6 giải pháp để du lịch Điện Biên cất cánh

VHO - Ngày 17.3.2024, tại Điện Biên, Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Điện Biên và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Điện Biên phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch bền vững”. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường; Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật Vũ Trọng Lâm; Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô đồng chủ trì Hội thảo.

6 giải pháp để du lịch Điện Biên cất cánh - Anh 1

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo các ban, Bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo các viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo; Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Hiệp hội Khách sạn Việt Nam; các công ty, doanh nghiệp, lữ hành; các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và tác giả có bài tham luận tại Hội thảo…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Trưởng ban Chỉ đạo Năm Du lịch quốc gia Điện Biên 2024 nhấn mạnh, Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia Điện Biên là dịp lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, của những người hoạt động thực tiễn để đóng góp thiết thực vào phát triển du lịch của cả nước nói chung, tỉnh Điện Biên nói riêng.

6 giải pháp để du lịch Điện Biên cất cánh - Anh 2

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu khai mạc Hội thảo

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị các đại biểu cần làm rõ luận cứ khoa học để làm sâu sắc hơn, góp phần nâng cao nhận thức, trong đó chuyển các kiến thức trong mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa và kinh tế, kinh tế và văn hóa, đặc biệt là khi chúng ta đang tập trung để thực hiện nhiệm vụ phát triển nền công nghiệp văn hóa Việt Nam và bước đầu đã mang lại những hiệu ứng tích cực. Bên cạnh đó, phải đánh giá đúng thực trạng phát triển của du lịch Điện Biên trong những năm qua và trực tiếp trả lời cho được câu hỏi tiềm năng, lợi thế của Điện Biên là gì, làm sao để khai thác được tiềm năng và lợi thế đó. “Cần làm rõ lợi thế cạnh tranh, sự độc đáo, sự khác biệt của du lịch Điện Biên. Phải chú ý đến khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động du lịch, phát triển các hạ tầng của du lịch, cải thiện chất lượng của du lịch. Có như vậy, du lịch Điện Biên mới được cất cánh. Từ đó, chúng ta định vị lại du lịch Điện Biên trong bản đồ du lịch Việt Nam và du lịch của khu vực, hướng cho Điện Biên một cách đi cách bền vững…”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gợi ý các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, chuyên gia trong ngành du lịch thảo luận, đánh giá, xác định tiềm năng, lợi thế, sản phẩm riêng có của Điện Biên để kêu gọi đầu tư, phát triển du lịch. Các đại biểu cần đưa ra những ý kiến, đề xuất định hướng, giải pháp, nhiệm vụ phát triển du lịch Điện Biên, trong đó, cần làm rõ Điện Biên có tiềm năng gì, làm thế nào để tài nguyên ấy phát huy giá trị, tạo được sự kết nối…;  đồng thời làm sao quảng bá nhanh nhất, hiệu quả nhất, tận dụng chuyển đổi số, quảng bá số, hệ thống quảng bá thực và ảo để hình ảnh Điện Biên được lan tỏa rộng rãi trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh, Điện Biên cần tư duy phát triển du lịch song song với bảo tồn các giá trị văn hóa, gắn với tôn trọng giá trị tự nhiên, thân thiện, hài hòa. Đặc biệt cần giúp đồng bào các dân tộc nhận thức rõ ý nghĩa, lợi ích kinh tế của việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, phát triển du lịch cộng đồng…

6 giải pháp để du lịch Điện Biên cất cánh - Anh 3

Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo khoa học quốc gia “Điện Biên phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch bền vững” đóng vai trò quan trọng trong chuỗi sự kiện Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024, là hội thảo có tính chuyên môn cao và mang tính định hướng về phát triển du lịch cho tỉnh Điện Biên trong giai đoạn tới.

