Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Để bảo vệ hiệu quả tác quyền trong âm nhạc trực tuyến

Thứ Tư 18/03/2020 | 09:18 GMT+7

VHO- Để tác phẩm của mình được sử dụng minh bạch trên môi trường số, các nhạc sĩ tìm tới các giải pháp có khả năng bảo mật được sáng tác, đồng thời ghi nhận được chính xác số lần truy cập tác phẩm của mình trên từng hệ thống.

Trên thế giới, các công ty được nhạc sĩ ủy quyền bảo vệ tác quyền thường sử dụng giải pháp bảo vệ tác quyền và chống sao chép (Digital Rights Management-DRM) được kiểm định đạt chuẩn quốc tế để bảo vệ sở hữu trí tuệ của mình.

Sự chuyển đổi hình thức của thị trường và bản quyền âm nhạc

Suốt nhiều thập kỷ, ngành giải trí âm nhạc phát triển qua các giai đoạn từ phát hành các bản ghi trên băng từ, đĩa cứng (đĩa than), sang phát hành đĩa CD, DVD và tiến đến nghe nhạc qua các thiết bị số iPod, thẻ nhớ USB. Khi internet phát triển, dịch vụ nghe nhạc trực tuyến cũng lên ngôi. Tại Việt Nam, theo thống kê của Công ty nghiên cứu thị trường và quảng bá toàn cầu Nielsen, năm 2017, trong 52 triệu người Việt dùng Internet thì có tới 25 triệu người nghe nhạc online, đạt tỷ lệ gần 50%.

Suốt một thời gian dài, doanh thu từ dịch vụ bán đĩa, cho thuê đĩa được phân phối cho tất cả những đối tượng tham gia vào quy trình sản xuất gồm đơn vị sản xuất đĩa, nhà sản xuất nội dung, ghi đĩa, phân phối đĩa, đơn vị sở hữu tác quyền (quyền sáng tác của nhạc sĩ). Vào thời kỳ này, các nhạc sĩ thỏa thuận về tiền tác quyền của mình với các nhà phát hành đĩa nhạc, thường là nhạc sĩ chỉ được chi trả một phần rất nhỏ trong tổng doanh thu. Do đó, việc quản lý bản quyền và chi trả bản quyền được giao cho nhà sản xuất băng đĩa, phương thức phân chia cũng do các đơn vị này quyết định.

Tuy nhiên, vào thời kỳ mà băng đĩa chiếm lĩnh thị trường giải trí thì tình trạng vi phạm bản quyền diễn ra khá nghiêm trọng. Đĩa lậu tung hoành trên thị trường không chỉ gây thất thu lớn cho ngành kinh doanh âm nhạc, mà còn gây thiệt hại cho cả giới nhạc sĩ. Đến giai đoạn âm nhạc được một số công ty cung cấp lên môi trường trực tuyến, mở đầu cho trào lưu nghe nhạc online, từ khoảng năm 2008 tới nay, các công ty băng đĩa ngày càng bị thu hẹp thị phần, nhường chỗ cho dịch vụ này. Ban đầu, hầu hết các trang nghe nhạc trực tuyến đều sử dụng “chùa” các tác phẩm âm nhạc. Tình trạng này kéo dài nhiều năm làm ngành công nghiệp âm nhạc bị vi phạm bản quyền nghiêm trọng, đến nỗi nhiều người cho rằng ngành kinh doanh sản xuất âm nhạc có thể bị suy tàn, hoặc sụp đổ.

Một điều quan trọng nữa là, trên nền tảng âm nhạc trực tuyến, người sử dụng sẽ khó phân biệt được đâu là tác phẩm có bản quyền, đâu là tác phẩm lậu. Khâu phân phối vật lý cũng không còn, nên việc kiểm soát nguồn doanh thu của sản phẩm, hàng hóa theo phương thức cũ cũng khó có thể áp dụng.

