Danh hiệu là động lực lớn để nghệ sĩ say mê sáng tạo, phục vụ nhân dân

VHO- Tại Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 diễn ra vào sáng 6.3 tại Nhà hát Lớn (Hà Nội), không ít nghệ sĩ đã rơi nước mắt vì tự hào và hạnh phúc. Có những gia đình cả bố và con trai cùng lên nhận danh hiệu, có gia đình bố mẹ lại được phong tặng sau con trai, con gái. Có gia đình chồng nhận danh hiệu sau vợ... Những câu chuyện bên lề Lễ trao tặng đã phần nào cho thấy tình yêu nghệ thuật của người nghệ sĩ không chỉ ở cá nhân mà còn lan tỏa trong gia đình, đồng nghiệp và cả khán giả.

Danh hiệu là động lực lớn để nghệ sĩ say mê sáng tạo, phục vụ nhân dân - Anh 1

NSND Tự Long chúc mừng mẹ đẻ được phong tặng NSƯT (NSƯT Nguyễn Thị Phúc, nguyên diễn viên Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh)

NSND Trần Lực: Mong muốn tạo nên những tác phẩm nghệ thuật mới lạ

Danh hiệu là động lực lớn để nghệ sĩ say mê sáng tạo, phục vụ nhân dân - Anh 2

NSND Trần Lực chính là người thành lập đoàn kịch tư nhân LucTeam. Với đội hình nhân sự linh hoạt, đạo diễn Trần Lực đã dựng nhiều vở diễn với chất ước lệ cao. Trong số này, có hai vở hài kịch mà tới giờ vẫn được đánh giá cao là Quẫn, Bạch đàn liễu, Búp bê, Antigone... Với hàng loạt các giải thưởng đạo diễn xuất sắc và cho vở diễn, NSND Trần Lực xứng đáng được giới sân khấu đánh giá là một đạo diễn tài năng có hạng hiện nay.

Lên bục nhận danh hiệu lần này, bên niềm hạnh phúc, NSND Trần Lực có chút chạnh lòng khi vắng đi sự có mặt của cha mình, NSND Trần Bảng, người có ảnh hưởng lớn đối với con đường làm nghệ thuật của Trần Lực. “Dẫu cha tôi đã mất, người không có mặt tại Lễ trao tặng để chứng kiến sự thành công và trưởng thành của con trai mình nhưng tôi tin rằng ông vẫn đang dõi theo từng bước đi của tôi. Tôi quyết tâm tiếp bước cha mình, dành nhiều thời gian cho công việc đạo diễn để  đưa sân khấu Việt Nam, đặc biệt là sân khấu truyền thống đến gần hơn với khán giả trong và ngoài nước. Tạo nên những tác phẩm nghệ thuật mới mẻ, giàu sức sáng tạo, kết hợp được những ưu thế nổi trội của sân khấu dân tộc”, NSND Trần Lực chia sẻ.

NSND Thanh Lam: Vui mừng và tự hào

Danh hiệu là động lực lớn để nghệ sĩ say mê sáng tạo, phục vụ nhân dân - Anh 3

Là một ca sĩ tự do được phong tặng danh hiệu NSƯT năm 2007, và giờ đây tôi lại được phong tặng danh hiệu NSND khiến tôi vô cùng vui mừng và tự hào. Câu trả lời của ngày hôm nay thật sự rất có ý nghĩa, khi những sự nỗ lực không ngừng nghỉ với nghề của tôi trong suốt hơn 30 năm qua đã được Nhà nước ghi nhận. Có được “trái ngọt” của ngày hôm nay luôn có sự đồng hành của gia đình, bạn bè và những khán giả đã yêu quý tôi.

Mẹ tôi luôn là người thấu hiểu tôi và rất mong muốn con gái nhận được những danh hiệu cao quý từ sự công nhận của Nhà nước. Bởi với bà được nhận danh hiệu cao quý không chỉ là niềm hạnh phúc vô bờ của một người nghệ sĩ mà còn khẳng định giá trị của một nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho đời sống văn học nghệ thuật nước nhà.

