Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Kinh tế

19 Tháng Ba 2024

Kinh tế Việt Nam năm 2023: Kỳ vọng và động lực

Thứ Hai 30/01/2023 | 10:24 GMT+7

VHO- Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn và thách thức không nhỏ trong năm 2023. Dù vậy, Việt Nam đang có không ít cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% cho năm 2023 có nhiều khả năng hiện thực hóa.

 Khách du lịch đến Quảng Ninh dịp Tết Quý Mão và đây là cách Việt Nam tiếp tục duy trì hình ảnh của một đất nước không ngừng cải cách và hội nhập

 Thế giới bước vào năm 2022 với kỳ vọng phục hồi kinh tế sau khi dịch Covid-19 đã được khống chế về căn bản, vắcxin đã được phổ biến và nhiều nền kinh tế đã mở cửa trở lại. Tuy nhiên, kỳ vọng này nhanh chóng bị phủ bóng bởi những khó khăn, hệ lụy tiêu cực do xung đột giữa một số quốc gia bùng nổ và kéo dài. Khó khăn gia tăng khi nhiều nền kinh tế thực hiện thắt chặt tiền tệ để ứng phó với lạm phát tăng cao.

Duy trì hình ảnh của một quốc gia không ngừng cải cách và hội nhập

Tại Việt Nam, từ đầu năm 2022, Chính phủ tiếp tục thực hiện cách tiếp cận “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”. Nhờ đó, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á miễn tất cả các quy định về xét nghiệm, tiêm chủng và cách ly cho khách du lịch nước ngoài. Đồng thời, Việt Nam cũng mạnh mẽ thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những hành động quyết liệt để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Các giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn cung xăng dầu trong nước, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đã được thực hiện khẩn trương; việc xử lý các hành vi gian lận, thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán cũng góp phần tạo niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp đối với kỷ luật và minh bạch của thị trường chứng khoán.

Việt Nam tiếp tục duy trì hình ảnh của một đất nước không ngừng cải cách và hội nhập. Ở trong nước, một loạt các chương trình, biện pháp cải cách mạnh mẽ về thể chế liên kết vùng, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn... đã được xây dựng, cụ thể hóa. Một số địa phương đã mạnh dạn xây dựng đề án, thực hiện các biện pháp phát triển kinh tế ban đêm. Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) đã đi vào thực thi, trong khi các hiệp định thương mại tự do khác tiếp tục được thực hiện bài bản hơn.

Trong bối cảnh ấy, Việt Nam đã hoàn thành được hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra từ đầu năm. Tăng trưởng kinh tế dự báo có thể đạt 8% cho cả năm 2022. Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa đảm bảo kết nối hàng hóa với thế giới và có mức thặng dư tích cực. Tính chung 11 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 673,7 tỉ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 13,4%; nhập khẩu tăng 10,1%; xuất siêu ước đạt gần 10,7 tỉ USD. Trong 11 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 2.954,2 nghìn lượt người, dù chưa bằng mức trước dịch Covid-19, nhưng cũng đã bằng 21,1 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Kỳ vọng tăng trưởng năm 2023

Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn và thách thức không nhỏ trong năm 2023. Thứ nhất, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn tiếp diễn. Cuộc xung đột trên thế giới kéo dài, và các biện pháp cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ - Trung Quốc có thể dẫn đến tình trạng khan hiếm nhiều mặt hàng cơ bản. Thứ hai, áp lực lạm phát dai dẳng và triển vọng thắt chặt tiền tệ mạnh tay hơn, nhất là ở nhóm các nền kinh tế phát triển, có thể dẫn đến biến động trên các thị trường tài chính toàn cầu. Một hệ lụy kèm theo có thể là xu hướng tăng giá của đồng USD, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam so với các nước châu Á khác, nếu đồng tiền của các nước giá này mất giá mạnh. Thứ ba, đà suy giảm tăng trưởng kinh tế có thể ảnh hưởng đến sức mua ở nhiều nước phát triển - vốn là những thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam.

Dù vậy, Việt Nam cũng có không ít cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Một mặt, các hiệp định thương mại tự do (đặc biệt là RCEP, CPTPP và EVFTA) vẫn đang được cộng đồng doanh nghiệp và nhiều nền kinh tế quan tâm. Mặt khác, khả năng duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định xã hội, như đã minh chứng trong giai đoạn 2020-2022, cũng tạo được ấn tượng không nhỏ đối với cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài và các du khách nước ngoài. Nếu tiếp tục tạo được niềm tin đối với cộng đồng nhà đầu tư và khách hàng, cả trong nước và nước ngoài, Việt Nam có thể khai thác được nhiều giá trị gia tăng cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Theo đó, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% cho năm 2023 có nhiều khả năng hiện thực hóa.

Động lực cho tăng trưởng

Chất lượng tăng trưởng của Việt Nam có thể được cải thiện nếu kiên trì thúc đẩy có hiệu quả một số động lực quan trọng.

Thứ nhất, Việt Nam cần thúc đẩy liên kết vùng hơn nữa. Bộ Chính trị đã ban hành và tổ chức quán triệt một loạt các nghị quyết quan trọng về phát triển các vùng kinh tế - xã hội. Chính phủ cũng đã và đang đẩy nhanh việc thực hiện các nội dung hoàn thiện thể chế liên kết vùng, quy hoạch vùng… Tuy nhiên, cụ thể hóa các liên kết vùng gắn với những dự án cụ thể trong các lĩnh vực phát triển hạ tầng, du lịch, cải thiện năng suất lao động… vẫn là một yêu cầu rất cấp thiết.

Thứ hai, Việt Nam cần đẩy nhanh chuyển đổi số hiệu quả. Các văn bản, chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã được ban hành, từ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đến ứng dụng trong các lĩnh vực cụ thể như trí tuệ nhân tạo, xúc tiến thương mại… Dù vậy, Việt Nam vẫn cần khẩn trương hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chuyển đổi số, gắn với đào tạo kỹ năng số cần thiết cho người lao động. Một số lĩnh vực chuyển đổi số tiềm năng có thể bao gồm ứng dụng trong các mô hình kinh tế tuần hoàn, đổi mới mô hình quản lý gắn với phát triển kinh tế ban đêm, tạo thuận lợi cho khách xuất nhập cảnh…

Thứ ba, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả. Dù đã có nhiều cải thiện, các đánh giá gần đây vẫn cho thấy yêu cầu cải thiện tỉ lệ tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do quan trọng như CPTPP, EVFTA và RCEP. Điều này không chỉ đòi hỏi đổi mới tư duy về quản lý xuất xứ hàng hóa, tự chứng nhận xuất xứ, mà còn phụ thuộc vào nỗ lực của chính cộng đồng doanh nghiệp trong việc kết nối, hợp tác sản xuất xuất khẩu và xử lý hiệu quả những rủi ro đối với chuỗi cung ứng. 

NGUYỄN ANH DƯƠNG (Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương)

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top