Người trẻ “thắp lửa” cho thời trang xanh

VHO- Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam - Vietnam International Fashion Week (AVIFW) Hè 2023 đã khép lại với nhiều dư âm tích cực, khi yếu tố truyền thống được khai thác và kết hợp một cách khéo léo. Đặc biệt, tinh thần bền vững một lần nữa được chọn làm thông điệp chính, nhằm thúc đẩy sự phát triển của thời trang “xanh” Việt Nam trong tương lai gần.

Người trẻ “thắp lửa” cho thời trang xanh - Anh 1

 Bộ sưu tập “Nước đầu nguồn” được làm từ sợi gai xanh

Với chủ đề Shaping the future - Kiến tạo tương lai, BTC khuyến khích các NTK sử dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên như tơ, lụa, sợi gai… nhằm giúp giảm thiểu tác hại từ thời trang tới môi trường.

Tôn vinh thông điệp “thời trang bền vững”

Sự kiện năm nay thu hút sự tham gia của 18 NTK, thương hiệu thời trang nổi tiếng trong nước và quốc tế. Bà Trang Lê, Chủ tịch Vietnam International Fashion Week chia sẻ: “Chúng tôi chọn thông điệp thời trang bền vững, khuyến khích các NTK chọn chất liệu thân thiện với môi trường, để đưa Việt Nam thành thị trường phát triển thời trang “xanh”. Đây cũng là điều mà nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang hướng tới”.

Với xu hướng thời trang bền vững, các BST đều ưu tiên sử dụng các chất liệu “xanh” với tính ứng dụng cao. Như siêu mẫu Vũ Thu Phương đã tìm thấy ý tưởng thiết kế với hành trình “sống xanh” của chính mình. Cô cho biết, BST Phượng hoàng xanh ra đời với mong muốn gìn giữ nét đẹp di sản Việt qua chất liệu lụa truyền thống của làng nghề Cổ Chất. BST của cô lấy cảm hứng từ nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa với mong muốn đồng hành và phát triển nghề tằm tơ trên đất Nam Định. Tự hào là người con của Thành Nam, Vũ Thu Phương còn đưa lên sân khấu khung cửi dệt vải truyền thống hơn 100 năm tuổi, qua đó gửi gắm thông điệp về một giá trị văn hóa truyền thống cần được tiếp nối và phát triển.

Khán giả cũng đã rất ấn tượng với đêm hạ màn trong show diễn Nước đầu nguồn của NTK Vũ Việt Hà. Chú trọng những thiết kế mang yếu tố di sản văn hóa kết hợp chất liệu thân thiện với môi trường, Vũ Việt Hà cũng không quên sáng tạo nên những sản phẩm hiện đại từ vải gai xanh Thiên Phước, tái hiện “dòng nước” trên trang phục cổ Việt Nam một cách sống động. Sức sáng tạo của Vũ Việt Hà còn được nâng lên một bậc khi NTK này thử nghiệm sử dụng sợi gai để dệt thành vải denim làm chất liệu cho các thiết kế, mang đến nhiều bất ngờ cho khán giả.

Ấn tượng không kém, NTK đến từ Hà Lan, Xuan Thu Nguyen đã thực hành thời trang bền vững bằng cách gom nhặt nguồn vải vụn từ “Kinh đô thời trang Paris”, từ đó mang đến cho loại vải deadstock “cuộc đời mới” thay vì đi thẳng ra bãi rác. Còn đối với NTK Đặng Trọng Minh Châu, khi chính thức tái xuất cùng BST Mộc, anh đã lựa chọn đặc tả các họa tiết gần gũi như hoa sen, lá súng… được đính kết bằng tay đầy tinh tế và tỉ mỉ.

Đường dài có “dễ”?

Trên thị trường thời trang thế giới, có thể nói những nỗ lực tại Việt Nam còn khá khiêm tốn. Tuy nhiên, đây cũng là tín hiệu khả quan cho thấy nhận thức của người trong nghề và người tiêu dùng đã bắt đầu thay đổi. Những năm qua, các chất liệu tưởng chừng phải bỏ đi vì không còn giá trị đã được các NTK trẻ tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo và tận dụng triệt để. Như bã cà phê kết hợp với vi nhựa tái chế đã trở thành một loại vải có khả năng khử mùi cơ thể, độ thấm hút cao, mềm mại và an toàn cho da; vải sợi hàu được kết hợp từ rác nhựa và bột vỏ hàu ứng dụng công nghệ nano hóa, chống tĩnh điện, chống nắng, nhanh khô; vải sợi sen có thể tự làm sạch bề mặt, chống nắng… Các chất liệu này cũng dễ dàng phân hủy hơn so với sợi tổng hợp, từ đó giảm khả năng gây hại cho môi trường.

Tuy nhiên, hầu hết các chất liệu “xanh” đều có công nghệ xử lý phức tạp hoặc việc đầu tư cho nguyên liệu đầu vào khá tốn kém, vì thế giá thành sản phẩm sẽ cao hơn. Đây chính là rào cản lớn khiến các chất liệu thân thiện môi trường chưa được ứng dụng rộng rãi. Ngoài vấn đề giá thành, sự quan tâm, nhu cầu thực sự của người tiêu dùng cũng là yếu tố quan trọng trong câu chuyện này. Bởi lẽ, nếu không có cầu thì việc tạo nguồn cung cũng không ý nghĩa. Thế nhưng, với thu nhập của đại đa số người tiêu dùng Việt Nam hiện nay, thì số tiền để họ bỏ ra sở hữu những sản phẩm thời trang mang tính bền vừng là điều khó khả thi.

Theo Liên Hợp Quốc, thời trang là ngành đứng thứ 2 về mức độ gây ô nhiễm môi trường. Ước tính mỗi năm, ngành công nghiệp này thải ra hơn 90 tỉ m3 nước và nửa triệu tấn vi sợi; lượng khí carbon phát thải từ các xưởng may nhiều hơn lượng phát thải từ các máy bay và tàu thủy cộng lại. Đã đến lúc cần phải nhanh chóng chuyển từ thời trang “nhanh” sang thời trang “xanh”, thời trang bền vững.

Rõ ràng, việc hướng ngành thời trang đến mục tiêu thân thiện môi trường là hợp xu thế thời đại. Tuy nhiên, để mục tiêu này phát triển dài lâu, rộng khắp là bài toán rất khó. Vì vậy, để góp phần giảm thiểu các vấn đề môi trường liên quan đến thời trang, thì ngay từ bây giờ, các tổ chức, các NTK - đặc biệt là những người trẻ - phải đặt vấn đề thời trang bền vững lên hàng đầu, để dần thay đổi tư duy người tiêu dùng trong thời gian sớm nhất. 

 THẢO MY

Ý kiến bạn đọc