Tôi rất may mắn và biết ơn các cô chú nghệ sĩ gạo cội trong nền nghệ thuật nước nhà, những người quản lý ngành Văn hóa đã bình chọn và ghi nhận. Nhưng trước khi có được sự ghi nhận này, tôi thực sự, cảm ơn, tri ân những khán giả, người yêu nhạc đã luôn bên tôi, ủng hộ và đồng hành cùng tôi trong suốt những năm qua.Đặc biệt, khi một người nghệ sĩ tự do như tôi được Nhà nước ghi nhận và phong tặng danh hiệu cao quý sẽ mở ra một chặng đường mới, tín hiệu vui cho những nghệ sĩ tự do thực sự có tài năng, tâm huyết và có đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà. Hy vọng rằng, danh hiệu mà tôi nhận được ngày hôm nay sẽ giúp những văn nghệ sĩ độc lập tự tin hơn trên con đường mình lựa chọn.

TS, NSND Lê Tuấn Cường: Mong muốn đưa nghệ thuật chèo đến gần hơn với khán giả

Danh hiệu là động lực lớn để nghệ sĩ say mê sáng tạo, phục vụ nhân dân - Anh 4

TS, NSND Lê Tuấn Cường, Quyền Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam để lại ấn tượng trong lòng công chúng yêu nghệ thuật chèo cũng như những người làm chèo với cả hai vai trò: Diễn viên và đạo diễn. Giai đoạn này, NSND Lê Tuấn Cường nổi bật với vai trò đạo diễn, ông đã có những tìm tòi, sáng tạo để đưa nghệ thuật chèo đến gần hơn với khán giả.Vị Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam đang ở độ tuổi U50, độ tuổi chín của một đời người, và với vốn tích lũy của người đã 33 năm lăn lộn trong nghề, ông cũng có thể nói là đã bước vào độ chín của nghề với bảng thành tích HCV, HCB trong các cuộc thi, liên hoan sân khấu chèo chuyên nghiệp cùng Giải đạo diễn xuất sắc.

  “Nghệ thuật Chèo là nghệ thuật truyền thống của cha ông, không phải bỗng nhiên Chèo có sự tồn tại vững bền và sâu rộng đối với dân tộc ta. Nhưng với chức năng là một nghệ thuật thì nó luôn cần sự sáng tạo. Chính vì vậy người làm Chèo phải luôn luôn học hỏi, bồi dưỡng cho mình kiến thức về đạo đức học, logic học, mỹ học… để hiểu thấu đáo những gì cha ông truyền lại và trên nền tảng đó sáng tạo cho phù hợp với thời đại. Tôi rất mừng vì nghệ thuật chèo đang khởi sắc vì có nhiều đối tượng khán giả quay trở lại xem chèo, đặc biệt là giới trẻ. Những người làm nghệ thuật chúng tôi đang nỗ lực để làm sao gìn giữ và phát triển  được những giá trị tinh túy nhất của chèo và đưa nghệ thuạt chèo gần hơn tới khán giả”, NSND Lê Tuấn Cường chia sẻ.

Danh hiệu là động lực lớn để nghệ sĩ say mê sáng tạo, phục vụ nhân dân - Anh 5

Ngay tại Lễ trao tặng, nhiều bạn trẻ có mặt đã tranh thủ chụp ảnh với những nghệ sĩ mà họ yêu quý

NSND Hồ Ngọc Trinh: Danh hiệu là động lực lớn để nghệ sĩ trẻ say mê sáng tạo, phục vụ nhân dân

Danh hiệu là động lực lớn để nghệ sĩ say mê sáng tạo, phục vụ nhân dân - Anh 6

Là nghệ sĩ trẻ tuổi nhất được phong tặng danh hiệu NSND đợt này, Hồ Ngọc Trinh (sinh năm 1984), diễn viên Nhà hát Cải lương Long An cho biết cảm thấy tự hào xen lẫn niềm xúc động, đó là sự động viên, khích lệ rất lớn của Nhà nước và công chúng đến các nghệ sĩ, đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ. Hồ Ngọc Trinh đạt danh hiệu NSƯT năm 2015 và hiện là Phó trưởng Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An.

