen chúc tranh nhau tích trữ lương thực những ngày qua khiến bạn cảm thấy hoang mang thì khi xem Flu (Đại dịch cúm) cảm giác ấy sẽ bị đẩy lên tầm cao mới.

Cảnh trong Flu khiến chúng ta liên tưởng đến đại dịch Covid-19 hiện nay

Bộ phim của đạo diễn Kim Sung-su kể về thảm kịch bùng phát của một chủng H5N1 đột biến gây chết người chỉ trong vòng 36 giờ kể từ khi ủ bệnh. Đại dịch xảy ra, lãnh đạo thành phố ích kỷ tìm cách thoát thân bỏ lại gần nửa triệu người dân quận Budang của thành phố Seongnam rơi vào hỗn loạn.Từng thước phim tựa như một cơn ác mộng về bạo lực, tranh cướp và đám đông cuồng loạn tràn ngập các bệnh viện, siêu thị.

Kingdom (2019-2020)
Bộ phim của Hàn Quốc lấy bối cảnh về dịch bệnh zombie ở thời đại Joseon (1392-1910), Kingdom (Vương triều xác sống) là mang yếu tố kinh dị xen lẫn lịch sử. Phim không chỉ lột tả được sự hoảng loạn của dân chúng trước dịch bệnh mà còn cho thấy được sự phân biệt giàu nghèo, giai cấp sâu sắc ở thời đại phong kiến với những âm mưu tranh giành quyền lực, sự hèn mọn của những kẻ có tiền, có quyền khi đối mặt với cái chết và sự phân biệt giới tính thời bấy giờ.

12 Monkeys (1995)
Phim kể về một trận đại dịch bùng nổ vào năm 1996 được cho là do một đội quân mang tên 12 Monkeys gây nên và gần như tận diệt loài người. Năm 2035, các nhà khoa học chế tạo thành công cỗ máy thời gian. Họ chọn James Cole (Bruce Willis) làm người quay về quá khứ để tìm chủng virus ban đầu của trận đại dịch và đưa về tương lai nhằm chế tạo vaccine. Nhưng thời điểm mà Cole được đưa về lại là năm 1990. Từ đây, anh phải truy tìm những “con khỉ” sẽ đem tận thế đến loài người. Khác với bộ phim sinh ra trong năm 2000, 12 Monkeys là một bộ phim thuần tính khoa học viễn tưởng và tập trung vào giai đoạn trước khi dịch bệnh xảy đến. Phim là một hỗn hợp hoàn hảo giữa các yếu tố khoa học, ly kỳ, hành động, điều tra, diễn xuất chất lượng, bầu không khí báo trước sự tuyệt vọng, và một thông điệp mang tính nhân văn.

Contagion (2011)
Contagion (Bệnh truyền nhiễm) ra mắt năm 2011. Tuy không gây nhiều tiếng vang ở thời điểm đó nhưng cho đến thời điểm hiện tại thì bộ phim của đạo diễn Steven Soderbergh đang khiến không ít người giật mình vì những chi tiết giống đại dịch Covid-19 chuẩn xác một cách kỳ lạ.

Contagion theo chân các nhà khoa học phòng chống dịch bệnh. Ảnh: NY Times

Cốt truyện bắt đầu bằng việc một phụ nữ trở về Mỹ từ Trung Quốc, mang theo một loại virus gây chết người có tên hư cấu là MEV-1 mà không hề hay biết. Loại virus này được lây từ một con dơi sang lợn rồi sang người. Chỉ trong thời gian ngắn, virus lây lan. Nỗ lực của y bác sĩ, chuyên gia y tế để xác định và ngăn chặn căn bệnh này. Sự hoảng loạn, căng thẳng, mất trật tự xã hội khi đại dịch xuất hiện và việc giới khoa học đua nhau điều chế một loại vắcxin để ngăn chặn sự lây lan của nó, giống hệt như những gì mà thế giới đang trải qua hôm nay.

