Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Báo động thiếu tiết đọc sách trong nhà trường

Thứ Sáu 16/10/2020 | 09:35 GMT+7

VHO- Văn phòng Hội Xuất bản Việt Nam tại TP.HCM với sự hỗ trợ của Công ty Đường Sách và thầy cô giáo các trường phổ thông trên địa bàn TP đang bàn việc phối hợp xây dựng danh mục sách bổ trợ để phục vụ cho việc học tập và nâng cao kiến thức của học sinh. Theo đơn vị thực hiện, đây là động thái nhằm gióng lên hồi chuông trước thực trạng học sinh ngày càng ít đọc sách, thậm chí không hề cầm đến quyển sách...

 Cần nhiều giải pháp để hình thành thói quen đọc sách trong giới trẻ Ảnh, học sinh, thanh niên TP.HCM đọc sách tại thư viện trường học

 Lý do dẫn đến thực trạng buồn nói trên chủ yếu bắt nguồn từ ba nguyên nhân: Nhà trường không quy định có tiết đọc sách; Gia đình thiếu sự quan tâm, phát triển thói quen đọc sách từ sớm cho trẻ và các NXB, công ty sách chưa thật sự thúc đẩy các hoạt động để phát triển văn hóa đọc.

“Bức tranh về thị trường tiêu thụ sách không sáng sủa gì”

Kết quả khảo sát về hoạt động xuất bản cũng như thực trạng văn hóa đọc của người Việt Nam cho thấy những số liệu không mấy sáng sủa. Theo đó, hoạt động xuất bản tại Việt Nam từ năm 2014-2019 tăng, nhưng khá chậm. Cụ thể: Năm 2014 Việt Nam xuất bản 378 triệu bản sách, doanh thu 3.000 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 4,1 đầu sách/người. Con số tăng nhẹ dần đến 2019 là 440 triệu bản (tăng 16% so với năm 2014), trong đó có 300 triệu bản là sách giáo khoa, giáo trình, doanh thu 4.362 tỉ đồng (tăng 45% so với 2014), đạt tỉ lệ 4,6 đầu sách/người (tăng 12% so 2014). Một khảo sát “bỏ túi” từ ông Lý Trường Chiến, Giám đốc phía Nam của báo Dân trí về thói quen đọc của giới trẻ (tập trung ở nhân viên và sinh viên độ tuổi từ 20-30) cho thấy: có 70% không đọc sách tham khảo; 12% có đọc thêm các sách, truyện khác ngoài chuyên môn; 80% không đọc sách suốt 1 năm qua và 98% không đọc sách tuần qua...

Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam tâm tư: “Văn hóa đọc của người Việt quá thấp, do đa số không được tạo dựng thói quen đọc sách từ khi họ còn bé, lúc còn ngồi trên ghế nhà trường. Văn hóa đọc của người Việt Nam kém nên bức tranh về thị trường tiêu thụ sách cũng không sáng sủa gì”. Ông cho biết, những nước có quan tâm đến phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và trong gia đình có biện pháp tác động tốt đến việc hình thành thói quen đọc sách cho trẻ em, thì hiệu quả kinh tế xuất bản rất cao, cao hơn nhiều lần so với Việt Nam. Trên cơ sở xem bạn đọc là người chi trả cho người làm xuất bản, cũng là người quyết định sự tăng trưởng của doanh nghiệp xuất bản, việc chỉ có một lượng ít người dân đọc sách, tiếp cận sách là thực trạng đáng báo động, cho thấy văn hóa đọc của người Việt cần phải được cải thiện mạnh mẽ.

Thành lập một ủy ban quốc gia phát triển văn hóa đọc Việt Nam

Đó là một trong những giải pháp được ông Lê Hoàng đưa ra nhằm thay đổi thực trạng nói trên. Theo đó, Ủy ban trực thuộc Chính phủ, do một Phó Thủ tướng phụ trách, bao gồm đại diện các cơ quan quản lý nhà nước liên quan tới văn hóa đọc, các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực và đại diện các tổ chức xã hội. Song song đó, cần tổ chức nghiên cứu, khảo sát định kỳ 5 năm một lần về thực trạng đọc trong xã hội làm cơ sở xây dựng các kế hoạch dài hạn phát triển toàn diện và đồng bộ văn hóa đọc; bổ sung điều khoản về nội dung phát triển văn hóa đọc vào Luật Xuất bản sửa đổi sắp tới (như Luật Thư viện, điều lệ trường học đã làm). Đẩy mạnh các hoạt động phát triển văn hóa đọc nhân ngày Sách Việt Nam (21.4 hằng năm); tổ chức các hội chợ sách không chỉ ở Hà Nội, TP.HCM mà rộng khắp trên 63 tỉnh, thành trong cả nước, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận với xuất bản phẩm mới. Ngoài ra, Nhà nước cần đầu tư hơn nữa cho các hệ thống thư viện, đặc biệt là hệ thống thư viện văn hóa khoa học tổng hợp, thư viện nhà trường có đủ kinh phí hoạt động và phát triển ngang tầm các hệ thống thư viện tương ứng trong khối ASEAN,…

Một giải pháp được các đơn vị nhấn mạnh là cần đưa tiết đọc sách vào khung giờ chính khóa của nhà trường phổ thông. “Hội Xuất bản Việt Nam đã có Công văn số 48/CV-HXBVN gửi Bộ GD&ĐT ngày 2.7.2020 về việc Đưa tiết đọc sách vào khung giờ chính khóa trong việc xây dựng và phát triển Văn hóa đọc tại Điều 26 của Dự thảo Thông tư ban hành điều lệ Trường tiểu học và Điều 16 Dự thảo Thông tư ban hành điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông nhiều cấp học. Hội sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ GD&ĐT đưa các hoạt động phát triển văn hóa đọc vào trường học”, ông Lê Hoàng nói.

Đại diện Hội Xuất bản Việt Nam cho biết, động thái tích cực cho câu chuyện này là kế hoạch phối hợp giữa Hội với Sở GD&ĐT và Thành Đoàn TP.HCM với mục tiêu giới thiệu danh mục sách phù hợp dành cho học sinh. “Các thầy cô sẽ chung tay tiến cử sách cho học sinh, lập danh mục chủ đề và thẩm định nội dung sách theo danh mục”, phía Hội Xuất bản cho biết và thông tin thêm từ nay đến 15.11.2020, các đơn vị làm sách sẽ giới thiệu sách của mình vào danh mục đọc bổ trợ dành cho học sinh, Hội Xuất bản sẽ đọc sơ tuyển và chọn ra danh mục theo từng chủ đề, sau đó gửi đến các thầy cô theo từng cấp lớp, bộ môn nhờ thẩm định, chọn sách phù hợp đưa vào danh mục chung. Dựa trên danh mục này, các trường tham khảo chọn sách bổ sung vào thư viện các trường học... Có thể nói rằng, đây là cơ hội chính danh, thông qua Hội Xuất bản Việt Nam, các NXB, công ty phát hành sách đảm bảo chất lượng sách vào nhà trường, đáp ứng nhu cầu phát triển văn hóa đọc cho học sinh. Bên cạnh đó các NXB, công ty sách có cơ sở để định hướng đề tài, tổ chức xuất bản các ấn phẩm phù hợp với nhu cầu đọc, phục vụ việc dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới trong thời gian tới. 

 TÙNG THƯ

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top