Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Phim Việt: Nhiều kịch bản xem mà… lo ngay ngáy

Thứ Sáu 29/12/2017 | 09:56 GMT+7

VH- Trám vào khoảng trống vắng của các tác phẩm phim truyện Nhà nước đặt hàng là sự ra đời ồ ạt của hàng chục phim do các hãng tư nhân sản xuất mỗi năm.

Phim tư nhân với số lượng nhiều nhưng chất lượng không đồng đều, và để tham dự một sự kiện chuyên ngành đều phải lựa chọn rất gắt gao nhằm tránh lọt phim thảm họa, hài nhảm… Thực tế này một lần nữa được thẳng thắn đặt ra tại hội nghị nhìn lại công tác điện ảnh năm 2017 do Cục Điện ảnh tổ chức sáng qua 28.12 tại Hà Nội.

 Phim “Em chưa 18” từng tạo nên hiện tượng phòng vé, lập kỷ lục doanh thu, đoạt Bông sen Vàng tại LHP Việt Nam lần thứ XX

Cần có những đại diện chính thống

Không né tránh, Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan chia sẻ, ngành điện ảnh đang đối diện với khó khăn chồng chất và nếu như từng đơn vị điện ảnh không tự nỗ lực, tìm hướng giải quyết thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển chung của toàn ngành. Liên hoan phim XX vừa diễn ra tại TP Đà Nẵng là kỳ liên hoan đầu tiên trong lịch sử hoàn toàn vắng bóng các tác phẩm phim truyện do Nhà nước đặt hàng. “Đây là một thực tế diễn ra theo xu thế tất yếu mà chúng ta buộc phải chấp nhận”, Cục trưởng nhấn mạnh.

Năm 2015, 2016 và đến hết 6 tháng đầu năm 2017, ngành điện ảnh không được phân bổ ngân sách để đặt hàng sản xuất phim truyện. Phim tài liệu, khoa học, hoạt hình cũng chỉ được cấp kinh phí sản xuất của năm 2015. Đây là khó khăn lớn khiến cho trong ba năm 2015, 2016 và 2017, trên thị trường điện ảnh cả nước không có một bộ phim truyện nào do Nhà nước đặt hàng được sản xuất và đưa vào phát hành, phổ biến.

Cùng với những khó khăn trong việc thực hiện kế hoạch đặt hàng sản xuất phim của ba năm 2015, 2016, 2017 bị dồn lại đối với thể loại phim truyện và hơn hai năm đối với phim tài liệu, khoa học, hoạt hình thì các quy trình như thẩm định kịch bản, thẩm định giá… cũng khiến cho nhiệm vụ sản xuất phim không thể nhanh chóng hoàn thành. Bên cạnh đó, các đơn vị sản xuất cũng không chủ động xây dựng nguồn kịch bản chất lượng cao nên khi được cấp ngân sách đã lúng túng, chậm trễ.

“Việc đảm bảo đúng tiêu chí, chất lượng phim cũng như nội dung đề tài đối với phim do Nhà nước đặt hàng là một vấn đề nan giải. Trong khi nâng cao chất lượng phim luôn phải là tiêu chí hàng đầu thì phải nói thật, nhiều kịch bản khi giám định khiến chúng tôi lo ngay ngáy, nhiều phim có cố cào cạt cũng không được… ”, bà Ngô Phương Lan bộc bạch.

Cùng với thực tế này là số lượng lớn các phim do tư nhân sản xuất. Tính đến 31.12.2017, số lượng phim do các doanh nghiệp sản xuất phim của Việt Nam năm 2017 là 38 phim, ít hơn so với năm 2015 là 42 phim và năm 2016 là 41 phim. “Phim tư nhân sản xuất ra đời với số lượng nhiều nhưng chất lượng chưa thực đồng đều, nhiều phim có chất lượng thấp, thậm chí xếp vào hàng thảm họa. LHP lần thứ XX đã phải kiểm duyệt rất gắt gao mới lựa chọn được 16 phim truyện dự thi và 1 phim tham dự Giải thưởng Phim ASEAN. Thực tế này khiến nhiều nhà điện ảnh chuyên nghiệp Việt Nam lo lắng rằng điện ảnh Việt Nam đang ở đâu? LHP không có phim Nhà nước thì tôn vinh cái gì?...”, Cục trưởng Cục Điện ảnh bộc bạch.

