Thay đổi tội danh đối với bác sĩ Hoàng Công Lương: Cơ quan điều tra đang lúng túng trong việc tìm ra chứng cứ pháp lý?

VH- Ngày 22.8, cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định số 10/PC45 về việc thay đổi quyết định khởi tố bị can. Theo đó, bác sĩ Hoàng Công Lương đã bị chuyển từ tội danh từ “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” sang tội danh “vô ý làm chết người”. Với tội danh này, bác sĩ Hoàng Công Lương phải đối mặt với mức án cao nhất lên đến 10 năm tù giam.

Thay đổi tội danh đối với bác sĩ Hoàng Công Lương: Cơ quan điều tra đang lúng túng trong việc tìm ra chứng cứ pháp lý? - Anh 1

Trước đó, sáng 29.5.2017, tại Đơn nguyên thận nhân tạo thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo thì có dấu hiệu bất thường. Sau khi được tích cực cấp cứu tại Bênh viện và chuyển xuống Bệnh viện Bạch Mai, 10 người đã được cứu sống,  8 người lần lượt tử vong, sau đó vài tháng, thêm 1 bệnh nhân khác bị tử vong do hậu quả của ca chạy thận hôm đó. Công an xác định nguyên nhân do nguồn nước chạy thận không đảm bảo.
Sau khi sự cố xảy ra, cơ quan cảnh sát điều tra đã truy tố bị can đối với ba người là bác sĩ Hoàng Công Lương, nhân viên Trần Văn Sơn về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”  và Bùi Mạnh Quốc về tội “Vô ý làm chết người”. Ngày 7.5.2018, Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và vô ý làm chết người” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Do thiếu vắng nhiều người tham gia tố tụng nên phiên tòa được hoãn. Tòa án đã mở lại phiên tòa sơ thẩm vào ngày 15.5.2018, xét xử kéo dài đến ngày 30.5.2018.  Trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử nhận thấy trong quá trình điều tra, truy tố, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm nên ngày 5.6.2018, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình đã tuyên trả hồ sơ vụ án để điều tra  bổ sung. 
Trong quá trình điều tra bổ sung, Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố bị can thêm đối với ba người, gồm: ông Trương Quý Dương – nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình,  ông Hoàng Đình Khiếu – Phó giám đốc Kiêm trưởng khoa Hồi sức tích  cực Bệnh viện và ông Trần Văn Thắng – nguyên Trưởng phòng vật tư và trang thiết bị Y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đều về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Cùng với việc khởi tố thêm 3 bị can, cơ quan cảnh sát Điều tra công an tỉnh Hòa Bình cũng đã ra quyết định thay đổi tội danh đối với bác sĩ Hoàng Công Lương. Đây là lần thứ 3 bác sĩ Hoàng Công Lương bị định tội: lần 1, ngày 22.6.2017, bác sĩ Hoàng Công Lương bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về chữa bệnh” theo điều 242- Bộ luật Hình sự năm 1999; lần 2 bị thay đổi tội danh thành tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 285 - Bộ luật Hình sự năm 1999. Đến ngày 22.8.2018, bác sĩ Hoàng Công Lương tiếp tục bị thay đổi tội danh thành “Vô ý làm chết người”  theo Điều 98 - Bộ luật Hình sự năm 1999 (nay là Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017. 
Phân tích dưới góc độ pháp lý, người phạm tội “vô ý làm chết người” phải đáp ứng đủ các yếu tố cấu thành tội phạm sau đây:
Về khách quan, hành vi của người phạm tội phải gây ra hậu quả chết người.
Về ý thức chủ quan, lỗi của người gây ra hành vi phạm tội là lỗi vô ý, bao gồm cả vô ý vì cẩu thả và vô ý vì quá tự tin.
Theo quy định tại Điều 10 Bộ luật hình sự thì vô ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:
Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
 Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước hậu quả đó.
Vô ý vì cẩu thả là trường hợp do cẩu thả mà người phạm tội không thấy trước được khả năng gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước hoặc có thể thấy trước. Tiêu chuẩn để xác định một người phải thấy trước và có thể thấy trước được hậu quả nguy hiểm cho xã hội là căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể lúc xảy ra sự việc, một người bình thường cũng có thể thấy trước; ngoài ra còn phải căn cứ vào độ tuổi, trình độ nhận thức, trình độ văn hóa, tay nghề, v.v...
Vô ý vì quá tự tin là trường hợp người phạm tội thấy trước được hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, nhưng tin rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được, nhưng hậu quả đó vẫn xảy ra.
Xét trong trường hợp cụ thể về hành vi của bác sĩ Hoàng Công Lương, có thể thấy chưa đủ yếu cấu thành tội phạm “Vô ý làm chết người”, vì về mặt chủ quan, bác sĩ Hoàng Công Lương không vô ý vì cẩu thả hay vô ý vì quá tự tin. Việc đảm bảo chất lượng của trang thiết bị y tế là trách nhiệm của Phòng vật tư và trang thiết bị y tế, bác sĩ chỉ có trách nhiệm khám chữa bệnh. Bác sĩ chỉ chịu trách nhiệm về hành vi vô ý làm chết người nếu lỗi đó liên quan đến hành vi khám chữa bệnh, ví dụ như vì quá tự tin là bệnh tình của bệnh nhân không nghiêm trọng mà không cứu chữa kịp thời dẫn đến tử vong thì phải chịu trách nhiệm về hành vi gây ra.
Trao đổi với báo chí, bác sĩ Hoàng Công Lương khẳng đinh: “Tôi vô tội. Không có căn cứ để kết luận tôi phạm tội vô ý làm chết người, bởi nguyên nhân khiến các bệnh nhân tử vong là do tồn dư hóa chất chứ không phải do việc khám chữa bệnh”.
Một số luật sư, chuyên gia pháp lý và  cán bộ y tế cho rằng, việc cơ quan điều tra liên tục thay đổi tội danh của bác sĩ Hoàng Công Lương cho thấy cơ quan điều tra đang rất lúng túng trong việc tìm ra các chứng cứ pháp lý để định tội bác sĩ Hoàng Công Lương.

 1. Vô ý làm chết một người (khoản 1 Điều 98)
Vô ý làm chết một người là trường hợp phạm tội tuy thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được hoặc người phạm tội không thấy hành vi của mình có thể xảy ra hậu quả chết người, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó và hậu quả đó chỉ có một người chết.
Người phạm tội vô ý làm chết một người thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 98 có khung hình phạt từ sáu tháng đến năm năm tù, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự thì Tòa án có thể áp dụng Điều 47 phạt người phạm tội dưới sáu tháng tù hoặc chuyển sang loại hình phạt khác nhẹ hơn.
2. Vô ý làm chết nhiều người (khoản 2 Điều 98)
Vô ý làm chết nhiều người là trường hợp người phạm tội tuy thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được hoặc người phạm tội không thấy hành vi của mình có thể xảy ra hậu quả chết người, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó và hậu quả có từ hai người chết trở lên.
Người phạm tội vô ý làm chết nhiều người thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 98 có khung hình phạt từ ba đến mười năm tù, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 thì Tòa án có thể áp dụng Điều 47 phạt người phạm tội dưới ba năm tù, nhưng không được dưới sáu tháng tù.



 
 

Ý kiến bạn đọc