Sống nhờ cá...vẽ

VH- Làng chài Trung Thanh thuộc xã Tam Thanh, thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đột nhiên trở nên nổi tiếng, vì trở thành làng bích họa.

Những họa sĩ Hàn Quốc đã vẽ nhiều cảnh vật trên tường nhà, như thiên nhiên, người dân chài, cá tôm, biển cả. Từ một làng nghèo, hoang vắng, người dân Trung Thanh luôn thấp thỏm hy vọng sẽ kiếm thêm tiền nhờ cá…vẽ.
Tháng 5 năm 2016, UBND tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và một số tổ chức phi chính phủ tiến hành “Dự án giao lưu mỹ thuật cộng đồng Việt Nam – Hàn Quốc”. Với thông điệp “Art for a better community - Nghệ thuật vì một cộng đồng tốt đẹp hơn”, trong thời gian 20 ngày, các họa sĩ đến từ Hàn Quốc đã vẽ 100 bức tranh sinh động trên tường nhà của các ngư dân trong làng chài.
Bức tranh đó là cá, tôm, động vật hoang dã và nhiều nhất là bức tranh về chính chủ nhân của ngôi nhà đó. Anh Võ Ngọc Lim, một ngư dân ở làng chài Trung Thanh cảm thấy vui, khi trên bức tường nhà mình có vẽ khuôn mặt anh đang nhìn ra đường, trên vai phải là hình con thuyền thu nhỏ và sóng biển. Khuôn mặt nhân vật có thần, nghĩa là nét cảm xúc đặc trưng trên khuôn mặt của anh được diễn tả.
Từ ngày xóm chài nghèo trở thành làng bích họa, du khách khắp nơi đã bắt đầu tìm về Trung Thanh. Đầu làng cuối xóm đều có xe mang biển số của các tỉnh, thành. Điều quý giá, đó xóm chài Trung Thanh còn nhiều nhà cấp 4, diện tích khoảng 50 mét vuông. Những ngôi nhà nhỏ và cũ kỹ, cuộc sống chậm, gió biển và sóng rì rào ngày đêm. Tất cả tạo ra khung cảnh yên bình, chạm tới cảm xúc đối với du khách tham quan. 
Người đầu tiên nói về dự tính sẽ kiếm sống bằng cá vẽ, đó là ngư dân Võ Ngọc Lim. Anh cho biết, mấy bữa tết, bóp còi xe mà vẫn không đi được, vì khách tới thăm đông quá nên phải vòng ra bãi biển để đi lên đầu xóm. Anh Lim dự tính sẽ sắm một chiếc thuyền để chở khách du lịch. Hằng ngày anh đi kéo lưới cá trích thì sẽ cho khách đi theo để tận mắt thấy ngư dân đánh cá, ngắm cảnh.
Người nói về hiệu quả của cá vẽ, đó là chị Trần Thị Hướng, 55 tuổi. Chị có dáng người khắc khổ, khuôn mặt gầy và rám nắng. Chị thật thà cho biết: “Cha mất nên chị mới che cái trại để giữ xe, mỗi ngày kiếm mấy chục ngàn. Ngày thứ 7, Chủ nhật thì kiếm được hơn 200.000 đồng. Định mở thêm bán nước, nhưng không biết họ có tới thăm đông thường xuyên hay không?”.
Sự phân vân của chị Hướng cũng là nỗi trăn trở của những người dân chài hy vọng sẽ sống được bằng cá vẽ. Đó là mô hình làng bích họa có thể sẽ được nhiều làng chài khác copy nguyên mẫu về địa phương mình để thu hút khách. Xóm chài Trung Thanh không có những cơ sở tâm linh hoặc di tích lịch sử hấp dẫn nên có thể chỉ tạo cảm giác mau thèm, chóng chán? Để thu hút khách hàng ngày đều đặn đến với Trung Thanh là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Chương Lê

Ý kiến bạn đọc