Tuy nhiên, việc các công ty sản xuất phim tư nhân ngày càng tích cực đầu tư vốn để sản xuất phim, tạo ra nhiều tác phẩm phong phú về thể loại, đề tài và hạn chế tối đa các tác phẩm yếu kém, thuộc nhóm chọc cười, hài nhảm như đã từng thấy trong nhiều năm trước không những cho thấy hiệu quả của công tác xã hội hóa điện ảnh mà còn khẳng định được vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong xây dựng, định hướng thẩm mỹ trong quá trình thẩm định kịch bản, thẩm định phim và cấp phép phổ biến.

Cuộc cạnh tranh không cân sức

Công tác phát hành, phổ biến phim tiếp tục là nội dung được các nhà quản lý và các đơn vị điện ảnh đặc biệt quan tâm. Theo bà Ngô Phương Lan, Thông tư 12/2015/TT-BVHTTDL với Tiêu chí phân loại phim để phổ biến theo lứa tuổi nhằm tạo điều kiện cho khán giả đến rạp lựa chọn xem những bộ phim phù hợp, sau một thời gian thực hiện đã mang lại hiệu quả tích cực, được ủng hộ và đánh giá cao từ khán giả cũng như các doanh nghiệp phát hành, phổ biến phim.

Số lượng rạp chiếu và doanh thu trong năm 2017 cũng đã có mức tăng trưởng đáng kể, với số lượng phòng chiếu phim đạt gần 740 phòng, hơn 111.000 ghế, ước tính doanh thu chiếu phim đạt 3.250 tỉ đồng, thu hút hơn 45 triệu lượt khán giả đến rạp. Cả nước hiện có 6 cơ sở phát hành và phổ biến phim của Việt Nam (trong đó có các công ty lớn như BHD, Galaxy, Công ty điện ảnh truyền thông Sài Gòn); 3 cơ sở phát hành và phổ biến phim liên doanh với nước ngoài là CJ CGV, Lotte, Platinum.

Cùng với những con số khả quan, Cục Điện ảnh cũng thẳng thắn nhìn vào một trong những khó khăn là cuộc cạnh tranh không cân sức của phim Việt trong bối cảnh hệ thống các rạp chiếu phim của các nhà đầu tư nước ngoài đang chiếm lĩnh thị trường. Theo bà Ngô Phương Lan, trong bối cảnh phim nước ngoài chiếm lĩnh phần lớn thị phần chiếu phim tại thị trường Việt Nam thì phim do các doanh nghiệp Việt sản xuất vừa ít về số lượng, vừa không đồng đều về chất lượng nội dung, nghệ thuật và kỹ thuật, đang phải đối đầu với cuộc cạnh tranh không cân sức. Theo báo cáo của các doanh nghiệp Việt Nam và Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim Việt Nam, do nắm thị phần lớn về nhập khẩu phim và hệ thống rạp chiếu phim nên các doanh nghiệp nước ngoài đã thực hiện chiến lược khuyến mãi bằng cách đơn phương giảm giá vé xem phim. Việc làm này đã gây tâm lý bất an cho các doanh nghiệp điện ảnh Việt Nam về một cuộc cạnh tranh không lành mạnh. Đây cũng là một vấn đề nổi cộm trong bức tranh toàn cảnh của điện ảnh Việt Nam năm 2017.

Lưu ý những khó khăn mà nền điện ảnh trong nước đang gặp phải, đặc biệt là câu chuyện cạnh tranh chính là những vấn đề mà các nền điện ảnh trên thế giới cũng phải đương đầu, thậm chí từ nhiều năm trước, Thứ trưởng Vương Duy Biên chỉ đạo: “Bối cảnh này đòi hỏi mỗi đơn vị điện ảnh cần năng động, tăng cường các nguồn lực và sự hợp tác để tồn tại và bứt phá. Đồng thời, phải có giải pháp để vừa tồn tại, phát triển vừa cạnh tranh…”. 

 Một nền điện ảnh luôn cần có những đại diện chính thống là các đơn vị điện ảnh Nhà nước, tuy nhiên đại diện đó phải là những cơ thể khỏe mạnh chứ không thể là hình hài ốm yếu. Cục Điện ảnh cùng các đơn vị liên quan cần tập trung xây dựng Luật Điện ảnh sửa đổi với những nội dung điều chỉnh phù hợp với bối cảnh thực tế. Luật sửa đổi cần được nghiên cứu kỹ và phải là sự tập hợp tiếng nói chung của ngành. Trong đó, phải dự báo được tương lai phát triển của điện ảnh Việt Nam trong 5, 10, 15 năm tới; cũng như phải tính toán, xây dựng những rào cản kỹ thuật cơ bản để bảo vệ nền điện ảnh trong nước giữa bối cảnh cạnh tranh đầy khốc liệt.

(Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên)

Bảo Ngân

 

 

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top