Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỉ đồng: Vẫn xa tầm tay doanh nghiệp du lịch

Thứ Sáu 24/04/2020 | 11:25 GMT+7

VHO- Mặc dù các gói hỗ trợ tín dụng lãi suất thấp dành cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 đã được triển khai nhưng nhiều doanh nghiệp du lịch, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết rất khó tiếp cận vốn vay, phải tự tìm cách để duy trì, không bị phá sản.

Các doanh nghiệp vận chuyển du lịch đang chịu lỗ vì dịch Covid-19

Theo tính toán của Ủy ban quản lý vốn nhà nước, dự kiến cả năm 2020, nếu dịch bệnh kéo dài, giá dầu không phục hồi, doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty sẽ giảm khoảng 279.767 tỉ đồng so với kế hoạch.

Lấy đâu tài sản thế chấp

Trước tình hình đó, Uỷ ban quản lý vốn nhà nước đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sớm có hướng dẫn trình tự, thủ tục khơi thông nguồn vốn, để các tập đoàn, tổng công ty sớm tiếp cận được gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỉ đồng, thời hạn cho vay tối thiểu 3 năm, lãi suất 0% phục vụ nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thanh toán lương cho người lao động. Tuy nhiên, doanh nghiệp du lịch có đến 90% là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Đến nay theo phản ánh của các doanh nghiệp du lịch, khách sạn, vận chuyển du lịch, nhà hàng… việc tiếp cận gói hỗ trợ rất khó khăn. Doanh nghiệp không những không vay được vốn vì không có tài sản thế chấp và ngân hàng lo ngại về khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp du lịch còn lo sợ bị xếp vào nhóm nợ xấu, không vay được nữa. Hơn 2 tháng qua không có doanh thu hoặc doanh thu giảm mạnh và những tháng tới chưa biết thế nào nên chưa biết lấy tiền đâu trả lãi vay cũ.

Giám đốc một doanh nghiệp du lịch lâu năm ở Bình Định cho rằng, với tình trạng hiện nay, khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều nơi trên thế giới, du lịch chưa thể phục hồi ngay, vốn vay sẽ chỉ được rót để cứu các công ty, tập đoàn lớn chứ doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ khó vay vì không có tài sản thế chấp mà ngân hàng thì không thể mạo hiểm cho vay những doanh nghiệp “trắng tay” được. Thậm chí, doanh nghiệp vừa và nhỏ vay trước đó còn đang lo lắng về việc có thể bị ngân hàng thu nợ vì sợ doanh nghiệp phá sản. Từ đó sẽ dẫn đến tình trạng có nhiều gói hỗ trợ mà doanh nghiệp vẫn không thể tiếp cận được. Vì thế, cần đơn giản hóa các thủ tục, không yêu cầu thế chấp, cho vay tín chấp, giảm bớt các thủ tục, nguyên tắc trước khi có dịch thì doanh nghiệp mới có thể nhận được vốn của các gói hỗ trợ, vượt qua cơn đại dịch.

Giám đốc Công ty du lịch T.V (Thanh Hóa) V.V.B cho biết: “Công ty chúng tôi ngoài kinh doanh dịch vụ lữ hành còn đang đầu tư vào xây dựng cơ sở lưu trú du lịch ở Pù Luông (Thanh Hóa) nhưng mọi hoạt động kinh doanh và đầu tư đều đang tạm dừng, mấy tháng qua không có doanh thu, nhân viên nghỉ việc… Tôi đã hỏi các ngân hàng nhưng chưa có ngân hàng nào giải ngân nguồn vốn vay này. Nếu muốn vay, doanh nghiệp phải có 20 nhân sự trở lên, phải chứng minh hồ sơ thuế, bảo hiểm, quyết toán tài chính những năm trước, thể hiện doanh nghiệp đang lỗ; chỉ được vay để trả lương 1,8 triệu đồng/ người, trong 3 tháng không lãi suất… Trong lúc này doanh nghiệp du lịch rất muốn vay để trang trải các khoản chi thiết yếu, đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng sản phẩm, đào tạo… trước mắt là không bị phá sản, sau là chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi. Bây giờ cũng không biết hỏi ai để được vay nữa, ngân hàng nào cũng không biết. Nhiều bạn bè của tôi đang làm du lịch, khách sạn, nhà hàng ở Sầm Sơn (Thanh Hóa) cũng đã hỏi nhưng chưa ai vay được. Có doanh nghiệp trước đó thấy du lịch phát triển đầu tư nhiều, đang nợ cả chục tỉ đồng, giờ chỉ nộp lãi thôi đã không còn sức nữa rồi”, ông V.V.B nói.

Cho vay hỗ trợ phục hồi là yếu tố then chốt

Trước những vướng mắc, phát sinh của các doanh nghiệp, người dân trong việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến tới tất cả các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trên cả nước về tăng cường tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khắc phục khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và vướng mắc cần tháo gỡ. Để kịp thời có biện pháp xử lý, triển khai hiệu quả hơn trong việc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn, cho nền kinh tế, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng yêu cầu: Toàn bộ hệ thống các Tổ chức tín dụng (TCTD) cần nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm của ngành với nền kinh tế, triển khai mạnh mẽ các biện pháp cơ cấu lại nợ, cho vay mới, giảm lãi suất cho vay. Phải xác định việc hỗ trợ khách hàng vay vốn cũng là hỗ trợ cho chính các TCTD, giúp hệ thống TCTD hoạt động tốt hơn trong giai đoạn khó khăn. Hỗ trợ cho khách vay vốn có tác dụng đối với cả hệ thống ngân hàng lẫn khách hàng vay vốn, là trách nhiệm của từng TCTD đối với ngành Ngân hàng nói riêng và cả nền kinh tế nói chung.

Ngay sau cuộc họp này, các NHTM có vốn của nhà nước phải tổ chức quán triệt tới tất cả các chi nhánh các quy định về hỗ trợ khách hàng để tiếp tục đẩy nhanh tiến trình làm việc với khách hàng, xử lý tháo gỡ các vấn đề phát sinh trong thực tế. Các TCTD phải coi việc tập trung chỉ đạo triển khai Chỉ thị 01, Thông tư 01, Chỉ thị 02 của NHNN là công việc trọng tâm trong năm 2020 và Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các TCTD chịu trách nhiệm trước Ban lãnh đạo NHNN về việc triển khai thực hiện công việc trọng tâm này. Các TCTD thường xuyên báo cáo kết quả thực tế đạt được cho NHNN, tổng hợp số liệu, định kỳ báo cáo và cập nhật thường xuyên kết quả đạt được.

Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD phải tiếp tục tập trung chỉ đạo đơn giản hóa quy trình thủ tục nội bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng vay vốn nhưng không nới lỏng điều kiện tín dụng để đảm bảo chất lượng an toàn tín dụng, duy trì tính lành mạnh của hoạt động ngân hàng trong những năm tới. Kịp thời xử lý với các chi nhánh, các cán bộ thiếu trách nhiệm, gây khó khăn phiền hà, chậm chễ trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Đối với một số TCTD chưa ban hành văn bản hướng dẫn triển khai Thông tư 01 của NHNN phải kịp thời ban hành và triển khai thực hiện. Trong quá trình cơ cấu lại nợ, không chỉ khách hàng doanh nghiệp mà cả khách hàng cá nhân bị khó khăn trong thu nhập cũng cần phải được các NHTM xem xét cơ cấu lại nợ, cả nợ gốc và nợ lãi. 

 THÚY HÀ

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top