Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Bế mạc Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc 2021 (đợt 1): Nhiều điểm sáng về nghệ thuật

Thứ Hai 29/11/2021 | 07:43 GMT+7

VHO-Tối 28.11, Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc 2021 (đợt 1) tại Nhà hát Tháng Tám thành phố Hải Phòng đã khép lại sau 10 ngày đua tài hào hứng của các đơn vị nghệ thuật. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương dự và phát biểu tại Lễ bế mạc Liên hoan. 

Trong suốt quá trình diễn ra Liên hoan, 19 đơn vị nghệ thuật với hàng trăm tiết mục thuộc các thể loại ca múa, độc tấu, hòa tấu nhạc cụ, nhạc kịch, giao hưởng…đã  được các nghệ sĩ " khoe tài" với tinh thần "cháy hết mình"  trên sân khấu. 

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương phát biểu bế mạc Liên hoan

Phát biểu tại Lễ bế mạc, Thứ Trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh: Hơn 1000 nghệ sỹ, diễn viên từ mọi miền đất nước đã hội tụ tại Nhà hát tháng Tám, Thành phố Hải Phòng và cùng nhau toả sáng tài năng nghệ thuật tại Liên hoan lần này. Mỗi chương trình, tiết mục ca, múa, nhạc đều thể hiện được những sắc thái, diện mạo riêng của từng  đơn vị, từng loại hình nghệ thuật. Các đơn vị Ca Múa nhạc đã trình diễn trước Hội đồng nghệ thuật và khán giả những phong cách trình diễn đầy cá tính, sáng tạo nhưng vẫn mang đậm cái hồn, cái tinh túy của loại hình nghệ thuật mà các nghệ sỹ đang sống và làm việc. Đó là yếu tố quan trọng nhất để tạo ra thành công của Liên hoan. 

Theo Hội đồng nghệ thuật, Liên hoan đã đánh dấu sự biến chuyển mạnh mẽ  trong nội dung và hình thức dàn dựng của các chương trình ca múa nhạc tham dự Liên hoan. Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc (đợt 1) đã xuất hiện nhiều chương trình nghệ thuật ca múa nhạc mang tính chuyên nghiệp cao và tạo sức hấp dẫn với người xem. Đáng ghi nhận ở các chương trình, tiết mục đã giành giải cao tại Liên hoan lần này, đó là : Sống trên đá – thác về với đá (Đoàn nghệ thuật tỉnh Hà Giang), Nhạc kịch Những người khốn khổ (Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam), Thanh âm (Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long), Trại hoa vàng (Nhà hát Tuổi Trẻ), Lào Cai – Bồng bềnh miền sương mây (Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh Lao Cai), Huyền thoại nữ tướng Lê Chân (Đoàn Ca Múa Hải Phòng), Gọi non ngàn thức giấc (Đoàn nghệ thuật dân tộc tỉnh Bắc Kạn), Trầm tích Đà Giang (Nhà hát Ca Múa Nhạc Biển Xanh), Đêm huyền diệu (Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc)…

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam trao các chương trình đoạt Huy Chương Vàng

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, PGS.TS Đỗ Hồng Quân, Giám đốc Sở VH và TT thành phố Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai trao các Chương trình đoạt Huy Chương Bạc

So với các lần tổ chức trước, Liên hoan lần này đã có những chương trình đạt chất lượng nghệ thuật cao, có những đoàn đã mạnh dạn tìm tòi, sáng tạo cả nghệ thuật biểu diễn lẫn hình thức thể hiện. Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Liên hoan, NSND Trọng Đài đặc biệt ghi nhận về thể loại nhạc kịch, ông cho rằng đây là một thể loại cần có sự đầu tư về nhiều mặt từ nguồn lực, nhân lực, thời gian, nhiều chương trình được xây dựng rất tốt và bắt kịp với dòng chảy của nghệ thuật … Vở nhạc kịch Những người khốn khổ của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam đã tiếp thu tinh hoa âm nhạc đương đại để làm giàu cho nền nghệ thuật của nước nhà. Có thể nhận thấy sự công phu, kỹ lưỡng và đầy tâm huyết của ê kíp sáng tạo khi xem Những người khốn khổ, với những tên tuổi nghệ sĩ sáng giá tham gia. Tất cả đã tạo nên một tác phẩm nghệ thuật đạt được những tiêu chuẩn tổng thể của một vở nhạc kịch quốc tế, về cả phần hát, diễn và thiết kế sân khấu. Thú vị hơn cả đó là vở nhạc kịch Trại hoa vàng của Nhà hát Tuổi Trẻ đã mở ra một lối đi riêng của những người làm nghệ thuật khi tiếp cận lớp khán giả trẻ hôm nay, chương trình không chỉ khắc hoạ thành công các những nhân vật trong truyện ngắn của một nhà văn mà giới trẻ yêu thích mà còn tạo nên một không gian nghệ thuật hiện đại, đầy màu sắc, sôi động và lãng mạn đầy hấp dẫn, đáp ứng được thị hiếu người trẻ. Cũng có thể nhìn thấy sự chuẩn mực trong trình diễn và sự phối hợp cực kì ăn ý của 77 nghệ sĩ giao hưởng hàng đầu của Việt Nam trong tác phẩm giao hưởng của Việt Nam và quốc tế của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.

