Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Tiếp tục cảnh báo vấn nạn đưa tranh giả lên sàn đấu giá: Do cẩu thả hay bất chấp?

Thứ Hai 12/10/2020 | 11:43 GMT+7

VHO- Vấn nạn xâm phạm bản quyền mỹ thuật lại tiếp tục nóng lên khi người nhà của các họa sĩ nổi tiếng Nguyễn Khang, Nguyễn Trọng Hợp vừa lên tiếng về những bức tranh mạo danh “suýt” được đưa lên sàn đấu giá trực tuyến vào ngày 10.10, do PI Auction House phối hợp với nhà đấu giá Drouot (Pháp) tổ chức.

 Tranh mạo danh cố họa sĩ Nguyễn Khang. Ảnh chụp màn hình gia đình họa sĩ cung cấp

 Sau phản ứng quyết liệt của các gia đình, PI Auction House đã phải gỡ hai tranh nhái này ra khỏi hệ thống đấu giá.

Tiếp nối nạn mạo danh để đấu giá

Mặc dù bức tranh mạo danh họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp đã được hạ xuống khỏi phiên đấu giá, nhưng trước đó, họa sĩ Nguyễn Đức Hòa đã phải lên tiếng cảnh báo trên trang facebook cá nhân về bức tranh màu nước trên giấy (khổ 34x50) của cha mình - cố họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp:

“Lần này thì chắc chắn là tranh giả mạo của bố tôi. Tôi đã rất bình tĩnh để xem xét kỹ lưỡng. Tất cả những ai đã tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam thì đều có thể nhận ra ngay đây là kiểu bài tập của học sinh trung cấp hay tại chức mỹ thuật… Ngay cả chất liệu cũng sai. Chữ ký nhái tưởng khá giống nhưng hóa ra sai ba lỗi vì không hiểu thói quen của tác giả”. Phiên đấu giá trực tuyến vào ngày 10.10 là phiên đầu tiên được kết hợp bởi nhà đấu giá PI Auction House tại Việt Nam (hai đầu cầu Hà Nội và TP.HCM), phối hợp với nhà đấu giá Drouot (Pháp) tiến hành đấu giá 180 tác phẩm nghệ thuật Việt ở nhiều thời kỳ khác nhau. Không chỉ họa sĩ Nguyễn Đức Hòa bức xúc lên tiếng, cháu gái của họa sĩ Nguyễn Khang là họa sĩ Nguyễn Quế Hương cũng đưa trên trang facebook thông tin cho biết bức tranh sơn mài của cố họa sĩ Nguyễn Khang lẽ ra có mặt trong phiên đấu cũng là tranh giả, tranh mạo danh cố họa sĩ Nguyễn Khang khiến gia đình vô cùng bức xúc.

Họa sĩ Nguyễn Quế Hương chụp lại bức tranh nhái trên màn hình của nhà đấu giá và đăng trên trang cá nhân của mình. Nữ họa sĩ Nguyễn Quế Hương viết: “Mình hạnh phúc bao nhiêu khi xem kỹ lại các phác thảo của ông và mẹ thì lại càng bức xúc và giận dữ khi phải thấy những bức tranh của ông bị làm giả. Tác phẩm nghệ thuật chính gốc là tinh túy qua bao bản thảo từ những ký họa, là nguồn gốc ra đời với câu chuyện, ý nghĩa. Tác phẩm thật thể hiện bút pháp mạnh mẽ nhưng phóng khoáng, đường nét tuyệt đẹp và điêu luyện. Mình mong muốn các trường hợp giả mạo cần được xử lý, các nhà sưu tầm tranh cần quan sát và tìm hiểu kỹ hơn khi chọn mua, và các nhà cố vấn, nhà tổ chức đấu giá cần trau dồi kiến thức, tìm hiểu nguồn gốc kỹ hơn trước khi cho lên sàn đấu giá”.

Bức tranh giả mạo họa sĩ Nguyễn Khang mà hiện tại gia đình đang giữ bản gốc được họa sĩ Quế Hương cho biết, “đây là bức Người đẹp hoa thơm, ông tôi đã thực hiện phác thảo tranh từ trước khi tôi ra đời, bức ở nhà tôi đang giữ được ông vẽ trong khoảng thời gian từ 1988 đến khi ông tôi mất đột ngột vì vấn đề về tim năm 1989, mẹ tôi, họa sĩ Nguyễn Kim Điệp đã giúp hoàn thiện tranh vào năm 2002…”. Tranh giả mạo tên tuổi của hai cố họa sĩ sẽ lên sàn đấu giá nếu không kịp phát hiện và lên tiếng từ phía gia đình, một

 lần nữa mang đến cảm xúc tức giận từ phía người làm nghề và công chúng. Họa sĩ Nguyễn Quế Hương thẳng thắn chỉ ra cách làm việc cẩu thả của hội đồng nghệ thuật, hội đồng thẩm định khi chưa xem tranh trực tiếp mà đã đưa hình ảnh tác phẩm vào trang web, dự kiến giá bán.

Gia đình cố họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp dù không muốn nói thêm nhiều, nhưng không thể tránh khỏi tâm lý bức xúc. Việc mạo danh tác giả bán kiếm lời, hoặc đem đấu giá tranh giả đã diễn ra nhiều lần, không chỉ bộc lộ sự thiếu tôn trọng đối với người sáng tạo tác phẩm nghệ thuật mà còn khiến cho sự minh bạch, sòng phẳng để hình thành, phát triển một thị trường mỹ thuật lành mạnh ngày càng trở nên khó khăn.

