Sinh hoạt chuyên đề về di sản văn hóa - hội họa với sinh viên

VHO - Nhà phê bình văn học, nghiên cứu mỹ thuật Thụy Khuê vừa có chuỗi sinh hoạt chuyên đề về di sản văn hóa, di sản hội họa với sinh viên và các nhà chuyên môn, nhân chuyến bà về thăm quê nhà Việt Nam. Chương trình diễn ra tại Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM…

Sinh hoạt chuyên đề về di sản văn hóa - hội họa với sinh viên - Anh 1

Bà Thụy Khuê (đứng thứ 7 hàng dưới, từ phải qua) chụp ảnh cùng thầy và trò Trường ĐH Văn hóa TP.HCM. Ảnh: HẢI GIANG

Ngày 8.3, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM tổ chức buổi sinh hoạt khoa học với chuyên đề “Sự cảm thụ nghệ thuật thơ văn và nghệ thuật tạo hình; Mối tương quan giữa Trường Mỹ thuật Đông Dương và văn học nghệ thuật Việt Nam thế kỷ XX”, do diễn giả nhà phê bình văn học, nhà nghiên cứu mỹ thuật Thụy Khuê trình bày.

Tại buổi sinh hoạt, diễn giả Thụy Khuê đã dành hơn 2 giờ đồng hồ để chia sẻ những tâm tư bà muốn gửi đến cho thế hệ trẻ của Trường ĐH Văn hóa TP.HCM trong thời đại ngày nay. Theo bà, các bạn trẻ không nên quá vọng ngoại mà hãy tìm về với nguồn cội của mình, thông qua những cảm thụ về văn, thơ, nghệ thuật tạo hình,...

Với lối dẫn chuyện mộc mạc, những nội dung chia sẻ được bà Thụy Khuê chắt lọc ngắn gọn nhưng khái quát được nội dung, ý nghĩa gửi gắm đến sinh viên. Nhà phê bình văn học, nhà nghiên cứu mỹ thuật Thụy Khuê đã mang đến cho thầy và trò Nhà trường nhiều cảm xúc và ấn tượng khó quên, đặc biệt là sự tâm huyết của một người dành gần cả đời cho công tác nghiên cứu, sáng tạo các giá trị văn học, mỹ thuật dân tộc. 

PGS.TS Lâm Nhân, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM bày tỏ cảm ơn diễn giả Thụy Khuê đã dành thời gian ghé thăm Nhà trường và có những chia sẻ để thầy và trò có thêm những kiến thức mới, góp phần vào việc giữ gìn và phát huy hơn nữa giá trị văn hóa mà nhà trường đã và đang vun đắp trong nhiều năm qua. 

“Buổi sinh hoạt khoa học còn là cơ hội giúp viên chức, người lao động; các nghiên cứu sinh, học viên cao học và các em sinh viên có thêm nguồn tư liệu quý giá để hỗ trợ cho việc nghiên cứu và học tập của mình dưới mái trường Văn hóa”, ông Lâm Nhân nhấn mạnh.

Sinh hoạt chuyên đề về di sản văn hóa - hội họa với sinh viên - Anh 2

PGS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM tặng hoa cho nhà nghiên cứu mỹ thuật Thụy Khuê

Trước đó, tại Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, bà Thụy Khuê cũng đã có buổi nói chuyện chuyên đề “Cuộc đời sáng tác tại Pháp của các họa sĩ Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm, Lê Phổ, Mai Trung Thứ”. 

Buổi nói chuyện chuyên đề nhằm tạo môi trường học tập, cập nhật thông tin và trao đổi chuyên môn trong đào tạo Mỹ thuật và quan hệ ngoại giao, giúp học viên và sinh viên có cơ hội tìm hiểu thêm về cuộc đời và sáng tác của các họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam.

Những chia sẻ của nhà nghiên cứu mỹ thuật Thụy Khuê, đã mang đến cho thầy và trò trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM nhiều cảm xúc, đặc biệt là hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp của 4 họa sĩ nổi tiếng, toát lên vẻ đẹp tâm huyết của người nghệ sĩ - họa sĩ yêu nghề và yêu quê hương đất nước dù đang sống tại nước ngoài (Pháp). 

Theo bà Thụy Khuê, các danh họa vì yêu nghề nên không bỏ nghề mà ngược lại, luôn tìm tòi, thể nghiệm để sáng tác dù không đúng chuyên ngành được đào tạo (họa sĩ Vũ Cao Đàm). Điều quan trọng nhất là ở đâu thì người nghệ sĩ - họa sĩ vẫn không đứng ngoài thời cuộc và luôn hướng về đất nước. 

