Phía sau những đám “Mây pha lê” trên đỉnh Mù Cang Chải

VH- Triển lãm được cho là nghệ thuật cảnh quan mang tên “Mây pha lê La Pán Tẩn 2018” vừa khai mạc tại khu vực đồi Mâm xôi, địa điểm đẹp nhất trong khu ruộng bậc thang ở xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã, đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Bởi khu ruộng bậc thang này không chỉ là danh thắng quốc gia mà còn là điểm đến của hàng triệu khách du lịch trong và ngoài nước mỗi mùa lúa chín.

Phía sau những đám “Mây pha lê” trên đỉnh Mù Cang Chải - Anh 1

UBND tỉnh Yên Bái đã vận dụng sai Luật Di sản văn hoá?

Qua tìm hiểu được biết, ngày 6.4.2018 ông Dương Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã ký văn bản số 70/KH-UBND ban hành “Kế hoạch tổ chức Triển lãm nghệ thuật cảnh quan mang tên “Mây pha lê La Pán Tẩn 2018” tại xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái”. Căn cứ quan trọng nhất được UBND tỉnh nêu ra trong văn bản này là các tờ trình của Sở VHTTDL Yên Bái và Hội Kiến trúc sư tỉnh. Thế nhưng qua tìm hiểu tất cả các văn bản liên quan tới sự kiện này, chúng tôi được biết, căn cứ ban đầu của cuộc triển lãm chỉ là đề nghị của Sở VHTTDL Yên Bái. Đó là văn bản số 346/UBND-VX của UBND tỉnh Yên Bái cũng do ông Tiến kí ngày 9.3 giao Sở VHTTDL Yên Bái và UBND huyện Mù Cang Chải làm việc với Hội Kiến trúc sư tỉnh về việc tổ chức triển lãm theo đề nghị của Hội này. Về kế hoạch triển lãm, tại buổi làm việc với Văn Hóa vào sáng 25.5, ông Phạm Văn Thành, Trưởng phòng VHTT huyện Mù Cang Chải cho biết, lúc đầu triển lãm dự định kéo dài tới 6 tháng, từ ngày 10.4 hết ngày 10.10.2018, tức là hết “mùa vàng” năm nay tại khu ruộng bậc thang. Tuy nhiên sau khi cân nhắc, địa phương và các cơ quan chức năng chỉ cho phép triển lãm diễn ra trong 2 tuần. Thông tin mới nhất từ Sở VHTTDL Yên Bái, triển lãm sẽ kết thúc vào đầu tháng 6 tới.

Điều đáng quan tâm là, trong tất cả các văn bản chỉ đạo và thực hiện liên quan tới triển lãm Mây pha lê của UBND tỉnh, Sở VHTTDL và UBND huyện Mù Cang Chải đều không thấy nhắc tới hoặc nêu ý kiến của các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Trong khi đó, Luật Di sản văn hóa quy định: “Khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó. Việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích khu vực bảo vệ II đối với di tích cấp tỉnh phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ VHTTDL.Việc xây dựng công trình quy định tại khoản này không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích”.

Phía sau những đám “Mây pha lê” trên đỉnh Mù Cang Chải - Anh 2

 Ảnh: Q.H

Triển lãm có ảnh hưởng tới danh thắng?

Trong các cuộc trao đổi với Văn Hóa vào các ngày 24-25.5, bà Lê Thị Thanh Bình, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Yên Bái và bà Lương Thị Xuyến, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải đều khẳng định, việc thi công các hạng mục phục vụ triển lãm như dựng cột đỡ các đám mây pha lê, thi công gần 400 mét đường dẫn bằng gỗ lên đồi Mâm xôi, dựng lều tạm canh khu vực triển lãm... không làm ảnh hưởng đến cảnh quan và sự nguyên vẹn của danh thắng.

Tuy nhiên, ngay tại hiện trường, ông Hản Sái Chông, Chủ tịch UBND xã La Pán Tẩn cho Văn Hoá biết, lúc đầu UBND xã và người dân trong xã không đồng ý làm triển lãm ở khu vực đồi Mâm xôi do lo ngại triển lãm sẽ làm ảnh hưởng tới khu vực này. Ông Chủ tịch xã này cũng cho hay, ngay việc dựng những căn lều nhỏ trong khu vực ruộng bậc thang cũng rất hạn chế vì làm ảnh hưởng tới không gian tuyệt đẹp của danh thắng. Ngay trước khi lễ hội “Mùa nước đổ” khai mạc vào ngày 19.5 vừa qua, xã đã kiên quyết không cho phép một hộ dân dựng lều canh lúa gần khu vực đồi Mâm xôi.

Chủ tịch xã La Pán Tẩn thông tin, để được dựng cột triển lãm tại đồi Mâm xôi, những người tổ chức triển lãm đã “đền bù” tổng cộng 18 triệu đồng cho 4 hộ dân có ruộng nằm trong khu vực triển lãm, trong đó 2 hộ dân có ruộng trên đồi Mâm xôi được hỗ trợ mỗi người 7 triệu đồng, tương đương “giá trị 1 tấn thóc”. Về việc triển lãm này có ảnh hưởng tới danh thắng hay không, các bên liên quan cho biết, những cột đỡ đám mây pha lê đều là ống kẽm cỡ 60 được mua ngay tại địa phương và được cố định xuống mặt ruộng bằng 3 chân thép chứ không phải đổ bê tông như một số bài viết trên mạng xã hội đã đưa. Nhiều người dân địa phương cho rằng, rất khó đánh giá tác động trước mắt của triển lãm Mây pha lê đối với cảnh quan và hiện trạng của danh thắng, nhưng nếu triển lãm kéo dài như kế hoạch trước đó thì chắc chắn cảnh quan bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nhiếp ảnh gia La Văn Phong, một trong những người phản đối kịch liệt triển lãm nhận xét, chưa nói đến mùa lúa chín, ngay trong quá trình lúa tại khu ruộng bậc thang trổ màu xanh (khoảng thời gian rất ưa thích của nhiều người yêu thích ruộng bậc thang Mù Cang Chải muốn ghi lại), cảnh quan tại đây sẽ như thế nào nếu giữa đồi Mâm xôi lù lù những đám mây nhân tạo cùng cả loạt cột kèo và hàng trăm mét đường dẫn bằng gỗ... n

 Trong tất cả các văn bản chỉ đạo và kế hoạch đã được UBND tỉnh Yên Bái ban hành liên quan tới cuộc triển lãm đều không có dòng nào nói đến việc phải tuân thủ Luật Di sản văn hoá và các văn bản pháp luật khác khi tổ chức các hoạt động, xây dựng công trình trong khu vực 1 của danh thắng cấp quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải.

Khi được hỏi về việc đơn vị đã báo cáo hoặc tham mưu với UBND tỉnh tham vấn ý kiến của Bộ VHTTDL hoặc các cơ quan chức năng liên quan đến hoạt động trong khu vực 1 của danh thắng quốc gia hay chưa thì lãnh đạo Sở VHTTDL Yên Bái và UBND huyện Mù Cang Chải đều trả lời là chưa làm và không làm vì cho rằng “triển lãm không ảnh hưởng gì tới danh thắng (!?)”.

 QUỐC HÙNG

 

Ý kiến bạn đọc