Những “chiến sĩ” trên mặt trận chống độc: Vượt qua mọi quy trình để cứu chữa bệnh nhân

VHO - “Chúng tôi là Tạ Hương Giang (41 tuổi) và Hoàng Thị Hiền (49 tuổi) là hai trong số nhiều nạn nhân đã được cứu sống trong vụ hỏa hoạn ngày 13.9.2023 vừa qua. Thật sự, với thông tin là đã tử vong nhưng nhờ đội ngũ nhiệt tình và kỹ thuật cao của bác sĩ Khoa Chống độc, chúng tôi đã được sinh ra một lần nữa…”.

Những “chiến sĩ” trên mặt trận chống độc: Vượt qua mọi quy trình để cứu chữa bệnh nhân - Anh 1

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc chia sẻ về tổn thương chất trắng trên não của bệnh nhân ngộ độc thiếc hữu cơ tại Hải Dương

 Đó là một phần nội dung bức thư của hai trong số nhiều nạn nhân đã thoát “cửa tử” trong vụ cháy chung cư mini tại phố Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) gửi các y bác sĩ của Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, sau khi ra viện.
Ra đời một quy trình giải độc mới…
Chị Giang và Hiền cũng là hai trong số rất nhiều nạn nhân đã thoát nạn trong vụ ngộ độc mang tính “thảm họa” mà các bác sĩ Trung tâm Chống độc đã giành giật sự sống trong những năm qua. Không chỉ xử lý những vụ ngộ độc mang tính thông thường, Trung tâm Chống độc còn đi đầu trong việc nghiên cứu, phát hiện và đưa ra những hướng dẫn, quy trình cấp cứu bệnh nhân lần đầu ngộ độc tại Việt Nam.
Còn nhớ vụ ngộ độc thực phẩm pate Minh Chay vào giữa tháng 7 kéo dài đến đầu tháng 9.2020 khiến nhiều người phải nhập viện trong tình trạng nặng, liệt cơ, hôn mê sâu… tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Bảy bệnh nhân đầu tiên nhập viện vào cuối tháng 7.2020 ở Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh nhiệt đới tại TP.HCM nhưng các bác sĩ chưa phát hiện được nguyên nhân. Đến ngày 12.8.2020, vợ chồng cao tuổi tại Hà Nội được đưa vào Bệnh viện Lão khoa Trung ương trong tình trạng tương tự. Sau những ngày đầu nằm viện, diễn biến bệnh nhân càng nặng mà các bác sĩ chưa phát hiện ra nguyên nhân. Khi đó, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) được mời đến Bệnh viện Lão khoa Trung ương để hội chẩn liên viện. Với những triệu chứng lâm sàng ở hai bệnh nhân, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên nhận định, nguyên nhân có thể do ngộ độc Botulinum, chưa từng gây ngộ độc tại Việt Nam nhưng đã được tiếp cận trong các cuộc hội thảo quốc tế. Sau khi tham khảo ý kiến các chuyên gia quốc tế, và khẳng định nguyên nhân do ngộ độc Botulinum, ngày 18.8.2020, vợ chồng bệnh nhân được chuyển tới Trung tâm Chống độc. Tuy nhiên, tại Việt Nam lúc đó chưa có thuốc giải độc. 
“Sau khi trao đổi với các chuyên gia quốc tế về thuốc giải độc, Trung tâm Chống độc của Thái Lan đồng ý chuyển 2 lọ thuốc giải độc cho bệnh nhân. Nhưng thuốc này lại chưa được cấp phép tại Việt Nam. Nếu làm đúng quy trình, gửi công văn, tiếp nhận, cấp phép… thì không biết bao giờ mới có thuốc để bệnh nhân dùng. Do đó, để có thuốc được nhanh nhất, tôi đã túc trực với các cán bộ để có những văn bản một cách nhanh nhất trình lãnh đạo Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam. Lúc đó rất căng thẳng, gấp gáp, và để có thuốc cho bệnh nhân nhanh nhất có thể nói là một cuộc chạy đua vượt qua mọi quy trình”, bác sĩ Nguyên chia sẻ. Ngay sau khi được dùng thuốc giải, người vợ đang từ liệt cơ, suy hô hấp… chỉ ngày hôm sau đã đứng dậy, đi lại và ổn định dần. Còn người chồng cao tuổi hơn, và nhiều bệnh lý nền thì sau đó đã không qua khỏi. Nhưng từ đó, một quy trình giải độc cho bệnh nhân ngộ độc Botulinum đã được đưa ra và áp dụng trên cả nước, vì thế nhiều vụ ngộ độc vi khuẩn này được phát hiện và cấp cứu kịp thời, thậm chí cả trẻ sơ sinh bị ngộ độc qua đường bú mẹ. 

Những “chiến sĩ” trên mặt trận chống độc: Vượt qua mọi quy trình để cứu chữa bệnh nhân - Anh 2

Các bệnh nhân được điều trị tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai

