Gửi hồn vào chum vại vườn quê

VH- Chum vại Việt là vật dụng thường ngày của dân Việt. Làng quê nhà nào cũng có chum đựng gạo thóc, đựng nước mưa, muối cá, làm mắm… Công dụng của chum vại thật phong phú. Xã hội phát triển, người ta bỏ chum vại để dùng đồ nhựa. Đồ nhựa nhẹ, dễ lau chùi và thường có nắp đậy khớp. Đồ nhựa, đồ nhôm, đồ inox chiếm lĩnh thị trường thế giới. Chum vại đôi khi cồng kềnh bị coi "quê mùa" mất dần vị trí trong xã hội, thậm chí bị lãng quên nhất là trong thành phố. Nhiều lò gốm và nghề làm chum vại chết dần.

Gửi hồn vào chum vại vườn quê - Anh 1

 Chum rượu thăng hoa "lên đồng" trong bộ sưu tập của tác giả Lân Echo

Gần đây nhờ các họa sĩ chum vại Việt bỗng nhiên sống lại. Nhiều họa sĩ dùng chum vại để diễn tả hồn Việt. Những cô gái yếm đào nửa kín nửa hở e ấp bên những bông sen cắm trong chum hay tắm gội bên cạnh chum trở thành đề tài hấp dẫn. Chum vại Việt “quê mùa” đi vào trong nghệ thuật. Những cái chum dưới bàn tay tài hoa của người họa sĩ trở nên sinh động. Chum vại trở thành đồ trang trí nội thất trong vườn quán tre xanh cùng những giàn trầu cau. Một số làng nghề sống lại. Họa sĩ Nguyễn Xuân Hoàng dẫn tôi đến Yên Viên xem những xưởng sản xuất gốm. Những chum vại ra lò chất đầy lối đi trở thành nơi thu hút khách du lịch tò mò muốn về thăm làng quê Việt và làng nghề thủ công.

Họa sĩ Henri Quý Kiên dẫn tôi đến một xưởng vẽ của họa sĩ Nguyễn Xuân Lân còn gọi là Lân Echo. Đường đến xưởng vẽ loằng ngoằng với tên phố mới rất lạ Bùi Xương Trạch. Nhà nằm trong ngõ sâu. Xưa Hà Nội nhỏ bé, phố xá dễ tìm, bây giờ các khu tập thể, làng ven đô xây cất không quy hoạch, thành phố như ma trận. Tuy nhiên sự ngoằn ngoèo làm cho khách cảm thấy nhẹ lòng bõ công đến thăm xưởng nhỏ cũng là nhà riêng của họa sĩ. Trong căn nhà nhỏ, chum vại vò rượu được sắp đặt nghệ thuật.

Cất rượu ngon là một công trình nghệ thuật. Họa sĩ kỳ công cất 164 chum, hũ rượu với những hương liệu khác nhau. Ông đã kỳ công đi săn các loại sản phẩm hiếm quý thiên nhiên như rắn, bò cạp, cá ngựa, bìm bịp, và những thực vật quen thuộc ngó sen, nhụy sen. Ông lúi húi tự tắm sạch cho các loại thực vật trước khi ngâm. Rượu ngâm trông hấp dẫn nhờ lớp thủy tinh trong. Nhưng theo ông chum sành làm thủ công bằng đất sét có một công dụng rất tốt khử độc tố Aldéhyde. Ông dùng vải màu để bịt các chum rượu. Vải có tác dụng là nút tự nhiên như nút vỏ cây sồi để tạo ra hơi thở thầm kín của rượu trong quá trình lên gaz nhưng không mất mùi và không bị chua… Ở Pháp người sành rượu phải tìm rượu đậy bằng nút từ vỏ cây sồi. Nút này có công dụng đặc biệt khi cất giữ rượu lâu dưới hầm. Nút có chút đàn hồi tự nhiên tuyệt vời. Nút có những tế bào chứa khí, nitơ và oxy nói riêng. Nút tự hít không khí tạo dãn nở, vừa làm kín tự nhiên và cũng giúp cho khí gaz tiếp tục trong quá trình rượu lên men. Nút vỏ sồi tự tiêu hủy trong môi trường không gây ô nhiễm như nút cao su, nhựa. Khác với nút nhựa, khi dùng nút này, người ta có thể nén thể tích xuống 40%, sau đó thể tích nút trở lại bình thường. Nút vô hình trung thành khít chặt giữ rượu được lâu. Cùng một loại rượu nhưng thời gian giữ khác nhau tạo nên rượu có hương vị khác nhau. Rượu để càng lâu càng quý nhưng phải biết cách để, nếu không rượu mất dần hương vị thơm và bị chua.

Lạc vào xưởng Lân Echo lạc vào động rượu. Tôi dùng chữ động vì chỉ có trong động tiếng vọng mới vang xa, và lung linh. Chum vại đội khăn đỏ vàng buộc nơ lung linh dưới ánh sáng đèn như thế giới lên đồng. Tất cả đều như muốn thăng.

Khách quý được thưởng thức rượu lạ thơm nhâm nhi như các cụ thời xưa đêm trăng sáng, còn được nghe những câu chuyện lý thú bất ngờ về kỳ công ngâm rượu và xuất xứ. Như một công trình nghiên cứu, từ thời đó chưa có luật cấm mua bán động vật hoang dã, ông không chỉ sử dụng các hương hoa Việt mà cả những thứ độc đáo như sâm Hàn Quốc, kiến vàng Mộc Châu, ong đất, hải sâm (Bạch Long Vĩ), cá ngựa (Nha Trang), rắn hoang (Bắc Kạn), sâm dại Hoàng Liên Sơn ông còn say sưa kỳ công thử ngâm các loại từ nước ngoài như sâm, táo đỏ Hàn Quốc. Ông còn kỳ công tắm rửa sạch hoa sen, xịt nước hoa Channel. Sau đó ông mang về lúc trời còn đọng sương để hương sen đậm nồng nhất. Rồi ông từ từ thả vào rượu nếp cái hoa vàng rồi ủ hạt sen, thấm chút mật ong rừng nguyên chất.

Chum vại, vải thô, rượu ngâm các loại dưới bàn tay của người họa sĩ đều trở nên nghệ thuật. Nghệ thuật chính là đời thường. Nhưng nghệ thuật khác với đời thường nhờ bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ- những người biết trân trọng nâng niu yêu cái thường ngày biến nó trở nên đẹp. Khi người ta yêu thì mọi cái trở nên đẹp. Cũng như ăn uống tưởng chỉ là những cái bình thường, nhưng cũng có nghệ thuật ăn uống, nghệ thuật ẩm thực càng cao càng hấp dẫn khách.

Xin đừng chê chum vại nhà quê, thô thiển. Mọi cái sinh ra đều muốn thăng hoa. Những người nghệ nhân, họa sĩ đã hóa kiếp cho đất sét thô, thành chum vại, và một lần nữa nó được thăng hoa bay bổng giữa đời. 

 TRẦN THU DUNG

Ý kiến bạn đọc