Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Tổng kết chương trình phối hợp công tác 430 giữa Bộ VHTTDL và Bộ TT&TT: Sẽ xem xét dừng luân chuyển nếu tiếp tục mất nhiều sách

Thứ Sáu 23/10/2020 | 10:30 GMT+7

VHO-  Sáng qua 22.10, Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình phối hợp công tác số 430 giữa Bộ VHTTDL và Bộ TT&TT. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn đã tới dự Hội nghị.

 Lãnh đạo Bộ VHTTDL và TT&TT tại Hội nghị

Chương trình phối hợp công tác 430 được ký kết vào năm 2013 với mục đích tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm Bưu điện – Văn hóa xã (BĐVHX), phát huy hiệu quả nguồn lực hiện có của hai ngành Bưu điện và Thư viện. Từ đó, đáp ứng tốt nhất nhu cầu thông tin, văn hóa, giải trí trong cộng đồng. Nhất là với đồng bào nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Mất đến 20% số sách luân chuyển

Báo cáo kết quả chương trình phối hợp công tác, bà Vũ Dương Thuý Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư Viện cho biết, trong 7 năm qua, chương trình phối hợp 430 đã đạt được nhiều mục tiêu đề ra. Đáng chú ý, các thư viện cấp tỉnh và huyện đã thực hiện hơn 11.000 lượt luân chuyển sách báo đến BĐVHX với tổng số sách báo đạt gần 2 triệu bản, phục vụ ước khoảng 13 triệu lượt người dân đến đọc. Hầu hết các địa phương đã thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo, hướng dẫn cho cán bộ hai Bộ phối hợp chặt chẽ với nhau trong quá trình thực hiện.

Cũng theo bà Ngà, mặc dù còn nhiều khó khăn song trong công tác luân chuyển, các cán bộ đã cố gắng lựa chọn những sách, báo có nội dung phù hợp với từng địa bàn để luân chuyển. Số lượng cũng được các đơn vị đảm bảo khi bình quân đạt 150 đầu sách/điểm/lần. Với những con số mang tính khả quan, có thể nói, văn hóa đọc đã lan toả mạnh mẽ trong cộng đồng. Tuy nhiên ngoài những tín hiệu tích cực, trong quá trình thực hiện, chương trình bộc lộ không ít bất cập. “Mặc dù kho sách luân chuyển tại các thư viện được bổ sung nhiều nhưng số lượng bản sách luân chuyển mỗi lần vẫn khá khiêm tốn. Nội dung sách còn nghèo, chưa thật sự đáp ứng hết nhu cầu của nhân dân, đặc biệt là nguồn sách cho thiếu nhi”, bà Ngà nêu.

Ngoài ra, hiện chưa có quy định hợp lý, thống nhất về tỷ lệ hao hụt sách trong quá trình luân chuyển, phục vụ bạn đọc: “Một số tỉnh đã có quy định về đền bù sách nhưng lại không phù hợp với điều kiện thực tế và năng lực của nhân viên. Nhiều nhân viên BĐVHX phải tự bỏ tiền túi ra đền bù sách bị mất, thất lạc. Điều này dẫn đến việc triển khai chương trình trở thành gánh nặng cho nhân viên. Đi đến nhiều địa phương, tôi được biết tỷ lệ mất sách trong quá trình luân chuyển lên đến 20% tổng số sách. Trước tình hình đó, tôi yêu cầu sẽ lập tức dừng luân chuyển nếu vẫn để chuyện này xảy ra. Rất may sau đó, tình trạng đã giảm nhưng vẫn cần siết chặt quản lý trong thời gian tới”.

Bên cạnh những khó khăn trên, các đại biểu cũng chỉ ra hiện nhân viên điểm BĐVHX một số địa phương vẫn chưa được tập huấn nghiệp vụ thực hiện chương trình, thù lao chi trả chưa tương xứng. Việc triển khai chương trình vì thế chưa đạt hiệu quả cao. Người dân cũng không mấy mặn mà với việc đọc sách, báo được trưng bày tại các điểm BĐVHX do tài liệu nhiều chỗ đã quá cũ.

Kịp thời nắm bắt nhu cầu đọc của nhân dân

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn đề nghị, ngoài những gì đã làm được, các điểm BĐVHX, cán bộ phụ trách phải chú ý đến nhiều vấn đề. “Những người thực hiện chương trình phải luôn trăn trở làm thế nào để thu hút được độc giả đến đọc sách, báo tại các điểm BĐVHX. Một số nơi vẫn chưa nắm bắt được người dân đang cần đọc gì. Thậm chí, một số cuốn sách hoàn toàn không phù hợp với người dân địa phương vẫn được luân chuyển đến địa bàn đó. Cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan để đảm bảo chất lượng nội dung sách, báo luân chuyển”.

Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cũng lưu ý, trong thời đại công nghệ phát triển, việc phổ biến sách, báo phải nhanh, kịp thời, phù hợp và có nhiều đổi mới: “Chúng ta cần tính đến phương án áp dụng những tiện ích của công nghệ thông tin, đăng tải sách lên mạng để đông đảo người dân có thể tiếp cận mọi lúc, mọi nơi. Để làm được điều này, thời gian tới, chúng tôi rất mong nhận được sự giúp đỡ từ những đơn vị nắm giữ bản quyền sách”.

Đồng tình với chia sẻ này, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy nêu rõ: “Nhất định phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa để đưa văn hóa cơ sở đến từng xã, từng người dân trên mọi miền Tổ quốc. Qua đây, dù chương trình phối hợp công tác đã đi đến tổng kết nhưng tôi vẫn đề nghị Vụ Thư viện tiếp tục phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ TT&TT, xây dựng chương trình phối hợp giai đoạn tới. Trước mắt sẽ là 5 năm tiếp theo. Chương trình phối hợp giai đoạn mới phải phát huy những gì đã làm được, đưa ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để khắc phục hạn chế, có sự hướng dẫn tới từng nơi. Dự thảo chương trình sẽ phải xin ý kiến các địa phương để có giá trị thực tiễn”.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng nêu rõ, phải có sự phân cấp rõ ràng, thể hiện trách nhiệm thực hiện chương trình. “Đôn đốc, thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc thực hiện của các địa phương là điều phải làm. Không thể làm cho có hình thức mà phải thực chất, hiệu quả. Tất cả vì mục đích nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân”. 

ĐÌNH TOÁN

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top