Vì sao giá vàng vẫn neo cao?

VIỆT TÚ

VHO - Việc Ngân hàng Nhà nước quyết định đấu thầu vàng được kỳ vọng sẽ kéo giảm giá vàng xuống. Nhưng doanh nghiệp không mặn mà tham gia đấu thầu trong khi giá vàng vẫn tiếp tục “đu đỉnh”.

 Vì sao giá vàng vẫn neo cao? - ảnh 1

 Người dân mua vàng ngày vía Thần tài. Ảnh: T. NGHĨA

 Bắt đầu từ ngày 22.4 đến ngày 3.5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ mới đấu thầu vàng thành công được một lần, song cũng chỉ có 2 doanh nghiệp tham gia với kết quả, số lượng vàng bán ra là 3.400 lượng, tương đương 20% lượng vàng chào thầu, 13.400 lượng vàng (tương đương 80%) bị ế. Việc hủy đấu thầu vàng liên tiếp cho thấy doanh nghiệp không mặn mà với đấu thầu vàng.

Thị trường chưa thôi “lặng sóng”

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, điều kiện tham gia đấu thầu với khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô, tương đương 1.400 lượng là quá cao. Trong khi đó, theo thời giá thị trường, giá vàng SJC ở mức 81 triệu đồng/lượng, tương đương số vốn bỏ ra khoảng 100 tỉ đồng. Hiện Việt Nam có 38 đơn vị kinh doanh vàng, nhưng không nhiều doanh nghiệp đủ tiềm lực với số tiền cần có để tham gia đấu thầu. Điều đó dẫn tới việc thiếu công bằng, bình đẳng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong khi lợi thế nghiêng về các ngân hàng thương mại nếu họ “có nhã hứng” tham gia đấu thầu.

Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), doanh nghiệp rất cân nhắc tham gia đấu thầu vì với những quy định đưa ra thì NHNN luôn ở thế thắng. Chẳng hạn, sau khi đấu thầu, nếu không đủ vàng, NHNN được quyền hủy kết quả. Như vậy, rủi ro đối với các đơn vị đấu thầu là rất lớn. Chưa kể, không thật chắc chắn nếu trúng thầu thì sau bao lâu NHNN giao vàng cho doanh nghiệp. Bản thân khi tham gia đấu thầu mức giá trên 80 triệu đồng/lượng, vậy trong thời gian chờ vàng về giá vàng sẽ biến động ra sao? Biên độ rủi ro rất lớn do đó nhiều doanh nghiệp không mặn mà với đấu thầu vàng.

 Các yếu tố đều cho thấy giá vàng thế giới năm 2024 sẽ có thể vượt ngưỡng 2.100 USD/ounce. Khi giá vàng thế giới tăng, giá vàng trong nước sẽ tăng theo. Tuy nhiên, giá vàng SJC, vàng nhẫn có tăng mạnh và chênh lệch bao nhiêu so với thế giới còn phụ thuộc vào chính sách điều hành thị trường của NHNN.

Theo Goldman Sachs, nếu giá vàng thế giới ở vùng 2.175 USD/ounce, thì quy đổi theo tỉ giá hiện tại sẽ tương đương khoảng 65 triệu đồng/lượng. Từ đó có thể suy ra giá vàng trong nước nếu mức chênh lệch (cộng thêm) từ 10 - 13 triệu đồng/lượng, có thể sẽ dẫn tới việc “bắt đáy” trong thời gian tới.

(Ông NGUYỄN THẾ HÙNG, Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam)

Từ đó, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, NHNN cần xem xét sửa đổi điều kiện yêu cầu mua tối thiểu còn khoảng 400 - 500 lượng sẽ thu hút nhiều đơn vị tham gia bỏ thầu hơn. Còn nếu vẫn giữ yêu cầu đặt mua tối thiểu 1.400 lượng vàng là quá khó. Đáng chú ý, mặc dù việc tổ chức đấu thầu được cho là một động thái tích cực nhằm kéo giảm giá vàng, ổn định thị trường, nhưng thị trường vàng vẫn chưa thôi “lặng sóng”.

Những diễn biến phức tạp

Trước đó, theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà, thực hiện Thông báo số 160/TB-VPCP ngày 11.4.2024 kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng, NHNN sẽ triển khai ngay các giải pháp để hạ nhiệt thị trường vàng trong nước.

Từ sau Tết Nguyên đán 2024, vàng bắt đầu lên giá, kéo theo việc cả bên bán lẫn người mua cùng nhau “đu đỉnh” mà không biết đâu sẽ là điểm dừng.

Để tiện so sánh, có thể đưa ra một vài điểm mốc cụ thể: Ngày 1.3, giá vàng miếng SJC từng được coi là lập đỉnh ở ngưỡng 77,55 - 79,62 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Tới chiều ngày 9.4, giá vàng miếng tăng sốc khi lên tới 82,7 - 84,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); cao hơn 2,1 triệu đồng/lượng so với giá buổi sáng cùng ngày. Còn giá vàng nhẫn cũng “sốt” khi Công ty SJC niêm yết mua vào 73,9 triệu đồng/lượng, bán ra 75,3 triệu đồng/lượng, tăng thêm 1 triệu đồng/lượng so với buổi sáng.

Lui về trước đó, vào ngày vía Thần Tài (ngày 19.2 dương lịch, tức mùng 10 tháng Giêng), giá bán vàng nhẫn trong nước quanh mốc 65 triệu đồng/lượng. Như vậy, trong vòng 2 tháng, giá vàng nhẫn tăng tới 8 triệu đồng/lượng.

