Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Về việc Vinaca được chứng nhận Top 10 thương hiệu: Chứng nhận "trời ơi", không liên quan đến sản phẩm!

Thứ Tư 18/04/2018 | 09:48 GMT+7

VH-Trước khi bị phát hiện về việc sản xuất thuốc chữa ung thư bằng than tre Vinaca ung thư CO3.2, Công ty TNHH Vinaca đã được cấp Giấy chứng nhận Top 10 “Thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam”. Điều này khiến nhiều ý kiến nghi ngại về quy trình và năng lực của đơn vị cấp giấy chứng nhận này.

“Không đánh giá sản phẩm mà chỉ đánh giá thương hiệu công ty” (!?)

Ông Lê Trọng Anh, quyền Giám đốc Trung tâm Tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển thương hiệu (Viện Công nghệ chống làm giả), Thường trực Ban tổ chức Chương trình Thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam đã trả lời như vậy với phóng viên Văn Hoá khi được hỏi về việc trao chứng nhận Thương hiệu Vinaca đạt Top 10 Thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam 2017. Ông Anh cho hay, ngày 9.8.2017, ông Nguyễn Xuân Thu, Tổng giám đốc và là người đại diện hợp pháp của Công ty TNHH Vinaca (từ đây gọi tắt là Vinaca) đã nộp hồ sơ để được xét duyệt chứng nhận của Chương trình. Hồ sơ bao gồm đăng ký dinh doanh, phần doanh nghiệp tự giới thiệu, sau đó ban tổ chức Chương trình căn cứ theo đó kiểm tra, đánh giá. “Lúc đó Vinaca đăng ký thương hiệu Vinaca chứ không phải đăng ký sản phẩm Vinaca”.

Theo lý giải của ông Anh, sau khi nhận hồ sơ, Ban tổ chức đã đi tìm hiểu, đánh giá và nhận thấy tại thời điểm đó, Vinaca có có trụ sở, văn phòng, có giấy đăng ký kinh doanh. Đặc biệt, thời điểm kiểm tra, xác minh công ty có rất nhiều đại lý phân phối và hỗ trợ khởi nghiệp miễn phí cho nhiều người. “Không phải vì một hạt cát xấu mà phủ nhận cả sa mạc. Sau khi trao chứng nhận cho Vinaca đến tháng 12.2017 thì Ban tổ chức Chương trình không nhận được phản hồi nào của người tiêu dùng, đại lý… về công ty này”, quyền Giám đốc Trung tâm Tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển thương hiệu nói.

Tuy nhiên, sau khi nhận thông tin về việc Vinaca có dấu hiệu vi phạm pháp luật, ngày 16.4, Ban tổ chức Chương trình Thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam đã phát đi thông báo gửi các cơ quan báo đài, trong đó cho biết Chứng nhận chỉ có giá trị trong vòng một năm, nếu đến trước thời điểm 31.12.2017 mà Vinaca và Tổng Giám đốc là ông Nguyễn Xuân Thu vi phạm kỷ luật thì “sẽ thu hồi đánh giá về Thương hiệu Công ty TNHH Vinaca”. Thông báo một lần nữa khẳng định Ban tổ chức “không đánh giá về sản phẩm mà là thương hiệu năm 2017 của Công ty TNHH Vinaca”.

Lập lờ đánh lận người tiêu dùng?

Mặc dù ông Anh nhiều lần nhấn mạnh về Chương trình gồm ba nội dung là đánh giá về Thương hiệu, Sản phẩm và Gương mặt doanh nhân tiêu biểu và Vinaca chỉ được đánh giá về thương hiệu mà không đánh giá sản phẩm, nhưng trên giấy Chứng nhận ghi rõ “Chứng nhận thương hiệu: Vinaca - Công ty TNHH Vinaca - Đạt Top 10 Thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam - 2017”. Khi phóng viên hỏi về điều này thì ông Anh không giải thích được. Bởi nếu nhìn vào Giấy chứng nhận thì người xem sẽ biết ngay rằng đây là sản phẩm, thương hiệu được công nhận. Đó là chưa kể tới quy trình xét duyệt, đánh giá của Ban tổ chức như “cưỡi ngựa xem hoa” khi chỉ đến “kiểm tra” trụ sở mà không tìm hiểu về cơ sở sản xuất, chất lượng sản phẩm và như đại diện Ban tổ chức nói là “tin vào cam kết, sự trung thực của doanh nghiệp”.

Ai cũng biết rằng, một thương hiệu được tôn vinh, được công nhận là nhờ chất lượng của sản phẩm, nhờ được người tiêu dùng tín nhiệm. Vậy mà đại diện Ban tổ chức trao chứng nhận Top 10 cho Vinaca lại nói chỉ chứng nhận về thương hiệu, không chứng nhận về sản phẩm, vậy thì phải hiểu như thế nào: Ban tổ chức không nhận trách nhiệm về chất lượng sản phẩm của thương hiệu này hay sản phẩm không liên quan gì đến thương hiệu? Mặt khác, trên Giấy chứng nhận lại nêu rõ “sản phẩm” thì có phải là lập lờ, đánh lận người tiêu dùng?

Trong khi chất lượng sản phẩm hiện nay chưa được kiểm soát chặt chẽ, người tiêu dùng không tin vào doanh nghiệp thì các loại chứng nhận về chất lượng sản phẩm như một khẳng định đảm bảo an toàn. Vậy mà Ban tổ chức cấp giấy chứng nhận này cũng chỉ bằng “niềm tin” thì người tiêu dùng biết tin vào ai? Và cái thông báo sẽ thu hồi chứng nhận nếu Vinaca vi phạm pháp luật trong năm 2017 cũng chẳng để làm gì khi hiện nay các cơ quan chức năng đã thu hồi và cấm lưu hành tất cả các sản phẩm của Vinaca.

