Từ Hanbok nghĩ về áo dài Việt, con đường trở thành sản phẩm sáng tạo

VHO- Đầu tháng 8.2023, chúng tôi nhận được thông tin từ Hiệp hội Xúc tiến di sản văn hóa Hàn Quốc về việc Hiệp hội mong muốn trao đổi và thiết lập quan hệ hợp tác về văn hóa giữa Hiệp hội với Thừa Thiên Huế để cùng thúc đẩy việc quảng bá loại hình trang phục đặc trưng của hai nước là hanbok và áo dài.

Từ Hanbok nghĩ về áo dài Việt, con đường trở thành sản phẩm sáng tạo - Anh 1

Triển lãm Hanbok tại Thủ đô Seoul

 Đây là tín hiệu vui vì phù hợp với mục tiêu của đề án Huế - kinh đô áo dài Việt Nam cũng như mong muốn của rất nhiều người. Ngay sau đó, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến di sản văn hóa Hàn Quốc Park Kyoungchul và bà An yousun đã đến Huế để tham dự đêm dạ tiệc Áo dài Phong Y Yến được tổ chức vào ngày 4.8 vừa qua. Đêm dạ tiệc Phong Y Yến thành công, đem lại những cảm xúc rất đặc biệt cho các đại biểu và du khách, còn ông Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến di sản văn hóa Hàn Quốc càng thể hiện quyết tâm hợp tác với Huế tại buổi làm việc với Sở VHTT. Theo ông, đã đến lúc chín muồi để hai bên phối hợp cùng nhau đưa Hanbok và Áo dài trở thành biểu trưng quốc gia và là sản phẩm văn hóa sáng tạo của mỗi nước.

Theo lời mời của Hiệp hội Xúc tiến di sản văn hóa Hàn Quốc, chúng tôi có chuyến đi ngắn đến thủ đô Seoul để tham dự Lễ khai mạc triển lãm và trao giải thưởng hanbok 2023 (Hanbok Expo & 2023’s Hanbok Awards), đây là sự kiện về hanbok lớn nhất trong năm của nước bạn. Tận mắt chứng kiến lễ Khai mạc và tìm hiểu các hoạt động của Triển lãm hanbok 2023, chúng tôi thực sự rất bất ngờ và ấn tượng về cách làm bài bản, chuyên nghiệp của các đồng nghiệp Hàn Quốc. Triển lãm Hanbok 2023 thu hút hơn 100 công ty chuyên thiết kế loại hình trang phục này và các phụ kiện liên quan tham gia. Họ mang đến triển lãm các sản phẩm hết sức đa dạng: Hanbok kiểu truyền thống, kiểu cách tân pha trộn truyền thống, kiểu cách tân hiện đại, các phụ kiện như mũ, khăn, giày dép, túi đeo, túi xách tay, trâm, kẹp cài tóc, đuôi tóc giả… và cả các loại vải dệt bằng phương pháp truyền thống cùng công nghệ chế tác và dệt sợi để tạo nên các loại vải.

Các sản phẩm này dành cho cả hai giới nam và nữ, từ trẻ em, thanh niên, trung niên cho đến người lớn tuổi. Đặc biệt có cả các sản phẩm hanbok dành cho các thú cưng (pet) như mèo, chó, thỏ, cừu… Trong thời gian 4 ngày diễn ra triển lãm có rất nhiều hoạt động phong phú liên quan đến việc thiết kế, giới thiệu và quảng bá hanbok. Ngay tại lễ khai mạc, Ban tổ chức đã trao các giải thưởng thiết kế sáng tạo cho các nhà thiết kết đoạt giải cao của năm kèm theo số hiện kim khá lớn (1 giải Nhất 10 triệu won, 1 giải Nhì 7 triệu won, 2 giải Ba mỗi giải 5 triệu won và 5 giải Khuyến khích, mỗi giải 2 triệu won)… Qua cuộc triển lãm có thể nhận ra một số điểm nổi bật.

Hàn Quốc đã xây dựng một niềm tự hào đặc biệt đối với hanbok, loại hình trang phục mà họ luôn xem là quốc phục của người Hàn. Để xây dựng niềm tự hào này họ đã làm một cách rất bài bản, bằng rất nhiều phương pháp khác nhau, từ việc tổ chức các cuộc thi thiết kế hanbok, triển lãm quy mô lớn (hanbok expo), sử dụng điện ảnh, âm nhạc (K-Pop), đưa vào giáo dục truyền thống, quảng bá du lịch… nên dù ít sử dụng hanbok trong cuộc sống thường nhật như người Việt sử dụng áo dài nhưng hanbok lại tạo dựng được một thương hiệu rất nổi tiếng và đã trở thành hình ảnh, thương hiệu đại diện của Hàn Quốc trên trường quốc tế. Chính quyền Hàn Quốc hiểu rất rõ giá trị thương hiệu hanbok và họ luôn có sự hỗ trợ tích cực cho công cuộc phục hồi loại hình trang phục này, đồng thời chủ động xây dựng thương hiệu và quảng bá hanbok. Trong lễ khai mạc và trao giải hanbok 2023, bài phát biểu của bà Vụ trưởng Vụ Chính sách của Bộ Văn hóa và Du lịch thể hiện rất rõ điều này.

Thứ nữa, Hàn Quốc rất quan tâm đến việc cách tân hanbok và lôi kéo, tạo điều kiện cho giới trẻ tham gia vào việc tìm hiểu, thiết kế sáng tạo các loại hanbok mới để phù hợp với xã hội đương đại. Hanbok đã thực sự trở thành một sản phẩm của công nghiệp sáng tạo. Bài phát biểu của ông Giám đốc trung tâm phát triển nghề thủ công truyền thống Hàn Quốc thể hiện rõ điều đó, và minh chứng cụ thể là cả 9 người nhận giải thưởng về thiết kế hanbok tại Lễ khai mạc và trao giải hanbok đều là những người trẻ, trong đó phần lớn là các bạn sinh viên, nghiên cứu sinh ở các trường mỹ thuật. Vì vậy, hanbok sẽ gắn liền với tương lai của Hàn Quốc. Và cuối cùng là việc áp dụng công nghệ để hỗ trợ một cách toàn diện cho công cuộc phục hồi và lan tỏa hanbok. Hầu như mọi công đoạn của quá trình tạo tác nên hanbok đã được số hóa. Đây là thế mạnh của Hàn Quốc và họ đã tận dụng lợi thế về công nghệ của mình để thực hiện điều này một cách hoàn hảo.

Áo dài cũng là một sản phẩm đặc trưng của Việt Nam, là một trong những yếu tố quan trọng làm nên hồn cốt dân tộc. Nhưng để áo dài thực sự trở thành thương hiệu quốc gia nổi tiếng, trở thành một sản phẩm của công nghiệp sáng tạo - công nghiệp văn hóa thì có lẽ chúng ta còn phải học hỏi và nỗ lực rất nhiều. Và những gì mà người Hàn Quốc đã làm cho hanbok chính là một trong những bài học quý giá mà chúng ta cần tham khảo. 

TS PHAN THANH HI

Ý kiến bạn đọc