Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Đã sẵn sàng “xách ba lô” vào dịp cuối năm

Thứ Tư 14/10/2020 | 11:14 GMT+7

VHO- Trên 41% số người được hỏi đã sẵn sàng du lịch ngay từ tháng 9-11 năm nay, 56% cho rằng điểm đến an toàn là yếu tố chính tác động đến kế hoạch du lịch, 48,6% lựa chọn đi du lịch cùng gia đình...

Khách du lịch hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch an toàn, hấp dẫn

Đây là kết quả khảo sát tâm lý và hành vi của khách du lịch do Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) phối hợp với một số đơn vị liên quan thực hiện trong tháng 9 vừa qua.

Rẻ không phải là quan trọng nhất

Hơn 1.000 người đã tham gia khảo sát này. Theo đó, có 41,2% người được hỏi cho biết sẵn sàng du lịch vào dịp tháng 9-11 năm nay; Hơn 20% người muốn du lịch từ tháng 12.2020 - 1.2021, vào thời điểm Lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch; 12,4% có kế hoạch du lịch vào dịp tết Âm lịch, từ tháng 2-4.2021; 18,2% số người muốn du lịch vào dịp nghỉ hè (từ tháng 5-9.2021) và chỉ có 8,1% số người cho rằng sẽ du lịch muộn hơn. Về thời gian chuyến đi, có 46,7% số người cho biết sẽ dành từ 2-3 ngày; 36,9% lựa chọn đi nghỉ 4-5 ngày; 7,5% dự định nghỉ 6-7 ngày; 6,3% số người có kế hoạch đi trên 7 ngày và 2,6% số người được hỏi cho biết sẽ du lịch trong ngày.

Nhu cầu du lịch trở lại đã có những tín hiệu tích cực. Phương tiện được khách lựa chọn nhiều nhất cho chuyến đi của mình là máy bay với 70,7%; 30% lựa chọn đi bằng xe khách; 29,8% số người muốn du lịch bằng xe riêng (ôtô, xe máy, tăng 9% so với khảo sát hồi tháng 5) và 10,9% số người muốn tham quan trải nghiệm bằng tàu hỏa. Phần lớn khách du lịch Việt Nam muốn du lịch với gia đình khi có tới 48,6% người được hỏi lựa chọn hình thức này; 30,8% cho biết sẽ đi cùng bạn bè; 13% muốn đi theo tour của các công ty du lịch; 5,9% số người muốn du lịch một mình và khoảng 1,7% số người được hỏi lựa chọn đi cùng cơ quan, công ty.

Thời điểm này, có đến 56% số người được hỏi cho rằng điểm đến an toàn là yếu tố chính tác động đến kế hoạch du lịch và 32,8% số người cho biết khả năng tài chính sẽ tác động đến chuyến đi. Có nghĩa là, không phải cứ rẻ là được khách lựa chọn. Nhưng phần lớn người trả lời (87%) lựa chọn ưu đãi trực tiếp vào giá dịch vụ du lịch. Vì thế, các doanh nghiệp du lịch và hàng không cần có sự kết nối để tạo ra các gói combo du lịch giá rẻ hơn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. “An toàn” và “Hấp dẫn” cũng là 2 tiêu chí chính của Chương trình kích cầu du lịch những tháng cuối năm 2020 do Bộ VHTTDL phát động. Các địa phương, doanh nghiệp cũng đã vào cuộc, tích cực hưởng ứng nhằm tạo ra xu hướng dịch chuyển mới. Khách du lịch cũng đã đông lên ở các khu nghỉ dưỡng, du lịch trong nước, lan toả cảm hứng khám phá Việt Nam vừa an toàn, vừa hấp dẫn.

Cũng theo kết quả khảo sát, các địa điểm được đông đảo du khách muốn ghé thăm đều là những điểm đến nổi tiếng, làm nên thương hiệu du lịch Việt Nam như: Khánh Hòa, Kiên Giang, Hà Nội, Hà Giang, Đà Nẵng, Quảng Nam, TP.HCM, Lào Cai, Lâm Đồng, Phú Yên, Ninh Bình… Trong hành trình khám phá của mình, những loại hình được du khách quan tâm, lựa chọn là nghỉ dưỡng biển, khám phá ẩm thực, khám phá thiên nhiên, nghỉ dưỡng núi, tìm hiểu văn hóa lịch sử, vui chơi giải trí…

Cần giải toả tâm lý e ngại

Trưởng Ban thư ký TAB, ông Hoàng Nhân Chính cho biết: “Phần lớn khách du lịch lo ngại dịch Covid-19 diễn biến khó lường và khả năng xử lý khủng hoảng của các địa phương chưa đồng đều. 58,2% người được hỏi e ngại khi du lịch đến các điểm đã từng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và 51,9% sẵn sàng mua thêm gói bảo hiểm du lịch thời kỳ có nguy cơ dịch bệnh”. Để có thể phục hồi tốt thị trường du lịch nội địa, đại diện TAB cho rằng cần có những giải pháp quyết liệt hơn của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước như giảm tiền điện, giảm giá thuê đất 50% trong cả năm 2020 cho các cơ sở lưu trú, miễn giảm 10% thuế VAT trong năm 2020, hỗ trợ tiền để khuyến khích người dân đi du lịch, miễn giảm phí tham quan dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp giảm giá tour, cam kết hỗ trợ khách du lịch khi có dịch bùng phát tại địa phương…

Đại diện TAB cũng nhận định, việc phục hồi du lịch thời gian này là rất cần thiết, tuy nhiên cần được sự ủng hộ nhiều hơn nữa của giới truyền thông và khách du lịch. Du khách nên coi đây là cơ hội vàng để khám phá các điểm đến hấp dẫn của Việt Nam với mức giá ưu đãi chưa từng có và sự chăm sóc chắc chắn đặc biệt hơn. Khi có sự cố dịch bệnh tại một điểm đến du lịch thì du khách có thể bảo lưu tour sang một thời điểm khác thích hợp hơn hoặc đổi bằng voucher du lịch đến địa điểm khác thay cho việc huỷ tour. Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, doanh nghiệp cũng không còn lực để chạy theo việc hoàn huỷ tour cho khách nữa. Bên cạnh đó, mỗi người khách, bằng những hành động cụ thể của mình, có thể giúp quảng bá điểm đến Việt Nam bằng cách sau mỗi chuyến đi chia sẻ hình ảnh, câu chuyện lên mạng xã hội, qua đó lan toả thông điệp “điểm đến du lịch Việt Nam an toàn và hấp dẫn”.

Kết quả khảo sát sẽ giúp cho các cơ quan quản lý về du lịch, các địa phương và các doanh nghiệp du lịch hiểu rõ hơn tâm lý du khách, qua đó định hướng việc xây dựng các sản phẩm du lịch an toàn, hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu của khách, nâng cao chất lượng quản lý điểm đến và tiến hành các chiến dịch kích cầu du lịch nội địa hiệu quả hơn. 

 THUÝ HÀ

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top