 NSND Hồ Ngọc Trinh bày tỏ: “Tôi hạnh phúc khi mình được có mặt trong ngày trọng đại này. Con đường nghệ thuật không dễ dàng trong hành trình của tôi. Chính vì vậy mà tôi luôn ý thức rằng, khó khăn, thử thách là động lực để vươn lên. Và tôi cũng luôn tự nhủ với lòng, thành tích hay danh hiệu không chỉ là vinh dự mà còn là trách nhiệm để xứng đáng với điều đó, với lòng tin của mọi người, của công chúng vì nghệ thuật, vì con đường mà mình đã dấn thân và cống hiến.

Tôi cho rằng, việc xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” đã góp phần động viên, khích lệ các nghệ sĩ, đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ say mê trong sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật, tạo ra nhiều chương trình, vở diễn, tiết mục có giá trị hơn nữa để phục vụ nhân dân.

NSƯT Võ Minh Lâm: Tôi hiểu được sức nặng của giải thưởng, của danh hiệu để tiếp tục phát huy và phấn đấu

Danh hiệu là động lực lớn để nghệ sĩ say mê sáng tạo, phục vụ nhân dân - Anh 7

Võ Minh Lâm cho biết ba mẹ theo nghề từ nhỏ nên đã hiểu được những cơ cực, khó khăn của nghề hát, vì thế mà lúc nhỏ cấm cản không cho con theo nghề. “Thế nhưng, dòng máu nghệ thuật trong tôi lớn quá, tôi quyết tâm xa ba mẹ để tự lập, theo đuổi đam mê”, Lâm bộc bạch.

Năm 2006, thí sinh nhỏ tuổi nhất Võ Minh Lâm (sinh 1989) giành Chuông vàng cuộc thi Ngôi sao Vọng cổ truyền hình và sau đó là hàng loạt thành tích trong các cuộc thi, liên hoan cùng những vai diễn ấn tượng, đã đưa tên tuổi “kép” Võ Minh Lâm đến gần với khán giả mộ điệu.

“Nhiều người hỏi tôi tại sao theo nghề cải lương, trong khi bộ môn này không còn được như xưa. Thế nên tôi đã nỗ lực để chứng minh cho mọi người thấy rằng sự lựa chọn của tôi là đúng… Đặc biệt năm nay, khi tôi được phong danh hiệu NSƯT, đã phần nào chứng minh cho sự lựa chọn của mình, đó là nếu như mình đam mê, có đủ tâm huyết với nghề thì sẽ đạt được thành công.

Danh hiệu NSƯT đối với tôi là niềm khích lệ tinh thần rất lớn. Đầu tiên tôi muốn tặng danh hiệu này đến ba tôi, vì khi còn sinh thời, ông rất tâm huyết với nghề và tôi đã tiếp nối được nghề của ba mẹ. Thứ hai là tôi muốn tặng khán giả để đáp lại tình cảm khán giả dành cho mình bao năm qua.

Qua danh hiệu này tôi muốn cố gắng nhiều hơn nữa bởi vì tôi hiểu được sức nặng của giải thưởng, của danh hiệu để từ đó phát huy và phấn đấu hơn trong nghề chứ không phải đạt được danh hiệu rồi thì ngủ quên trên chiến thắng”, NSƯT Võ Minh Lâm bày tỏ.

Được biết, NSƯT Võ Minh Lâm hiện là diễn viên Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, TP.HCM.