Rất cảm động vì người dân tin tưởng
Cùng trong thời điểm đó, Trung tâm Chống độc đang “đau đầu” tìm nguyên nhân của bệnh nhân được chuyển từ Khoa Thần kinh (Bệnh viện Bạch Mai) trong tình trạng rối loạn tâm thần, đập phá, tự cắt quần áo, tổn thương não nặng… Bệnh nhân tiên lượng tử vong nên gia đình xin về. Khi bác sĩ điều tra tiền sử, gia đình không biết anh này đã làm gì, chỉ biết đi làm tại Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam (Hải Dương), trong công ty cũng có một vài công nhân có biểu hiện tâm thần bất bình thường như thế. 
Ngay lúc đó, bác sĩ dặn người nhà nhắn những công nhân thấy khó chịu trong người, tinh thần bất bình thường thì đến Bệnh viện Bạch Mai kiểm tra. Theo bác sĩ Nguyên, một vài ngày sau, có 2 thanh niên khoảng 36-37 tuổi cùng công ty được đưa đến viện trong tình trạng hạ Kali máu, nhiễm toan chuyển hóa nặng, trước đó đang bình thường bỗng dưng cứ đi xe máy vòng quanh làng, chẳng để làm gì… “Lo sợ bệnh nhân tử vong nên các bác sĩ đã chỉ định lọc máu dù chưa biết nguyên nhân. Sau đó, các bác sĩ đã truy tìm tất cả các nguồn thông tin y học khoa học, kể cả hỏi ý kiến của các bạn bè, chuyên gia, đồng nghiệp trên quốc tế về loại ngộ độc này. Trong tất cả các trang web khoa học thế giới đều xuất hiện một số chất có đuôi “tin”, khi tham khảo các chuyên gia ở Viện Hóa học thì được biết đó là thiếc hữu cơ”, bác sĩ Nguyên cho hay. Thiếc vô cơ thì không gây độc, nhưng nhiễm độc thiếc hữu cơ được sử dụng trong quá trình sản xuất nhựa gây tổn thương nặng ở các cơ quan, bao gồm não, gan, thận, miễn dịch, máu… Trên thế giới và trong nước vẫn chưa có phác đồ điều trị nhiễm độc thiếc, do đó việc điều trị khó khăn, các bác sĩ phải vừa điều trị vừa theo dõi sát để đánh giá điều chỉnh. 
Không chỉ cấp cứu sinh mạng cho bệnh nhân, các “chiến sĩ” trên mặt trận chống độc còn đi đầu trong việc ổn định tâm lý xã hội khi có “thảm họa” liên quan đến ngộ độc xảy ra. Điển hình là vụ hỏa hoạn ở Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông xảy ra năm 2019, không ít nạn nhân và người dân xung quanh lo sợ về việc nhiễm độc thuỷ ngân. Ngay cả các lực lượng chức năng cũng có những ý kiến không thống nhất, khiến dư luận càng hoảng sợ. “Trước tình hình đó, Trung tâm Chống độc đã mời một số nhà báo, lính cứu hỏa đã xâm nhập khu vực cháy để xét nghiệm nồng độ thuỷ ngân. Rất may, kết quả cho thấy nồng độ thuỷ ngân của những người có nguy cơ cao khá thấp nên chắc chắn những người ở khu vực lân cận ít bị ảnh hưởng. Để người dân yên tâm, Trung tâm đã đề xuất lãnh đạo Bệnh viện thông tin rộng rãi về vấn đề này. Toàn bộ tin tức, nghi ngại về việc nhiễm độc thuỷ ngân đã được lan truyền nhanh chóng, người dân thở phào, mang lại ổn định trật tự cho xã hội”, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên nhớ lại.
Hiện nay Việt Nam có 3 Trung tâm Chống độc được kết nối thông tin với nhau, nhưng công việc thì luôn bề bộn. Bệnh nhân của chuyên ngành chống độc thường là những người “hoàn cảnh”, đó là những người lao động, đôi khi bất chấp cả nguy hiểm, mạng sống như “cưa bom” hoặc cưa các loại bình không biết nguy hiểm ra sao khiến nhiều người bị ngộ độc khí; những người tự tử, ngộ độc ma túy, hay cả gia đình ngộ độc nấm… Giống như các y bác sĩ cấp cứu, hồi sức, chăm sóc bệnh nhân ở các chuyên ngành khác, nhưng điểm khác biệt là sau khi bệnh nhân ra viện, các “chiến sĩ” chống độc còn phải nghiên cứu để đưa ra các khuyến cáo, phác đồ điều trị và ngăn chặn, dự phòng. Vừa qua cuộc chiến với ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat khi hóa chất này bị cấm sử dụng tại Việt Nam thì hiện nay các bác sĩ đang trong “cuộc chiến” với các ca ngộ độc rượu do cồn công nghiệp methanol, ethanol hay do các chất trà trộn trong thuốc lá điện tử, không chỉ trên giường bệnh mà cả ở các cuộc hội thảo. 
Công việc luôn căng thẳng, áp lực nhưng với đam mê và những lời động viên, tin tưởng của người dân đã trở thành động lực để các bác sĩ tiếp tục cống hiến. “Những lần phải lên đường gấp gáp đến các địa phương có ngộ độc nhiều bệnh nhân như vụ ngộ độc nước RO tại nguyên đơn thận nhân tạo ở Hòa Bình hay vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường ISchcool ở Nha Trang khiến 665 học sinh là nạn nhân, khi đến nơi, người dân đang lo lắng, chờ đợi, xung quanh là tiếng chào “Bác sĩ Bạch Mai đến rồi”. Lúc đó chúng tôi rất áp lực, nhưng sau đó lại thấy cảm động vì sự tin tưởng của người dân”, bác sĩ Nguyễn chia sẻ. 

Trung tâm Chống độc là đơn vị hàng đầu, đặc biệt quan trọng trong việc tư vấn cho Bộ Y tế xây dựng các phác đồ, hướng dẫn chẩn đoán điều trị... Trung tâm Chống độc đã và đang đảm nhiệm tốt các chức năng nhiệm vụ về phòng, chống ngộ độc, đồng thời tham gia tích cực vào hệ thống các chuyên khoa hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Bạch Mai. Qua đó góp phần quan trọng hình thành nên hệ thống chống độc và hồi sức cấp cứu nói chung của cả nước, góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

(Thứ trưởng Bộ Y tế TRẦN VĂN THUẤN)

QUỲNH HOA; ảnh: TR.HẰNG

Ý kiến bạn đọc