Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Nơi lưu giữ hồn quê xứ Quảng giữa lòng Sài Gòn

Thứ Tư 30/09/2020 | 09:00 GMT+7

VHO- Có một ngôi chợ tồn tại ở Sài Gòn gần 50 năm qua, được xem là quê hương thu nhỏ của những người con xứ Quảng, người dân sống ở khu Bảy Hiền – quận Tân Phú gọi đó là chợ Bà Hoa. Dân Sài Gòn đi chợ Bà Hoa để khám phá, còn dân Quảng tha hương đôi khi đến đây chỉ để hoài vọng về quê nhà. Hay đơn giản, chỉ để nghe tiếng Quảng thân thương mà thôi.

Cái tên chợ Bà Hoa

Vào thập niên 1960 của thế kỷ trước, cư dân từ các vùng Điện Bàn, Duy Xuyên của Quảng Nam hội tụ về vùng Bảy Hiền (nay thuộc quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh), đem theo nghề dệt truyền thống. Từ một chốn đất rộng người thưa, vùng Bảy Hiền bắt đầu đông đúc, nhộn nhịp, trở thành nơi cung cấp vải vóc chính cho thành phố. Như tìm được nơi lý tưởng để an cư lập nghiệp, nhiều gia đình xứ Quảng từ Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Ngãi… cũng đổ về đây để lập nghiệp, tạo thành một cộng đồng người Quảng lớn nhất Sài Gòn.

Trong số những người sinh sống ở khu Bảy Hiền, có một người phụ nữ tên Hoa, là người gốc Bắc di cư vào Nam từ năm 1954. Yêu nếp sống và ẩm thực xứ Quảng, bà Hoa đã mua miếng đất trũng rồi xây nên ngôi chợ, phân lô và cho mọi người thuê để buôn bán. Đến thập niên 70, chợ Bà Hoa đã trở thành một nơi chuyên kinh doanh các mặt hàng đặc sản chính gốc Quảng.

Mặt hàng mắm được ưa chuộng tại chợ Bà Hoa

Sau này, do quy hoạch thành phố, chợ được đổi tên thành chợ Phường 11. Thế nhưng, người dân nơi đây vẫn luôn nhắc đến cái tên thân thuộc và gần gũi đó là chợ Bà Hoa, để nhắc nhớ đến tên của người phụ nữ đầu tiên có công khai dựng nên khu chợ này.

 Xứ Quảng giữa lòng thành phố

Chợ không rộng, không sang, hàng hóa toàn món quê bình dân, mộc mạc nhưng lại có sức hút kỳ lạ, không chỉ níu chân những người con xứ Quảng. Hiện chợ có khoảng hơn 20 gian hàng chuyên bán các loại thực phẩm từ cục đường tán, khoai lang sợi sấy khô, lon kẹo mạch nha ngọt lịm, những bịch kẹo gương, kẹo đậu phộng hay các loại bánh như bánh tét, bánh tổ, bánh ú, bánh in, bánh nậm, bánh bèo, bánh nổ, bánh đậu xanh, bánh ú, bánh ít… đến những món ăn vốn gắn liền với ký ức của nhiều người miền Trung xa quê. Đi dọc hai bên chợ, thực khách luôn bị thu hút bởi cái mùi thơm béo đặc trưng tỏa ra từ các bếp lò của những người đang ngồi nướng bánh tráng. Cách đó là những quầy hàng bánh Thuẫn cũng được đổ vào khuôn nướng tại chỗ. Món bánh Thuẫn là một món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của người miền Trung nhưng hầu như không có chợ nào ở Sài Gòn bán nhiều loại bánh này như chợ Bà Hoa.

Món bánh Thuẫn được đổ trực tiếp tại chỗ, thơm lừng và vàng ươm màu trứng

Bánh tráng nướng, một món ăn mà không người con xứ Quảng nào không biết

Bất cứ chỗ nào cũng thấy hàng quán treo những bảng hiệu giới thiệu các đặc sản xứ Quảng. Từ những con cá nục bé xíu bằng hai ngón tay để hấp cuốn bánh tráng, cá khế ít xương mà hồi còn ở quê ai cũng thường được ăn, những xe xu xoa chứa đầy ký ức tuổi thơ của lũ trẻ, hay các loại mắm, ruốc một gia vị không thể thiếu trong những món ăn đậm vị của người miền Trung. Được tận mắt nhìn thấy những món ăn quen thuộc, người Quảng sẽ cảm thấy ấm lòng như đang đứng trên mảnh đất quê hương của chính mình.

Những xe xu xoa mang đầy ắp kỷ niệm của người con miền Trung

Anh Phi Hoàng (Quận 10) lần đầu đến chợ chia sẻ: “Mình là người gốc Quảng Nam, vào Sài Gòn cũng gần 10 năm rồi. Nên khi đến chợ Bà Hoa mình vô cùng thích thú vì ở đây không thiếu món ăn nào ở quê mình cả. Vui hơn nữa là được nghe tiếng Quảng thân thương.”

Lưu giữ hồn quê xứ Quảng

Người xứ Quảng đôi khi mặc cảm với giọng nói của mình vì bị người dân xứ khác nhạo lại, hoặc gặp khó khăn trong giao tiếp ứng xử, nhưng người Quảng ở chợ Bà Hoa thì lại rất tự hào với giọng nói của xứ mình. Đối với họ, cái giọng Quảng mộc mạc ấy là của ông bà, cha mẹ, là những bài hát ru bằng chất giọng quê kiểng đã theo họ từ ngày còn nằm nôi cho đến lúc phải tha hương lập nghiệp xứ người. “Khi khách miền khác đến đây mua hàng, chúng tôi sẽ nói chậm lại cho họ hiểu, chứ không sửa thành giọng Sài Gòn. Ở đây, chúng tôi nói tiếng Quảng với nhau quen rồi”, cô Tính bán hàng ở chợ chia sẻ.

Đa phần các tiểu thương ở đây đều đã gắn bó với chợ từ rất lâu

Không chỉ là những món ăn, chợ Bà Hoa cũng là nơi khắc họa rõ nét tính cách của người dân xứ Quảng nhất: cần cù, chịu khó nhưng cương trực, thẳng thắn, lại rất lạc quan, vui tính và trọng tình nghĩa, thật thà và chất phác dù sống trong cảnh cực khổ nhưng họ luôn tin vào tương lai của chính mình. Đó cũng là lý do ở đây người bán không bao giờ nói thách. Hàng nào dở họ sẽ nói dở, khách ưng thì mua, hàng nào ngon thì niềm nở giới thiệu với giá bán hợp lí, để khách không phải mặc cả qua lại. 

Tất cả những tính cách của người dân đất Quảng nói riêng và miền Trung nói chung đều xuất hiện ở chợ Bà Hoa. Không có gì thú vị bằng khi sống ở nơi thành thị náo nhiệt nhưng vẫn được hít thở và nhấm nháp một chút hương vị quê nhà, dù chỉ một chút thôi nhưng cũng làm ấm lòng những người con xa xứ.  Nơi đây như trở thành một phần văn hóa của người Quảng ở Sài Gòn, để dẫu bao đổi thay của thời cuộc, những bình dị mộc mạc nhất về một ngôi chợ miền quê vẫn còn đọng lại đâu đó. Xa xứ nhưng họ vẫn giữ hồn quê, mà thể hiện đậm đà nhất là ở giọng nói, là ẩm thực, là văn hóa ứng xử, là cách sống…

HỒNG HẠNH

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top