Danh hiệu là động lực lớn để nghệ sĩ say mê sáng tạo, phục vụ nhân dân - Anh 8

Ba nữ nghệ sĩ lão thành của sân khấu Hà Nội được trao tặng danh hiệu trong đợt này

NSƯT Phạm Thị Thanh Vân (nghệ danh Ôc Thanh Vân): Sẽ luôn cống hiến hết mình cho nghệ thuật

Danh hiệu là động lực lớn để nghệ sĩ say mê sáng tạo, phục vụ nhân dân - Anh 9

Ốc Thanh Vân là nghệ sĩ có tên trong danh sách (thuộc lĩnh vực sân khấu) được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT đợt này. Với Ốc Thanh Vân, đây là một thành tựu và vinh dự quá lớn trong cuộc đời của một nghệ sĩ. Bay thẳng từ Úc về Việt Nam và đến ngay Nhà hát Lớn để đón nhận niềm vui này. Dù mệt nhứng với không khí trang trọng của Nhà hát Lớn đã xua tan hết những mệt mỏi, thay vào đó là một cảm giác rất khác. “Tôi cảm giác mình thật nhỏ bé trong không gian có quá nhiều người tài giỏi, và cá nhân tôi cảm giác rất vinh hạnh, mà chắc cuộc đời mình chỉ có một lần thôi. Nên một chút gì đó vừa hồi hộp khó tả, một chút gì đó sung sướng vỡ òa, nhìn lại 20 năm cuộc đời làm nghệ thuật cho đến giờ phút này thật sự xứng đáng. Tôi đã có một tuổi trẻ nỗ lực và để bây giờ nhìn lại tôi thấy những nỗ lực thật là xứng đáng”, NSƯT Ốc Thanh Vân chia sẻ.

Giờ đây, khi không còn làm nghệ thuật giống như trước đây, vì sự chọn lựa phù hợp với mỗi giai đoạn, nhưng khi tôi cầm trên tay giấy mời lễ trao tặng danh hiệu NSƯT và đứng ở vị trí này rồi thì tôi hiểu rằng phải làm nghệ thuật không chỉ vì cá nhân mình, mà trách nhiệm của mình lớn hơn rất nhiều. Nếu tôi có thể đóng góp cho nghệ thuật dù lớn hay nhỏ, tôi cũng sẽ cố gắng hết sức để góp chút gì đó cho nền nghệ thuật nước nhà đẹp hơn, đi xa hơn. Hiện tại, tôi tạm rời xa sân khấu kịch, phim ảnh... để tập trung cho công việc kinh doanh, chăm sóc cho gia đình tại Úc. Nhưng tại đây tôi có nhiều cơ hội để giới thiệu về văn hóa Việt Nam đến với các quốc gia khác, đặc biệt là tại Úc. Tôi luôn nhắc nhở bản thân, dù mình bây giờ có làm nghệ thuật một cách chọn lọc hay rất ít đi chăng nữa thì đó luôn luôn là những điều tử tế. Tôi không dám hứa về những dự án sân khấu, phim ảnh, nhưng nếu có tham gia, thì chắc chắn Ốc Thanh Vân vẫn cống hết sức mình.

Biên đạo múa - NSƯT Nguyễn Phương Lịch: Vinh dự khi những đóng góp của mình được Nhà nước ghi nhận

Danh hiệu là động lực lớn để nghệ sĩ say mê sáng tạo, phục vụ nhân dân - Anh 10

NSƯT Nguyễn Phương Lịch là Phó Trưởng khoa Múa nước ngoài, Trường Múa TP.HCM. Ông là nghệ sĩ tài ba, nhà giáo mẫu mực, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp văn hóa nghệ thuật nước nhà. NSƯT Nguyễn Phương Lịch được công chúng biết đến với các tác phẩm Đêm chốt (HCV Hội diễn ca múa nhạc toàn quốc 1999); Hương rừng (HCV Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc đợt II 2009); Thơ múa Rừng cười (HCV Liên hoan truyền hình toàn quốc 2014)…

Chia sẻ về danh hiệu, NSƯT Nguyễn Phương Lịch cho biết: “Ngay khi có quyết định được phong tặng, tôi nhận được nhiều tin nhắn, cuộc gọi chúc mừng từ Ban giám hiệu Trường Múa TP.HCM, từ gia đình, đồng nghiệp và học trò, điều này với bản thân tôi không có cảm xúc nào có thể mô tả nổi vui mừng, vinh dự khi những đóng góp của mình được Nhà nước công nhận.

