Yêu cầu cấp bách phát triển nhân lực du lịch trong bối cảnh mới

VHO - Ngày 25.7, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới - Thách thức và triển vọng” với hình thức trực tiếp (tại Hà Nội) và trực tuyến tới 20 đầu cầu cả nước.

Yêu cầu cấp bách phát triển nhân lực du lịch trong bối cảnh mới - Anh 1

Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Du lịch Phạm Văn Thủy phát biểu tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo có Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Du lịch Phạm Văn Thủy, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL) Lê Anh Tuấn; đại diện các đơn vị trực thuộc Cục Du lịch quốc gia Việt Nam; lãnh đạo các Sở quản lý du lịch địa phương; đại diện các cơ sở đào tạo du lịch, các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch…

Du lịch có còn đủ sức thu hút nhân lực ngành quay trở lại?

Hội thảo “Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới - Thách  thức và triển vọng” được tổ chức nhằm mục đích tạo ra diễn đàn dành cho các bên  liên quan bao gồm: các cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về du lịch, các cơ sở đào tạo, chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, doanh nghiệp, cộng đồng, các điểm đến du lịch…. trao đổi và thảo luận những vấn đề liên quan đến nguồn nhân lực đang đặt ra với ngành Du lịch.

Đặc biệt là việc làm thế nào để thực sự giữ được chân lực lượng lao động chuyên nghiệp của ngành? Du lịch có còn đủ sức thu hút trở lại lực lượng lao động chuyên nghiệp đã vội bỏ ngành thời gian qua do ảnh hưởng dịch bệnh? Đồng thời, Hội thảo cũng bàn về cơ hội, khả năng, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch trong giai đoạn 2025 – 2030.

Trong đó, Hội thảo tập trung đánh giá hiện trạng nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch Việt Nam; triển vọng phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh mới và đề xuất định hướng, giải pháp phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam phù hợp với bối cảnh mới.

Yêu cầu cấp bách phát triển nhân lực du lịch trong bối cảnh mới - Anh 2

Du lịch có còn đủ sức thu hút trở lại lực lượng lao động chuyên nghiệp đã thất thoát không ít thời gian qua do dịch bệnh?

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Cục trưởng Phạm Văn Thủy cho rằng, thời gian qua, ngành Du lịch Việt Nam cũng như toàn thế giới bị ảnh hưởng nặng nề trước tác động của đại dịch Covid-19. Khi dịch Covid-19 bùng phát, có thời điểm gần như toàn bộ ngành Du lịch “đóng băng”, ngừng hoạt động. Nhân lực nghỉ việc tới 92%, nhiều đơn vị kinh doanh chỉ hầu như giữ lại lực lượng chủ chốt để duy trì sự vận hành tối thiểu.

Trong khi đó, từ trước đến nay, nhân lực du lịch của nước ta vẫn luôn được cho là vẫn còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Đặc biệt là nhân lực gặp nhiều hạn chế về kỹ năng chuyên môn, ngoại ngữ. Chất lượng dịch vụ, chưa đáp ứng được nhu cầu và sự chuyển biến liên tục của ngành.

"Thực tế nêu trên đặt ra nhu cầu phát triển đội ngũ nhân lực du lịch chất lượng cao có khả năng thích ứng dưới tác động đa chiều của các yếu tố kinh tế, an ninh phi truyền thống và đặc biệt là những xu hướng mới của thời đại công nghệ 4.0 đáp ứng đầy đủ yêu cầu về số lượng và chất lượng nhân lực cho ngành trong quá trình phát triển trong giai đoạn mới", ông Phạm Văn Thủy nhấn mạnh.

Phát biểu đề dẫn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Đỗ Thị Thanh Hoa cho rằng, du lịch là một trong những hoạt động kinh tế đặc biệt quan trọng, được coi là ngành kinh tế hàng đầu trong nền kinh tế thị trường đòi hỏi lao động chuyên nghiệp và tạo ra nhiều lợi ích. Nguồn nhân lực có vai trò quyết định không chỉ đối với sự phát triển du lịch mà còn góp phần quan trọng đến sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Nguồn nhân lực trong lĩnh vực này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, nâng cao năng suất và chất lượng ở tất cả các cấp trong các tổ chức, điểm đến và quốc gia.

Thực trạng nguồn nhân lực đáng lo ngại của ngành Du lịch

Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững, đưa Việt Nam thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững. Để đạt được mục tiêu Chiến lược đề ra, một trong những yếu tố quan trọng nhất cần quan tâm đầu tư đó là yếu tố con người. Nhiều năm qua, ngành Du lịch đã có những cố gắng trong phát triển nguồn nhân lực và đã đạt được những kết quả nhất định.

