Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Việt Nam thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể

Thứ Tư 06/07/2022 | 11:08 GMT+7

VHO- Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) thông qua năm 2003 (Công ước 2003). Ngày 20.9.2005, Việt Nam chính thức tham gia và đã trở thành một trong 30 quốc gia đầu tiên gia nhập Công ước quốc tế quan trọng này, đánh dấu sự hội nhập, xác định vai trò quốc tế của Việt Nam trên lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể với UNESCO và các nước trên thế giới.

Các lãnh đạo, nghệ nhân chứng kiến giây phút thiêng liêng khi Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ảnh: TRẦN HUẤN

Nhiều nội dung quan trọng về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở cấp quốc gia và quốc tế được quy định trong Công ước đã và đang góp phần hiệu quả vào phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội bền vững.

Cùng với Công ước 2003 của UNESCO cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành là văn bản pháp lý quốc tế quan trọng về lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể với các quốc gia thành viên.

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 tại Jeju, Hàn Quốc, năm 2017

Công ước quy định nhiều nội dung như: xác định các biểu hiện văn hóa là di sản văn hóa phi vật thể, phân loại di sản văn hóa phi vật thể, vai trò, sự tham gia của cộng đồng chủ thể và các quốc gia vào hoạt động bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, các Danh sách và việc ghi danh di sản vào các Danh sách, các báo cáo, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở cấp quốc gia và quốc tế, hợp tác và hỗ trợ quốc tế, quỹ quốc tế bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và nhiều nội dung quan trọng khác như:

Hằng năm, Ủy ban Liên Chính phủ Công ước sẽ xem xét Hồ sơ đề nghị của các quốc gia thành viên để ghi danh các di sản văn hóa phi vật thể vào các danh sách: Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, Danh sách các thực hành tốt về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 tại Botoga, Colombia

Các di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào các danh sách của UNESCO đều phải có Chương trình hành động và Kế hoạch bảo vệ di sản khi trình Hồ sơ. Theo chu kỳ, các nước thành viên tham gia Công ước đều phải báo cáo với Ủy ban liên Chính phủ Công ước về tình trạng di sản, các hoạt động bảo vệ di sản. Ủy ban Liên chính phủ sẽ xem xét, đánh giá các báo cáo này vào các kỳ họp.

Việc ban hành Chương trình hành động, Kế hoạch bảo vệ và nộp các báo cáo là hoạt động bắt buộc đối với các quốc gia thành viên. Các quốc gia thành viên cần áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm đảo bảo công tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

Tháng 12.2017, Hát Xoan Phú Thọ trở thành di sản đầu tiên được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và sau đó ghi danh vào Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại

Mỗi quốc gia thành viên phải thông qua một chính sách chung nhằm mục đích phát huy vai trò của di sản văn hóa phi vật thể trong xã hội. Trong khuôn khổ các hoạt động bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, mỗi quốc gia thành viên cần phải nỗ lực đảm bảo khả năng tham gia tối đa của các cộng đồng, nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân vào việc sáng tạo, duy trì, trao truyền di sản và cần phải tích cực lôi kéo họ tham gia vào công tác quản lý.

Việt Nam đã từng giữ vai trò là thành viên Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 nhiệm kỳ 2006 - 2010 với nhiều thành công và ủng hộ cao từ các quốc gia thành viên.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 

Với các di sản văn hóa phi vật thể trình và đã được UNESCO ghi danh vào các Danh sách, thực hiện cam kết, Bộ VHTTDL đã trực tiếp thực hiện và chỉ đạo các địa phương có di sản thực hiện các biện pháp bảo vệ di sản theo cam kết. Cụ thể, sau khi di sản được UNESCO ghi danh, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia đối với từng di sản, đồng thời chỉ đạo các tỉnh, thành phố có di sản được ghi danh xây dựng các dự án, đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản.

