Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

“Thổi giá” tại bệnh viện công: Không chỉ riêng Bệnh viện Bạch Mai !

Thứ Sáu 02/10/2020 | 10:55 GMT+7

VHO- Cách đây 1 năm, bà Cao Thị G (huyện Lý Nhân, Hà Nam) được bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai chỉ định phẫu thuật bằng robot và bà đã vay mượn khắp nơi để đủ tiền cho ca phẫu thuật. Trớ trêu là đến nay nợ chưa trả hết, mà bác sĩ lại bảo phải mổ lần nữa...

 Bà Cao Thị G sống một mình trong căn nhà lụp xụp với số nợ lớn sau ca phẫu thuật robot rosa

Bà G cho biết, vào tháng 9.2019, khi vào nhập viện Bệnh viện Bạch Mai bác sĩ ở đây bảo phải nộp 90 triệu đồng để mổ robot chứ không mổ bằng tay được. Khi ra viện, kiểm đếm lại toàn bộ số tiền đóng là 140 triệu đồng.

“Tiền mất tật vẫn mang”

Ở tuổi 60, sống một mình trong căn nhà lụp xụp, không ai chăm sóc, hơn 100 triệu đồng là số tiền quá lớn với bà quả phụ Cao Thị G. Nhưng để giữ mạng sống cho mình, bà đã đi vay khắp nơi và vay cả ngân hàng. Rơm rớm nước mắt bà G chia sẻ: “Không bao giờ tôi nghĩ mình lại vay số tiền lớn như thế để chữa bệnh. Con gái đi lấy chồng cũng không giúp đỡ được, con rể vừa qua đời. Toàn bộ số tiền tôi phải đi vay mượn hết, chưa trả được”.

Tưởng chừng với số tiền lớn như thế căn bệnh u não hiểm nghèo của bà sẽ khỏi, nhưng không, hơn 1 năm qua vết mổ vẫn hành hạ bà, nước dịch vẫn chảy ra, bà phải lấy bông bịt lại. “Bệnh của tôi vẫn chưa khỏi, một bên mặt vẫn bị liệt, vết thương hở, bác sĩ bảo thời gian tới phải mổ lại”, bà G nói. May mắn hơn bà G, bà Mai Chị L ở huyện Vụ Bản (Nam Định) được những người con đi vay mượn, hỗ trợ cho ca mổ robot u não, toàn bộ chi phí hết 151 triệu. “Tôi ốm lâu rồi, không làm được gì, nhưng các con tôi không khá giả cũng đi vay mượn đủ tiền cho mẹ chữa bệnh”, bà L cho hay. Nhiều bệnh nhân mổ robot u não tại Bệnh viện Bạch Mai đã nghèo, còn mắc trọng bệnh, nhưng để tìm kiếm cơ hội sống sót cho mình, họ phải đi vay mượn nhiều nơi, và chấp nhận vay cả ngân hàng. Nhiều tháng nay, bà G không ăn không ngủ, không hẳn vì vết thương chưa lành, không hẳn vì số nợ chưa trả hết, mà bà lo lắng, không biết lấy đâu ra tiền để thực hiện ca mổ tiếp theo. “Điều mong mỏi nhất của tôi lúc này là mong cơ quan Nhà nước giúp tôi lấy lại được số tiền thừa, vì tôi đã đóng quá cao”, bà G lại sụt sùi khóc.

Không chỉ bà G, bà L và chắc chắn 500 bệnh nhân được mổ robot Rosa tại Bệnh viện Bạch Mai thời gian từ năm 2017-2019 cũng mong mỏi lấy lại được số tiền chênh lệch mà mình đã chi trả cao hơn giá trị thực gấp nhiều lần.Với việc nâng khống giá robot Rosa phẫu thuật u não mà một số cá nhân của Bệnh viện câu kết với công ty cung cấp dịch vụ BMS từ 7,4 tỉ đồng lên 39 tỉ đồng khiến giá dịch vụ tăng từ 4 triệu đồng lên tới 23 triệu đồng. Không phải đến bây giờ tình trạng “thổi giá” trong bệnh viện mới diễn ra. Từ năm 2017, những chiếc kim tiêm có giá 1.200 đồng/chiếc ở bệnh viện này nhưng ở viện khác đã lên tới 7.500 đồng/chiếc. Hay những chiếc monitor, giá nhập chỉ 5,3 triệu đồng, nhưng giá bệnh viện mua lên tới 114 triệu đồng, cao hơn đến 20 lần. Và ai phải chi trả cho những chênh lệch gấp nhiều lần này? Chẳng ai khác, đó chính là bệnh nhân.

