Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Khảo sát tình hình thực hiện quản lý biên chế tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Thứ Bảy 04/12/2021 | 11:26 GMT+7

VHO- Ngày 3.12, Đoàn khảo sát của Ban chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế do Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Ban chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế Nguyễn Quang Dương làm Trưởng đoàn đã làm việc với Bộ VHTTDL về tình hình thực hiện quản lý biên chế của Bộ. Cùng tham gia đoàn khảo sát có các đại diện của Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ. Tham dự buổi làm việc, về phía Bộ VHTTDL có Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng; lãnh đạo các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại buổi làm việc

Cần cơ chế phù hợp để nâng mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương nhấn mạnh: “Khảo sát, đánh giá lại việc thực hiện quản lý biên chế thời gian vừa qua tại các Bộ, địa phương là rất quan trọng để chuẩn bị Tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tổng kết kết quả thực hiện quản lý biên chế giai đoạn 2016- 2021; đồng thời, chuẩn bị để Bộ Chính trị quyết định toàn bộ biên chế của giai đoạn 2022- 2026”.

Báo cáo của Bộ VHTTDL về việc tổng kết việc thực hiện quản lý biên chế giai đoạn 2016- 2021, đề xuất biên chế giai đoạn 2022- 2026 cho thấy, sau khi triển khai nghiêm túc các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, việc tổ chức bộ máy, quản lý biên chế và xây dựng vị trí việc làm của Bộ VHTTDL đã có những thay đổi rõ nét. Giai đoạn 2015- 2021, chỉ tiêu biên chế công chức; biên chế viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên và tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; số lượng hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP… đều giảm trên 10%. Về thực hiện tinh giản biên chế đã giải quyết đối với 123 trường hợp bảo đảm kịp thời, đầy đủ, đúng quy định.

Việc thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy các cơ quan hành chính giai đoạn này đã giảm 1 cơ quan hành chính thuộc Bộ; giảm 27 phòng thuộc cơ quan hành chính thuộc Bộ; giảm 1 phòng thuộc Văn phòng thuộc Tổng cục (tương ứng giảm 37,5%). Số lượng các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Bộ VHTTDL giảm 10 đơn vị (tương ứng giảm với tỉ lệ 10%), giảm 337 phòng thuộc đơn vị của Bộ (tương ứng giảm 30,4%) đảm bảo tỉ lệ giảm theo mục tiêu của Trung ương và Chính phủ.

Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Ban chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế Nguyễn Quang Dương, Trưởng Đoàn khảo sát phát biểu tại buổi làm việc

Chất lượng đội ngũ công chức, viên chức ở các cấp của Bộ VHTTDL được nâng lên: Đội ngũ công chức, viên chức hàng năm đều được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và các kỹ năng hành chính; công tác tuyển dụng công chức, viên chức đã có sự đổi mới về nội dung và hình thức tuyển dụng; công tác đào tạo, bồi dưỡng từng bước gắn với vị trí việc làm; công tác đánh giá, khen thưởng cơ bản đã đánh giá đúng người, đúng việc...

Bên cạnh đó, để thực hiện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Cán sự đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng chỉ đạo, ban hành hệ thống các văn bản về công tác cán bộ làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện gồm 2 Thông tư, 6 Quy chế, quy định về công tác cán bộ. Đặc biệt, Ban Cán sự đảng Bộ VHTTDL đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/BCSĐ ngày 21.6.2021 về “Tiếp tục xây dựng đội ngũ công chức, viên chức Bộ VHTTDL đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới”. Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 1935/QĐ-BVHTTDL ngày 22.6.2021 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/BCSĐ, trong đó đã cụ thể hóa thành 27 nhiệm vụ về công tác tổ chức cán bộ có sản phẩm phải hoàn thành gồm: xây dựng và ban hành 10 Thông tư; 1 đề án; 4 quy chế, quy định; áp dụng công nghệ thông tin trong đánh giá chất lượng và xếp loại công chức, viên chức, trong công tác tuyển dụng công chức, viên chức; tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng cho công chức, viên chức; tổ chức kiểm tra công tác tổ chức cán bộ... Năm 2021, phải hoàn thành 16 nhiệm vụ, đến thời điểm này cơ bản đã hoàn thành.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác thực hiện quản lý biên chế cũng còn những khó khăn. Hiện tại, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có nhiều đảng bộ, chi bộ và đảng viên đang sinh hoạt ở các tỉnh, thành ủy. Điều này dẫn đến một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai quán triệt và thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Trung ương.