Hiện nay, số lượng cơ sở đào tạo tham gia vào đào tạo phát triển nguồn nhân lực du  lịch và sinh viên tham gia học tập các chuyên ngành Du lịch ngày càng gia tăng góp phần quan trọng cung cấp nguồn nhân lực cho ngành Du lịch. Số lượng nhân lực ngành Du lịch có xu hướng tăng, phản ánh vai trò quan trọng của ngành và tính hiệu quả của công tác xã hội hóa hoạt động du lịch.

Nhân lực ngành Du lịch cũng là một trong những nhân tố quan trọng đóng góp vào thành tựu xây dựng phát triển Ngành; bước đầu xây dựng được thương hiệu du lịch Việt Nam và những sản phẩm du lịch mang lại giá trị mới cho đất nước và xã hội.

Yêu cầu cấp bách phát triển nhân lực du lịch trong bối cảnh mới - Anh 3

Đại diện doanh nghiệp du lịch chia sẻ về tình trạng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao tại Hội thảo

Song hành cùng những cán bộ công tác lâu năm, có nhiều cống hiến và những nhà khoa học, chuyên gia, nghệ nhân tuy tuổi cao, vẫn tiếp tục sự nghiệp sáng tạo và cống hiến, đã xuất hiện những lao động trẻ, được đào tạo cơ bản, năng động, tự tin, dám nghĩ, dám làm, trình độ nhiều mặt và năng lực, cống hiến ngày một nâng cao, cố gắng tìm tòi cái mới, hoàn thành tốt nhiệm vụ, tiếp thu nhanh kiến thức mới và có ý chí vươn lên lập thân, lập nghiệp.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 trong hơn ba năm qua với những diễn biến phức tạp đã làm gián đoạn, đứt gãy chuỗi liên kết dịch vụ du lịch kéo theo thiệt hại không chỉ cho ngành Du lịch mà còn đến các ngành nông nghiệp, ăn uống, giải trí, cung ứng thực phẩm, đặc sản, nghề thủ công, hàng lưu niệm, giao thông... 

Chỉ tính riêng trong năm 2021, ngành Du lịch đã có 95% doanh nghiệp lữ hành dừng hoạt động, 35% doanh nghiệp lữ hành xin rút giấy phép kinh doanh; 90% cơ sở lưu trú du lịch đóng cửa, công suất phòng trung bình năm của toàn bộ hệ thống cơ sở lưu trú du lịch chỉ đạt 5%; hàng triệu lao động du lịch bị mất việc làm.

Tình trạng di chuyển lao động, chảy máu chất xám của nhân lực du lịch sang các ngành làm việc khác đã diễn ra mạnh mẽ trong thời gian diễn ra đại dịch. Kể cả sau đại dịch, lực lượng lao động du lịch vẫn e ngại vì sự bấp bênh của ngành sau những cú sốc tác động từ bên ngoài như đại dịch Covid -19 và chưa sẵn sàng quay trở lại.

Theo nhận định của các thành viên của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), sớm nhất là trong năm 2024, lượng du khách quốc tế mới đạt được ở mức trước khi có dịch Covid-19 xảy ra. Điều này cũng đặt ra những thách thức không nhỏ trong việc phục hồi nguồn nhân lực du lịch để đáp ứng nhu cầu thực tế khi khách du lịch tăng trở lại.

Theo thống kê của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tính chung 6 tháng năm 2023 ước đạt 5,6 triệu lượt khách, tăng 1.248,7% so với cùng kỳ năm 2022. Du lịch phục hồi, dần phát triển trở lại, trước những thay đổi về xu hướng tiêu dùng, thị trường du lịch, công nghệ số phát triển mạnh mẽ cùng những yêu cầu đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Bên cạnh những thuận lợi, đội ngũ nhân lực ngành Du lịch cũng đứng trước những nhiều khó khăn để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tình hình mới.

Ngân hàng thế giới (World Bank) đánh giá chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đang ở mức thấp  trong bậc thang năng lực quốc tế, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến chất lượng lao động ngành Du lịch khá nặng nề, lực lượng lao động bị mất việc làm tương đối lớn, một phần vẫn còn việc làm nhưng tâm lý nhân viên chưa ổn định. Tình trạng này cần phải được giải quyết ngay sau khi dịch lắng xuống, cuộc sống trở lại trạng thái bình thường.

Yêu cầu cấp bách phát triển nhân lực du lịch trong bối cảnh mới - Anh 4

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn cho biết, nguồn nhân lực du lịch hiện nay rất đáng lo ngại nhưng cũng có nhiều cơ hội để phát triển

Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, mỗi năm ngành cần 40.000 nhân viên mới và 25.000 nhân viên cần được đào tạo lại. Trong khi đó, hàng năm các trường chỉ đào tạo 20.000 sinh viên. Tỉ lệ lao động du lịch được đào tạo chuyên nghiệp còn thấp, chỉ chiếm 43% trong tổng số lao động du lịch, gần một nửa không biết ngoại ngữ. 

