Ngành Xuất bản cần đổi mới để làm sách tốt hơn

VHO – Sáng ngày 22.3, tại Hà Nội Bộ TT&TT, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành năm 2024.

Ngành Xuất bản cần đổi mới để làm sách tốt hơn - Anh 1

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, những khó khăn hiện nay bắt buộc ngành xuất bản phải thay đổi tư duy, đổi mới

Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cho biết: Tính đến hết ngày 31.12.2023, tổng số xuất bản phẩm nộp lưu chiểu là 37.487 xuất bản phẩm (giảm 1,4%) với 536.179.131 bản (giảm 10,5%). Trong đó: xuất bản phẩm dạng sách in đạt 31.208 cuốn (giảm 4,4%) với 460.929.167 bản (giảm 14,6%); xuất bản phẩm dạng điện tử đạt 4.000 xuất bản phẩm (tăng 19,4%) với ước tính khoảng 36 triệu bản (tăng 11%). Xuất bản phẩm khác (đĩa DVD, tranh ảnh, bản đồ, lịch các loại...) đạt 2.279 xuất bản phẩm (tăng 12%) với 39.249.964 bản (tăng 48%).

Việc ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong ngành được đẩy mạnh. Đến ngày 31.12.2023, đã có 24/57 nhà xuất bản được xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản xuất bản phẩm điện tử (tăng 26,3%), góp phần đưa tỷ lệ xuất bản phẩm điện tử/tổng số xuất bản phẩm đạt 15,3% và vượt chỉ tiêu đề ra 12%.

Cũng theo ông Nguyễn Nguyên, qua phân tích số liệu về cơ cấu sách cho thấy, hầu hết các loại sách đều có biến động nhẹ, tăng giảm cả về số lượng đầu sách và số bản in. Duy chỉ có sách thiếu niên, nhi đồng tăng mạnh cả về số lượng đầu sách và bản in. Năng lực sản xuất tính theo tỷ lệ xuất bản phẩm bình quân đầu người đạt 5,36 bản xuất bản phẩm (giảm 11%). Trong đó, có 3,88 bản là sách giáo khoa, bài tập, giáo viên; 1,48 bản là các loại xuất bản phẩm khác.

Số lượng các đầu sách có lượng phát hành lớn tăng lên. Một số đầu sách thu hút được nhiều bạn đọc và cho đến nay đã được tái bản nhiều lần dưới dạng in truyền thống hoặc phát hành điện tử với số lượng lớn, như: Hạt giống tâm hồn, Đắc nhân tâm, Quẳng gánh lo đi và vui sống, Hành trình về phương Đông, Nhà Giả Kim, Hiểu và trái tim - nghệ thuật sống hạnh phúc, Cây cam ngọt của tôi, Nghĩ giàu và làm giàu, Lược sử loài người. Một số đầu sách nói có lượt bạn nghe lên đến trên 1 triệu.

Loại sách ngắn (sách tinh gọn, tóm tắt) tiếp tục được nhiều nhà xuất bản quan tâm thực hiện, tiêu biểu là: bộ sách Thường thức chính trị của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, bộ sách 1001 cách làm ăn của Nhà xuất bản Nông Nghiệp, bộ sách Vang vọng lời nước non của Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, bộ sách Hồ Chí Minh - Tác phẩm và Hồ Chí Minh - Tác phẩm bảo vật quốc gia của Nhà xuất bản Trẻ…

Tuy nhiên, ông Nguyễn Nguyên cho rằng, hoạt động xuất bản, phát hành trong năm 2023 còn một số hạn chế, tồn tại: Đối với nội dung sách thì việc sai sót, vi phạm về mặt chính trị, tư tưởng trong nội dung xuất bản phẩm còn chưa được khắc phục, dẫn đến việc cơ quan chức năng phải xử lý với các mức độ khác nhau. Bên cạnh đó, sách giá trị và có sức lan tỏa chưa nhiều, đặc biệt là thể loại chính trị, khoa học công nghệ.