Quarantine (2008)
So với các bộ phim lấy chủ đề dịch bệnh thây ma vào đầu năm 2000, Quarantine khác biệt trong cách xây dựng. Bộ phim được làm hoàn toàn theo phong cách giả tài liệu với những cảnh quay từ ngôi thứ nhất.
Sự rung lắc của chúng kết hợp với nỗi sợ hiện hữu ngoài tầm mắt người xem làm bộ phim như được khoác một màu sắc kinh dị mới. Không phụ thuộc vào các pha hù dọa hay hình tượng khát máu của những người bị nhiễm bệnh, Quarantine làm người xem khiếp sợ bằng bầu không khí hiểm họa, cảm giác bị bỏ rơi, không gian tăm tối và những gì ẩn khuất sau màn hình máy quay hạn hẹp. Quarantine theo chân phóng viên Angela và người quay phim của cô Scott trong một phóng sự về cuộc sống của lính cứu hỏa. Nhưng trong một lần tác nghiệp, cả hai bị mắc kẹt trong một tòa nhà bị CDC (Cơ quan Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ) cách ly nghiêm ngặt. Bị bỏ rơi, lời cầu cứu không được ai đáp lại, không một thông tin nào được đưa ra, cả 2 giờ phải đương đầu với mối nguy hiểm lẩn khuất trong tòa nhà này.

Daybreakers (2009)
Không biến con người thành thây ma, không làm họ tử vong, thứ virus trong Daybreakers lại cho con người sự bất tử, sức mạnh phi thường, và các giác quan nhanh nhạy, với điều kiện họ phải uống máu thường xuyên. Con người, nguồn máu chính, lại ngày càng ít đi.
Daybreakers có mặt trong danh sách này vì nó đề cập đến một khía cạnh tối quan trọng khi một cơn đại dịch bùng phát. Đó là nhân tính. Daybreakers đưa ra hai luồng tư tưởng giữa hai phe là ma cà rồng và con người. Bộ phim mô tả một xã hội nơi virus đã thỏa ước mơ tối thượng của loài người, làm cho họ bất tử. Nhưng chính điều đó lại đem đến một thảm họa khác: nạn đói. Và tất cả những sự tuyệt vọng, những vấn đề về an sinh xã hội, cán cân ổn định lại một lần nửa bị đặt vào thế mong manh. Câu hỏi đặt ra là nhiêu đó có đủ làm con người từ bỏ tham vọng quyền lực và chấp nhận sự yếu ớt của chính mình?

The Cured (2017)
Quay lại với đại dịch thây ma quen thuộc, nhưng The Cured lại đề cập đến một khía cạnh được coi là mới mẻ của thể loại này. Chuyện gì sẽ xảy ra khi người nhiễm bệnh được chữa khỏi?

The Cured kể câu chuyện của người bệnh sau cơn đại dịch. Ảnh: LA Times

The Cured lấy mốc thời gian một năm sau khi virus Maze càn quét qua châu Âu, biến người nhiễm thành những thây ma khát máu. Lúc này, một loại thuốc đã được chế tạo có thể đảo ngược tác hại của virus, để những người nhiễm thành người trở lại. Nhưng ký ức về giai đoạn họ bị thây ma hóa thì vẫn còn đọng lại, khiến những người khỏi bệnh rơi vào trạng thái trầm cảm do không chịu được sự man rợ của họ trong quá khứ. Bộ phim tập trung vào hai nhân vật Senan và Conor đã được chữa khỏi bệnh và được phóng thích nhằm tái hòa nhập vào xã hội.

Corona (2020)

Mới đây, đạo diễn người Canada Mostafa Keshvari đã ra mắt một bộ phim kinh dị độc lập với tên Corona. Đây được quảng bá là bộ phim đầu tiên làm về đại dịch Covid-19.

Poster phim Corona

Đạo diễn cho biết ông muốn dùng virus corona như một biểu tượng để khám phá nỗi sợ và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. “Ý tưởng đến khi tôi đang trong thang máy đọc tin tức nói về việc các khách du lịch Trung Quốc bị tấn công, và tôi chợt nghĩ mình sẽ làm một bộ phim trong thang máy” đạo diễn Mostafa Keshvari chia sẻ với trang The Hollywood Reporter. Bộ phim bắt đầu với cảnh sáu người hàng xóm đang đứng trong thang máy thì một phụ nữ Trung Quốc bước vào. Khi thang máy bị hỏng, sáu người này lập tức nghi cho người mới tới và ngờ rằng cô bị nhiễm virus. “Virus không phân biệt kỳ thị, vậy tại sao chúng ta lại như vậy?”, đạo diễn nói. Ông cũng nhấn mạnh thông điệp giờ là lúc nhân loại phải đoàn kết với nhau để đánh bại dịch bệnh này.

THÙY TRANG (tổng hợp)

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top