Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Công chiếu phim tài liệu Đoạn trường vinh hoa

Thứ Tư 14/10/2020 | 20:10 GMT+7

VHO- Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Tài năng Điện ảnh TPD và Dự án phim tài liệu Đoạn trường vinh hoa sẽ tổ chức buổi công chiếu tại Trung tâm Văn hóa Pháp, (Hà Nội) vào tối 18.10. Đây là  dự án phim nằm trong khuôn khổ của Dự án VTV đặc biệt, được  tài trợ sản xuất bởi Quỹ FAMLAB, nằm trong Hợp phần 2 của Dự án Di sản kết nối của Hội đồng Anh.

Hơn 100 giờ quay, 18 tháng đồng hành cùng nhân vật trên sân khấu đam mê và cả trong những mảnh ghép cuộc đời để gói trọn trong 50 phút phim là những khoảnh khắc trần trụi, xúc cảm và đáng trân trọng.

Bộ phim tài liệu Đoạn trường vinh hoa được xây dựng theo tinh thần hướng tới phong cách tài liệu điện ảnh trực tiếp, là hành trình theo chân một gánh cải lương tuồng cổ hiếm hoi còn sót lại rong ruổi qua những đình làng, cổ miếu ở các tỉnh miền Tây. Những ông hoàng bà chúa trên sân khấu nhưng cũng là những người lao động chân lấm tay bùn, chật vật với đời sống mưu sinh khi bức màn sân khấu hạ xuống. Biến cố ập tới khi sóng gió xảy ra với những trụ cột của gánh hát. Tương lai nào cho gánh hát nhỏ của những con người miền Tây chất phác?

Bộ phim nằm trong khuôn khổ Dự án VTV Đặc biệt - một trong những dự án trọng điểm của Đài Truyền hình Việt Nam được sắp xếp vào khung giờ vàng trên VTV1 với tần suất mỗi tháng 1 số. Phim do Ban Sản xuất các Chương trình Giải trí (VTV3) thực hiện trong thời gian hơn 1 năm từ lần khảo sát bối cảnh đầu tiên cho đến khi hoàn thiện sản phẩm phim cuối cùng (tháng 03.2019 – tháng 8.2020).

Là một dự án phim liên quan đến đề tài văn hoá truyền thống nên bộ phim cũng nhận được tài trợ sản xuất bởi Quỹ FAMLAB (Phim, Nhạc và Lưu trữ) nằm trong Hợp phần 2 của Dự án Di sản Kết nối của Hội đồng Anh dành cho các cá nhân, các nhóm thực hành nghệ thuật và các tổ chức tại Việt Nam hoặc Vương quốc Anh có tiềm năng tạo ra ảnh hưởng bền vững và lâu dài cho các cộng đồng di sản văn hóa cũng như nghệ thuật.

Bối cảnh của Đoạn trường vinh hoa như một cuộc rong ruổi của những người nghệ sĩ mang lời ca, tiếng hát của mình đến với khán giả là người dân vùng quê các tỉnh miền Tây. Vào mỗi dịp lễ Kỳ Yên, các thành viên trong gánh hát Phương Ánh, mỗi người một nơi, người ở Cần Thơ, người ở Sóc Trăng, người ở Bạc Liêu lại gói ghém đồ đạc, phục trang biểu diễn tụ họp về các Đình thần, vừa là để biểu diễn phục vụ người dân, vừa là để trả lễ cho ông tổ nghề, cầu mong sự bình an, đủ đầy và hạnh phúc. Cũng từ những hành trình này, con người miền Tây Nam Bộ hiện lên qua những phút phim nhiều khó khăn, vất vả nhưng không vì thế mà làm mất đi bản chất tốt đẹp, chất phóng khoáng vốn có.

Bằng việc lựa chọn hình thức thể hiện hướng tới phong cách phim tài liệu điện ảnh trực tiếp, nhóm làm phim đã đồng hành cùng gánh hát Phương Ánh như một phần trong công việc và cuộc sống của họ. Được ăn ngủ cùng họ, chứng kiến những gì diễn ra xung quanh niềm đam mê của họ một cách gần gũi, bộc lộ tính cách nhân vật một cách chân thực là niềm hạnh phúc đặc biệt mà những người làm phim có được.

 Đạo diễn Lê Mỹ Cường chia sẻ: “Phim ghi lại diễn biến cuộc sống như những mảnh ghép. Chúng tôi tìm đến họ với tâm thế tò mò, muốn ghi nhận cuộc sống của họ, không hề có định kiến về sự khổ sở. Chỉ có sự chân thành và cầu thị mới giúp chúng tôi bỏ sang một bên những định kiến của bản thân, để hiểu và trân trọng những nhân vật của mình, và sau cùng là có thể kể lại câu chuyện về cuộc đời của họ gần nhất với cách mà họ đã sống.”

Phim được công chiếu tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ  vào tháng 10-11.2020. Vé được phát miễn phí trong toàn bộ thời gian của sự kiện. Phát sóng trên khung giờ vàng của VTV1 (20h) trong khuôn khổ chương trình VTV Đặc biệt tháng 11.2020. Bộ phim cũng nằm trong kế hoạch gửi đi một số LHP tài liệu trong nước, trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là những LHP về đa dạng văn hoá, thúc đẩy sự gìn giữ và phát triển văn hoá bản địa.

Bộ phim hướng tới các nhóm đối tượng đa dạng khác nhau. Với người trong cuộc - những nghệ sĩ, đây là cơ hội để họ chia sẻ tiếng nói, tâm tư của mình sau ánh đèn sân khấu. Với những khán giả trẻ, nhóm thực hiện mong muốn đưa Cải lương Tuồng cổ - loại hình nghệ thuật truyền thống quay trở lại dưới một góc nhìn mới gần gũi, sâu sắc, giàu tính nhân văn, kích thích người xem tìm hiểu về môn nghệ thuật này sau khi bộ phim được công chiếu. Chính họ sẽ là những người tiếp tục truyền tải thông điệp và ý nghĩa của bộ phim qua các phương tiện thông tin đại chúng, chia sẻ trên mạng xã hội. Với những khán giả lớn tuổi, chắc chắn đây sẽ là cơ hội để họ nhìn lại những hồi ức đẹp về văn hóa truyền thống. Phim cũng là cơ hội để bạn bè thế giới tìm hiểu về văn hoá nghệ thuật của Việt Nam.

HOÀNG VY

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top