Vở nhạc kịch Những người khốn khổ của Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam được dàn dựng vô cùng công phu

Vở nhạc kịch Trại hoa vàng của Nhà hát Tuổi Trẻ lấy lớp trẻ là đối tượng trung tâm khai thác 

Khai thác thế mạnh của văn hoá truyền thống đã mang lại hiệu quả cao cho Nhà hát Ca Múa nhạc dân gian Việt Bắc

Các tác phẩm nghệ thuật tham gia Liên hoan đã thể hiện được những sắc thái, diện mạo riêng của từng vùng văn hóa, từng đơn vị nghệ thuật. Các nghệ sĩ đã trình diễn những tác phẩm nghệ thuật có cá tính, sáng tạo nhưng mang đậm cái hồn, cái tinh túy của vùng đất, con người nơi họ đang sống và làm việc. Sự đa dạng trong phong cách trình diễn nghệ thuật với nội dung phản ánh phong phú là yếu tố quan trọng nhất để tạo nên thành công của Liên hoan. Trong đó, Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc khá dũng cảm trong việc khai thác chất liệu dân gian, tiêu biểu trong tiết mục múa Khúc biến tấu Cao lan, acfella Lời muốn ngỏ… Hay, xem chương trình Sống trên đá – Thác về trên đá của đoàn Hà Giang, chúng ta thấy được khát vọng niềm đam mê cấu nghiến trên từng khuôn mặt nghệ sĩ, việc khai thác triệt để chất liệu dân gian của đoàn đem tới sự sự giản dị tự nhiên nhưng toát lên sức mạnh niềm tự hào về mảnh đất quê hương Hà Giang hùng vĩ. Trong khi đó. chương trình Bồng bềnh miền sương mây của Đoàn nghệ thuật tỉnh Lào Cai thì  nổi bật với múa Mầu Nùng Díu, tốp ca Trai vùng cao   được dàn dựng công phu, phục trang, ánh sáng hoà quyện làm bật lên những sắc thái truyền thống, dân tộc … Bên cạnh đó, nhữngnỗ lực trong  công tác sưu tầm và phát triển dân ca của Nhà hát Ca Múa Nhạc Sơn La đã  làm nên thành công trong những tác phẩm như: Acapella, Mầm sống, Hư À Hư… 

Chủ tịch Hội Nghệ sỹ múa Việt Nam, TS. NSND Phạm Anh Phương , Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TPHCM NSƯT Trần Vương Thạch  trao Huy chương Vàng cho các tiết mục

Hội đồng nghệ thuật cũng đánh giá cao vai trò của các biên đạo, các diễn viên múa.  Đặc biệt có những diễn viên múa nổi bật và trở thành những điểm sáng, những solist trẻ có tiềm năng như:Tiến Dũng, Hoàng Giang (Đoàn nghệ thuật dân tộc Bắc Kạn), Khánh Linh, Ngọc Anh (Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long), Triệu Được, Thu Trang (Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc)…  

Bên cạnh thành công chung, liên hoan cũng cho thấy một số tác phẩm còn non trong công tác biên đạo, dàn dựng thiếu sự đầu tư nghiêm túc,hời hợt.

Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Trưởng BTC Liên hoan Lê Minh Tuấn,  Giám đốc Sở VHTT thành phố Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai , đồng trưởng BTC tặng hoa và chứng nhận cho Hội đồng nghệ thuật

Liên hoan Ca, Múa, Nhạc toàn quốc 2021 diễn ra trong bối cảnh gần 2 năm qua, thế giới nói chung, Việt Nam  nói riêng đã chịu tác động rất lớn từ đại dịch Covid-19, nhiều hoạt động kinh tế bị đình trệ, các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch phải hủy bỏ hoặc tạm dừng trong thời gian dài để đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống dịch bệnh, tập trung ưu tiên cho việc bảo vệ sức khoẻ của người dân. Mặc dù đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường nhưng sức sáng tạo trong lao động nghệ thuật của các đơn vị, các nghệ sĩ, diễn viên vẫn không ngừng nghỉ, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương cho rằng sự hiện diện của 19 đơn vị nghệ thuật Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp với hơn 1000 nghệ sĩ đã thể hiện một tinh thần “Quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến” theo đúng chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTTDL.  Thứ trưởng bày tỏ sự tin tưởng với kết quả của Liên hoan, cùng với truyền thống, tình yêu nghề các đơn vị nghệ thuật sẽ không ngừng phấn đấu trong lao động sáng tạo nghệ thuật, để góp phần xây dựng phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời gian tới.

KẾT QUẢ GIẢI THƯỞNG: 

Giải chương trình gồm: 6 HCV, 4 HCB, 4 HCĐ. Giải tiết mục gồm:  30 HCV, 56 HCV và 24 HCĐ

7 giải xuất sắc cho thành phần sáng tạo gồm: Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc - NSƯT Trần Ly Ly (Những người khốn khổ - Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam) và NSƯT Tấn Minh (Thanh âm - Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long); Đạo diễn xuất sắc: NSƯT Lê Ánh Tuyết (Trại hoa vàng - Nhà hát Tuổi Trẻ) và Tải Đình Tinh (Sống trên đá, Thác về với đá - Đoàn Nghệ thuật tỉnh Hà Giang); Chỉ huy dàn nhạc xuất sắc: NSƯT Kim Xuân Hiếu (Hòa Nhạc giao hưởng - Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam); Nhạc sĩ xuất sắc: Minh Đức (Trầm tích Đà Giang - Nhà hát Ca Múa Nhạc tỉnh Sơn La); Biên đạo múa xuất sắc: NSƯT Đỗ Hiền (Gọi non ngàn thức giấc - Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh Bắc Kạn); Diễn viên hát chính xuất sắc: Trịnh Thanh Bình (Những người khốn khổ - Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam); Nhạc công chính xuất sắc: Thúy Hằng (Hòa khí Tây Thiên - Nhà hát Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc).

THUÝ HIỀN, Ảnh: LÊ THUỶ

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top