Đại diện Bộ VHTTDL báo cáo về việc tổng kết việc thực hiện quản lý biên chế giai đoạn 2016- 2021, đề xuất biên chế giai đoạn 2022- 2026

Báo cáo của Bộ VHTTDL cũng nêu: “Các đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ chủ yếu là đơn vị thực hiện nhiệm vụ chính trị; hỗ trợ các mục tiêu quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, thể thao; duy trì và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống; lưu trữ, bảo tồn và giới thiệu các di sản, hiện vật, tài liệu văn hóa vật thể, phi vật thể của quốc gia... Đây là những loại hình mà nhu cầu của xã hội chưa đạt đến mức độ để nguồn thu có thể đủ để đáp ứng duy trì hoạt động thường xuyên, do vậy rất cần sự hỗ trợ kinh phí từ ngân sách để duy trì hoạt động. Đây cũng là lý do để các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ VHTTDL khó chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp công lập sang hoạt động tự đảm bảo chi thường xuyên, công ty cổ phần. Vì thế, nếu không có cơ chế phù hợp, việc tiếp tục nâng mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ VHTTDL trong giai đoạn tiếp theo sẽ không khả thi”.  

Đề nghị không giảm biên chế một cách cơ học

Trong giai đoạn 2015- 2021, Bộ VHTTDL đã thực hiện giảm trên 10% biên chế công chức, biên chế sự nghiệp. Thế nhưng, việc giảm này mang tính cơ học nên gây ảnh hưởng không nhỏ đến thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, tâm tư của công chức, viên chức Bộ VHTTDL. Vì là Bộ đa ngành, đa lĩnh vực nên các đơn vị thuộc Bộ phải thực hiện nhiều nhiệm vụ mang tính chính trị, đặc thù về văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao; gìn giữ và bảo tồn nghệ thuật truyền thống; đào tạo tài năng phải 1 thầy/1 trò, nhiều thầy/1 trò; diễn viên cần trẻ, đẹp, tài năng; vở diễn phải đủ vai, dàn nhạc đủ bộ.... Trong khi đó, biên chế cắt cơ học, hợp đồng chuyên môn, nghiệp vụ không được ký đã gây ra bất cập, khó khăn lớn đến toàn Ngành và ảnh hưởng tới sự phát triển chung của Bộ.

Minh chứng cho điều này, NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho biết: “Các ngành nghệ thuật có tính đặc thù cao nên nếu vẫn cứ với tốc độ cắt giảm biên chế như hiện nay, đặc biệt là giảm một cách cơ học rồi sẽ đến lúc không còn ai làm nghệ thuật nữa. Không thể dồn tất cả các đoàn tuồng, chèo, cải lương… vào một nhà hát được. Tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc vừa diễn ra, Tổng Bí thư đã khẳng định “văn hoá là hồn cốt của dân tộc”, “văn hoá còn thì dân tộc còn”, vì thế, chúng tôi tha thiết đề nghị Đảng, Nhà nước quan tâm nhiều hơn đến văn hoá, nghệ thuật, đến Bộ VHTTDL và trước hết đầu tư về con người cho sự nghiệp bảo tồn, phát triển văn hoá”.

Các thành viên Đoàn khảo sát làm việc về tình hình quản lý biên chế của Bộ VHTTDL

Cũng nhấn mạnh yếu tố chuyên sâu đặc thù, NGND Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đánh giá việc cắt giảm biên chế một cách cơ học rất ảnh hưởng đến đào tạo ngành đặc thù, có thể sẽ không đủ để mở ngành nữa. Trong nghệ thuật để đào tạo được một người làm nghệ thuật rất khó, càng khó hơn để đào tạo một tài năng. Ông Thi cho biết diễn viên kịch hát đào tạo khác, diễn viên chèo đào tạo khác. Nếu không cẩn thận sẽ “reo vừng ra ngô”. Đó là chưa kể đào tạo chèo có vai mẫu nam và vai mẫu nữ, mỗi nhạc công một nhạc cụ khác nhau…. Từ thực tế đó, cần có sự quan tâm nhiều hơn của Nhà nước đối với đào tạo nghệ thuật và biên chế trong các trường nghệ thuật.