Theo đánh giá của các chuyên gia, chất lượng, năng suất lao động trong ngành Du lịch và khách sạn còn thấp, cụ thể năng suất lao động tại khách sạn ở Việt Nam chỉ bằng 1/15 Singapore, 1/10 Nhật Bản và  1/5 Malaysia. 

Nguy cơ bị cạnh tranh việc làm ngay tại Việt Nam bởi nhân lực từ các nước  ASEAN như Thái Lan, Philippines và Malaysia…. Hiện nay, lao động du lịch từ Philippines, Thái Lan, Indonesia, Singapore đến Việt Nam để làm việc khá nhiều, hầu như khách  sạn 4-5 sao đều có lao động nước ngoài. 

Nhân lực ngành Du lịch còn nhiều mặt chưa đáp ứng nhiệm vụ phát triển du lịch khi hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng và yêu cầu phát triển nền kinh tế tri thức. Số lượng nhân lực còn ít, cơ cấu chưa đồng bộ và năng lực thực tiễn chưa tương xứng với bằng cấp. Nhân lực có trình độ, tay nghề cao chưa nhiều và ngày càng thiếu những cán bộ “đầu đàn” làm nòng cốt đào tạo nhân lực trẻ, nhất là sau làn sóng di chuyển lao động du lịch sang các ngành khác do tác động của đại dịch Covid- 19 vừa qua

Kiến thức hội nhập, ngoại ngữ, tin học; năng lực sáng tạo, lãnh đạo, quản lý, quản trị và kinh nghiệm thực tiễn còn hạn chế chưa tương ứng với yêu cầu phát triển của Ngành.

Một bộ phận nhỏ chưa tích cực tự học, còn ngại học, kết quả làm việc không cao. Nhiều lĩnh vực chuyên môn sâu còn thiếu nhiều nhân lực. Nguồn nhân lực ngành Du lịch hiện đang cần bổ sung ở một số vị trí như cán bộ tham mưu quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, quản trị kinh doanh, chuyên gia hoạch định chính  sách, nghiên cứu chiến lược phát triển Ngành; đặc biệt thiếu chuyên gia đầu ngành giỏi kỹ thuật, nghiệp vụ du lịch.

Bà Đỗ Thị Thanh Hoa cho biết: “Trong bối cảnh chung hiện nay, thật sự là Việt Nam rất thiếu nhân lực có  trình độ chuyên môn, có tay nghề đạt tiêu chuẩn quốc tế và có đủ niềm đam mê để làm trong ngành du lịch. Bởi theo đánh giá của các chuyên gia, mặt bằng chung chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch Việt Nam vẫn thấp, vừa thiếu, vừa yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển ngành Du lịch trong nước. Tuy nhiên, cơ hội vẫn trong tay chúng ta khi du lịch là ngành kinh tế cần cảm xúc, có nhiều sự tiếp xúc giữa con người với con người mà không máy móc hay công nghệ nào có thể thay thế được”. 

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến của đại biểu đã tập trung thảo luận về thực trạng nguồn nhân lực du lịch ở các địa phương; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam hiện nay; công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại các cơ sở đào tạo; giải pháp phát triển, đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên và nhân lực du lịch trong các cơ sở lưu trú để đáp ứng trong bối cảnh mới….

Ban Tổ chức đã nhận được hơn 20 bài tham luận của các nhà quản lý đại diện cho các cơ quan cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương và địa phương; các nhà nghiên cứu từ các Viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên toàn quốc. Các tham luận cho thấy có nhiều vấn đề đặt ra đối với việc phát triển du lịch; nguồn nhân lực du lịch.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn đánh giá cao sự tham gia của các đại biểu tham gia trực tiếp và từ 20 đầu cầu trực tuyến ở các địa phương. Điều này cho thấy, vấn đề nguồn nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực du lịch đang khiến những người làm du lịch trên cả nước quan tâm, trăn trở rất nhiều.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, việc phát triển nguồn nhân lực du lịch đang đặt ra những cơ hội, thách thức trong thời kỳ mới. Tuy nhiên, cũng có nhiều triển vọng, sáng kiến và giải pháp phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam được các đại biểu đề cập. Trong đó, có việc đào tạo nhân lực du lịch trên toàn hệ thống, từ cơ quan quản lý nhà nước tới các doanh nghiệp, người làm du lịch trực tiếp; định hướng đào tạo rõ ràng (theo hướng học thuật, nghiên cứu hay đào tạo kỹ năng nghề hoặc phối hợp cả 2); cơ chế, chính sách đào tạo nguồn nhân lực du lịch; thống nhất và cập nhật giáo trình đào tạo; mô hình đào tạo du lịch; chuyển đổi số trong đào tạo du lịch…

Những ý kiến tại Hội thảo sẽ được Viện Nghiên cứu phát triển du lịch tổng hợp, đề xuất giải pháp đào tạo nguồn nhân lực và phát triển du lịch thời gian tới.

THÚY HÀ; ảnh: BÌNH THUẬN

Ý kiến bạn đọc