Ngày 1.5, giá vàng được DOJI niêm yết ở mức 82,60 triệu đồng/lượng (mua vào) và 84,80 triệu đồng/lượng bán ra. Đáng chú ý, theo Kitco, một website thông tin giá vàng quốc tế, giá vàng thế giới giao ngay trong ngày 1.5 ở mức 2.285,50 USD/ounce; giảm 48,8 USD/ ounce so với giá vàng 1 ngày trước đó (ngày 30.4). Trong khi đó, quy đổi theo tỷ giá hiện hành tại Vietcombank, vàng thế giới có giá khoảng 68,888 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí). Như vậy, giá vàng miếng của SJC tại thị trường trong nước vẫn cao hơn giá vàng thế giới 14,112 triệu đồng/lượng.

Còn tại ngày 3.5, với việc NHNN lại hủy phiên giao dịch đấu thầu vàng lần thứ 3 do chỉ có 1 đơn vị tham gia đấu thầu cũng là lúc Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) nâng giá mua bán vàng miếng lên 83,5 - 85,8 triệu đồng. Đây là mức giá cao kỷ lục của vàng miếng SJC từ trước đến nay.

Được biết, từ tháng 6.2023 đến tháng 3.2024, Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ đã có 9 văn bản chỉ đạo, đôn đốc NHNN Việt Nam và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp quản lý, giám sát hoạt động thị trường vàng.

“Bắt bệnh, kê đơn”

Thời gian qua, trước việc thị trường vàng “dậy sóng”, giá tại thị trường trong nước quá chênh lệch so với giá thị trường thế giới (xê dịch từ 14 - 17 triệu đồng/ lượng), nhiều chuyên gia tài chính cho rằng cần chỉnh sửa Nghị định 24/2012 của Chính phủ về quản lý thị trường vàng, bỏ độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu.

Mới đây, tại Tọa đàm “Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững”, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết, vào năm 2012, vàng được coi như một phương tiện thanh toán, gần như vàng thay cho tiền. Đó là thời kỳ “vàng hóa nền kinh tế”, làm mất giá trị đồng tiền. Trong bối cảnh đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2012 nhằm hạn chế tình trạng “vàng hóa”, dùng vàng để thay thế các công cụ thanh toán. Tuy nhiên, từ đó tới nay, đã qua 12 năm tình hình đã thay đổi rất nhiều.

Khi giá vàng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch nhiều sẽ sinh lợi cho việc nhập lậu vàng. Từ đó, ông Cường cho rằng rất cần có sự thay đổi về phương thức quản lý, sửa đổi quy định Nghị định số 24. “Cần xem xét lại có nhất thiết phải độc quyền nhà nước về một thương hiệu vàng không”, ông Cường nêu vấn đề và cho rằng có thể cho nhiều doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất vàng miếng, từ đó sẽ không còn tình trạng khan hiếm bởi tâm lý càng khan hiếm giá càng tăng, người dân càng đi mua.

Trong khi đó, ở một góc nhìn khác, ông Đỗ Minh Phú, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, việc NHNN độc quyền vàng miếng SJC cần được nhìn nhận toàn diện. Theo ông Phú, hơn 20 năm qua, vàng miếng SJC đã chiếm tới 90% các giao dịch vàng và chiếm khoảng 85% lượng vàng mà người dân và tổ chức đang nắm giữ. Cũng trong khoảng thời gian đó, SJC đã đưa ra thị trường khoảng hơn 20 triệu lượng vàng, ước chừng gần 750 tấn. Ông Phú còn cho rằng, từ khi NHNN tuyên bố độc quyền sản xuất vàng miếng thì hiện tượng nhập lậu vàng giảm mạnh. Thị trường vàng miếng tại thời điểm này có thể chưa kiểm soát được, nhưng sản xuất vàng miếng đã kiểm soát được. Như vậy, việc độc quyền hay không độc quyền, lợi hại ra sao vẫn là vấn đề tranh cãi trong khi thị trường vàng vẫn đang có biểu hiện bị “làm giá”.

Những dự báo từ thị trường vàng thế giới

TS Francisco Blanch (chiến lược gia hàng hóa tại Bank of America Global Research) nói với Yahoo Finance rằng, các ngân hàng trung ương đã gây ra tâm lý mua vào, từ đó thúc đẩy giá vàng. Điều đó, đã khiến các nhà đầu tư “có thể hơi quá phấn khích”. “Có rủi ro trong giao dịch vàng là FED không cắt giảm hoặc có khả năng tăng lãi suất”, TS Blanch nhận xét.

Trong khi đó, nhà phân tích hàng hóa trưởng của HSBC, ông James Steel, nói với Bloomberg Radio rằng, việc tăng giá của thị trường vàng bị thúc đẩy bởi rủi ro địa chính trị, cũng như các yếu tố kinh tế thế giới. Điều này khiến nhiều người cho rằng vàng là nơi trú ẩn an toàn, nên giá vàng liên tục bị đẩy lên cao. “Tại các thị trường phương Tây, cổ phiếu đang ở mức rất cao. Trong nhiều trường hợp, nhà đầu tư đã lựa chọn cách phòng ngừa rủi ro và họ đã chọn vàng”, ông Steel nói. Chia sẻ với Bloomberg, Kyle Rodda, chuyên gia phân tích thị trường tại công ty tài chính Capital đưa ra nhận định: Nếu giá vàng vẫn tăng mạnh như thời gian qua, thị trường chắc chắn sẽ phải đối mặt với một đợt điều chỉnh. Mà như thế, những nhà đầu tư theo kiểu “lướt sóng” sẽ khó tránh khỏi rủi ro.