Giải pháp để kiểm soát việc sử dụng âm nhạc trên môi trường số

Trong bất kỳ giai đoạn nào, kể cả kỷ nguyên số hóa, bản quyền âm nhạc nói riêng và bản quyền sáng tạo các tác phẩm nói chung trở thành một tài sản mang giá trị trọn đời. Đó không còn là câu chuyện bán ra một chiếc đĩa CD, hay tải về một bản nhạc trên các trang trực tuyến, mà vấn đề lớn hơn là việc xuất bản tác phẩm và sử dụng tác phẩm phải được kiểm soát, bản quyền của bản nhạc trên môi trường số phải được bảo vệ. Đây cũng là điều mà những nhạc sĩ, nghệ sĩ và những người làm âm nhạc Việt Nam mong mỏi bấy lâu nay.

Để minh bạch hóa việc sử dụng nội dung trên môi trường số, các công ty cung cấp nội dung thường tích hợp những công cụ để kiểm soát bản quyền nội dung số (DRM). DRM là một chuỗi các công nghệ kiểm soát truy cập nhằm hạn chế vi phạm về quyền sở hữu các nội dung số có bản quyền. Nói một cách dễ hiểu hơn, DRM được sinh ra để kiểm soát những gì mà người dùng có thể làm với các nội dung số. Khi một chương trình được thiết kế để ngăn chặn bạn sao chép hay chia sẻ một bài hát, đọc một quyển sách điện tử trên một thiết bị khác, hoặc chơi game chế độ đơn mà không có kết nối Internet, thì bạn đang bị ngăn chặn bởi DRM. Nhiều nhà cung cấp dịch vụ mạng đã áp dụng những giải pháp nghiêm ngặt để bảo vệ bản quyền, chẳng hạn YouTube có công cụ kiểm soát bản quyền theo luật riêng của YouTube, Facebook phát triển giải pháp riêng để kiểm soát những nội dung cần được bảo vệ bản quyền trên Facebook.

Việc ứng dụng DRM vào kiểm soát bản quyền trên môi trường số nói chung và âm nhạc trực tuyến nói riêng là công cụ không thể thiếu để chống sao chép, sử dụng tác phẩm trái phép. Bên cạnh đó, công cụ DRM cho phép đo đếm số lần sử dụng hay tải xuống một cách rõ ràng và minh bạch. Từ đó giúp các nhà sở hữu tác phẩm nắm rõ được số liệu về lượt sử dụng, giúp họ kiểm soát được tác phẩm của mình đang được sử dụng trên những nền tảng nào, “Fan” của mình là ai, đến từ đâu, để từ đó hiểu được thị hiếu âm nhạc và có kế hoạch phát triển các tác phẩm mới của mình.

Sự bùng nổ của thị trường nhạc số, cùng với xu hướng phát trực tuyến đã giúp không ít nghệ sĩ nổi tiếng toàn cầu chỉ trong chớp mắt, khi mà bài hát hay album của họ đạt được hàng triệu lượt truy cập trong vài ngày, mang lại cho họ khoản doanh thu lâu dài. Song đây cũng là những thử thách rất lớn cho các nhạc sĩ, nếu như tác phẩm âm nhạc của họ không có được một “chìa khóa” bảo vệ bản quyền hữu hiệu. Cách tốt nhất là các nhạc sĩ cần phải dựa vào một công ty công nghệ sở hữu giải pháp DRM đạt chuẩn quốc tế để bảo vệ bản quyền của mình.

Chỉ khi nào bản quyền âm nhạc được bảo vệ trên môi trường trực tuyến thì việc sử dụng tác phẩm không cần trả phí do vi phạm bản quyền tràn lan mới được kiểm soát, giá trị sáng tạo của các nhạc sĩ mới được ghi nhận rõ ràng, đồng thời là cơ sở để tạo ra một hệ sinh thái âm nhạc lành mạnh. 

 VŨ PHƯỢNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top