Dân chài lại lo lắng vì... FLC

VH- Mạng xã hội đã thay đổi chóng vánh hành vi của con người. Vì vậy, càng làm ăn to thì càng phải giữ chữ tín, cộng với tiếng thơm.

Dân chài lại lo lắng vì... FLC - Anh 1

Ngư dân Bùi Thanh Việt và bà con nhận thông tin từ mạng xã hội

Ông lớn FLC vào Quảng Ngãi và mang theo dự án ngàn tỷ. Quảng Ngãi kỳ vọng sẽ có thêm chỉ số về thu hút đầu tư và giữ chân luồng khách ra đảo Lý Sơn. Nhưng từ ngày đầu, người làng chài đã tự phân loại và đưa ra chỉ số niềm tin.

Ở Quảng Ngãi bùng nổ thông tin về dự án nghìn tỷ là quần thể du lịch nghỉ dưỡng và khu đô thị FLC Bình Châu - Lý Sơn với tổng quy mô thực hiện 3.890 ha, bao trùm lên các xã Bình Hải, Bình Hòa, Bình Phú, Bình Châu (huyện Bình Sơn) và xã đảo An Bình (huyện Lý Sơn). Đồn biên phòng Bình Hải dự kiến sẽ di dời để nhường đất phát triển kinh tế. Dự án được triển khai chóng vánh và dự kiến sẽ khởi công vào trung tuần tháng 5 này.

Vui, thấp thỏm lo âu? Trạng thái tâm lý chung của người dân ở làng chài thôn An Cường, xã Bình Hải là như vậy. Có điều gì đó bất hợp lý? Người khác mang tiền đến và làm cho quê hương thay đổi cơ mà? Nhưng vì sao người dân lo nhiều, mừng ít. Bởi vì đó là thông tin về FLC đăng trên báo chí được thanh niên địa phương tải về, đưa lên trang facebook. Doanh nghiệp này đầu tư ở tỉnh nào cũng được người dân tìm hiểu nhờ đọc facebook, sau đó bình luận.

Tại khu vực bờ biển tấp nập 400 thúng chèo, thúng máy, một số ngư dân thôn An Cường cho biết, họ đã được con cháu thông báo, doanh nghiệp định đầu tư tại thôn An Cường từng mắc sai phạm ở không ít nơi. Nhưng ngư dân nhắc đến nhiều nhất là những dự án chặn đường ra biển, thay đổi đời sống của bà con ngư dân, trong đó có FLC và nhiều doanh nghiệp khác. Cụm từ mà ngư dân nhắc nhiều nhất và tỏ thái độ ngao ngán là “rào đường xuống biển”.

 

Dân chài lại lo lắng vì... FLC - Anh 2

 Bờ biển An Cường là mảnh đất vàng

Ngư dân Bùi Ngọc Huy chia sẻ, “chỗ này làm ra tiền, họ đầu tư thì chọn chỗ khác, gành đá này để cho dân, dân không đi đâu hết, xuống rồi lấy hết gành làm biển, ở đây mỗi ngày thu nhập 300 đến 500 ngàn đồng”. Ngư dân Bùi Thanh Việt thì khẳng định: “Thà rằng ăn ít, ở đây có tương lai hơn chứ đi nơi khác và nhận tiền bồi thường vài tỷ rồi cũng ăn hết, dân ở đây làm biển chứ không bỏ quê để đi. Nếu họ cho đi chỗ nào hơn chỗ này thì lúc đó mới tính”.

Chỉ có số ít ý kiến tích cực nói về những vila, biệt thự, nhà nghỉ và khu vui chơi ven biển đẹp mắt của FLC tại bờ biển tỉnh Quảng Bình. Những người có niềm tin vào doanh nghiệp này thường là cư dân ở địa phương nhưng không làm nghề biển, thu nhập thấp, chỗ ở chật chội, nhà cửa tạm bợ, ham món lợi trước mắt và không nhìn thấy lâu dài, mong con có việc làm. Số ít người dân này mong muốn đổi đời nhờ số tiền đền bù và hy vọng đủ sống đến cuối đời.

Tác động mạnh nhất từ mạng xã hội đến người dân địa phương là hình ảnh. Đó là khu vực biển Nam Ô của thành phố Đà Nẵng bị vây hàng rào, chừa vài lối đi nhỏ cho dân xuống biển; dọc bờ biển Đà Nẵng kéo dài từ quận Ngũ Hành Sơn đến giáp thành phố Hội An là những resort nham nhở, phần lớn là xây dựng lưng chừng để giữ đất. Lối đi xuống biển bị bịt kín, bờ biển bị lấn chiếm ra sát mép nước. Nếu người dân dạo chơi mà bước lên gần hàng rào thì lập tức sẽ bị bảo vệ đuổi và chỉ đường đi của dân là ngoài mép sóng.

Ông Hoàng Văn Tiến, trưởng thôn An Cường, xã Bình Hải là người sốt sắng nhất và luôn nghĩ đến tương lai của làng chài. Ông Tiến học hết lớp 9 và luôn nhận được thông tin từ những người trẻ hơn, thường đọc tin trên mạng để tìm hiểu về nhà đầu tư. Ông Tiến nói thẳng “nói chung là không muốn đi, họ tới bồi thường xong rồi rào biển, dân hết đường làm ăn. Trong Cà Ná tỉnh Ninh Thuận họ cũng cấp cho doanh nghiệp rồi rào đường xuống biển”.

Người dân địa phương nghĩ về FLC như vậy, còn cộng đồng mạng thì đưa ra nhiều bình luận và phán xét rất nóng. Và cũng giống như người dân làng chài, đó là xấu nhiều, tốt ít, xen lẫn lo âu. Có một số ít bài viết đề cập đến việc FLC sẽ đổi đời người dân, thành phố biển hiện đại vì nhiều resort. Trong thực tế thì có thể phát triển nhanh, hoặc phát triển chậm, chắc, bảo vệ quỹ đất vàng, lấy sinh thái làm trọng tâm thì du khách một lần đến sẽ quay trở lại.

Hiện nay, trên xa lộ mạng xã hội cũng còn nhiều hòn sỏi tác động xấu đến hành vi của con người, tăng tính bạo lực, nghi ngờ vô tội vạ, nhưng bên cạnh đó còn có mặt tích cực là minh bạch hóa về thông tin. Những người dân chài chỉ sống loanh quanh trong bờ, ngoài biển, có người trình độ còn thấp, nhưng mạng xã hội đã phá bỏ rào cản về địa lý, giúp họ tìm hiểu về doanh nghiệp, có đủ thông tin để ra quyết định về việc lựa chọn giữa “đi hay ở”.

 ​ Nhiều ngư dân địa phương chia sẻ, nếu 15 năm trước, thấy doanh nghiệp về mở resort thì rất mừng, do đời sống lúc đó khó khăn. Còn hiện nay thấy resort thì lo và đắn đo. Vì cuộc sống đã no đủ, thu nhập từ nghề biển của mỗi ngư dân từ 100 đến 120 triệu đồng/năm; được sống với thiên nhiên trong lành, nguồn nước không ô nhiễm, giá trị này thì khó đền bù nổi.

 

 THANH PHONG

Ý kiến bạn đọc