Danh hiệu là một điều cao quý, cần thiết đối với nghệ sĩ. Nhà nước đã dành sự quan tâm, ưu ái và ghi nhận những tài năng, cống hiến của những người gắn bó với nghệ thuật, đó cũng là vinh dự không có chỉ riêng tôi mà đối tất cả những ai làm nghệ thuật. Với tôi, điều hạnh phúc nhất là được làm nghề, làm công việc mình yêu thích. Khi được trao danh hiệu này thì trách nhiệm với nghề nhân lên gấp đôi.

NSND Lê Chức: Danh hiệu NSND giúp tôi chuẩn hóa, kiểm nghiệm chính mình trong nghệ thuật

Danh hiệu là động lực lớn để nghệ sĩ say mê sáng tạo, phục vụ nhân dân - Anh 11

Khi được hỏi về cảm xúc nhận danh hiệu mới ở tuổi ngoài 70, NSND Lê Chức không vội nói về mình. Ông nhắc đến đại gia đình với những tên tuổi như nhà viết kịch Lê Đại Thanh, nghệ sĩ Lê Mai, NSND Trần Tiến, NSND Lê Khanh, NSƯT Lê Vân… Đây là đại gia đình nghệ sĩ giàu danh hiệu hiếm có ở Việt Nam.

Với những đóng góp của mình cho nền nghê thuật nước nhà, nhiều người nói ông phải là NSND lâu rồi, nhưng ông không quá bận tâm danh hiệu đến sớm hay muộn. “Xin phép tôi được nói, danh hiệu NSND hôm nay là tiêu chuẩn hóa với cá nhân tôi, để tôi nhận ra được trách nhiệm của mình đối với nghệ thuật ngày một cao hơn. Thêm danh hiệu NSND sau 26 năm là NSƯT là vinh dự, nhưng cũng là nhận thêm trách nhiệm cho mình trong tất cả công việc, vì định mệnh của tôi, sinh năm 1947, Đinh Hợi, lứa chúng tôi những người đàn ông nên hoạt động trong lĩnh vực khoa học và văn học nghệ thuật như Dương Trung Quốc, Nguyễn Thụy Kha, Trần Tiến,... vì chúng tôi có cảm giác đó là thiên năng mà chúng tôi được nhận. Vì điều đó nên trong tất cả công việc chúng tôi không đặt ra điều gì khác, ngoài tính trách nhiệm và kiến thức trong nghề nghiệp để trao cho người cùng làm việc với mình và trao lại cho thế hệ sau. Tôi có những học trò ngày nay rất nổi tiếng như Thu Quỳnh, Diễm Hương, Thùy Dương… và có nhiều học trò cùng nhận danh hiệu NSND với tôi, họ nói là: Nhờ thầy. Và tôi cũng nói với họ là tôi lại nhờ rất nhiều những người thầy khác. Đó là sự tri ân, trọng đạo mà không có sự trọng đạo ấy, không có kính tâm với tổ nghiệp, với những người lãnh đạo của đất nước trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và công chúng thì không có chúng tôi hôm nay”, NSND Lê Chức chia sẻ.

Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, thì nghệ thuật nằm trong văn hóa. Vì thế, chữ văn hóa đứng trên chữ nghệ thuật – văn hóa nghệ thuật. Do đó, chúng tôi là những người hoạt động văn hóa nghệ thuật thì chỉ mong muốn làm rạng rỡ hơn lên chữ văn hóa, bởi vì chữ văn có ý nghĩa bất di bất dịch là cái đẹp, còn hóa là sự chuyển đổi, chuyển đổi thành ra cái đẹp. Nghệ thuật có chức năng là đi từ cái đẹp tới cái đẹp hơn trong tâm hồn con người, trong nhận thức con người.

