Trình diễn trang phục dân tộc: Đừng mượn "mác" cách tân để dung tục, rẻ rúng

VHO- Xu hướng cách tân trang phục truyền thống tại các sân chơi văn hóa, nghệ thuật không còn quá xa lạ, tuy nhiên sự sáng tạo quá mức đã và đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận, khi không cân bằng được hai yếu tố văn hóa và thời trang…

Trình diễn trang phục dân tộc: Đừng mượn

Trang phục dân tộc “kém duyên” được các thí sinh trình diễn trên đấu trường quốc tế

Trên thực tế, nhiều thí sinh khi đến với đấu trường nhan sắc đã lựa chọn đầu tư vào phần thi trang phục dân tộc thay vì áo tắm hay dạ hội, điều đó cho thấy mong muốn hướng đến các giá trị truyền thống của các cuộc thi ngày một cao. Thế nhưng, bên cạnh những mẫu thiết kế được đầu tư công phu, kỹ lưỡng, thì vẫn còn đó các thiết kế thiếu thẩm mỹ, thậm chí là quá đà và gây phản cảm.

Nhìn từ các cuộc thi

Năm 2022, hai cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam và Hoa hậu Hòa bình Việt Nam từng gây xôn xao với các thiết kế trang phục dân tộc lấy cảm hứng từ… cua Cà Mau, nghề làm nail, bàn thờ (?!) Ngoại trừ việc mô tả ý tưởng để “gắn” vào văn hóa Việt, thì các thiết kế được kết hợp rất khiên cưỡng, không hề ăn nhập, có sự hòa lẫn xu hướng của những quốc gia lân cận. Rõ ràng, văn hóa có tính “mềm”, nhưng cũng cần ranh giới nhất định để tôn trọng, giữ gìn.

Có thể nhắc đến mẫu thiết kế mang tên Bàn thờ tại Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022 khiến nhiều người “sốc” bởi sự sáng tạo quá “khác người”. Cụ thể, thiết kế được lấy ý tưởng từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt, tuy nhiên lại không phù hợp thuần phong mỹ tục khi đưa cả ảnh thờ, bát hương, lọ hoa, mâm cỗ lên trang phục. Cũng cách đây vài tháng, bộ cánh mà Thạch Kiêm Mara trình diễn ở cuộc thi Mister Global cũng khiến công chúng “lắc đầu ngao ngán”. Thiết kế được cho là phỏng dựng theo trang phục thời Lý, gồm áo dài Giao Lĩnh, váy, đai, tấm phủ… làm bằng chất liệu taffta, thế nhưng tổng thể lại rất “kém duyên” và không để lại cho người xem một chút ấn tượng nào.

Hay mới đây nhất, mạng xã hội xôn xao khi Hoàng Đức Trung, thí sinh đại diện Việt Nam tại cuộc thi Mister Altitude World 2023 công bố trang phục dân tộc lấy ý tưởng từ cơm tấm Sài Gòn, với phần áo gồm hình ảnh đĩa cơm tấm đắp chéo, che phần ngực; bên dưới thì chỉ mặc quần/váy làm bằng vải trắng mỏng. Cùng với đó, Hoàng Đức Trung còn đội nón lá, kèm hai chữ Việt Nam màu đỏ, kích thước lớn. Nhiều ý kiến cho rằng trang phục quá sơ sài, kém thẩm mỹ và không làm nổi bật được văn hóa của đất nước.

Không thể dễ dãi

Nhiều ý kiến cho rằng, nhan sắc Việt không nhất thiết cứ phải mang ra quốc tế những chiếc áo dài, áo bà ba, áo tứ thân... Chúng ta nên có nhiều hơn thiết kế mang tính biểu tượng, làm nổi bật được nét văn hóa đặc trưng của nước nhà. Nếu các NTK có sự cách tân chừng mực đi kèm với sáng tạo, ý tưởng chuyển tải có chiều sâu thì điều này sẽ góp phần giúp nhan sắc Việt Nam để lại nhiều dấu ấn đẹp trên trường quốc tế. Chúng ta đã từng có nhiều sáng tạo tốt, được đón nhận tích cực như trang phục Nàng mây của Lệ Hằng tại Hoa hậu Hoàn vũ 2016, Hoa trạng nguyên của Phương Anh tại Hoa hậu Quốc tế 2022, Rồng chầu mặt trời của Tường San tại Hoa hậu Quốc tế 2019… Việc tạo nên một thiết kế mới, đảm bảo tính thẩm mỹ, giàu ý nghĩa nhưng vẫn giữ được tinh thần dân tộc là không hề dễ, nhưng không có nghĩa là không làm được, nếu NTK dành tâm huyết vào những thiết kế ấy.

Không chỉ đối với các cuộc thi nhan sắc, mà hình ảnh trang phục truyền thống cũng đã từng bị bóp méo ngay trên chính các sàn diễn thời trang, các show âm nhạc… Mới đây nhất, hình ảnh trong show diễn New traditional (Truyền thống mới) của NTK Tường Danh diễn ra tại TP Thủ Đức (TP.HCM) đã trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận với hình ảnh người mẫu đội nón quai thao, mặc áo yếm cách điệu, để lộ phần lưng và vòng 3. Trong một thiết kế khác, người mẫu nam để đầu trọc, mặc bộ trang phục màu vàng cổ trụ, tạo dáng bên chiếc chuông vàng. Nhiều thiết kế cũng có hình dáng giống áo dài, áo yếm truyền thống nhưng lại phom dáng cắt xẻ táo bạo... Loạt trang phục của NTK này bị công chúng đánh giá là “rác”, xúc phạm văn hóa và tôn giáo nhưng lợi dụng danh nghĩa “thể nghiệm” cái tôi nghệ sĩ.

Trước đó, nhiều người mẫu, diễn viên, ca sĩ cũng đã bị “tuýt còi” vì sử dụng trang phục truyền thống nhưng lại cách tân quá mức đến… thô tục. Rõ ràng, không thể chấp nhận việc nhân danh sáng tạo nghệ thuật để làm biến dạng trang phục dân tộc. Điều này đặt ra yêu cầu đối với mỗi NTK, khi bắt tay cải biên, cách tân phải có bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, trên cơ sở đề cao nền tảng văn hóa và tinh thần Việt. Mọi sự cách tân đều có giới hạn, nếu đi quá sẽ khiến trang phục bị biến dạng, méo mó, hậu quả là sự nhìn nhận lệch lạc của các thế hệ sau về các giá trị truyền thống thông qua trang phục.

Để phát triển, hội nhập, dĩ nhiên không thể bài trừ những cái mới. Tuy nhiên, khi đã gắn thời trang với yếu tố văn hóa thì cần phải giữ được đặc trưng ấy. Như ở các cuộc thi quốc tế, dẫu quy mô lớn hay nhỏ, thì tên quốc gia vẫn là yếu tố tiên quyết. Vì thế, các khái niệm như truyền thống, dân tộc càng phải được xem trọng và đặt lên hàng đầu, chứ không thể chỉ chạy theo xu hướng một cách dễ dãi. 

THẢO MY

 

Ý kiến bạn đọc