Với mục tiêu lắng nghe đề xuất, góp ý để khai thác, phát triển du lịch, Hội thảo thu hút nhiều lượt thảo luận, trao đổi cùng 90 bài tham luận chất lượng từ người quản lý, các nhà khoa học, chuyên gia ở Trung ương và địa phương. Các bài tham luận gửi đến tham gia Hội thảo đã được Ban Tổ chức tập hợp, xuất bản thành sách Điện Biên phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch bền vững (Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia). Bản điện tử của cuốn sách được xuất bản và phát hành trên trang https://sachquocgia.vn.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã làm rõ, phân tích sâu, đánh giá sát, đúng thực trạng phát triển du lịch Điện Biên; các yếu tố tác động, cơ hội và thách thức; đề xuất phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp như đẩy mạnh khai thác những giá trị kho tàng di sản văn hóa, lịch sử, xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống, phát triển sản phẩm du lịch gắn với giá trị tự nhiên...

6 giải pháp để du lịch Điện Biên cất cánh - Anh 4

Đông đảo đại biểu tham dự và đóng góp ý kiến để du lịch ĐIện Biên phát triển bền vững

Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Điện Biên, các ý kiến đóng góp có ý nghĩa quan trọng, giúp cho tỉnh Điện Biên tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; định hướng phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch.

 Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô cho biết, trên cơ sở kết quả của Hội thảo, trong thời gian tới, tỉnh Điện Biên quyết tâm triển khai cụ thể hóa, một số nội dung trọng tâm. Trong đó,  triển khai đồng bộ, quán triệt nghiêm túc Quyết định số 109/QĐ- TTg ngày 27.1.2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; bao gồm “Phương án phát triển du lịch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” và cần có kế hoạch, giải pháp đồng bộ, đảm bảo sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị với sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, người dân theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả. Phát triển du lịch phải theo hướng bền vững về tài nguyên, môi trường và văn hoá – xã hội; cần giảm thiểu tới mức thấp nhất về ô nhiễm môi trường trong hoạt động du lịch.

Triển khai hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân trong phát triển du lịch bền vững. Cần lồng ghép việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng về phát triển du lịch vào các chương trình, dự án. Nâng cao hiểu biết cho cộng đồng dân cư địa phương và khách du lịch trong việc bảo tồn, tôn tạo phát triển các tài nguyên du lịch. Đặc biệt, chú trọng bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Trên cơ sở những tiềm năng vốn có và xu hướng của thị trường phải chú trọng việc xây dựng thương hiệu du lịch của địa phương với các loại hình du lịch lịch sử, tâm linh kết hợp du lịch sinh thái, khám phá, du lịch cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương; quan tâm giữ gìn, phát triển các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống.

Để có tiền đề phát triển và thực sự trở thành “ngành công nghiệp không khói”, biến du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Điện Biên sẽ đầu tư hơn nữa cho cơ sở hạ tầng du lịch, gắn kết lại giữa các điểm, các tuyến du lịch ... Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất (nâng cấp và xây thêm nhà nghỉ, khách sạn, các khu resort, nơi vui chơi giải trí, các nhà hàng phục vụ ăn uống...), trước mắt chú trọng việc tạo cầu nối liên kết chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh, hoạt động trong lĩnh vực du lịch tại Hà Nội, TP.HCM.

Trong giai đoạn tới, cần phải xây dựng kế hoạch đào tạo lực lượng lao động du lịch về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ hiểu biết về tài nguyên, môi trường du lịch, về các phương pháp đánh giá tác động môi trường cho hoạt động phát triển du lịch nhằm có được đội ngũ quản lý, tác nghiệp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đảm bảo phát triển du lịch bền vững.

Đặc biệt, để du lịch Điện Biên cất cánh, cần xây dựng các chính sách hỗ trợ, đặc thù thu hút đầu tư cho phát triển du lịch để khai thác tối ưu tiềm năng du lịch theo phương châm “Biến di sản thành tài sản; Biến văn hóa thành hàng hóa; Biến tài nguyên thành tài chính” với mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

HUY AN - HOÀNG NGUYÊN; ảnh TUẤN MINH

Ý kiến bạn đọc