NSND Mạnh Hùng: Được sống hết mình với cải lương là may mắn

Danh hiệu là động lực lớn để nghệ sĩ say mê sáng tạo, phục vụ nhân dân - Anh 12

Sinh năm 1975, NSND Mạnh Hùng là một trong những “ngôi sao” của Nhà hát Cải lương Việt Nam, anh luôn được Nhà hát và các đạo diễn tin tưởng giao cho những vai diễn ‘nặng ký’, là xương sống của vở diễn.

Nhân vật dù khó đến đâu anh cũng tìm cách hóa thân sao cho thật thuyết phục. Mỗi lần nhận vai là một lần Mạnh Hùng được bước vào một cuộc đời mới, một con người mới và cũng là một lần thoát xác của anh. Đến nay, Mạnh Hùng đã được hóa thân vào hầu hết các nhân vật lịch sử như Nguyễn Trãi, Quang Trung - Lê Lợi, Lý Thường Kiệt, kể cả vai Bác Hồ. Anh đã ghi dấu ấn ở nhiều vai diễn và được trao HCV như:  Lê Thánh Tông trong Vua Thánh Triều Lê, Lê Lợi trong Gươm thiêng trao trả hồ thần, Hùng trong Bão ngầm...Mong muốn lớn nhất của NSND Mạnh Hùng là mỗi đêm diễn nhìn xuống khán phòng thấy khán giả ngồi kín các hàng ghế.

NSND Mạnh Hùng cũng vô cùng tự hào khi chia sẻ, cha đẻ của anh là Nguyễn Thanh Tùng (nguyên là nghệ sĩ của Nhà hát Cải lương Hà Nội) cũng được trao tặng danh hiệu NSND tại Lễ trao tặng đợt này.

NSND Thu Huyền: Luôn tâm niệm phải mang hết khả năng của mình để cống hiến cho nghệ thuật và cho công chúng

Danh hiệu là động lực lớn để nghệ sĩ say mê sáng tạo, phục vụ nhân dân - Anh 13

Thu Huyền - Tấn Minh là cặp vợ chồng hiếm của làng nghệ thuật phía Bắc khi cùng có tên trong danh sách được phong tặng danh hiệu NSND lần thứ 10. Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho những cống hiến, đóng góp trong lĩnh vực nghệ thuật nói chúng và nền âm nhạc Việt Nam nói riêng của cặp vợ chồng Thu Huyền và Tấn Minh. 
Chia sẻ về niềm vui này, NSND Thu Huyền cho biết, năm nay gần 400 nghệ sĩ được phong tặng NSND NSƯT, đó là một niềm vui chung cho tất cả các nghệ sĩ của Việt Nam. Nhưng với bản thân tôi, dịp phong tặng lần này rất đặc biệt khi tôi cũng với chông mình (Nghệ sĩ Tấn Minh) đã cùng nhau được phong tặng NSND. Đây là một niềm hạnh phúc và vinh dự to lớn đối với gia đình chúng tôi. 
Cũng theo NSND Thu Huyền, khi bắt đầu bước chân vào con đường nghệ thuật, tôi và nghệ sĩ Tấn Minh luôn luôn tâm niệm phải mang hết những khả năng của mình để cống hiến cho nghệ thuật và đem những điều tốt đẹp nhất dành cho công chúng. Nên vậy, chúng tôi đã luôn luôn cùng nhau trau dồi bản thân, nâng cao các kỹ năng để tạo ra những tác phẩm hay, vai diễn hay dành cho khán giả. Và để ngày hôm nay, khi những cống hiến ấy đã được Nhà nước, công chúng ghi nhận chúng tôi vô cùng hạnh phúc và biết ơn. Danh hiệu NSND chính là động lực, thúc đẩy tôi cùng chồng tiếp tục phấn đấu công hiến hết mình cho ngành nghệ thuật nước nhà. 
Không chỉ thành công trong lĩnh vực biểu diễn, mà với cương vị là Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, NSND Thu Huyền đã cùng với các nghệ sĩ của Nhà hát cố gắng hết mình để làm những gì tốt nhất cho nhà hát và đưa nghệ thuật Chèo đến gần hơn với công chúng.  “Trong thời gian tới, tôi sẽ cùng với đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên tài năng, ban lãnh đạo nhiệt tâm của Nhà hát tiếp tục mang đến cho công chúng nhiều chương trình nghệ thuật với những góc nhìn đa chiều, giúp khán giả có cái nhìn toàn cảnh về nghệ thuật Chèo truyền thống Việt Nam trong thời kỳ mới. Đảm bảo tính kế thừa, phát huy tài năng người nghệ sĩ, đem văn hóa Việt Nam giới thiệu rộng rãi hơn nữa với nhân dân trong nước, đặc biệt là khán giả trẻ và bạn bè quốc tế”, NSND Thu Huyền chia sẻ.