Tính đến nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đều có các dự án, đề án bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh theo các giai đoạn khác nhau. Thực hiện các cam kết của Việt Nam với UNESCO, tất cả các di sản văn hóa phi vật thể thuộc các danh sách của UNESCO đều đã có hoặc đang xây dựng đề án, dự án bảo vệ và phát huy giá trị. Các báo cáo thường kỳ của quốc gia thành viên Công ước được thực hiện, nộp đầy đủ, khoa học và theo quy định của UNESCO. Nhiều tỉnh/thành phố cũng đã xây dựng đề án, dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục quốc gia theo chỉ đạo của Bộ VHTTDL. Về việc xây dựng các báo cáo trình UNESCO đối với các di sản được ghi danh vào các Danh sách, theo quy định của UNESCO, Việt Nam đã nộp đầy đủ các báo cáo theo quy định gồm: Báo cáo chu kỳ 4 năm đối với di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp (Báo cáo các năm 2013, 2017, 2021), Báo cáo chu kỳ 6 năm đối với di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Báo cáo các năm: 2012, 2018).

Lễ hội Phủ Dầy, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định

Tính đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý danh sách dự kiến xây dựng Hồ sơ trình UNESCO đối với 26 di sản văn hóa phi vật thể, hiện có 14 di sản được UNESCO ghi danh vào các Danh sách (bao gồm 13 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 01 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp), phân bố ở 61/63 tỉnh, thành phố.

Hiện, UNESCO đang xem xét theo lộ trình 3 Hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã trình trong thời gian vừa qua là: Nghề làm gốm của người Chăm, Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ và Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam. 4 di sản văn hóa phi vật thể đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép và đang tổ chức xây dựng hồ sơ trình UNESCO ghi danh vào các danh sách gồm: Mo Mường, Nghệ thuật Sơn Mài, Võ cổ truyền Bình Định, Nghệ thuật Chèo Châu thổ sông Hồng và 5 di sản đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép nhưng chưa triển khai xây dựng Hồ sơ: Nghệ thuật truyền khẩu Sử thi Tây Nguyên, Múa rối nước đồng bằng Bắc Bộ, Nghệ thuật Dù kê của người Khmer Nam Bộ, Tri thức và kỹ thuật Thổ canh hốc đá của các dân tộc thiểu số ở cáo nguyên đá Hà Giang, Nghi lễ Quá tăng (lễ cấp sắc) của người Dao.

Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt

Một trong những sự kiện nổi bật đánh giá về công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam là vào tháng 12.2017, Hát Xoan Phú Thọ trở thành di sản đầu tiên được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và sau đó ghi danh vào Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Với kết quả nêu trên, Việt Nam đã đóng góp kinh nghiệm cũng như thể hiện nỗ lực cho việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Ngay từ khi xây dựng Luật Di sản văn hóa năm 2001, nhiều nội dung về di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào Luật. Luật Di sản văn hóa dành riêng một chương để quy định về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Các nội dung về di sản văn hóa phi vật thể quy định trong Luật Di sản văn hóa đã góp phần quan trọng vào thành quả bảo vệ di sản văn hóa nói chung trong suốt hơn 20 năm qua, làm cân bằng hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, phù hợp với tinh thần, quy định của Công ước 2003, được quốc tế đánh giá cao, góp phần bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, tạo bức tranh chung, đa dạng văn hóa của nhân loại.

 Nghệ thuật Sơn Mài

Qua hai đợt xét phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước năm 2015 và 2019 theo Nghị định số 62/2014/NĐ-CP, đã có 1.187 cá nhân được phong tặng, trong đó có 66 Nghệ nhân nhân dân và 1.121 Nghệ nhân ưu tú. Các di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục quốc gia, quốc tế; các nghệ nhân, chủ thể nắm giữ các di sản văn hóa này đã được phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước đã khơi dậy niềm tự hào và khuyến khích mạnh mẽ các cộng đồng có di sản, các cấp chính quyền địa phương, toàn xã hội quan tâm, tự nguyện và chủ động tham gia bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, đẩy mạnh giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể của địa phương mình, tạo thêm động lực trong quá trình xã hội hoá các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá.

Di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa phi vật thể nói riêng đang có những đóng góp quan trọng vào đời sống văn hóa, xã hội và kinh tế của cộng đồng, địa phương; trở thành những điểm đến thu hút khách trong và ngoài nước, tạo nên thương hiệu/dấu ấn riêng của địa phương có di sản. Các di sản văn hóa phi vật thể đã và đang được ghi danh nói riêng và di sản văn hóa phi vật thể nói chung có vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống văn hóa của cộng đồng; là nguồn lực tinh thần, vật chất, tài sản,... của cộng đồng, quốc gia.

PHƯƠNG MAI, ảnh: P.C.Q

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top