Chọn hoa hậu bằng truyền hình thực tế: Tìm kiếm tài năng hay mải mê lợi nhuận?

VHO - Thời gian qua, các chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm hoa hậu bước vào giai đoạn nở rộ bởi một bộ phận không nhỏ khán giả rất hào hứng quan tâm tới các đấu trường sắc đẹp, đặc biệt là câu chuyện ai sẽ đại diện cho Việt Nam bước ra “chinh chiến” với thế giới. Thế nhưng, vấn đề đặt ra là dù có nhiều chương trình, nhưng chưa chắc tiêu chí “đãi cát tìm vàng” đã được đưa lên hàng đầu, bởi một số nhà sản xuất chỉ quan tâm đến doanh thu hoặc đánh bóng tên tuổi cho mình, thay vì nâng tầm chất lượng cuộc thi.

Chọn hoa hậu bằng truyền hình thực tế: Tìm kiếm tài năng hay mải mê lợi nhuận? - Anh 1

 Việc nâng cao chất lượng của những show truyền hình thực tế về hoa hậu đang được công chúng quan tâm

Nhiều khán giả cho rằng, đã đến lúc các đơn vị tổ chức phải nhận thức đúng tiêu chí thực hiện chương trình, không nên chạy theo “drama” mà phải tập trung đánh giá, lắng nghe tiếng nói của khán giả để tìm ra các hoa hậu thực sự làm “nức lòng” công chúng.

Sai lệch ý nghĩa ban đầu?

Từ năm 2014, công thức “thi hoa hậu kết hợp với truyền hình thực tế” bắt đầu xuất hiện. Nếu như với cách làm cũ, khán giả chỉ biết mặt thí sinh khi cuộc thi bước vào “phút 89”, thì giờ đây, người xem hoàn toàn có thể theo dõi chặng đường trưởng thành của họ từ khi casting cho đến đêm đăng quang. Chưa kể, tổ chức dưới dạng truyền hình thực tế cũng là cách để các nhà sản xuất tạo sức lan tỏa, kêu gọi nhà tài trợ để nâng tầm quy mô.

Cũng từ lý do này, ngày càng nhiều cuộc thi hoa hậu chuyển sang hình thức show thực tế. Nổi bật phải kể đến Tôi là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam; Miss Fitness Vietnam - Hoa hậu Thể thao Việt Nam; Hành trình ước mơ tỏa sáng - Hoa hậu các dân tộc Việt Nam; Miss Earth Việt Nam - Hoa hậu Trái đất Việt Nam... Tuy nhiên, không phải cuộc thi nào cũng nhận được sự hưởng ứng của khán giả, mà trái lại, càng xem lại càng thấy nhạt, thấy đuối. Thậm chí, có những cô hoa hậu sau đêm đăng quang là “lặn mất tăm”, khiến không ít người đặt câu hỏi: “Không biết tổ chức cuộc thi ra để làm gì?”.

Đơn cử như Miss Fitness Vietnam - Hoa hậu Thể thao Việt Nam, dư luận đã lên tiếng đề nghị xếp vào hạng “ao làng”, bởi trong suốt quá trình tổ chức, tai tiếng về đời tư thí sinh, thí sinh kém chất lượng cho đến công tác tổ chức thiếu chuyên nghiệp... liên tục được truyền thông nhắc đến. Chưa kể, tân hoa hậu Đoàn Thu Thủy cũng bị cho là chưa thật sự đủ truyền cảm hứng về phong trào tập luyện thể dục, thể thao trong cộng đồng. Do đó sau một mùa sản xuất dưới dạng truyền hình thực tế và nhận về “cơn mưa” gạch đá, nhà sản xuất cũng chẳng mặn mà làm sang mùa thứ 2.

Hay Tôi là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam mùa vừa qua cũng khiến người xem ngán ngẩm vì màn công kích, đấu khẩu ỏm tỏi giữa các thí sinh. Khoảnh khắc Cao Thiên Trang và Vũ Thúy Quỳnh tranh cãi vì không tìm được tiếng nói chung trong lúc chạy sự kiện, cảnh thí sinh túm năm tụm ba nói xấu nhau đều là những hình ảnh khá phản cảm, phá vỡ hình tượng đoan trang, lịch thiệp buộc phải có của một cô hoa hậu.

Chọn hoa hậu bằng truyền hình thực tế: Tìm kiếm tài năng hay mải mê lợi nhuận? - Anh 2

 Tập trung các hoạt động thiện nguyện của hoa hậu thay vì drama cũng là cách các chương trình hút khán giả

Mải mê câu chuyện lợi nhuận

Việc nhà sản xuất tăng cường thực hiện các chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm hoa hậu là điều dễ hiểu vì có cầu, ắt có cung. Tuy nhiên, lạm dụng tình huống gây sốc và drama để tạo sự chú ý và tăng lượt xem có thể gây ra nhiều tác động xấu; nhất là trong bối cảnh các cuộc thi nhan sắc đang chịu nhiều điều tiếng như hiện nay.

Ngay cả khi phải diễn theo kịch bản hoặc tiết lộ đời tư cá nhân, các thí sinh vẫn sẵn sàng “phô hết cả ra” để thu hút sự quan tâm của dư luận. Còn với nhà sản xuất, thí sinh càng tranh cãi thì chương trình càng nổi, lợi nhuận thu về càng cao. Truyền hình thực tế vốn là nơi ghi nhận những cảm xúc chân thật nhất, nhưng sau khi chịu tác động bởi hai chữ “tài chính”, thị phi, tai tiếng đã trở thành “đặc sản” trong các gameshow này.

Có thể nói, nếu không tổ chức show truyền hình thực tế, nhà sản xuất rất khó thu được lợi nhuận khủng, thậm chí còn rơi vào cảnh lỗ nặng. Khi một nhãn hàng tài trợ, đầu tư vào chương trình, ê kíp chắc chắn đã thu về một khoản kha khá và còn tiết kiệm được chi phí bỏ ra cho các thí sinh. Đổi lại, tên của thương hiệu sẽ được nhắc đến trong từng tập phát sóng, tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng. Muốn hút nhà tài trợ, ê kíp sản xuất buộc phải làm cho chương trình của mình “sôi” lên nhằm tạo được hiệu ứng trong dư luận thì nhãn hàng mới quan tâm. Cứ lẩn quẩn trong mớ bòng bong đó, các chương trình truyền hình thực tế về hoa hậu đã “trượt dài”, đi sai tiêu chí ban đầu.

Bản chất, gameshow truyền hình, cuộc thi tìm kiếm hoa hậu được tạo ra nhằm hướng đến những giá trị nhân văn, truyền cảm hứng về văn hóa ứng xử trong đời sống xã hội, từ đó gây dựng những dự án thiện nguyện giúp đỡ người yếu thế. Thông qua chương trình, khán giả mong muốn cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực, được học hỏi những điều tốt đẹp từ các nàng hậu chứ không phải cách đối đáp, thể hiện mình “trên cơ” người khác. Đặc biệt, với những show truyền hình tuyển chọn hoa hậu tham gia các cuộc thi mang tầm quốc tế, nhà sản xuất cần nhấn mạnh yếu tố đào tạo để chọn ra người tài, đức, được lòng công chúng thay vì sa đà vào drama không đáng có. 

ĐÌNH TOÁN; ảnh: MCOVN

 

Ý kiến bạn đọc