Quảng Nam: Tạm dừng cải tạo đồng ruộng kết hợp tận thu khoáng sản

VH- UBND tỉnh Quảng Nam vừa chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương liên quan tạm dừng thực hiện các phương án cải tạo đồng ruộng có kết hợp tận thu khoáng sản trên địa bàn tỉnh (gọi tắt phương án CTĐR) để khắc phục những tồn tại, thiếu sót trong quá trình thực hiện.

Quảng Nam: Tạm dừng cải tạo đồng ruộng kết hợp tận thu khoáng sản - Anh 1

 Các dự án CTĐR có tận thu khoáng sản đang triển khai tại thị xã Điện Bàn

Được biết, từ trước năm 2016, các dự án CTĐR có tận thu khoáng sản đất sét nguyên liệu đều được UBND tỉnh Quảng Nam ủy quyền cho UBND các huyện, thị xã, thành phố phê duyệt. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số địa phương buông lỏng công tác quản lý, có nơi còn lợi dụng cơ chế cấp phép không đúng thẩm quyền.

Để chấn chỉnh tình trạng này, ngày 18.5.2016, UBND tỉnh Quảng Nam đã có Chỉ thị số 17, yêu cầu chấm dứt việc ủy quyền cho UBND các địa phương như trước đây. Theo đó, từ năm 2016, các phương án CTĐR có tận thu khoáng sản đều thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh phê duyệt. Sở NN&PTNT là cơ quan có trách nhiệm trong thẩm định phê duyệt các phương án CTĐR, Sở TN&MT là cơ quan phối hợp và đánh giá báo cáo các tác động môi trường. Chính quyền địa phương phải giám sát quá trình doanh nghiệp thực hiện các phương án đã được duyệt.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều dự án còn lơ là trong khâu giám sát, thẩm định. Dư luận cũng nhiều lần lên tiếng về việc cần minh bạch và giám sát chặt chẽ đối với lượng khoáng sản tận thu trong CTĐR phục vụ sản xuất nông nghiệp... Theo phản ánh của người dân, đã xuất hiện tình trạng một số địa phương lợi dụng chủ trương CTĐR, chỉnh trang dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp để tận thu đất bán cho các cơ sở sản xuất gạch. Một số doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở để tận thu trái phép khoáng sản, đất sét làm vật liệu xây dựng, gây hệ lụy về môi trường, giảm chất lượng đồng ruộng, khiến người dân bất bình, mất lòng tin.

Vừa qua, Sở NN&PTNT Quảng Nam tổ chức đoàn kiểm tra tại thị xã Điện Bàn, nắm bắt những bất cập trong việc kiểm tra, giám sát tại địa phương khiến chủ trương CTĐR bị lợi dụng, tận thu đất bán cho các cơ sở sản xuất gạch, vật liệu xây dựng, gây thất thu cho ngân sách.

Qua kiểm tra thực tế tại một số cánh đồng đã cải tạo, ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, phần lớn các cánh đồng sau cải tạo đất đã phục hồi, sản xuất ổn định từ sau vụ canh tác lúa thứ 2. Nhiều nơi đã thực hiện được chủ trương dồn điền đổi thửa, cơ giới hóa đồng ruộng và có điều kiện đầu tư đường giao thông nội đồng… Tuy nhiên, trong quá trình vận chuyển đất chưa đảm bảo môi trường, gây bức xúc cho người dân, một số địa phương chưa minh bạch hóa trong sử dụng nguồn đất sét dư thừa trong quá trình CTĐR.

Trước chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tạm dừng các phương án CTĐR có kết hợp tận thu khoáng sản, thị xã Điện Bàn đề nghị UBND tỉnh sớm cho phép tiếp tục thực hiện cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng để phục vụ công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, góp phần hoàn thành Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Điện Bàn giai đoạn 2016-2020 trong thời gian đến với một số mục tiêu như cải tạo đồng ruộng 200ha, dồn điền đổi thửa 1.634 ha; xây dựng cánh đồng lớn 860 ha; 25 cụm chăn nuôi tập trung.

Không chỉ ở Điện Bàn mà nhiều địa phương khác ở Quảng Nam cũng đã nảy sinh nhiều bất cập trong quá trình thực hiện các dự án CTĐR quy mô lớn. Người dân ở một số địa bàn đang có các dự án CTĐR như huyện Đại Lộc, các xã Điện Tiến, Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Nam (Điện Bàn),… phản ánh việc các xe tải chở đất sét dư thừa sau cải tạo từ các dự án này ngang nhiên đi lại trên đường làng, gây ô nhiễm, bụi bặm, hư hỏng đường sá. Tình trạng lo “tận thu” đất sét để bán mà quên đi mục tiêu chính là cải tạo, “dồn điền, đổi thửa” chỉnh trang đồng ruộng để thuận lợi trong việc tưới tiêu, cơ giới hóa nông nghiệp, khiến nhiều thửa ruộng trở nên khô cằn, không bằng phẳng sau khi cải tạo. Thậm chí có thửa ruộng còn bị đào sâu để tận thu đất sét, trở nên thấp hơn sau khi cải tạo so với các thửa ruộng kế cận.

Ông Trương Văn Năm, một nông dân xã Điện Tiến (Điện Bàn) và nhiều người dân thắc mắc liệu nguồn đất sét tận thu này chỉ được cung cấp cho các nhà máy gạch trên địa bàn Quảng Nam theo quy định của tỉnh hay còn bán cho những nơi khác? Kinh phí thu lại từ khoáng sản tận thu sau khi cải tạo đồng ruộng sẽ được sử dụng vào mục đích gì? Có được đầu tư lại cho việc chỉnh trang đồng ruộng, thủy lợi, kênh mương nội đồng hay không? 

Khánh Chi

 

Ý kiến bạn đọc