Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Nâng cao “sức đề kháng” trong xây dựng văn hóa báo chí

Thứ Tư 22/03/2023 | 09:44 GMT+7

VHO- Bàn về việc xây dựng, phát triển văn hoá báo chí, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng các cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo phải có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về văn hóa báo chí. Từ đó, chúng ta mới hình thành nên các hành động cụ thể, tuân thủ tuyệt đối pháp luật để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa báo chí.

Xây dựng, phát triển văn hóa báo chí là mục tiêu quan trọng mỗi tòa soạn, người làm báo phải hướng đến (Ảnh: ITN)

Văn hóa “soi đường” cho báo chí

Cũng theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, hoạt động xây dựng văn hóa báo chí đang được quan tâm và có rất nhiều tín hiệu tích cực. Việc Hội Nhà báo Việt Nam là một trong những đơn vị tham gia phát động phong trào thi đua Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí; đưa ra bộ Tiêu chí cơ quan báo chí và văn hóa người làm báo; hay Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, cùng với 10 điều Quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam đã thực sự là những điểm nhấn để định hướng xây dựng văn hóa báo chí. Nhờ đó, báo chí đã thể hiện rõ vai trò gương mẫu, đi đầu trong việc xây dựng và phát triển văn hóa. Tuy nhiên, PGS. Bùi Hoài Sơn nhận định dù đã có định hướng rất rõ ràng về xây dựng, phát triển văn hóa báo chí nhưng dư luận vẫn chứng kiến một vài hiện tượng tiêu cực liên quan đến văn hóa báo chí; đặc biệt là tình trạng người làm báo vì lợi ích cá nhân mà sẵn sàng vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp.

“Một số cơ quan báo chí, người làm báo xa rời tôn chỉ mục đích, chạy theo mạng xã hội, giật tít câu view, sử dụng thông tin, hình ảnh không phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam. Có những cơ quan báo chí chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo, định hướng về thông tin của các cơ quan quản lý báo chí gây tác động tiêu cực trong dư luận. Một bộ phận lãnh đạo trong các cơ quan báo chí, đội ngũ cán bộ, phóng viên... còn non yếu về bản lĩnh chính trị, chưa nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò, trách nhiệm, sứ mệnh, trách nhiệm xã hội của người làm báo; thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, chạy theo lối sống thực dụng, vị kỷ. Trong đó có một số vụ việc vi phạm nghiêm trọng, đã bị xử lý hình sự”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho hay.

Bàn về vấn đề này, nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, báo chí là sản phẩm có tính văn hóa do con người tạo ra, đáp ứng nhu cầu thông tin, tuyên truyền, giáo dục... Bản thân tác phẩm báo chí chứa đựng tri thức văn hóa, thông điệp có sức lan tỏa, tác động mạnh mẽ tới công chúng. Đặc biệt, nền báo chí cách mạng Việt Nam thời gian qua dưới dự lãnh đạo của Đảng luôn vững vàng về bản lĩnh chính trị, tinh thông nghề nghiệp; giữ vững đạo đức nghề nghiệp; nỗ lực phấn đấu phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Những phẩm chất cao quý ấy đã kết tinh thành giá trị văn hóa, được giữ gìn, trao truyền, trở thành niềm tự hào của những người làm báo cách mạng. Có thể nói, văn hóa “soi đường” cho sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam là vì lẽ ấy.

Khách quan, công tâm, bảo vệ sự thật

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho hay, những tiêu cực trong hoạt động báo chí hiện nay liên quan trực tiếp đến đạo đức nghề nghiệp, một phạm trù quan trọng của văn hóa. Vừa qua, có một bộ phận nhà báo tác nghiệp với những hành vi không chuẩn mực, gắn với việc theo đuổi lợi ích cá nhân, vụ lợi. Đây là hành vi phản văn hóa, để lại hình ảnh xấu. Cách làm nghề như vậy làm tổn thương danh dự của người làm báo chân chính, làm suy giảm uy tín và vai trò của báo chí.

Nhà báo Hồ Quang Lợi nêu rõ trong thời đại kỹ thuật số với sự lên ngôi của mạng xã hội, thông tin tràn ngập, một số phóng viên, nhà báo có biểu hiện chây ì, không đắm mình vào cuộc sống của nhân dân, không lấy chất liệu từ cuộc sống lao động; làm báo kiểu “salon”, chỉ ngồi trong phòng nhặt thông tin trên mạng, không kiểm chứng. “Làm như vậy là người làm báo đang “bẻ cong” ngòi bút, đánh mất chính mình, gây hậu quả cho xã hội. Mỗi khi viết, người làm báo phải xác định luôn khách quan, công tâm, tôn trọng sự thật. Tuyệt đối không được phép chạy theo những thông tin thiếu chính xác, không có sự kiểm chứng. Người làm báo phải nhận thức mỗi câu chữ mình viết ra đều mang sức nặng. Chỉ một thông tin sai sót có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của rất nhiều người. Nguy hại nhất là báo chí không còn giữ được bản chất văn hóa lành mạnh, tiến bộ, ảnh hưởng không tốt đến công cuộc xây dựng văn hóa và con người hiện nay. Khách quan, công tâm, bảo vệ sự thật; lấy cái đẹp, dẹp cái xấu; nêu cao các giá trị văn hoá là những gì người làm báo phải theo đuổi đến cùng trong quá trình làm nghề”, nhà báo Hồ Quang Lợi đặc biệt nhấn mạnh.

Để phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam với các giá trị văn hóa làm cốt lõi, PGS.TS Bùi Hoài Sơn khẳng định nâng cao nhận thức phải là câu chuyện được làm trước tiên, liên tục: “Các cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo phải có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về văn hóa báo chí. Từ đó, chúng ta mới hình thành nên các hành động cụ thể, tuân thủ tuyệt đối pháp luật để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa báo chí. Bên cạnh đó, mỗi nhà báo, phóng viên... phải trau dồi bản lĩnh chính trị, nghề nghiệp, làm nghề vì lợi ích của đất nước, phụng sự nhân dân. Để làm được điều này, các cơ quan báo chí, những người làm báo phải quán triệt tinh thần xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại; chú trọng kiến tạo không gian, môi trường văn hóa trong hoạt động báo chí. Đúng với câu nói của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại Hội Báo toàn quốc năm 2023 rằng: “Mỗi sản phẩm báo chí phải thấm đẫm tính nhân văn, lắng đọng giá trị văn hóa dân tộc, có sức lan tỏa lớn, tạo đồng thuận trong toàn xã hội, phản ánh sâu sắc hiện thực đổi mới vĩ đại của đất nước, quảng bá các giá trị tốt đẹp của văn hóa, đất nước, con người Việt Nam.”

Với những người làm báo trẻ, đội ngũ chuyên gia mong muốn lứa kế cận ngoài câu chuyện tập trung phát triển chuyên môn phải không ngừng trau dồi kiến thức về văn hóa báo chí, rèn luyện đạo đức; nỗ lực kế thừa phát huy những giá trị văn hóa báo chí mà các bậc tiền bối để lại. Từ đó, góp phần xây dựng, phát triển nền báo chí đoàn kết, chuyên nghiệp, văn hóa, sáng tạo xuyên suốt chiều dài lịch sử.

ĐÌNH TOÁN – THANH NGỌC

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top