Tác phẩm của 4 họa sĩ đều giữ được bản sắc dân tộc cho dù sáng tác ở đâu và bằng chất liệu gì với tâm nguyện hiến tặng các tác phẩm của mình cho đất nước.

PGS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng nhà trường gửi lời cảm ơn nhà nghiên cứu mỹ thuật Thụy Khuê và bày tỏ cảm xúc về tấm lòng với mỹ thuật của những người Việt xa xứ. “Trong đó có nhà nghiên cứu Thụy Khuê - người luôn yêu và trân trọng những giá trị mỹ thuật Việt Nam mà 4 họa sĩ là minh chứng sống động được cô Khuê trực tiếp gặp gỡ và chứng kiến suốt quãng đời và sáng tác tại Pháp”, ông Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh và cho rằng buổi nói chuyện thật sự là tư liệu vô cùng quý báu cho những nhà nghiên cứu mỹ thuật Đông Dương, các thầy cô, nghiên cứu sinh, học viên và sinh viên.

Sinh hoạt chuyên đề về di sản văn hóa - hội họa với sinh viên - Anh 3

Bà Thụy Khuê nói chuyện về “Di sản của họa sĩ Lê Bá Đảng” tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM

Nhằm thúc đẩy hợp tác, trao đổi hoạt động chuyên môn giữa Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM và một số tổ chức, cá nhân trong công tác nghiên cứu, đồng thời tìm hiểu về quá trình hình thành và phát triển mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM phối hợp với nhà nghiên cứu mỹ thuật Thụy Khuê thực hiện buổi sinh hoạt chuyên đề “Di sản của họa sĩ Lê Bá Đảng”, diễn ra vào cuối tháng 2 vừa qua, thu hút đông đảo nhà chuyên môn và sinh viên tham dự.

Đại diện Bảo tàng cho biết, hoạt động này là dịp giúp cho viên chức, người lao động của Bảo tàng Mỹ thuật, sinh viên các trường đại học trên địa bàn thành phố, công chúng yêu nghệ thuật bổ sung thêm thông tin, giao lưu, trao đổi về chuyên môn, giúp công tác bảo tồn, phát huy giá trị các tác phẩm mỹ thuật ngày càng tốt hơn.

Sinh hoạt chuyên đề về di sản văn hóa - hội họa với sinh viên - Anh 4

Thụy Khuê tên thật là Vũ Thị Tuệ, sinh năm 1944 tại làng Doanh Châu, xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Bà là một nhà báo, một nhà biên khảo, một nhà phê bình văn học và cũng là một nhà nghiên cứu mỹ thuật. Năm 1954 bà theo gia đình di cư vào Nam. Tháng 9.1962 bà sang Pháp du học và định cư tại Pháp. Thụy Khuê bắt đầu viết tiểu luận phê bình văn học từ năm 1987. 

Bà được biết tới nhiều khi phụ trách chương trình Văn học Nghệ thuật của đài Phát thanh Quốc tế Pháp RFI từ tháng 12.1990 cho đến tháng 3.2009.

Sinh hoạt chuyên đề về di sản văn hóa - hội họa với sinh viên - Anh 5

Ông bà Lê Tất Luyện - Thụy Khuê tại khai mạc trưng bày “Các tác phẩm mỹ thuật của họa sĩ Lê Bá Đảng” tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM

Cuối tháng 1.2024 vừa qua, bà Thụy Khuê cùng chồng là ông Lê Tất Luyện từ Cộng hòa Pháp về Việt Nam. Ông bà đã đến tham dự và cắt băng khai mạc trưng bày chuyên đề “Các tác phẩm mỹ thuật của họa sĩ Lê Bá Đảng” và giới thiệu tập sách Lê Bá Đảng - Cuộc đời và tác phẩm (do bà biên soạn), tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. 

Ông bà Lê Tất Luyện - Thụy Khuê là người đã hiến tặng nhiều bộ sưu tập quý cho Nhà nước Việt Nam, thông qua Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, bao gồm bộ sưu tập 236 tác phẩm, tư liệu của họa sĩ Lê Bá Đảng (tặng vào năm 2023) và bộ sưu tập các tác phẩm tranh lụa của nữ họa sĩ Lê Thị Lựu (tặng vào năm 2018).

THÙY TRANG - HẢI GIANG

Ý kiến bạn đọc