Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Có phải “sốc” + “sến”= Best-seller?

Thứ Sáu 08/06/2018 | 11:14 GMT+7

VH- Top 10 cuốn sách bán chạy trong Hội sách TP Hồ Chí Minh lần thứ 10 không có sách văn học, dù tham gia với lực lượng khá hùng hậu.

 Độc giả trẻ xin chữ ký của các nhà văn trẻ

Vài con én không làm nên mùa xuân

Cho dù Nhà xuất bản Trẻ đã tổ chức sự kiện mở đầu cho “mô hình” này không chỉ riêng một nhà xuất bản, trao giải thưởng sách bán chạy nhất trong năm 2017 dành cho 12 tác phẩm của các nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư và tác giả Tony Buổi Sáng. Chỉ có hai nhà văn. Đây là những tác phẩm có số lượng in hơn 100.000 bản, tính từ lúc sách được in tại Nhà xuất bản Trẻ lần đầu tiên cho đến ngày 31.12.2017.

Nhưng trong Hội sách lần thứ 10.2018 của TP Hồ Chí Minh, hai nhà văn này đã không lập lại được bất kỳ kỷ lục nào, trong khi tác giả trẻ Tony Buổi Sáng cũng với cuốn Trên đường băng nằm trong Top 10 sách bán chạy, ngoài ra Có một ai đó đã đổi thay của Hamlet Trương và Du Phong, Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu của Rosie Nguyễn, Hôm nay người ta nói chia tay của Iris Cao nằm trong Top 10. Còn các tác phẩm văn học của hàng trăm nhà văn Việt Nam khác đều chỉ lai rai, cao nhất là vài chục cuốn cho mỗi tên sách, mà cũng không nhiều tên sách bán được như vậy, dù sách văn học đã được giảm giá ngay từ đầu xuống 20%, rồi tiếp đến 30% và giảm sâu vào ngày cuối cùng Hội sách.

Đây có thể là nỗi buồn của văn học Việt Nam nói chung, các nhà văn Việt Nam nói riêng qua một kênh “test” độ “nóng” của tác phẩm. Buồn nhất là khi sách văn học thường chỉ in chừng 2.000 cuốn/ lần in và có nối bản thì cũng chỉ tầm 1.000 – 2.000, trong khi sách của các cây viết trẻ hay trong giới showbiz Việt in từ 10.000 bản trở lên, thậm chí cả trăm ngàn bản.

Best- seller, những cây bút ấy là ai?

Liên tục hai lần có tác phẩm lọt vào Top 10 sách bán chạy nhất Hội Sách TP Hồ Chí Minh là cây viết trẻ Hamlet Trương, ngoài tập tản văn mới Người trong đau khổ vẫn cười có thêm Có một ai đó đã đổi thay kết hợp cùng cây bút trẻ đang được yêu thích “hoàng tử thơ tình” Du Phong. Iris Cao ra mắt tác phẩm cuối của mình có tên Hôm nay người ta nói chia tay cũng nằm trong Top 10. Hamlet Trương và Iris Cao là hai cây bút ăn khách của làng sách trẻ hiện nay, có những đầu sách best-seller như Thương nhau để đó, Ai rồi cũng khác (đồng tác giả Hamlet Trương- Iris Cao), Người yêu cũ có người yêu mới (Iris Cao), Thời gian để yêu, Tay tìm tay níu tay, Yêu đi rồi khóc (Hamlet Trương). Năm 2015, hai tác giả này lại kết hợp với tản văn Mỉm cười cho qua, đã đẩy tổng số lượng phát hành ra thị trường của hai tác giả trẻ đến nay là hơn 500.000 bản.

Riêng “Á hậu” Top sách bán chạy Hội sách TP Hồ Chí Minh lần thứ 9/2016 là Anh Khang cũng rất “ăn” khách ở cuốn sách thứ 7 Người xưa đã quên ngày xưa với 20.000 bản in lần thứ nhất trong Hội sách lần thứ 10/2018. Và Anh Khang còn là một hiện tượng khi các tác phẩm theo kiểu ngôn tình toàn là best- seller, chỉ riêng 4 cuốn đã “bay” hết 200.000 bản in.

Ngoài ra, Gào và Minh Nhật trong tản văn Chúng ta rồi sẽ ổn thôi trở thành một “hiện tượng” từ khi phát hành với 15.000 bản. Phan Ý Yên chủ nhân của nhiều tác phẩm ăn khách như Em là để yêu, Người lớn cô đơn, Khi phụ nữ uống trà đàn ông nên cẩn thận, Yêu- Dại dột- Yêu…, đặc biệt, tản văn Tình yêu là không ai muốn bỏ đi gồm 27 tản văn, 8 truyện ngắn trở thành best- seller đẩy số lượng sách đã phát hành ước tính lên đến hàng trăm nghìn bản. Nguyễn Ngọc Thạch là cây viết trẻ có sức viết dồi dào đã “bỏ túi” gia tài bao gồm Đời call boy, Chuyển giới, Lòng dạ đàn bà, Một giọt đàn bà, Chênh vênh hai lăm, Lưng chừng cô đơn, Lạc giữa miền đau, Khóc giữa Sài Gòn…, đầu sách nào cũng có số lượng in lên đến hàng chục ngàn bản.