Ngành Xuất bản cần đổi mới để làm sách tốt hơn - Anh 2

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên chỉ ra việc sai sót, vi phạm về mặt chính trị, tư tưởng trong nội dung xuất bản phẩm còn chưa được khắc phục

Đối với vấn đề chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản: Đầu tư về cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng xu hướng xuất bản điện tử trong các nhà xuất bản nhìn chung còn hạn chế. Mặc dù đã có 4 nền tảng xuất bản điện tử dùng chung và đang triển khai nền tảng thứ 5, nhưng việc ứng dụng công nghệ tích hợp, đưa AI vào hỗ trợ quy trình xuất bản triển khai chậm, kết quả chưa rõ nét.

Mặt khác, mảng sách điện tử mới chỉ phát triển mạnh ở thị trường sách nói và một số nhà xuất bản khối đại học xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử chưa thực sự có bước tiến mạnh về doanh thu…

Đối với hoạt động liên kết xuất bản, bên cạnh những mặt tích cực do hoạt động liên kết xuất bản đem lại, vẫn còn nhiều mặt hạn chế, đặc biệt là hiện tượng bỏ lọt nội dung không chính xác, không phù hợp. Sự buông lỏng quản lý của lãnh đạo nhà xuất bản, sự buông lỏng quy trình biên tập đã dẫn đến sai phạm của một số đầu sách liên kết. Đây là vấn đề cần được cơ quan chủ quản, lãnh đạo nhà xuất bản nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá và nghiêm khắc hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành; cần tăng cường giám sát chặt chẽ hơn nữa quy trình biên tập và đọc duyệt.

Đối với phát hành xuất bản phẩm, tình hình xâm phạm bản quyền, đặc biệt là trên không gian mạng đã được được các cơ quan chức năng xử lý, tuy nhiên các biện pháp giải quyết chưa đồng bộ, các chế tài xử lý còn thiếu.

Sức mua của thị trường xuất bản phẩm tăng nhưng không nhiều, tăng trưởng chưa thực sự bền vững. Sự hồi phục và phát triển của thị trường sau đại dịch Covid-19 đang có dấu hiệu chững lại, trong điều kiện sức mua giảm xuống, nên doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh xuất bản phẩm.

Ông Phan Xuân Thủy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, bên cạnh kết quả mà ngành xuất bản đã đạt được vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. Đó là tình trạng yếu kém ở một số nhà xuất bản dẫn đến vẫn còn những xuất bản phẩm có chất lượng thấp, có những nội dung vi phạm về tư tưởng chính trị đến mức cơ quan chỉ đạo, quản lý phải ban hành văn bản nhắc nhở, xử lý; vấn đề bất cập trong mô hình hoạt động của đơn vị xuất bản; tình trạng buông lỏng quy trình xuất bản sách liên kết; nguy cơ tụt hậu về công nghệ ở một số nhà xuất bản...

Ngành Xuất bản cần đổi mới để làm sách tốt hơn - Anh 3

Toàn cảnh Hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành năm 2024

Những hạn chế, thách thức đều đã được nhận diện, đã được phản ánh nhiều lần, chỉ ra từ lâu, nhưng việc giải quyết, khắc phục vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong đợi.

Phát biểu chỉ đạo và giao nhiệm vụ,  Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra chuyển đổi số, tạo ra những không gian mới. Trong ngành xuất bản tự nhiên xuất hiện loạt doanh nghiệp mới, chủ yếu là doanh nghiệp số, chưa từng làm xuất bản nhưng lại có sản phẩm thay thế xuất bản, chủ yếu trên không gian mạng. Vậy chúng ta sẽ ứng phó như thế nào? Bị lấy mất thì giành lại là lẽ tự nhiên. Nhưng giành lại thì phải có công nghệ.

Vì thế, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, những khó khăn hiện nay bắt buộc ngành xuất bản phải thay đổi tư duy, đổi mới. Cần phải nhìn những động lực mới, hướng đi mới đang nhen nhóm để tạo ra thay đổi. Đặc biệt, khi có cuộc cách mạng công nghiệp mới sẽ có doanh nghiệp mới, sử dụng công nghệ mới để sản xuất ra những sản phẩm thay thế nhiều ngành ở nhiều lĩnh vực.

“Cần có sự hợp tác giữa đơn vị xuất bản với các đối tác tài chính, công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, mở nhiều sản phẩm xuất bản số. Về phía cơ quan chức năng, sẽ tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện thể chế, hoàn thành vai trò "nhạc trưởng" để đưa ngành xuất bản phát triển bền vững”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

THANH NGỌC; ảnh: CHÍ HIẾU

Ý kiến bạn đọc