Cuộc triển lãm tranh tôn vinh người phụ nữ

VHO-Từ ngày 14.5-30.6, tại Không gian Nghệ thuật và Tự do ở Charenton-le-Pont, vùng 94 ngoại ô Paris (Cộng hoà Pháp) diễn ra cuộc triển lãm Phụ nữ, tương lai của nghệ thuật. 150 tác phẩm của các nghệ sĩ ở Pháp đã vượt qua sự lựa chọn khắt khe trước khi được trưng bày ở đây. Trong số 26 họa sĩ, nhà thiết kế đồ họa, nhiếp ảnh gia, nhà điêu khắc tham gia triển lãm có một nữ nghệ sĩ gốc Việt, họa sĩ, nghệ nhân điêu khắc Ngọc Thạch.

 

Tranh và tượng khắc của họa sĩ Ngọc Thạch tại Triển lãm

Cuộc triển lãm tôn vinh người phụ nữ. Mona Lisa, Venus, Odalisques và các nàng thơ khác đã từng truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ lừng danh nhất. Người phụ nữ là đề tài vô tận trong lịch sử nghệ thuật. Trước thế kỷ XX, rất ít phụ nữ có thể thể hiện tài năng của họ, thực hành nghệ thuật thường là độc quyền của nam giới. Triển lãm Phụ nữ, tương lai của nghệ thuật không chỉ thể hiện người phụ nữ trong cách nhìn của nghệ sĩ đương đại và còn có sự tham gia của nhiều nữ họa sĩ, với những tự bạch về chính mình, về giới mình. Các nghệ sĩ tham gia gồm có Pierre Lagénie, Rast, Emmanuelle Becker, Rodica Costianu, Michele D'Avenia, Diane de la Roque, Valérie Drummond, Djaymes, Sylvie Eudes, Christian Gidon, Kristx, Pierre Lagénie, Thierry Lefort, Carole Melmoux, Carole Montigneaux-Burdinat, Ngoc Thach Phan, François Pagé, Olivier Pardini, Sophie Rambert, Frédéric Saint-Aubin, Emmanuel Vaney và Mathieu Weemaels, trong đó có nhiều tên tuổi nổi tiếng.

Năm bức tranh sơn dầu tham gia triển lãm của họa sĩ Ngọc Thạch mang tên Đối thoại,  Sức nặng đời sống, Tiêngs thổi của Tự nhiên, Thăng bằng số 1Thăng bằng số 2. Chị cũng tham gia một tác phẩm điêu khắc làm từ đá và nhựa resin. Các tranh sơn dầu này thuộc bộ tranh Ecorsé (Lột da), với chủ đề chung là cơ thể con người, mà đôi khi họa sĩ  « tôn sùng hoặc ngược đãi, để khơi dậy những suy ngẫm của người xem ». Cơ thể người phụ nữ trong tranh được thể hiện một cách hoang dã và gợi cảm, mặt khác cũng tiềm ẩn sức mạnh. Cơ thể hợp nhất với các yếu tố của tự nhiên, người phụ nữ tư nguyện hòa mình vào thiên nhiên, người phụ nữ trong cuộc đối thoại với thiên nhiên. Theo tác giả, cuộc gặp gỡ giữa con người và môi trường tự nhiên trong tác phẩm nằm ở biên giới của sự quái dị và kỳ diệu, chiến tranh và tình yêu. Mỗi bức tranh cho thấy một khía cạnh khác nhau của một cuộc đấu tranh cho cuộc sống. Các tác phẩm của chị đều mang tính biểu tượng và ngụ ngôn.