Danh hiệu là động lực lớn để nghệ sĩ say mê sáng tạo, phục vụ nhân dân - Anh 14

NSND Lê Khanh xúc động khi mẹ là NSND Lê Mai được phong tặng danh hiệu trong đợt này

NSND Bùi Công Duy: Là một sự khích lệ to lớn

Danh hiệu là động lực lớn để nghệ sĩ say mê sáng tạo, phục vụ nhân dân - Anh 15

Được Nhà nước phong tặng NSND đợt này, với không chỉ cá nhân Bùi Công Duy mà bất kỳ một người nghệ sĩ nào khi được tôn vinh ghi nhận những đóng góp của mình cho ngành nghệ thuật bằng một danh hiệu cao quý, được ghi nhận từ xã hội, Đảng, Nhà nước và Chính phủ thì cũng cảm thấy rất vinh dự, tự hào và là một sự khích lệ to lớn. Đặc biệt, tôi cảm thấy mình rất may mắn khi có được sự ghi nhận từ sớm. Những danh hiệu từ Nhà nước, ghi nhận của công chúng đã giúp tôi yên tâm hơn để phát triển sự nghiệp.

Tôi cũng rất vui khi đợt xét tặng lần này đã có sự thay đổi lớn, có nhiều nghệ sĩ trẻ được phong tặng NSND, NSƯT.  Bởi đây là thời điểm những người nghệ sĩ  trẻ có tuổi nghề tốt hay còn gọi "điểm rơi của phong độ" nên khi được ghi nhận động viên đúng lúc sẽ khích lệ tinh thần giúp cho nghệ sĩ trẻ tiếp tục sáng tạo để có những đột phá lớn hơn trên con đường phát triển sự nghiệp của mình.

Khi có nhiều người trẻ được ghi nhận càng chứng tỏ ngành nghệ thuật của chúng ta đang trẻ hóa. Bên cạnh thế hệ gạo cội, các bạn trẻ, những gương mặt tài năng đã và đang tạo ra được những sản phẩm có chất lượng cao, tạo được những dấu ấn riêng cho bản thân để cống hiến cho lĩnh vực nghệ thuật mình theo đuổi. Đó chính là những tín hiệu tốt cho ngành nghệ thuật. Tuy nhiên, NSND Bùi Công Duy chia sẻ, danh hiệu nào cũng sẽ đi kèm trách nhiệm lớn, đặc biệt với những nghệ sĩ trẻ bởi quãng đường cống hiến cho nghệ thuật còn rất dài nên nghệ sĩ trẻ càng phải nỗ lực sáng tạo, phấn đấu nhiều hơn nữa để chứng minh cho công chúng, Đảng, Nhà nước và Chính phủ thấy rằng sự ghi nhận đó là "xứng đáng”.

THÚY HIỀN, NGỌC NHIÊN, THÙY TRANG; ảnh: ĐÀO ANH, NVCC

Ý kiến bạn đọc