Lạm dụng liên doanh, liên kết làm tăng chi phí khám chữa bệnh

Cơ chế tự chủ tại các cơ sở y tế công lập, đặc biệt là các bệnh viện được đánh giá là một chủ trương đúng đắn, góp phần làm thay đổi diện mạo và nâng cao chất lượng của nền y tế công lập. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế triển khai thực hiện tự chủ tại các bệnh viện đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.

Trả lời báo chí, bà Lê Thị Hồng Hạnh, Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành III cho rằng, kết quả kiểm toán tại một số bệnh viện chứng minh việc quản lý tài sản, trang thiết bị tại một số bệnh viện chưa thực sự tốt, đặc biệt là tình trạng xác định tỉ lệ phân chia lợi nhuận giữa bệnh viện và đối tác liên kết không đầy đủ cơ sở, chưa tính đủ chi phí thực tế phát sinh; giá dịch vụ y tế theo máy liên kết thu cao, thời gian thu hồi vốn nhanh đem lại lợi ích cho nhà đầu tư nhưng làm ảnh hưởng đến lợi ích của người bệnh. “Một số bệnh viện có nguồn lực nhưng chưa chủ động đầu tư trang thiết bị, “lạm dụng” liên doanh, liên kết làm tăng chi phí khám chữa bệnh; việc thanh toán của cơ quan BHXH cho các bệnh viện còn chậm, dẫn đến bị động trong cân đối thu chi, nhưng tại hầu hết các bệnh viện vẫn để xảy ra tình trạng áp dụng sai dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư, thanh toán chi phí dịch vụ không đúng quy định nên BHXH từ chối thanh toán…”, bà Hạnh chia sẻ.

Ông Phạm Văn Học, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cho rằng: “Việc nâng khống giá trang thiết bị, máy móc, không phải chỉ riêng Bệnh viện Bạch Mai mới có chuyện tăng giá robot Rosa từ 7,4 lên 39 tỉ đồng mà còn xảy ra tương tự ở nhiều bệnh viện. Quản lý xã hội hoá quá lỏng lẻo dẫn đến hệ lụy trên”. Cũng theo ông Học, xã hội hóa y tế như ở hệ thống bệnh viện nhà nước hiện nay là một mô hình mà thực chất trong đó hệ thống y tế tư nhân nằm ngay trong bệnh viện công. Bệnh viện công nhưng tư nhân đầu tư dưới hình thức liên danh liên kết, hoặc bệnh viện huy động vốn từ tư nhân, nhờ đó bệnh viện có máy móc thiết bị và đã để lại nhiều mặt trái và hậu quả xấu. “Để nhanh thu hồi vốn thì kéo theo lạm dụng chỉ định, chụp chiếu, xét nghiệm... Mức độ lạm dụng phụ thuộc vào cái tâm của bác sĩ và cách quản lý của từng giám đốc bệnh viện. Tuy nhiên, dù ở mức nào thì cuối cùng đều dẫn đến hậu quả giá dịch vụ tự nguyện cao, tăng thêm gánh nặng chi phí, lãng phí tiền bạc, tài sản của người bệnh và của xã hội…”, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hùng Vương nhấn mạnh.

Ông Học phân tích, hình thức xã hội hóa rất phổ biến hiện nay là bệnh viện liên kết với một hoặc một số công ty tư nhân đặt các loại máy chẩn đoán như chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ, xét nghiệm... với tỉ lệ góp vốn từ 50/50 hoặc 70/30, số tiền thu được cũng được ăn chia theo tỷ lệ như vậy. Số tiền thu được từ loại hình liên doanh này là rất lớn, nhưng công tác quản lý và sử dụng khoản tiền này thì mỗi bệnh viện áp dụng một kiểu khác nhau. Và điều đáng quan tâm nhất là hầu hết loại hình kinh doanh này đều nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan thuế, nằm ngoài kiểm soát của luật giá và cuối cùng ngân sách thì thất thu còn người bệnh là chịu ảnh hưởng lớn nhất.

NHÓM PV

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top