 ​Đối với việc trao các giải thưởng, chứng nhận của các tổ chức cho các sản phẩm, thương hiệu liên quan tới dược phẩm mà không lấy ý kiến chuyên môn, yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu để đưa ra giải pháp xử lý vấn đề này, có ý kiến chuyên môn đối với các sản phẩm đoạt giải thưởng, danh hiệu. Tôi yêu cầu Bộ Y tế phải có tiếng nói, phải can thiệp, không thể đứng ngoài để những đơn vị tổ chức giải thưởng lý luận là chỉ công nhận thương hiệu mà không quan tâm tới vấn đề chất lượng.

(Phó Thủ tướng Chính phủ VŨ ĐỨC ĐAM)

Có hay không chuyện “bỏ tiền mua chứng nhận”?

Chia sẻ thông tin về nghi ngờ doanh nghiệp dùng tiền mua thương hiệu, ông Lê Trọng Anh cho hay không có chuyện đó mà đây không phải là chương trình của Nhà nước nên phải xã hội hóa, các doanh nghiệp tự nguyện đóng góp cho chương trình. Tuy nhiên, khi hỏi về mức tiền phải đóng góp thì ông Lê Trọng Anh cho biết không có mức sàn nào, mà là thoả thuận, và tự nguyện của doanh nghiệp. Đại diện Ban tổ chức cũng từ chối chia sẻ số tiền mà Vinaca đã đóng góp cho chương trình.

Quyền giám đốc Trung tâm Tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển thương hiệu cũng cho hay, trong nội dung đăng ký kinh doanh của Vinaca không có lĩnh vực về sản xuất thuốc, sản phẩm thẩm mỹ mà là xà phòng, nước tẩy rửa… Trong khi đó, hồ sơ của cơ quan công an cũng thể hiện rõ, Vinaca “mượn” giấy phép của công ty An Hồng Phong (Hải Phòng) để sản xuất thuốc chữa ung thư có nguyên liệu bằng than tre, một số loại thực phẩm chức năng, hoá mỹ phẩm khác… Như vậy, có thể khẳng định Viện Công nghệ chống làm giả (thuộc Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam), Trung tâm Tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển thương hiệu trao cho Vinaca chứng nhận một cách trái khoáy là “thương hiệu” không liên quan gì đến “sản phẩm”. Bởi hiểu theo một cách đơn giản, sản phẩm được khách hàng công nhận thì mới trở thành thương hiệu.

Năm 2017 là năm đầu tiên Chương trình được tổ chức nhưng đã có hơn 100 doanh nghiệp được trao giấy chứng nhận. Điều này khiến không ít ý kiến nghi ngại là, không biết trong số những doanh nghiệp, thương hiệu ấy còn bao nhiêu trường hợp giống Vinaca khi chỉ đánh giá, xét duyệt trên hồ sơ và “niềm tin”? 

 ​Viện Công nghệ chống làm giả mặc dù trực thuộc đơn vị nhưng hoạt động độc lập nên việc này không “dính dáng” gì bên Hiệp hội. Hoạt động đó là nhiệm vụ của họ, việc chứng nhận là dưới cơ sở làm, một công ty làm, không phải xin phép Chính phủ. Tôi thậm chí không tới dự lễ vinh danh đó và cũng không biết họ làm gì. Được biết, đây là phong trào xây dựng thương hiệu. Đơn vị nào muốn xây dựng thương hiệu thì họ giúp, còn sau này ai có tội người ấy chịu.

(Ông LÊ THẾ BẢO, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam)

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:Phải xử lý hết sức nghiêm minh

Tại cuộc họp với lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan vừa diễn ra mới đây, yêu cầu xử lý nghiêm và lên án mạnh mẽ hành vi sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng giả.

Theo đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm tới vụ việc này. Quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là tất cả các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, thuốc giả, thực phẩm chức năng giả, thực phẩm giả liên quan đều cần phải lên án mạnh mẽ và xử lý nghiêm theo pháp luật.

Trong đó chú trọng đặc biệt tới các sản phẩm liên quan tới việc điều trị, hỗ trợ điều trị các căn bệnh nan y như ung thư. Bởi người bệnh khi mắc những bệnh nan y thì phải được điều trị, hỗ trợ điều trị bằng sản phẩm có chất lượng, nếu không sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và thậm chí là tính mạng. “Bất kỳ vụ việc nào liên quan tới những căn bệnh như ung thư, người dân đều rất bức xúc, do đó các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm xử lý hết sức nghiêm minh”, Phó Thủ tướng nói.

Hoan nghênh lực lượng chức năng của Hải Phòng, Hà Nội và các địa phương đã dày công trinh sát, làm các công tác nghiệp vụ để phát hiện vụ việc cũng như sự vào cuộc nhanh, phối hợp chặt chẽ của Bộ Y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố liên quan, các Sở Y tế và các đơn vị chức năng của Bộ Y tế xử lý nghiêm minh vụ việc này và các vụ việc tương tự theo đúng quy định của pháp luật.

Khẳng định tội phạm, đặc biệt là tội phạm liên quan tới lĩnh vực dược phẩm, có rất nhiều thủ đoạn, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu nếu không sẽ rất khó đấu tranh. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng ghi nhận sự nhanh nhạy của truyền thông, báo chí và mong các cơ quan báo chí tiếp tục phản ánh các vụ việc tương tự, đồng hành tuyên truyền cho người dân khi sử dụng các sản phẩm thì cần xem xét rất kỹ và tốt nhất là tham vấn ý kiến chuyên môn...

T.S

 

Print
Tags:

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top