Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Hà Nội - Huế - Sài Gòn: “Dòng sinh mệnh dân tộc, nhìn từ các đô thị văn hiến”

Thứ Sáu 09/10/2020 | 10:41 GMT+7

VHO- Đó là chủ đề của Hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử và Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức ngày 8.10, đúng dịp kỷ niệm 60 năm lễ kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn (8.10.1960- 8.10.2020).

 Toàn cảnh hội thảo

 Không có Phú Xuân - Huế sẽ không có Đồng Nai - Gia Định - Sài Gòn thế kỷ 17-18. Nhưng nếu không có trục kết nối và ly tâm của Thăng Long từ thế kỷ 14-17 sẽ không có Phú Xuân- Huế thể kỷ 17-18. Mối quan hệ giữa ba trung tâm Hà Nội - Huế - Sài Gòn hình thành từ thời Trần đầu thế kỷ 14, xác lập vào thời chúa Nguyễn thế kỷ 17-18, và phát triển từ thế kỷ 19, khi Huế là Kinh đô của cả nước và trong quá trình đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng quê hương, đất nước trong hơn thế kỷ qua. Đó là dòng chảy xuyên suốt của lịch sử Hà Nội - Huế - Sài Gòn liên quan đến sinh mệnh dân tộc.

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc nhận xét về sứ mệnh lịch sử của ba đô thị văn hiến: Trong tiến trình lịch sử của Việt Nam, tính từ vương triều Lý cho đến vương triều Nguyễn, bên cạnh Thăng Long - Hà Nội, Huế và Sài Gòn đều là những trụ cột quyết định thành công trong mỗi chặng đường, mỗi giai đoạn mở cõi, định cõi, thống nhất đất nước, thống nhất quốc gia, dân tộc. Một trong những giá trị đặc trưng của ba đô thị Hà Nội, Huế, Sài Gòn là giá trị văn hiến. Chính yếu tố này đã kết nối bền chặt tình cảm và sứ mệnh nhân dân của ba địa phương.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung xoay quanh hai vấn đề chính: Cội nguồn lịch sử và quan hệ ba đô thị văn hiến Hà Nội - Huế - Sài Gòn trước và sau lễ kết nghĩa ngày 8.10.1960; Đề xuất các giải pháp hỗ trợ, hợp tác phát triển qua nghiên cứu các giá trị truyền thống và đặc điểm của ba đô thị văn hiến nói trên. PGS.TS Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cho rằng Sài Gòn (TP.HCM) là đô thị có thế mạnh về kinh tế, Hà Nội là trung tâm chính trị và Huế có thế mạnh là trung tâm văn hóa. Ba trung tâm, 3 địa phương cần nghiên cứu có những hợp tác để thúc đẩy phát triển lâu dài và bền vững trong tương lai. “Lãnh đạo ba địa phương cần quan tâm dành quỹ đất tương xứng để xây dựng Không gian Lịch sử-văn hóa Hà Nội - Huế - Sài Gòn, như là sự ghi nhận quá khứ kết nối bền chặt ba thành phố và tiếp tục bồi đắp cho tương lai”, PGS.TS Đỗ Bang góp ý. Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ghi nhận và bày tỏ cảm ơn các ý kiến tâm huyết của các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu lịch sử- văn hóa trong việc kết nối và thúc đẩy sự phát triển giữa ba địa phương.

Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng thông tin, đã cơ bản thống nhất với hai địa phương Hà Nội và TP.HCM về một số nội dung quan trọng sẽ diễn ra trong năm 2021. Cụ thể, Huế sẽ đăng cai tổ chức “Cuộc gặp gỡ Hà Nội - Huế - Sài Gòn” không chỉ dành cho gặp gỡ lãnh đạo mà ở quy mô gặp gỡ các tầng lớp nhân dân, đó là những người đã chứng kiến lịch sử, trải qua bao thăng trầm để có sự kiện ký kết nghĩa của 60 năm trước; cùng tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa của Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh tại Huế. “Chúng tôi cũng đã bắt tay xây dựng dự án Công viên Hà Nội - Huế - Sài Gòn tại thành phố Huế. Hiện tại có hai lựa chọn: Có thể chọn công viên Dã Viên (đầu cầu Dã Viên, bắc qua sông Hương- PV), hoặc công viên ven sông Hương ngay trước mặt trụ sở UBND tỉnh hiện nay. Dự kiến năm 2021 sẽ là dịp khánh thành công viên văn hóa mang tên của ba địa phương, đó là sự kiện khẳng định sự hợp tác và mối quan hệ bền chặt của Hà Nội - Huế - TP.Hồ Chí Minh trong nhiều năm qua”, ông Thọ cho biết.

Hiện nay, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao nhiệm vụ cho các Sở, ngành liên quan để hợp tác với Hà Nội và TP.HCM về du lịch (hợp tác trọng tâm), giáo dục- y tế và xây dựng đô thị thông minh. Đây là những lĩnh vực thế mạnh của ba địa phương. 

SƠN THÙY

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top