Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Bãi bỏ bản quyền vắcxin ngừa Covid-19: Nhiều quan điểm trái chiều

Thứ Hai 10/05/2021 | 07:14 GMT+7

VHO- Giữa lúc cuộc khủng hoảng Covid-19 gia tăng nghiêm trọng trên toàn cầu, lãnh đạo nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, nhà khoa học đã lên tiếng ủng hộ việc bãi bỏ sở hữu trí tuệ với các loại vắcxin ngừa Covid-19, để mở rộng nguồn cung vắcxin cho chiến dịch tiêm chủng.

 Nhiều ý kiến trái chiều trong vấn đề dỡ bỏ bản quyền vắcxin ngừa Covid-19 Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, không ít chuyên gia, hãng dược lại phản đối gay gắt và cho rằng, việc này sẽ tạo ra một tiền lệ xấu trong ngành công nghiệp dược phẩm.

Đáp ứng “tình hình khẩn cấp”

Trước thực trạng phân phối vắcxin thiếu công bằng giữa các quốc gia, khu vực ảnh hưởng tiêu cực đến chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 trên toàn cầu, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các nhà sản xuất vắcxin trên thế giới chia sẻ bản quyền với nhau, cho phép các công ty khác sản xuất các loại vắcxin ngừa Covid-19 mà họ sở hữu bản quyền. Điều này có thể thúc đẩy hoạt động sản xuất vắcxin, nâng cao năng lực tiêm chủng, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, với sự xuất hiện của nhiều biến thể SARS-CoV-2 nguy hiểm hơn. Cùng quan điểm trên, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây cũng đã tuyên bố ủng hộ miễn trừ bản quyền các loại vắcxin ngừa Covid-19 trên thế giới và sẽ đàm phán các điều khoản liên quan tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Tuyên bố trên của Mỹ đã được nhiều quốc gia, tổ chức đồng tình. Cơ quan quản lý y tế của Liên minh châu Phi (AU) hoan nghênh Mỹ ủng hộ việc tạm thời miễn áp dụng nghĩa vụ phát sinh từ Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) đối với vắcxin ngừa Covid-19, để bất kỳ quốc gia nào cũng có thể sản xuất vắcxin mà không cần lo lắng về bằng sáng chế. Giám đốc Trung tâm Phòng và kiểm soát dịch bệnh châu Phi (Africa CDC), ông John Nkengasong cho rằng: “Chính phủ Mỹ đã làm điều đúng đắn, vào đúng thời điểm trong cuộc chiến với thách thức khủng khiếp chưa từng thấy trong lịch sử hiện đại của chúng ta”. Đồng thời, Liên minh vắcxin Gavi nhận định, việc nới lỏng các quy định về quyền sở hữu trí tuệ sẽ thúc đẩy việc sản xuất vắcxin với chi phí rẻ hơn, qua đó giúp các nước nghèo, vốn đang rất vất vả để có đủ vắcxin tạo miễn dịch cộng đồng cho người dân.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng ủng hộ việc dỡ bỏ bảo hộ sáng chế với vắcxin Covid-19. Theo ông Putin, trong bối cảnh hiện tại, các chính phủ và doanh nghiệp không được phép nghĩ về việc tối đa hóa lợi nhuận, mà nên tập trung vào cách bảo đảm an toàn cho người dân. Ngoài ra, lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cùng nhiều nước khác cũng có chung quan điểm, và bày tỏ sẵn sàng thảo luận về đề xuất này.

Không dễ mở rộng sản xuất vắcxin

Mặc dù đề xuất dỡ bỏ bản quyền vắcxin Covid-19 hướng tới đến gia tăng nguồn cung vắcxin trên toàn cầu, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, động thái này sẽ không giúp thúc đẩy sản xuất vắcxin, mà có thể sẽ tạo ra một tiền lệ xấu trong ngành dược phẩm, đe dọa sự đổi mới, cải tiến trong tương lai. Ông Thomass Cueni, Tổng Giám đốc Liên đoàn quốc tế Các nhà sản xuất và Hiệp hội Dược phẩm (IFMPA) cho biết: “Một trong những nhà sản xuất lớn nhất của Ấn Độ đã bày tỏ với tôi những lo ngại về việc mọi người quá tập trung vào vấn đề bằng sáng chế, mà bỏ qua tầm quan trọng của việc đảm bảo và kiểm soát chất lượng vắcxin. Nếu bạn có nhiều nhà sản xuất hơn, nhưng lại không đảm bảo được chất lượng, tình hình sẽ trở nên phức tạp hơn”.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành Hãng dược Moderna Stephane Bancel cho rằng, sẽ rất mất nhiều thời gian để làm chủ được công nghệ về RNA vận chuyển (mRNA), cơ sở để sản xuất vắcxin của hãng Moderna và Pfizer/BioNTech, cũng như việc mua được các thiết bị, tiến hành các cuộc thử nghiệm lâm sàng và lập dây chuyền sản xuất quy mô lớn. Còn theo người đứng đầu Tổ chức Cải tiến công nghệ sinh học (BIO) Michelle McMurry-Heath, việc trao cho các nước một cuốn sách hướng dẫn sản xuất mà không có nguyên liệu, nhân lực cũng như các biện pháp an toàn thì không giúp ích gì cho người dân đang mong chờ vắcxin. Đồng thời, theo nhà phân tích nghiên cứu tại ngân hàng đầu tư SVB Leerink Geoffrey Porges, “đối với ngành sản xuất vắcxin, đây sẽ là một tiền lệ khủng khiếp. Điều đó sẽ phản tác dụng một cách cực kỳ nghiêm trọng”...

Thực tế, bản quyền vắcxin là một phần không thế thiếu trong ngành công nghiệp dược phẩm, nhằm bảo vệ quyền trí tuệ của các nhà nghiên cứu, các công ty dược phẩm. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến nghiêm trọng, kéo dài, mà vắcxin được xem là lối thoát duy nhất ra khỏi cuộc khủng hoảng này, thì việc bãi bỏ bản quyền vắcxin được kỳ vọng sẽ góp phần tích cực vào cuộc chiến đẩy lùi Covid-19 trên toàn cầu. 

 HẢI MINH

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top