Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Đưa ca trù, cải lương vào trường học: Khơi dậy đam mê nghệ thuật dân tộc trong giới trẻ

Thứ Hai 28/09/2020 | 11:47 GMT+7

VHO- Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) vừa tổ chức chương trình văn hóa với chủ đề “Chữ Tâm sáng mãi lòng người” nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất của đại thi hào Nguyễn Du (1820-2020) với nhiều hoạt động ý nghĩa. Đây cũng là lần đầu tiên, Ca trù được đưa vào biểu diễn trong học đường tại TP.HCM, nhằm giới thiệu đến các em học sinh một loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc đã được UNESCO vinh danh.

 Thầy và trò Trường THPT Nguyễn Du thực hiện nghi thức dâng hương, dâng hoa tại bàn thờ và tượng Nguyễn Du trong khuôn viên nhà trường

Tự hào ngôi trường mang tên đại thi hào

Theo ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, chương trình kỷ niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du đã được thầy trò nhà trường cùng sự cố vấn của các chuyên gia lịch sử - văn hóa xây dựng kế hoạch kỹ lưỡng trong một thời gian dài, bởi đây là sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với ngôi trường được mang tên Nhà văn hóa lớn của dân tộc. “Tổ chức lễ kỷ niệm 200 năm ngày mất Nguyễn Du nhằm tri ân bậc tiền nhân, người đã để lại cho nhân loại nhiều tác phẩm văn học có giá trị cùng với tư tưởng nhân văn sâu sắc. Đồng thời đây còn là hoạt động nhằm hưởng ứng chủ đề Năm văn hóa của thành phố, cũng là chương trình được tổ chức trong những ngày đầu năm học mới, nhằm tạo cho học sinh không khí học tập phấn khởi, tích cực; giáo dục các em lòng tự hào dân tộc, tự hào về ngôi trường được mang tên của Đại thi hào và đặc biệt là giáo dục học sinh có ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát triển văn hóa nước nhà”, ông Huỳnh Thanh Phú bày tỏ.

Chương trình có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên và đông đảo các em học sinh, với hai phần lễ và hội. Theo đó, các em đã hóa thân thành nhân vật trong các tác phẩm của Nguyễn Du, tham gia biểu diễn, thực hành nghi thức, diễu hành trong trang phục áo dài truyền thống... Diễn giả Hồ Nhựt Quang, Chủ nhiệm CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn hóa Nam Bộ, trong vai trò điều hành phần nghi lễ và hướng dẫn thầy trò nhà trường thực hành nghi thức dâng hương, dâng hoa, dâng phẩm cúng, đọc tế văn... Theo ông Huỳnh Thanh Phú, cùng với việc thể hiện lòng tri ân đến bậc tiền nhân, nhà trường còn muốn tái hiện lại một cách đầy đủ nghi thức cúng tế này để thông qua đó truyền tải đến học sinh về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và một diễn trình nghi lễ cúng tế bài bản mà hiện nay thế hệ trẻ ít có dịp tiếp cận. Với chủ đề “Chữ Tâm sáng mãi lòng người”, các em học sinh đã được nghe diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang thuyết trình về ý nghĩa của chữ Tâm, chữ Tâm trong danh hiệu Tố Như và Thanh Hiên, chữ Tâm trong tác phẩm của Đại thi hào và giá trị chữ Tâm hôm nay,…

Ca trù, Hát ru, Cải lương tiếp cận với học sinh

Tại chương trình văn hóa lần này, Ca trù, Hát ru và Cải lương đã được đưa vào trình diễn trong không gian sân khấu học đường, với những tác phẩm của đại thi hào Nguyễn Du, trong đó đậm nét nhất là Truyện Kiều. Nhóm Ca trù do TS Sử học Nguyễn Nhã cùng các nghệ nhân biểu biễn thực sự đã mang đến những cảm nhận thú vị về một loại hình nghệ thuật đặc sắc đã được UNESCO vinh danh. Theo đó, trên sân khấu là hình ảnh của một chầu hát điển hình với ba thành viên: Nữ ca sĩ gọi là “đào” hay “ca nương”, vừa sử dụng kỹ thuật cột hơi và ngân rung để tạo ra thanh âm độc đáo theo lối hát thơ, vừa gõ bộ phách lấy nhịp; một “kép” nam đệm đàn đáy và một “quan viên” đánh trống chầu do chính TS Nguyễn Nhã thể hiện. Có thể nói đây là lần đầu tiên các em học sinh được thưởng thức một “bữa tiệc” Ca trù đặc sắc, đặc biệt là được biểu ngay tại trường học.

Cảm nhận về chương trình, TS Nguyễn Nhã cho biết, ông thật sự ấn tượng và cảm nhận đây là một chương trình có ý nghĩa, khi nhà trường đã xây dựng một buổi ngoại khóa về văn học và lịch sử được sân khấu hóa, lồng ghép vào lễ kỷ niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du. Hơn thế nữa, chương trình đã vượt khỏi quy mô một buổi học thông thường để trở thành một không gian văn hóa đặc sắc và có ý nghĩa với học sinh. “Thời gian qua, tôi thấy nhiều trường phổ thông đã quan tâm đưa văn hóa - nghệ thuật dân tộc vào học đường, đó là một tín hiệu rất đáng mừng. Bản thân tôi cùng các nghệ nhân cũng được mời đến thuyết trình và biểu diễn trong các trường học, nhưng chỉ mới dừng lại ở hát thơ, đây là lần đầu tiên chúng tôi giới thiệu đến các học sinh loại hình Ca trù, với mong muốn nâng cao nhận thức và sự quan tâm của công chúng đối với những nghệ thuật dân gian truyền thống đang có nguy cơ mai một, nhắc nhở thế hệ trẻ luôn nhớ về cội nguồn”, TS Nguyễn Nhã chia sẻ.

Để giúp học sinh hiểu thêm về loại hình Ca trù, diễn giả Hồ Nhựt Quang đã khái quát về ý nghĩa, lịch sử hình thành của Ca trù và các nhạc cụ của loại hình nghệ thuật độc đáo này. Cùng với Ca trù, học sinh được thưởng thức hát ru và trích đoạn cải lương các tác phẩm của Nguyễn Du. Ngoài ra, các em còn tham gia hội thi hóa trang các nhân vật trong Truyện Kiều; thi gameshow kiến thức “Rung chuông vàng” và tổ chức các trò chơi dân gian, gian hàng ẩm thực…

Chia sẻ về việc đưa nghệ thuật Ca trù vào trường học, ông Huỳnh Thanh Phú cho biết, đây là một loại hình nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam, nếu không lan tỏa thì sẽ nhanh chóng mai một, đặc biệt những nghệ nhân trong nghệ thuật Ca trù hiện nay hầu hết đã lớn tuổi cũng là thách thức lớn đối với công tác bảo tồn… “Chúng tôi hy vọng rằng loại hình nghệ thuật này sẽ tồn tại trong học đường để tuổi trẻ hôm nay ý thức bảo vệ và phát triển âm nhạc dân tộc. Không chỉ có Ca trù, thời gian qua chúng tôi đã đưa vào nhà trường nhiều loại hình âm nhạc dân tộc khác, đặc biệt là Đờn ca tài tử và Cải lương. Chúng tôi quan niệm rằng những loại hình đó phải được “bồi bổ” thường xuyên như một món ăn tinh thần, mà những người lớn chúng ta có trách nhiệm tổ chức thì các em mới có được sân chơi, có sự nhận thức và định hướng phát triển sau này”, ông Phú bày tỏ. 

THÙY TRANG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top