Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Bộ VHTTDL sẽ “tuýt còi”, xử lý phim sai phạm trên không gian mạng

Thứ Sáu 14/10/2022 | 10:02 GMT+7

VHO- Ngăn chặn, xử lý phim có nội dung xuyên tạc, sai lệch lịch sử trên không gian mạng, như trường hợp phim Ba chị em vừa gỡ khỏi nền tảng Netflix, trong thời gian tới sẽ như thế nào? Đây là vấn đề được các doanh nghiệp và cơ quan báo chí quan tâm đặt ra tại Hội thảo phổ biến Nghị định 71/2022/ NĐ-CP (Nghị định 71) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình.

Nhiều vấn đề được các doanh nghiệp và cơ quan báo chí quan tâm, đặt câu hỏi tại Hội thảo phổ biến Nghị định 71

 Hội thảo do Bộ TT&TT tổ chức hôm qua 13.10 tại Hà Nội. Trước đó, ngày 12.10, Bộ TT&TT đã tổ chức họp báo thông tin về Nghị định.

Chấm dứt “bảo hộ ngược”

Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho biết, Nghị định 71 sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2023 và được đánh giá là hành lang pháp lý đặc biệt quan trọng, đảm bảo quản lý hiện đại, phù hợp xu hướng thế giới, thúc đẩy thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam.

Hiện chúng ta có khoảng 50 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình trả tiền. Đến hết quý II, thị trường này có mức tăng trưởng về doanh thu xấp xỉ 9,5% so với cùng kỳ 2021. Doanh thu đối với dịch vụ OTT TV (dịch vụ truyền hình xuyên biên giới, cung cấp trực tiếp qua Internet) tăng trưởng xấp xỉ 300% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài các doanh nghiệp đã được cấp phép và hoạt động theo pháp luật Việt Nam còn có sự tham gia của một số doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT TV xuyên biên giới như: Netflix, AppleTV, WeTV, IQIYI…

Theo Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, các doanh nghiệp trong nước, nội dung theo yêu cầu (VOD) phải thực hiện biên tập chặt chẽ bởi cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh truyền hình. Tuy nhiên, nội dung VOD trên các dịch vụ OTT TV của doanh nghiệp nước ngoài lâu nay không biên tập, phân loại, cảnh báo theo quy định pháp luật Việt Nam, dẫn tới nhiều nội dung vi phạm các điều cấm, như xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam; vi phạm thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Gần đây nhất là vụ việc phim Ba chị em bị “tuýt còi” và đã phải gỡ bỏ khỏi nền tảng Netflix. Đây là lần thứ 5 Netflix bị cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam buộc gỡ phim có nội dung vi phạm. Việc Nghị định 71 được ban hành đã bổ sung nhiều quy định quản lý mới, được cho là tạo hành lang pháp lý mạnh mẽ hơn nhằm đưa hoạt động của các loại hình cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình đi vào khuôn khổ.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm nhận định, điểm nổi bật của Nghị định 71 là tạo mặt bằng pháp lý chung giữa doanh nghiệp Việt Nam cung cấp các dịch vụ trong nước và doanh nghiệp nước ngoài cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam. Theo đó, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam sẽ được kinh doanh trên cùng mặt bằng pháp lý, tránh bảo hộ ngược, tránh tình trạng lâu nay là “không quản lý” các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới mà chỉ quản lý doanh nghiệp trong nước.

 Thời gian qua, nhiều phim Việt Nam đã được chiếu trên Netflix

Cảnh báo, gỡ phim sai phạm theo quy định của Luật Điện ảnh

Nghị định 71 chia các dịch vụ phát thanh truyền hình thành 3 nhóm. Cụ thể, nhóm chương trình tin tức, thời sự; các chương trình phát thanh truyền hình về chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, xã hội do cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động sản xuất, biên tập trước khi cung cấp trên dịch vụ. Với nhóm phim, doanh nghiệp được chủ động thực hiện hoạt động phân loại phim theo tiêu chí phân loại do Bộ VHTTDL quy định khi đáp ứng đủ các điều kiện và phải chịu trách nhiệm về kết quả. Trong trường hợp doanh nghiệp không có năng lực, điều kiện để thực hiện thì đề nghị cơ quan quản lý phân loại hoặc cấp quyết định phát sóng.