Chuẩn bị xây dựng biên chế giai đoạn 2021- 2026, Bộ VHTTDL đề xuất biên chế công chức giai đoạn 2022- 2026 được giao ổn định là 793 chỉ tiêu. Để đảm bảo hoạt động hiệu quả, Bộ VHTTDL đề xuất chỉ tiêu biên chế sự nghiệp cho các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, nghệ thuật biểu diễn giai đoạn 2022- 2026 cơ bản được giữ số lượng chỉ tiêu đã giao của năm 2021; các đơn vị sự nghiệp công lập ở lĩnh vực khác giảm chỉ tiêu biên chế sự nghiệp theo mức độ đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên theo quy định của pháp luật.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Giai đoạn vừa qua, thực hiện Nghị quyết của Đảng, Nghị định của Chính phủ về tinh giản bộ máy, quản lý biên chế, Bộ VHTTDL đã đổi mới mạnh mẽ về tổ chức, tinh giản bộ máy một cách hiệu quả hơn, tính toán theo từng ngành để giảm biên chế 10% theo quy định. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn và những khoảng trống trong việc quản lý ngành. Ví dụ, Bộ VHTTDL được giao quản lý nhà nước, phát triển về văn học, công nghiệp văn hóa nhưng cơ cấu bộ máy và biên chế còn hạn hẹp, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra...”.

Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL tại buổi làm việc

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng khi tinh giản bộ máy, giảm biên chế cần xem xét tính đặc thù của các Bộ, ngành; giao chỉ tiêu biên chế sát thực tế nhất chứ không nên giảm một cách cơ học, cào bằng. Có cơ chế để các đơn vị nghệ thuật, các trường được ký hợp đồng chuyên môn nhằm phát huy các tài năng nghệ thuật và đào tạo người làm nghề. Bên cạnh đó, các Hội như: Hội Sân khấu, Hội Điện ảnh, Hội Văn học nghệ thuật... cần kết nối, phối hợp với Bộ VHTTDL để có những hoạt động đúng hướng, hiệu quả.

Tại buổi làm việc với Đoàn khảo sát, Bộ VHTTDL kiến nghị với Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định phương án chuyển sinh hoạt của một số tổ chức Đảng trực thuộc Tỉnh ủy, Thành ủy về trực thuộc Đảng ủy Bộ VHTTDL, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Ban Cán sự đảng, Đảng bộ Bộ VHTTDL trong việc triển khai các Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị của Trung ương.

Các Bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn thi hành các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ để bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ. Về xây dựng vị trí việc làm, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cần có hướng dẫn chung cho các Bộ, ngành việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị định số 62/2020/NĐ-CP, Nghị định số 106/2020/NĐ-CP.

Toàn cảnh buổi làm việc Đoàn khảo sát của Ban chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế với Bộ VHTTDL về tình hình thực hiện quản lý biên chế của Bộ

Để xác định biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022- 2026, Bộ VHTTDL đề nghị các Bộ, ngành phối hợp nghiên cứu, đề xuất với Trung ương, Quốc hội, Chính phủ xem xét, quyết định về các vấn đề về cơ chế chính sách đối với đặc thù của ngành VHTTDL để có cơ sở thực hiện quản lý và sử dụng biên chế. Theo quy định của Nghị định số 106/2020/NĐ-CP, các Bộ có thẩm quyền quyết định giao số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp đối với từng đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên thuộc ngành, lĩnh vực đã có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về định mức số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên hiện nay chưa có Bộ, ngành nào ban hành quy định hướng dẫn nên chưa có căn cứ pháp lý để thực hiện.

Đồng thời, cần quy định, hướng dẫn cụ thể, phù hợp hơn về chỉ tiêu trong việc thực hiện chế độ tinh giản biên chế, tự chủ tài chính… để phù hợp với đặc thù của ngành VHTTDL thay cho việc thực hiện cắt giảm biên chế, tinh gọn bộ máy, tự chủ tài chính,... một cách cơ học, đồng đều như hiện nay.

Đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo và nội dung làm việc của Bộ VHTTDL, Trưởng Đoàn khảo sát Nguyễn Quang Dương đã có ý kiến: Báo cáo của Bộ VHTTDL đã báo cáo bám sát đề cương và trực diện vào vấn đề. Phát biểu của lãnh đạo Bộ và các đại biểu dự họp cũng rất thẳng thắn, đầy trách nhiệm, mang lại hiệu quả tốt cho buổi làm việc. Điều đó cho thấy Bộ VHTTDL rất nghiêm túc, quyết liệt trong việc thể chế hóa các văn bản, chủ trương của Đảng. Việc quản lý, tinh giản biên chế của Bộ VHTTDL được thực hiện tốt; trên cơ sở sắp xếp tổ chức bộ máy, Bộ VHTTDL đã sớm hoàn thành hệ thống khung năng lực vị trí việc làm. Việc này không phải dễ. Đoàn khảo sát ghi nhận và sẽ báo cáo lại với Ban chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế để giai đoạn mới có những cơ chế, chính sách sát thực tiễn và hiệu quả hơn.

THÚY HÀ, ảnh TRẦN HUẤN

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top