Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

"Khúc mư​​​​​​​a" hóa giải nỗi đau chiến tranh

Thứ Tư 28/04/2021 | 11:05 GMT+7

VHO- Kỷ niệm 46 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975-30.4.2021), vừa qua tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (Hà Nội), Điện ảnh Quân đội nhân dân đã ra mắt bộ phim truyện điện ảnh Khúc mưa.

 Cảnh phim Kevin và mẹ đoàn viên trên bãi biển, nơi từng khiến anh sợ hãi kinh hoàng

 Mang thông điệp hóa giải nỗi đau chiến tranh, khép lại hận thù và hướng tới những giá trị nhân văn, Khúc mưa sẽ được phát hành trong mạng lưới toàn quân, đồng thời phát sóng trên một số đài truyền hình trung ương và địa phương.

Đề tài hậu chiến chưa bao giờ cũ

Bộ phim Khúc mưa do đại tá, NSƯT Phạm Tiến Cường, Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân làm Giám đốc sản xuất; Biên kịch: Trung tá Nguyễn Thu Dung; Đạo diễn: NSƯT Bùi Tuấn Dũng với sự tham gia của các diễn viên Trương Minh Quốc Thái, Lê Phương, Thanh Hiền, Phạm Anh Dũng, Thu Thủy... Đạo diễn, NSƯT Bùi Tuấn Dũng bày tỏ sự bất ngờ khi đêm ra mắt Khúc mưa, phòng chiếu tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia đông kín, dù trời mưa to. “Khúc mưa kể câu chuyện về khoảng cách giữa con người với con người, giữa trái tim với trái tim. Tôi nghĩ bộ phim chỉ có thể để cảm nhận chứ không thể kể nội dung...”, anh chia sẻ.

5 năm sau bộ phim Thầu Chín ở Xiêm, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng mới quay trở lại với Khúc mưa. Anh kể, khi nhận kịch bản từ biên kịch Thu Dung, anh đã phải mất khá nhiều thời gian để tìm chìa khóa mở ra không gian của phim. “Đây là một bộ phim cực khó đối với tôi và khác hoàn toàn với những tác phẩm trước đây tôi từng làm, với những cảnh quay lớn, đầu tư hoành tráng...”, đạo diễn cho biết. “30.4 là ngày sum họp, ngày vui khi đất nước thống nhất liền một dải, nhưng cũng có một bộ phận những người Sài Gòn di tản, vượt biên rời bỏ đất mẹ ra đi. Gần nửa thế kỷ sau ngày thống nhất, khoảng thời gian đủ để có độ lùi nhìn lại và nhận thức được rằng chiến tranh đã để lại những nỗi đau hằn sâu trên thân phận người Việt. Và nỗi đau đó cần phải được hóa giải, khép lại hận thù để hướng tới những giá trị nhân văn”, ê kíp làm phim Khúc mưa chia sẻ.

Với Khúc mưa, Điện ảnh Quân đội nhân dân tiếp tục khai thác đề tài hậu chiến - tâm lý xã hội, với những uẩn khúc, ám ảnh về ký ức chiến tranh. Phim mang đến cho người xem cảm xúc lắng đọng về tình người, tình mẫu tử. Biên kịch Nguyễn Thu Dung cho biết, thông qua câu chuyện về cuộc sống và xung đột do hiểu nhầm, tạo ra bi kịch của một gia đình sĩ quan quân đội trong chế độ cũ, bộ phim muốn kêu gọi sự hòa giải, tinh thần đại đoàn kết dân tộc cùng hướng về cội nguồn đất mẹ, hướng về Tổ quốc. Những lát cắt trong phim cũng chuyển tải thông điệp ca ngợi phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ.

Khúc mưa là bộ phim kể về bi kịch một gia đình sống ở chế độ cũ. Tâm - con trai Hùng (sau này lớn lên có thêm tên gọi là Kevin) - một cậu bé 6 tuổi cùng cha vượt biên vào những năm cuối thập niên bảy mươi và gặp nạn trên biển. Cậu thoát chết nhưng cha cậu đã bỏ xác nơi biển sâu. Mẹ cậu ở lại và tái hôn với một người là cựu chiến binh, một cán bộ cách mạng. Kevin thù hận mẹ. Những ám ảnh trong ký ức khiến Kevin sợ biển, anh mắc chứng bệnh “tâm lý ám ảnh”, một dạng tâm thần nhẹ. Hơn bốn chục năm sau, Kevin và vợ trở về thăm lại quê hương. Anh gặp mẹ trong một tình huống tưởng như tình cờ và sự thật lại hoàn toàn không giống với những gì Kevin vẫn ám ảnh trong ký ức. Mai, vợ anh, cùng với ông Hai Lân, người cha dượng đã ngầm giúp anh vượt qua nỗi sợ, chứng ám ảnh bệnh lý và cùng mẹ anh đoàn viên ngay tại bãi biển, nơi từng khiến anh sợ hãi kinh hoàng. Cùng lúc này, một sinh linh, con của Kevin và Mai cũng hình thành. Mối thù hận trong lòng Kevin được cởi bỏ. Sau bao năm lưu lạc, oán hận mẹ, giờ đây Kevin đã trở về bên mẹ, gia đình họ đoàn tụ trong niềm vui hạnh phúc.

