Sân khấu kịch của NSND Hồng Vân  đóng cửa: Sẽ còn nhiều sân khấu khác nữa

VHO- Sân khấu kịch Superbowl của NSND Hồng Vân buộc phải đóng cửa sau hơn mười bốn năm liên tục đỏ đèn phục vụ khán giả vào cuối tháng 9 vừa qua, khiến nhiều người quan tâm đến nghệ thuật sân khấu không khỏi chạnh lòng. Trước Superbowl, một số sân khấu khác cũng ngưng hoạt động, thị trường sân khấu dường như ngày càng mất thị phần và vì thế khán giả ngày càng ít ỏi...

Sân khấu kịch của NSND Hồng Vân  đóng cửa: Sẽ còn nhiều sân khấu khác nữa - Anh 1

Tầng 13, vở diễn cuối cùng của sân khấu kịch Superbowl

 Lý do sân khấu phải dừng hoạt động là bởi thua lỗ kéo dài và bị thu hồi mặt bằng. Superbowl sẽ có 2 tuần để tháo dỡ toàn bộ phục trang, đạo cụ, sân khấu, đồ nghề... những vật dụng quan trọng nhất của sân khấu kịch Superbowl sẽ được chuyển về sân khấu Phú Nhuận. Được biết, NSND Hồng Vân thành lập sân khấu kịch Superbowl từ năm 2005 với công suất 272 ghế. Trong ba năm trở lại đây, sân khấu gặp khó khăn và thua lỗ. Mỗi tuần sân khấu diễn 2 suất vào thứ 7 và Chủ nhật nhưng không bao giờ đầy rạp, trung bình có từ 100-150 khách. Khách đông vào dịp Tết nhưng cũng không cứu vãn được khó khăn. Vào tháng 2.2018, Hồng Vân cũng đã có ý định đóng cửa sân khấu kịch Superbowl bởi tiền vé không đủ chi trả cho các chi phí sản xuất, đặc biệt là tiền thuê mặt bằng đắt đỏ. Tâm sự với báo chí, NSND Hồng Vân không cầm được nước mắt: “Tôi rất buồn, đau và vô cùng tiếc nuối nhưng không biết phải làm thế nào”.

Xung quanh câu chuyện sân khấu kịch ngày càng thu hẹp, đạo diễn, NSND Trần Minh Ngọc chia sẻ: “Trong tình hình sân khấu hiện nay thì theo tôi không có gì là quá ngạc nhiên. Chúng ta hoạt động theo cơ chế thị trường thì phải chấp nhận quy luật, tức là vấn đề khán giả”. Theo NSND Trần Minh Ngọc, khán giả ngày nay ít chịu xem kịch. Sân khấu đang phải cạnh tranh với nhiều loại hình sân khấu, giải trí khác trên internet và trên truyền hình, do đó khán giả đã bị phân tán, dần dần người ta không có thói quen đến các rạp hát mà chỉ muốn ở nhà coi tivi, vừa rẻ tiền vừa thoải mái, đa dạng chương trình… Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc sân khấu ngày càng bị thu hẹp lại.

NSND Trần Minh Ngọc phân tích, sân khấu là loại hình đòi hỏi sự có mặt của người xem, cho nên đó là một cái rất khó đối với người làm sân khấu, vì vậy chúng ta cần nhìn nhận vấn đề này một cách rộng hơn. “Từ sân khấu kịch Superbowl thấy rằng, các sân khấu hiện nay phần lớn đi thuê mướn các cơ quan khác để diễn nên chuyện người ta đòi mặt bằng là sớm hay muộn thôi. Không riêng Superbowl mà một vài sân khấu khác tại TP.HCM, theo tôi khi cần người ta cứ đòi như thường. Nên những vấn đề này có thể xảy ra trong tương lai mà chúng ta phải đoán trước và đối mặt”, NSND Trần Minh Ngọc tâm tư. Theo đạo diễn, sân khấu trong tình hình hiện nay đang gặp khó. Các tác giả không chịu viết, hoặc viết thì thường né tránh hiện thực, hiện tại mà đi vào những chủ đề khá cũ. Các tác giả đi tìm những cái an toàn để viết chứ không tham gia vào những sự kiện nóng bỏng của đời sống, của xã hội. Khi tác giả không viết thì đạo diễn lấy đâu ra kịch bản để dàn dựng, diễn viên lấy đâu ra nhân vật để thể hiện,… Đó là tình trạng chung của sân khấu không chỉ của riêng TP.HCM mà cả Hà Nội cũng thế. Không riêng kịch nói mà các loại hình sân khấu khác như hát bội, cải lương cũng chỉ làm những đề tài lịch sử mà không có vấn đề hiện đại, cho nên toàn bộ đề tài sân khấu hiện nay chủ yếu nói về những chủ đề mang tính quá khứ, tìm những vấn đề “an toàn”, hoặc giải trí đơn thuần và vì vậy không đáp ứng người xem, dẫn đến chuyện khán giả không còn thiết tha với sân khấu, trong khi không thiếu các vấn đề giải trí khác.

Vì thế, “tôi cho rằng sân khấu hiện nay muốn có khán giả phải đi tìm những cái mới về đề tài, chủ đề, cách viết, dàn dựng, hình thức sân khấu,… chứ nếu cứ “cà tịch cà tang” thế này thì cũng sẽ mất dần khán giả thôi. Ngay cả cái gọi là sân khấu hài hước giờ người ta cũng không xem nữa”, NSND Trần Minh Ngọc nói. 

Khán giả ngày nay ít chịu xem kịch. Sân khấu đang phải cạnh tranh với nhiều loại hình sân khấu, giải trí khác trên internet và trên truyền hình, do đó khán giả đã bị phân tán, dần dần người ta không có thói quen đến các rạp hát mà chỉ muốn ở nhà coi tivi, vừa rẻ tiền vừa thoải mái, đa dạng chương trình… Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc sân khấu ngày càng bị thu hẹp lại.

(NSND TRẦN MINH NGỌC)

T.TRANG

Ý kiến bạn đọc