 Tranh mạo danh cố họa sĩ Nguyễn Khang được đưa lên link đấu giá. Ảnh chụp màn hình gia đình họa sĩ cung cấp

Cần có câu trả lời rõ ràng

Sau những phản ứng gay gắt, đương nhiên động thái của PI Aucton House và nhà đấu giá Drouot Pháp là hạ hai bức tranh mạo danh nói trên, không đưa vào phiên đấu giá trực tuyến 10.10. Tuy nhiên, vẫn phải nhắc lại khi đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện việc đưa lên sàn đấu giá những bức tranh giả mang tên danh họa. Hết lần này đến lần khác, những vụ việc xâm phạm bản quyền khiến công chúng buộc phải nghi ngờ, rằng các nhà đấu giá cẩu thả đơn thuần, hay có cả sự bất chấp để đạt được mục tiêu vì lợi nhuận?

Riêng ở vụ việc lần này, theo đại diện sàn đấu giá trực tuyến PI Auction House, vì phải chuẩn bị cho phiên đấu giá lên đến 180 tác phẩm nghệ thuật nên cũng khó tránh khỏi những sai sót. Khi biết thông tin từ gia đình hai cố họa sĩ Nguyễn Khang và Nguyễn Trọng Hợp, PI Auction House đã cử người đi thẩm định lại về các bức tranh. Sau khi thẩm định, nhà cung cấp không chứng minh được nguồn gốc các bức tranh nên nhà đấu giá đã hạ cả bức sơn mài ghi tên họa sĩ Nguyễn Khang và bức tranh màu nước trên giấy ghi tên họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp khỏi phiên đấu giá.

Họa sĩ Nguyễn Quế Hương chia sẻ, qua trường hợp này ai cũng có thể thấy quá nhiều sai sót trong quá trình thẩm định tranh trước khi cho lên sàn. “Tôi nói ra ở đây là thực sự mong PI nói riêng và các sàn khác nên rút kinh nghiệm, trau dồi thêm kiến thức để đừng tiếp tục mắc lỗi nhiều lần như vậy. Tại sao chưa nhìn thấy tận mắt tranh, chưa xác định nguồn gốc tranh, mà đã đưa vào danh sách online để chuẩn bị cho đấu giá. Thậm chí còn được định giá trước khi thẩm định (trường hợp tranh ông tôi và tranh của họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp, thân sinh họa sĩ Nguyễn Đức Hoà). Thứ nữa, PI khẳng định đã nhìn thấy một bản khác của bức tranh ở ngoài Hà Nội rồi, vậy việc so sánh giữa 2 tranh như thế nào? Một bức giá vài chục tỉ và 1 bức chỉ vài trăm triệu? Kỹ thuật vẽ như thế nào, thể hiện chi tiết ra sao, khác biệt giữa các bản vẽ như thế nào? Và, nếu PI là nhà thẩm định, dùng kiến thức của mình để nhận định tranh thì phải có kiến thức về từng tác giả, nhất là các tên tuổi lớn như ông tôi, mà lại không nắm rõ về kỹ thuật gia truyền và đặc biệt của ông, thì không nên để tranh lên sàn của mình. Phải chăng người thẩm định tranh chưa tinh tường hay không xuất phát từ sự thưởng thức tác phẩm mà chỉ là mục đích đầu cơ? Ngoài việc thiện chí và nhanh chóng gỡ tranh, nhưng thiết nghĩ PI cần có đính chính và có lời xin lỗi về thiếu sót trong khâu thẩm định, chứ không chỉ âm thầm gỡ tranh và muốn gặp riêng gia đình”, theo nữ họa sĩ.

Những bức xúc từ các gia đình họa sĩ tên tuổi là điều dễ hiểu. Thế nhưng, nếu lý giải đơn thuần chỉ vì số lượng tranh đấu giá quá nhiều, dẫn đến sai sót như của nhà đấu giá PI thì có thể chấp nhận mãi được không? Lâu nay, mỹ thuật Việt Nam vẫn mãi chưa thể có được một thị trường phát triển lành mạnh, đúng nghĩa. Vấn nạn tranh giả tràn lan, xâm phạm nghiêm trọng bản quyền tác giả với quá nhiều vụ việc bị “bóc phốt”, ầm ĩ trên các diễn đàn rồi sau đó lại lặng lẽ “chìm xuồng”…

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này vẫn được giới nghề chỉ rõ là do công tác thẩm định tranh còn cẩu thả. Thế nhưng, vẫn phải nhắc lại, nếu ý thức đầy đủ về hành lang pháp lý và những điều cần thiết cho một phiên đấu giá minh bạch thì hẳn nhà đấu giá phải tự trang bị cho mình một nền tảng cơ bản, với một đội ngũ chuyên gia đủ trình độ. Bởi nếu như những vụ tranh giả không bị phát giác thì nghiễm nhiên, nhà đấu giá đã bắc cầu đưa những bức tranh nhái đến các nhà sưu tập và công chúng… 

 Tôi nói ra ở đây là thực sự mong PI nói riêng và các sàn khác nên rút kinh nghiệm, trau dồi thêm kiến thức để đừng tiếp tục mắc lỗi nhiều lần như vậy. Tại sao chưa nhìn thấy tận mắt tranh, chưa xác định nguồn gốc tranh, mà đã đưa vào danh sách online để chuẩn bị cho đấu giá.

Thậm chí còn được định giá trước khi thẩm định (trường hợp tranh ông tôi và tranh của họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp, thân sinh họa sĩ Nguyễn Đức Hoà). Thứ nữa, PI khẳng định đã nhìn thấy một bản khác của bức tranh ở ngoài Hà Nội rồi, vậy việc so sánh giữa 2 tranh như thế nào? Một bức giá vài chục tỉ và 1 bức chỉ vài trăm triệu?…

(Họa sĩ NGUYỄN QUẾ HƯƠNG)

 

 HOÀNG NGÂN

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top