 

Thăng bằng số 1 và số 2 / 2019 / 70 x 50cm / Sơn dầu

Thiên nhiên, phông nền trong tranh của nữ họa sĩ gốc Việt là biển. Biển xuất hiện ở mọi nơi, mọi lúc. Con người đôi lúc là một phần của biển cả, người phụ nữ của biển, nữ thần biển hoang dã. Biển đôi lúc trong thế đối lập với con người, là một nhân vật khác trong câu chuyện kể của tác giả. Biển cũng gợi về một không gian và cả một thời gian rất xa, phía bờ Đông của trái đất, biển bao bọc đảo Lý Sơn, vùng biển Quảng Ngãi, dải biển miền Trung và tuổi thơ của người nghệ sĩ, những trăn trở về thiên nhiên, về môi trường biển, về quê hương.

Màu sắc chủ đạo trong tranh của họa sĩ Ngọc Thạch là màu xanh biển, xanh thẫm đan xen với xanh ngọc. Chị tự hạn chế trong việc sử dụng gam lạnh, đơn sắc, vừa hoang dã, huyền bí, nhưng cũng không kém phần nữ tính và đồng thời ẩn chứa một nguồn sức mạnh bí ẩn.

Đối thoại số 1 / 2019 / 100 x73cm / Sơn dầu

Họa sĩ tâm sự : «Tôi bắt đầu vẽ và điêu khắc ở Việt Nam, quê hương tôi.
Tôi đã được truyền cảm hứng từ những âm thanh, màu sắc và mùi vị của những miền quê khác nhau, nơi tôi từng sống. Tôi quan sát cuộc sống của người Việt và tôi đã chép lại nó bằng sự nhạy cảm của mình trong tranh.

Công việc của tôi sau đó phát triển sang các hướng khác, dần xuất hiện trong quá trình tìm kiếm chủ đề và hình thức. Những suy tư của tôi đã dẫn đến những chủ đề trừu tượng và nội tâm hơn trước: một bên là sự tương tác giữa con người và thiên nhiên và mặt khác, là nội tâm. Những chủ đề này được đan xen thông qua các bức tranh và tác phẩm điêu khắc của tôi tạo thành một tổng thể mạch lạc. Đôi khi tôi dùng hình tượng, đôi khi trừu tượng ».

Ngoài các loạt tranh với chủ đề Lột daChân dung nội tâm, chị còn là tác giả của hàng loạt tác phẩm điêu khắc mang tên Thiên nhiênHướng nội. Một số tác phẩm điêu khắc đã được trưng bày trong môi trường tự nhiên, để có thể mang ý nghĩa biểu hiện đầy đủ của về thiên nhiên.

Tiếng thổi của tự nhiên (bìa trái) và Sức nặng đời sống (bìa phải)/ 2018 /  80 x 80 cm/Sơn dầu

Họa sĩ Ngọc Thạch sinh ra và lớn lên ở đảo Lý Sơn, tỉnh Quãng Ngãi. Tốt nghiệp Đại học ngành Kinh tế và Khoa học Xã hội TP.HCM, chị từng sáng lập và quản lý một số doanh nghiệp nhỏ trong 10 năm ở Việt Nam. Cùng lúc, chị tự học hội họa và điêu khắc. Năm 2005, chị sang Pháp theo đuổi các dự án nghệ thuật. Từ năm 2010 đến năm 2014, chị theo học các lớp Hội họa Glacière ở Paris. Trong hơn 20 năm từ 1999 đến nay chị đã tham gia 15 cuộc triển lãm, ở Pháp và ở Việt Nam, bao gồm cả triển lãm cá nhân và triển lãm chung. Chị cũng vẽ tranh minh họa Truyện Kiều và tham gia sự kiện kỉ niệm 200 năm ngày mất của Nguyễn Du ở Paris vào tháng 3 năm 2020 (sự kiện không may đã bị hủy do dịch Covid). Truyện Kiều của Nguyễn Du là tác phẩm văn học có ảnh hưởng lớn trong sáng tác của chị, trong đó thân phận nàng Kiều đã để lại dấu ấn trong các tác phẩm hội họa và điêu khắc.

SOLÈNE - Hội văn hóa và khoa học Pháp Việt AFVCS (từ Paris)

Ý kiến bạn đọc