Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Hoàn thiện hồ sơ dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi): Rà soát, cân nhắc những nội dung “nóng”

Thứ Sáu 05/03/2021 | 10:45 GMT+7

VHO- Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông vừa có buổi làm việc với Cục Điện ảnh, Vụ Pháp chế về tiến độ, nội dung xây dựng dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Nhiều ý kiến trái chiều về phương án cấp phép đối với phim chiếu rạp và phim phát hành trên mạng (ảnh minh họa)

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng yêu cầu Cục Điện ảnh phối hợp với các đơn vị tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật trên cơ sở các ý kiến đóng góp, đặc biệt đối với những vấn đề “nóng” trong hoạt động điện ảnh hiện nay, đảm bảo khả thi và tiến độ gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Đảm bảo tiến độ

Ngày 10.6.2020, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 106/2020/QH14 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, theo đó, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10.2021), dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến. Ngày 11.7.2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 999/QĐ-TTg về phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật, dự thảo Nghị quyết được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, các dự án thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ VHTTDL chủ trì soạn thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) và trình Chính phủ vào tháng 4.2021, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10.2021).

Báo cáo về tiến độ xây dựng dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, Ban soạn thảo và Tổ biên tập đã tổ chức nhiều cuộc họp để trao đổi cho ý kiến và thống nhất về dự án Luật. Cùng với đó, Bộ VHTTDL đã tổ chức Tọa đàm xin ý kiến các chuyên gia, nhà lý luận phê bình về điện ảnh, nhà làm phim, nhà ngôn ngữ đối với các định nghĩa, khái niệm, thuật ngữ dự kiến đưa vào Luật Điện ảnh (sửa đổi); khảo sát, biên dịch một số luật của nước ngoài có liên quan, làm việc với Đài THVN, Bộ TT&TT, các cơ sở sản xuất, phát hành phim để lấy ý kiến về dự Luật. “Bộ VHTTDL đã chủ trì tổ chức Hội nghị - Hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) khu vực phía Bắc tại Hà Nội và khu vực phía Nam tại TP.HCM. Đã có nhiều ý kiến đóng góp thiết thực từ các nhà chuyên môn, nhà sản xuất, phát hành và phổ biến phim đối với việc hoàn thiện dự thảo Luật ...”, ông Vi Kiến Thành cho biết.

Bộ VHTTDL cũng đã đăng tải dự thảo hồ sơ dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) để lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ. Đồng thời có Công văn gửi các Bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương, các cơ sở sản xuất, phát hành và phổ biến phim, các đối tượng chịu tác động của dự thảo để lấy ý kiến góp ý hồ sơ. Đến 1.3.2021, Bộ VHTTDL đã nhận được 85 ý kiến góp ý của các Bộ, ngành và các đối tượng chịu tác động của dự án.

Ông Vi Kiến Thành thông tin thêm, theo kế hoạch, sau khi hoàn thiện và gửi hồ sơ đề nghị Bộ Tư pháp thẩm định, tháng 4.2021 Bộ sẽ trình Chính phủ dự án Luật. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho ý kiến vào tháng 6.2021 và tháng 10.2021 trình Quốc hội cho ý kiến. Vụ trưởng Vụ Pháp chế Lê Thanh Liêm cho biết, hiện cơ bản đã đủ điều kiện để hoàn thiện Hồ sơ gửi Bộ Tư pháp xem xét trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.

Nhiều vấn đề “nóng”

Cục trưởng Vi Kiến Thành cho biết, tổng hợp các ý kiến đóng góp cho thấy có một số vấn đề “nóng” vẫn tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp từ các Bộ, ngành, các Hội chuyên ngành. Đối với nội dung kiểm duyệt, phổ biến phim chiếu rạp và phim chiếu trên không gian mạng, các ý kiến xoay quanh hai phương án tiền kiểm và hậu kiểm. Phương án tiền kiểm, cấp giấy phép được đưa ra đối với phim chiếu rạp. Đối với phim phổ biến trên không gian mạng, phương án tự kiểm, hậu kiểm được đưa ra. Theo đó, các nhà sản xuất, phát hành phim căn cứ vào những điều cấm trong Luật, quy định phân loại độ tuổi... tự kiểm trước khi phát trên không gian mạng; công tác kiểm tra là hậu kiểm. “Tuy nhiên, hai phương án tiền kiểm và hậu kiểm đang tạo nên tranh luận. Nhiều ý kiến cho rằng dù tiền kiểm hay hậu kiểm thì cũng cần áp dụng đồng đều…”, theo ông Vi Kiến Thành.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế bổ sung vấn đề còn ý kiến chưa đồng thuận liên quan đến nội dung đấu thầu phim đặt hàng có sử dụng ngân sách nhà nước. Theo Luật Điện ảnh năm 2006 và sửa đổi năm 2009, với phim đặt hàng sử dụng ngân sách nhà nước, nhà sản xuất phim được chọn theo Luật Đấu thầu. Tuy nhiên, ban soạn thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) không đưa ra hướng đấu thầu nữa mà theo hình thức đặt hàng. Nhiều nhà làm phim, đơn vị sản xuất phim nhận thấy đấu thầu trong điện ảnh sẽ gặp nhiều vướng mắc, không thực tế, bất cập. Bởi trong sáng tạo mà căn cứ vào giá thành cao hay thấp thì không kiểm soát được, đặc biệt về chất lượng nghệ thuật.

Yêu cầu phải rà soát kỹ lưỡng những nội dung của dự Luật, đặc biệt chú trọng những vấn đề còn thu hút nhiều ý kiến từ các Bộ, ngành và giới nghề, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh, trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp, Luật sửa đổi phải đáp ứng yêu cầu quản lý hoạt động điện ảnh trong giai đoạn mới, đặc biệt trong bối cảnh thời đại công nghệ số, phát triển công nghiệp điện ảnh thực sự trở thành ngành mũi nhọn trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam.

Đối với một số vướng mắc như việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, các phương án kiểm duyệt, phổ biến phim..., Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho rằng, Cục Điện ảnh cần phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, tính toán phương án sát với thực tiễn hoạt động của Điện ảnh Việt Nam hiện nay. Ví dụ, trong các phương án kiểm duyệt, phổ biến phim, dù tiền kiểm hay hậu kiểm cũng cần đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc, quy định pháp luật. Việc xây dựng Quỹ hỗ trợ phát triển Điện ảnh cần cân nhắc trên cơ sở đặc thù của điện ảnh Việt Nam, cũng như học hỏi kinh nghiệm quốc tế. “Các nền điện ảnh tiên tiến trên thế giới cũng không có cách nào để có thể kiểm duyệt được hết các phim chiếu rạp hay phim phát hành trên không gian mạng, với số lượng khổng lồ. Chỉ có cách là cùng với luật định là những biện pháp xử phạt răn đe được tiến hành song song, qua đó nâng cao hiệu lực quản lý ...”, Thứ trưởng lưu ý.

Thứ trưởng yêu cầu, Cục Điện ảnh trên cơ sở những ý kiến góp ý tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ dự Luật, gửi Bộ Tư pháp thẩm định, đảm bảo nội dung cơ bản và tiến độ xây dựng.

PHƯƠNG ANH; ảnh: MINH KHÁNH

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top