Lối kể mới về đề tài hậu chiến

Khúc mưa không kể bằng phương pháp thông thường theo trình tự thời gian mà cách kể được lựa chọn là phản trần thuật, hiện tại và quá khứ đan xen với những bí mật được lật giở dần dần, gây tò mò và cuốn hút khán giả. Đi vào một miền đất cũ của đề tài hậu chiến, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đã cố gắng tạo ra một hướng đi mới cho loại phim ít xung đột bên ngoài nhưng lại ẩn chứa nhiều xung đột nội tâm. Cao trào được đưa từ từ và dồn nén đến cùng mới bùng nổ. Vai diễn của Trương Minh Quốc Thái khi hóa thân thành Kevin sau hơn 40 năm trở lại Việt Nam đã mang đến cho người xem nhiều xúc cảm trước nỗi đau của nhân vật.

Phim được kể bằng một thủ pháp nhất quán theo phương pháp gợi mở từ một hệ thống các chi tiết tinh tế được lựa chọn và cài cắm kỹ lưỡng. Từ chiếc xe đồ chơi được anh Lân, bộ đội phục viên làm theo mẫu xe Gaz 63 đến tấm ảnh người mẹ để trong ví của Kevin mà mỗi lần không làm chủ bản thân hoặc lên cơn điên, anh nhìn vào nó để kiềm chế. Khúc mưa dù mang tựa nhẹ nhàng nhưng lại là câu chuyện phim nặng về tâm lý, chậm nhưng dùng nhiều phân đoạn đan xen để tăng tiết tấu và giữ nhịp kể cho phim. Hệ thống hình ảnh nhất quán bằng những cú máy dài, diễn xuất liền mạch, hạn chế cắt cảnh.

Theo đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, một bộ phim đi vào chiều sâu tâm lý thì khó nhất chính là việc kiểm soát cảm xúc của diễn viên. Nam diễn viên Trương Minh Quốc Thái, một Việt kiều sống ở Mỹ, sinh hoạt nghệ thuật ở Việt Nam, vào vai Kevin đã kiểm soát tốt các cung bậc cảm xúc với những tình huống diễn ra liên tiếp. Lê Phương trong vai bà mẹ trẻ thời kỳ năm 1978 cũng đã hoàn thành tốt nhiều trạng thái cảm xúc của nhân vật. Còn theo nhà biên kịch Nguyễn Thu Dung, cái khó của đề tài phim thời hậu chiến là phải tiếp cận được với các vấn đề của đời sống hiện đại, chứ không chỉ đơn thuần là kể lại câu chuyện của ngày xưa. Điều khó hơn nữa là phải làm sao để phim chạm được vào trái tim của khán giả.

Còn với đại tá, NSƯT Phạm Tiến Cường, Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân thì hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ được khắc họa trong phim Khúc mưa thông qua nhân vật Hai Lân đã thể hiện sự cảm thông và mang tính nhân văn sâu sắc. Đây là nhân vật bước ra từ chiến tranh và mang trong mình vết thương của những năm tháng tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Vì thế, tâm hồn của ông luôn chứa đựng lòng vị tha và rất giàu tình yêu thương con người. Hai Lân, nhân vật như một chiếc cầu nối để xóa bỏ hận thù, để gắn kết lại tình yêu giữa mẹ con Kevin. Chỉ có tình yêu của Hai Lân mới cảm phục, mới hàn gắn được vết thương lòng của vợ và người con trai sau bao năm xa cách. Vòng tay đại lượng của người chiến sĩ từng vào sinh ra tử ở chiến trường rất cần thiết cho chủ đề của bộ phim, nhằm khắc họa hình ảnh cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình. Đây là một hình tượng đẹp về người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trương Minh Quốc Thái vào vai Kevin dường như là một trải nghiệm mới khi anh phải đảm đương những diễn biến tâm lý khá phức tạp. Trải qua biết bao biến cố khủng khiếp của cuộc đời khi mới lên 6 tuổi, Kevin sau hơn 40 năm mang một tính cách đầy khác biệt, vừa là một gã trung niên lại là một đứa trẻ. Những tính cách này vừa hấp dẫn, vừa là thử thách với bản thân nam diễn viên. Anh chia sẻ về điều khiến mình cảm thấy tâm đắc nhất ở phim Khúc mưa, đó chính là thông điệp nỗi đau chiến tranh của ngày xưa cần phải được hoá giải, khép lại hận thù để hướng tới một cuộc sống đầy yêu thương.

 PHƯƠNG ANH

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top