Có những cái tên khá xa lạ với giới văn chương nhưng lại không lạ với giới trẻ như Tờ Pi khá nổi tiếng với cư dân mạng bởi những bài viết về tình yêu, gia đình, Tạm biệt, em ổn! bước ra từ thế giới mạng lập kỷ lục với 20.000 ấn bản phát hành ngay khi ra mắt đợt đầu năm 2015. Hay Tuệ Nghi, Top 10 Ngôi sao Kinh doanh, Lãnh đạo xuất sắc châu Á- Thái Bình Dương năm 2013, ra mắt tác phẩm đầu tay là tiểu thuyết Luật ngầm (đã được mua bản quyền chuyển thể thành phim do đạo diễn Victor Vũ thực hiện), tiếp theo Sẽ có cách, đừng lo, Cứ bình tĩnh, đều là best- seller với hàng chục ngàn bản in.

Chỉ duy nhất, là hiện tượng, nhà thơ trẻ Phong Việt, cây bút hiếm hoi thành công với thơ khoảng 5 năm trở lại đây. Tập thơ Đi qua thương nhớ đã lập kỷ lục với 10.000 cuốn bán hết trong 50 ngày, tổng lượng bản in lên đến hơn 30.000, tập thơ Từ yêu đến thương đã trở thành hiện tượng từ khi chưa phát hành, và phải xin giấy phép tái bản lần thứ hai. Cùng với Sinh ra để cô đơn, Sống một cuộc đời bình thường, hiện Phong Việt đang sở hữu con số 85.000 cuốn thơ được phát hành trên thị trường.

Không có nhà văn nào, không có tác phẩm văn học nào ngoài hai cái tên quá quen và quá cũ là Nguyễn Nhật Ánh và Nguyễn Ngọc Tư có sách best- seller.

Công thức để thành Best-seller?

Điều đáng nói khi nhìn nội dung sách nằm trong Top 10, thấy rõ xu hướng của số đông độc giả đã không còn dành cho sách văn học Việt Nam. Phải chăng sách văn học Việt Nam không có tác phẩm hay? Cũng không đúng, vì rất nhiều tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ đã được “thử thách” không chỉ những giải thưởng văn học trong nước và quốc tế mà còn đã từng là Best-seller trên các các kệ sách của các cửa hàng sách lớn. Hay đề tài mà các nhà văn đề cập chưa “đánh” vào nhu cầu khám phá tìm hiểu hay chia sẻ, hoặc xa lạ quá với độc giả phần đông mua sách là giới trẻ và trung niên?

Có thể, bởi thói quen đọc sách đã có sự thay đổi, giới trẻ chiếm phần lớn số độc giả gần như chịu nhiều tác động của thị hiếu, trào lưu và tốc độ. Những cuốn sách văn học Việt của các nhà văn nhiều khi quá cũ về nội dung, đề tài, phong cách viết, không tạo được sự hấp dẫn. Trong khi sách của giới trẻ viết về những gì giới trẻ quan tâm, giới trẻ thích, đề tài sát với hiện thực đang xảy ra trong giới trẻ, và phong cách viết cũng rất trẻ từ ngôn ngữ đến tốc độ phù hợp với tính cách trẻ thời @.

Hay là ở khía cạnh thị trường, sách văn học của các nhà văn có những tựa đề không tạo cảm xúc mạnh, như nhà văn quân đội Đỗ Tiến Thụy có nhiều tác phẩm tái bản chia sẻ với các bạn văn của mình: “Nhiều người có kinh nghiệm làm sách khuyên: Chớ dại mà đặt tên sách liên quan đến bèo tấm hoa dâu, ruộng vườn, trâu bò gà cá... Phải đặt tên theo công thức Sốc- Sex- Sến thì sách bán mới chạy… Đương nhiên tôi không nghe. Chỉ khi BTV nhà xuất bản gợi ý tên tập này (sách của nhà văn Đỗ Tiến Thụy) nên liên quan tới thành thị. Vì chỉ người thành thị mới bỏ tiền mua sách. Nghe có gì đó... sai sai. Nhưng rồi cũng đành để… Chả biết có phải nhờ cái tên “sành điệu” không mà thực tế sách bán hết…”. Phải chăng đây cũng là lý do sách văn học Việt của các nhà văn bán không chạy? 

 ​Nhiều người có kinh nghiệm làm sách khuyên: Chớ dại mà đặt tên sách liên quan đến bèo tấm hoa dâu, ruộng vườn, trâu bò gà cá... Phải đặt tên theo công thức Sốc - Sex- Sến thì sách bán mới chạy… Đương nhiên tôi không nghe. Chỉ khi BTV nhà xuất bản gợi ý tên tập này (sách của nhà văn Đỗ Tiến Thụy) nên liên quan tới thành thị. Vì chỉ người thành thị mới bỏ tiền mua sách. Nghe có gì đó... sai sai. Nhưng rồi cũng đành để… Chả biết có phải nhờ cái tên “sành điệu” không mà thực tế sách bán hết…

(Nhà văn Đỗ Tiến Thụy)

 HOÀI HƯƠNG

 

 

Print
Tags:

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top