Nhóm chương trình thể thao, giải trí: Doanh nghiệp được chủ động thực hiện hoạt động biên tập, phân loại trước khi cung cấp trên dịch vụ và hiển thị cảnh báo trong khi cung cấp dịch vụ, căn cứ nguyên tắc biên tập, phân loại và cảnh báo nội dung theo quy định của Bộ TT&TT, quy định của pháp luật liên quan, bảo đảm không vi phạm các điều cấm theo quy định pháp luật Việt Nam.

Nghị định 71 đã điều chỉnh quy định về quản lý biên dịch, theo đó, doanh nghiệp được chủ động trong hoạt động biên dịch. Biên dịch VOD nước ngoài, kênh nước ngoài phải bảo đảm tôn trọng, bảo tồn sự trong sáng của tiếng Việt, không vi phạm các điều cấm theo quy định pháp luật Việt Nam, nội dung biên dịch phải được biên tập, phân loại theo đúng quy định.

Đặc biệt, Nghị định này cũng bổ sung các quy định để nâng cao trách nhiệm của cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh truyền hình trong việc liên kết sản xuất chương trình; bổ sung quy định giao cơ quan có thẩm quyền triển khai ngăn chặn nội dung truyền hình theo yêu cầu không thực hiện biên tập theo quy định. Theo ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, đối tượng của Nghị định là các doanh nghiệp được thành lập theo luật Việt Nam và phải được cấp phép. Việc xử lý hành chính sẽ được áp dụng trong trường hợp các vi phạm ảnh hưởng tới xã hội không ở mức độ cao. Trường hợp ở mức độ nghiêm trọng thì Bộ TT&TT sẽ yêu cầu các nhà mạng ngăn chặn nội dung vi phạm, sau đó mới có biện pháp xử lý vi phạm, thậm chí có thể sẽ thu hồi giấy phép...

Một trong những nội dung được quan tâm tại Hội thảo phổ biến Nghị định 71 là việc quản lý và chế tài xử lý vi phạm đối với các nội dung trên không gian mạng, trong đó có phim trên các nền tảng, dịch vụ xuyên biên giới. Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, sau khi Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Nghị định hướng dẫn thi hành có hiệu lực, đồng thời với thời điểm Nghị định 71 có hiệu lực, sẽ có những thay đổi đối với nội dung quản lý phim trên không gian mạng.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nêu, để kịp thời bổ sung quy định điều chỉnh trực tiếp đến loại hình dịch vụ phát thanh, truyền hình theo yêu cầu trên mạng Internet (OTT TV VOD), đẩy lùi những bộ phim vi phạm các điều cấm, Bộ TT&TT đã đề xuất và được Chính phủ giao sửa đổi, bổ sung các quy định tại Nghị định số 06 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình. Nghị định 71 ra đời đã cập nhật một số quy định, điều chỉnh các nội dung liên quan, khắc phục những bất cập của Nghị định số 06.

Liên quan đến các nội dung phim phổ biến trên không gian mạng bị phát hiện vi phạm xuyên tạc lịch sử, vi phạm chủ quyền lãnh thổ, lãnh đạo Bộ TT&TT cho biết, thời gian qua do Luật Điện ảnh 2016 và các quy định chưa theo kịp sự phát triển nên Bộ TT&TT đang đứng ra yêu cầu các doanh nghiệp có phim vi phạm phải gỡ bỏ. Nhưng từ ngày 1.1.2023, khi Luật Điện ảnh và các Nghị định, Thông tư liên quan có hiệu lực thì Bộ VHTTDL sẽ có trách nhiệm, thẩm quyền cảnh báo, yêu cầu gỡ bỏ các phim vi phạm khỏi không gian mạng.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, lãnh đạo Bộ TT&TT và Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục bàn thảo sự phối hợp giữa hai Bộ trong công tác quản lý Nhà nước về hoạt động văn hóa nghệ thuật trên không gian mạng, trong đó có các nội dung phổ biến phim. 

BẢO PHƯƠNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top